Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương - năm 2022
KHI NHỮNG NGƯỜI "KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC" THAM NHŨNG
Tham nhũng của những người “không có quyền lực” xảy ra khắp nơi, muôn hình vạn trạng nhưng lại khó tố giác. Và điều quan trọng hơn, hậu quả của loại tham nhũng này không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn hao hụt sức dân và làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Anh chuyên viên, chị nhân viên, chú bảo vệ, thậm chí là cô lao công - những người tưởng chừng không có “quyền lực” lại vẫn có thể thực hiện hành vi tham nhũng. Bởi với vị trí, nhiệm vụ công việc của mình, họ hoàn toàn có nhiều cách để biến “của chung” thành “của riêng”, hạch sách, nhũng nhiễu để kiếm chi phí “bôi trơn”, “lót tay”. Và đó chính là hành vi của tham nhũng “vặt”.
Thập kỷ “truyền cảm hứng” về đấu tranh chống tham nhũng
Nhắc đến tham nhũng, nhiều người nghĩ rằng đó là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Đó là cách hiểu theo nghĩa hẹp. Phạm vi bài viết này muốn đề cập đến khái niệm “tham nhũng” theo nghĩa rộng hơn. Tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn và cả những người không có chức vụ, quyền hạn; biến của chung thành của riêng, biến những điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần của chung phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình. Theo cách hiểu này thì tham nhũng không chỉ là tham nhũng tiền của (chung) mà còn có kiểu tham nhũng thời gian, quyền lực...
Trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta có nhiều thành tựu đáng kể. Theo Tổ chức Minh bạch thế giới, chỉ số nhận thức tham nhũng đã tăng hơn 30 bậc. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, hơn 1.200 vụ đã được điều tra. Trong đó, hơn 730 vụ với hơn 1.500 đối tượng đã bị đưa ra tòa (baochinhphu.vn).
Những con số trên đến từ sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước công trong tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Cụ thể, công tác chống tham nhũng của nước ta đã bài bản hơn rất nhiều từ cơ chế, chính sách đến quy trình kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, đối tượng điều tra được mở rộng, không còn vùng cấm, lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo thuộc Bộ Chính trị cũng không ngoại lệ. Song hành với đó là tần suất thực hiện cũng tăng lên liên tục. Khâu xử lý sau tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản cũng đang được thực hiện ngày càng quyết liệt. Những điều đó đã truyền cảm hứng và tạo động lực rất lớn để toàn thể người dân bước vào cuộc chiến chống giặc nội xâm mang tên “tham nhũng”.
Dù đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi nhưng công cuộc chống tham nhũng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Nổi bật trong đó là khả năng thu hồi tài sản có được do tham nhũng còn chậm. Có một thực tế đáng suy ngẫm là số tiền tham nhũng trong 5 năm vừa qua nếu được thu hồi toàn bộ thì dư sức làm một tuyến cao tốc Bắc - Nam mà không cần thêm vốn ngân sách Nhà nước hay xã hội hóa. Ngoài ra, khả năng phát hiện, ngăn chặn tham nhũng từ sớm, từ xa vẫn còn hạn chế. Cuối cùng, cũng là một trong những hạn chế cần tập trung khắc phục nhất đó là còn xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”: Ở Trung ương làm rất tốt, rất quyết liệt nhưng khả năng phát hiện ở địa phương chưa cao. Và hầu hết những trường hợp đó chính là “tham nhũng vặt” - loại tham nhũng tác động trực tiếp đến niềm tin và lợi ích của nhân dân.
Tham nhũng vặt xuất hiện khắp nơi nhưng khó phát hiện!
Giá trị vật chất của những hành vi tham nhũng vặt thường không lớn nếu tách riêng lẻ từng sự vụ. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra ở nhiều nơi, liên tục từ ngày này sang ngày khác, thậm chí trở thành thông lệ và “văn hóa” thì những tổn thất về vật chất gây ra cho người dân không hề nhỏ. Và quan trọng hơn hết là tổn thất về mặt tinh thần. Nó làm cho dư luận bức xúc, người dân mất niềm tin. Xa hơn nữa là lợi thế cạnh tranh của đất nước bị giảm sút nghiêm trọng. Không một doanh nghiệp nước ngoài nào muốn đầu tư vào đất nước mà tình trạng tham nhũng diễn ra trầm trọng, chi phí “lót đường”, “bôi trơn” chiếm phần đáng kể trong chi phí sản xuất.
Tham nhũng vặt xuất hiện ở khắp nơi, và như một bệnh ghẻ ruồi, dễ lây lan và khó xử lý dứt điểm. Điều đáng quan tâm hơn là tham nhũng vặt đã xuất hiện từ lâu trong các công tác trọng yếu của Đảng và Nhà nước ta như công tác cán bộ, an sinh xã hội, y tế, thậm chí là giáo dục. Nguy hiểm hơn nữa là tình trạng này có sự đồng lõa của số đông và có tính tổ chức ở một số nơi.
Giữa năm 2022, khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố, nhiều người choáng váng khi ở Bạc Liêu có đến 90% doanh nghiệp phải trả chi phí “lót tay” cho cán bộ. Nghĩa là tuyệt đại đa số, nghĩa là việc chi trả những chi phí không chính thức gần như là điều tất yếu. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng chỉ ra có đến 73% doanh nghiệp cho rằng việc đó là “cần thiết” và là một trong những yếu tố quan trọng để có cơ hội thắng thầu!
Tham nhũng vặt diễn ra muôn hình, vạn trạng. Có khi núp bóng việc gặp gỡ, giao lưu; có khi thăm hỏi, tặng quà rồi cài cắm người mua lại với giá cao; có khi lợi dụng những ngày kỷ niệm để nhét phong bì dày hơn...
Rõ ràng, tham nhũng vặt xuất hiện ở khắp nơi, với nhiều hình thức khác nhau nhưng lại ít trường hợp phát hiện tố cáo. Thực tế, tham nhũng vặt chỉ khó phát hiện khi có đoàn thanh tra, giám sát và thật dễ phát hiện khi người bị tham nhũng vặt là những người yếu thế. Họ biết nhưng không dễ thu thập bằng chứng và việc khởi cáo còn cả một quá trình tốn nhiều thời gian, công sức. Và nhiều người chọn cách dễ dàng hơn đó là thỏa hiệp để được việc. Sự thờ ơ hoặc chung chi của nhiều người đáng ra là nạn nhân lại vô tình trở thành đồng phạm, tiếp tay cho tham nhũng vặt.
Tháng 5/2020, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại Hòa Bình, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (Cựu trưởng phòng khảo thí) đã nói một câu khiến dư luận sôi sục: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Câu nói đánh trúng vào nỗi đau, lòng tự trọng của những người liêm chính làm trong công tác giáo dục nói riêng và các bộ ngành khác nói chung. Thực tế có hiện tượng này nhưng nó chỉ dừng lại ở hiện tượng, xảy ra ở một số nơi nhưng không phải là bản chất của chế độ, của xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng vặt
Tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng là hành vi của cá nhân nên nguyên nhân trước tiên phải nói đến đó là con người. Bác Hồ từng nói, trong mỗi con người luôn tồn tại mặt ác và mặt thiện. Ngay cả khi mình làm việc tốt thì mặt ác vẫn còn đó, chỉ là nó đang bị kìm hãm. Nếu một người cán bộ không thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, không làm chủ được những nhu cầu vật chất và tinh thần của bản thân thì đến một lúc nào đó họ rất dễ bị tha hóa.
Ở một khía cạnh khác, bản chất của con người là mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Điều đó là chính đáng. Tuy nhiên, nếu sự mưu cầu đó làm tổn hại đến hạnh phúc của người khác thì cần phải được điều chỉnh, kiểm soát và ngăn chặn.
Như vậy, về yếu tố con người thì nguyên nhân dẫn đến tham nhũng vặt đó là cái ác trong con người và chủ nghĩa cá nhân. Nghĩa là vì lợi ích của mình sẵn sàng triệt tiêu lợi ích của người khác hoặc biến lợi ích của họ thành lợi ích của mình. Lợi ích ở đây bao gồm cả yếu tố vật chất và tinh thần.
Mặt khác, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng là một trong những yếu tố tạo ra tham nhũng vặt. Khi mức lương của một người cán bộ, công chức, viên chức không đủ để trang trải cuộc sống, họ phải tìm nhiều cách để tạo ra đồng tiền. Và một trong những cách nhanh, dễ thực hiện nhất là vòi vĩnh tiền của dân, hạch sách, cửa quyền để người dân lo sợ tìm cách “lót tay” cho công việc thuận lợi. Cùng với đó, sự im lặng và thỏa hiệp của một số người đã vô hình trung tạo “đất” cho tham nhũng vặt sinh sôi, nảy nở.
Những người yếu thế là nạn nhân chính
Người nông dân, khi nghe tin về những đại án tham nhũng trăm tỷ, nghìn tỷ, họ sửng sốt vì số tiền quá lớn, rồi dòng sự kiện đi qua, họ cũng không có thời gian, tâm trí đoái hoài tới nữa. Hoặc họ chỉ lo lắng một chút rồi lại thôi. Họ không nhìn thấy những ảnh hưởng của những sự vụ đó với đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, với tham nhũng vặt, người nông dân là người bị ảnh hưởng trực tiếp và trước mắt. Khi đến cơ quan công quyền, điều họ quan tâm là để tách được mấy thửa đất này phải mất bao nhiêu phí và bao nhiêu lâu, còn tới lui bao nhiêu lần nữa; họ quan tâm khi cầm thẻ bảo hiểm y tế vào bệnh viện, phải chờ bao lâu mới đến lượt, có được thăm khám nhiệt tình hay phải ngồi chờ mòn mỏi ở hành lang bệnh viện.
Những người yếu thế trong xã hội thường có thu nhập thấp và ít hiểu biết về pháp luật cũng như các quyền lợi chính đáng của bản thân. Trong khi đó, họ lại là những người phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ công. Một số người làm trong bộ máy nhà nước bị suy thoái đạo đức sẽ dựa vào điểm yếu này để tham nhũng vặt. Với họ, người yếu thế là những người thấp cổ bé họng, có “la khàn cổ” cũng chẳng ai hay. Trong khi đó, với người yếu thế, hậu quả của tham nhũng vặt có phần nghiêm trọng hơn. Bởi những chi phí “lót tay”, bôi trơn thường chiếm phần lớn thu nhập của họ.
Nói như vậy không có nghĩa là những người có lợi thế trong xã hội không chịu ảnh hưởng của tình trạng này. Với một doanh nghiệp lớn, việc chi vài triệu đồng cho một giấy phép thực hiện chương trình không quá khó khăn. Nhưng thử tưởng tượng nếu bất kỳ vấn đề gì liên quan đến dịch vụ công cũng cần chi phí “bôi trơn” thì tổng thất thoát đối với doanh nghiệp đó sẽ không nhỏ. Còn đối với quy mô hàng trăm doanh nghiệp như thế, tổn thất cho xã hội hoàn toàn có thể sánh ngang với các vụ tham nhũng lớn do một cá nhân thực hiện.
Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng này dễ thành thông lệ, tạo ra những rủi ro về mặt pháp lý, làm sai lệch quy trình, thủ tục hành chính và phá hoại môi trường pháp lý lành mạnh, minh bạch mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng.
5 yếu tố quan trọng đẩy lùi tham nhũng vặt
Các giải pháp đẩy lùi tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng đã được đề cập rất nhiều trong các kỳ Đại hội và trên báo chí. Nội dung bài viết chỉ muốn nhấn mạnh và tổng kết lại 5 yếu tố trọng tâm, then chốt góp phần đẩy lùi tham nhũng vặt. 5 yếu tố này cần được thực hiện đồng bộ và phối hợp với nhau thì mới khả thi và đạt được hiệu quả cao.
Một là xây dựng hành lang pháp lý. Chúng ta đã nó rất nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên vẫn chưa bao giờ là đủ vì thực tiễn vốn phong phú, đa dạng và thay đổi không ngừng. Vậy nên xây dựng hành lang pháp lý phải gắn liền với sửa đổi hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó là công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật và chế tài nghiêm minh, đủ sức răn đe. Nếu cái xấu đã “bám rễ” quá lâu thì giáo dục, tuyên truyền thông thường đôi khi không hiệu quả bằng một chế tài thật “nặng và nghiêm minh.
Hai là vấn đề về đạo đức, nghĩa là giáo dục con người. Tuyên truyền, vận động là cần thiết nhưng chưa đủ. Giáo dục một con người có đạo đức tốt, biết từ chối những cái không phải của mình là cả một quá trình đào tạo bài bản từ khi đứa trẻ ra đời. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của cả xã hội, trong đó trường học giữ vai trò rất lớn.
Ba là yếu tố chính trị, nghĩa là kiểm soát quyền lực thông qua cơ chế. Điều này tránh tình trạng những người làm trong cơ quan công quyền bị “ảo tưởng” quyền lực. Tự cho mình quyền ban phát, định đoạt cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Cơ chế kiểm soát quyền lực tốt cũng sẽ là công cụ hữu hiệu hạn chế lợi ích nhóm, cấu kết các phè phái để bòn rút tiền của dân và ngân sách Nhà nước. Cùng với “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế thì công khai, minh bạch quy trình làm việc, trách nhiệm giải trình cũng là điều kiện quan trọng để kiểm soát quyền lực, đẩy lùi tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng. Và việc này không chỉ dành cho cán bộ cấp quản lý, lãnh đạo. Thay vào đó, bất kỳ cán bộ, công chức nào cũng cần phải thực hiện và thực hiện nghiêm.
Bốn là yếu tố kinh tế, nghĩa là thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của những cán bộ, công chức, viên chức. Điều đó cũng có nghĩa là mức lương tương xứng với vị trí xã hội, với chức trách nhiệm vụ được giao và đảm bảo một cuộc sống đủ đầy. Những nước phát triển thường làm cách này để đẩy lùi tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng. Việt Nam cũng muốn thế nhưng với nền kinh tế đang phát triển, GDP bình quân đầu người vẫn đang ở mức trung bình thì tăng lương là điều không dễ. Và tăng bao nhiêu là đủ. Câu chuyện lại quay về ở yếu tố đạo đức - giáo dục.
Năm là phát huy khả năng giám sát trong nhân dân. Hơn 700 năm trước, trước khi mất hai tháng, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tâu với vua Trần Anh Tông rằng: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Mấy trăm năm sau, tư tưởng này một lần nữa được Bác Hồ khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Công cuộc kiến thiết đất nước nói chung và phòng chống tham nhũng nói riêng rất cần dựa vào sức dân. Mỗi người dân khi được giáo dục, tuyên truyền để hiểu rõ vai trò và quyền hạn của mình sẽ là nhân tố quan trọng trong việc phát hiện và đẩy lùi tham nhũng. Song song với đó là cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng để họ không bị trù dập; cơ chế khen thưởng xứng đáng.
Suy cho cùng, yếu tố cốt lõi nhất để phòng chống tham nhũng chính là con người. Con người đó cần phải được rèn luyện về đạo đức, phải được thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần. Và yếu tố then chốt nhất là sự chung tay của toàn thể người dân.
Cuộc chiến chống tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng sẽ còn lâu dài và không một quốc gia nào dám khẳng định sẽ “quét sạch” nó khỏi đất nước. Điều quan trọng là cuộc chiến này cần sự đồng lòng của toàn xã hội, im lặng hoặc thỏa hiệp chính là tiếp tay cho cái xấu, tự kéo đất nước đi xuống. Với sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, tin rằng tương lai tình trạng tham nhũng sẽ ngày càng giảm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và sự nhìn nhận của quốc tế với nước ta ngày càng được nâng cao./.
LA THỊ DIỄM MY - Chi bộ 2, Đảng uỷ Công ty cổ phần Bột giặt Lix
Đảng bộ Tập đoàn Hoá chất Việt Nam