.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Kỳ 3: Tiến đến xây dựng một doanh nghiệp hạnh phúc

Thứ Hai, 30/10/2023|18:14

Quan điểm của Đảng về xây dựng VHDN, văn hóa trong kinh doanh là sự kế thừa, phát triển các quan điểm về xây dựng văn hóa trong kinh tế được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra từ rất sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị bằng một luận điểm tiêu biểu: Văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị, nghĩa là tác động biện chứng và thúc đẩy lẫn nhau giữa các lĩnh vực cơ bản này của đời sống xã hội.

Nâng cao tay nghề trong sản xuất.
Nâng cao tay nghề trong sản xuất.

Theo học giả Đào Duy Anh trong cuốn Việt Nam văn hoá sử cương thì văn hoá không chỉ là những học thuật tư tưởng của loài người, không phải chỉ có tính cao thượng đặc biệt. Mà văn hoá còn bao gồm cả các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, cùng hết thảy các phong tục tập quán thường ngày. 

Với cách hiểu như vậy, có thể thấy VHDN chính là bao gồm cả triết lý, tôn chỉ, tầm nhìn, mục đích của doanh nghiệp nhưng lại cũng bao gồm cả những tập quán hoạt động hàng ngày trong doanh nghiệp, là cách thức ứng xử với nhau và với công việc trong quá trình làm việc. 

Việc xác lập các triết lý, tôn chỉ, tầm nhìn là nhiệm vụ của lãnh đạo cấp cao, mang tính dài hạn với thách thức lớn nhất là đạt được sự thấu hiểu và đưa toàn bộ doanh nghiệp hướng về mục tiêu đó. Đồng thời luôn có sự cập nhật, hiệu chỉnh bước đi cho phù hợp các biến đổi của môi trường kinh doanh. Nhưng rõ ràng, phần quan trọng còn lại của VHDN, với sự tham gia của tất cả các thành viên lại là các “sinh hoạt” hàng ngày trong tập thể.

Từ thực tiễn xây dựng và phát triển gần 30 năm, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã xây dựng “Văn hóa Vinatex” theo các trụ cột: (1) Nắm rõ việc mình làm, hiểu việc mình làm; giỏi việc mình làm; yêu việc mình làm. (2) Văn hóa không đổ lỗi, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm. (3) Cạnh tranh trên năng lực tập thể. (4) Tự hào vì thành quả tập thể. (5) Văn hóa học tập, đổi mới liên tục, học tập liên tục. (6) Văn hóa đoàn kết, tự tin và hội nhập. 

Trong thời gian qua, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã bám sát các trụ cột này để cụ thể hóa vào nhận thức, tư tưởng, hành động khi triển khai các nhiệm vụ được giao. Môi trường làm việc tại Tập đoàn, tại các đơn vị trong hệ thống ngày một chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại và thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác trong các lĩnh vực công tác. Dòng khẩu hiệu “Mỗi ngày đi làm là ngày hạnh phúc” được dán ở nhiều khu vực sản xuất dệt, may.

Chị Trương Thị Dung- Tổ trưởng Tổ 6 xưởng may 2, Công ty CP May 1, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định bộc bạch “Công ty là ngôi nhà thứ hai để mỗi người lao động cùng chung sức gây dựng. Kể cả trong những giai đoạn thăng trầm của đơn vị, hoạt động SXKD gặp khó khăn, chúng tôi vẫn gắn bó bám chuyền, bám nhà máy. Chúng tôi tìm được niềm vui và hạnh phúc riêng ở Công ty. Ở đó là văn hóa doanh nghiệp, tác phong kỷ luật trong lao động sản xuất, là tự hào giá trị truyền thống từ cái nôi của ngành dệt may Việt Nam và quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu SXKD từ “mắt xích” là người lao động. Mỗi “mắt xích” chất lượng ấy sẽ góp phần tạo nên những dây chuyền sản xuất luôn đều đều tiếng máy chạy, đáp ứng hiệu quả những đơn hàng… Đây cũng chính là nét đẹp đáng tự hào của Tổng Công ty nói chung và Công ty CP May 1 nói riêng”.

Cũng như vậy, anh Phạm Văn Hiếu - Công ty CP May 5 cho biết: Làm công nghệ may đòi hỏi người lao động phải thường xuyên trau dồi kỹ năng, tay nghề để có thể đưa ra những sản phẩm thời trang đa dạng, chất lượng thông qua hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ lại chuẩn về chất lượng sản xuất. Bên cạnh vận hành công việc mỗi ngày, chúng tôi còn được trang bị kỹ năng, hòa mình vào môi trường văn hóa đào tạo để nâng cao trình độ và cập nhật kỹ thuật mới… Tự hào truyền thống Dệt May Việt Nam, chúng tôi luôn nỗ lực lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến có giá trị để hợp lý hóa sản xuất, đem lại những sản phẩm đảm bảo tiến độ và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng.

Thực tế, các giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp ngày càng được thấm nhuần, dần trở thành những chuẩn mực đạo đức, lối sống của từng cá nhân, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh xuất sắc; kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ giao tiếp, ứng xử, phục vụ khách hàng có nhiều chuyển biến; môi trường giao tiếp, làm việc được cải thiện; củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên, người lao động và xã hội với Tập đoàn. Quy ước 5S được triển khai đồng bộ ở Văn phòng Tập đoàn, ở các nhà máy, dây chuyền với sự hưởng ứng tích cực, sáng tạo thể hiện đúng tinh thần “Ý thức quan trọng hơn kiến thức” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động về văn minh công sở, tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học và bắt nhịp với yêu cầu của công việc ngày càng phức tạp trên môi trường số. 

Công tác đào tạo nội bộ được đẩy mạnh và tổ chức thường xuyên, liên tục, tạo sinh khí mới trong môi trường hoạt động của Tập đoàn và là “kênh” quan trọng để cán bộ, đoàn viên, người lao động hiểu việc mình làm, giỏi việc mình làm, yêu việc mình làm…

Hệ thống truyền thông nội bộ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, lan tỏa VHDN, là nơi thông đạt hiệu quả các tôn chỉ, mục đích, quan điểm của lãnh đạo Tập đoàn, đơn vị đồng thời là diễn đàn chia sẻ giữa các doanh nghiệp, nêu gương tốt, nhận phản hồi của người lao động. Sự đa dạng trong các hình thức truyền thông, bắt kịp với đời sống số là nền tảng hạ tầng quan trọng cho việc xây dựng và lan tỏa VHDN.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn có hiện tượng có nơi, có lúc, cán bộ, đảng viên, đoàn viên nhận thức về xây dựng và phát triển con người Việt Nam hiện đại, xây dựng VHDN chưa đầy đủ; chưa thực sự hiểu công việc, hiểu chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, doanh nghiệp, của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả; công tác tuyên truyền về thực hiện VHDN chưa liên tục, chưa hấp dẫn tác động hiệu quả đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, người lao động… Điều này càng thôi thúc Đảng bộ Tập đoàn triển khai nghiêm túc và sâu rộng các mục tiêu của Nghị quyết 06-NQ/ĐUK đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong hệ thống.

Xây dựng và lan tỏa văn hóa hiểu việc mình làm, giỏi việc mình làm, yêu việc mình làm, học tập và cải tiến liên tục, tự hào với thành quả tập thể cũng chính là đang tiến đến xây dựng một doanh nghiệp hạnh phúc. Ở đó, mọi thành viên đều được quan tâm, chăm sóc và thấu hiểu. Môi trường sinh hoạt văn minh, chuyên nghiệp, nhưng ấm áp, thân thiện. Nhân viên chuyên nghiệp, trách nhiệm, tinh thông nghiệp vụ. Thấu hiểu công việc của mình và chia sẻ cả những khó khăn thách thức của đồng nghiệp, cũng như các đơn vị thành viên. Thực hiện công sở thông minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu mới của xã hội số. Tạo môi trường sáng tạo cao trong doanh nghiệp. Giảm dần hướng tới loại bỏ các hoạt động không tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Thực hiện các công việc có ý nghĩa, có đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Hoạt động sản xuất kinh doanh theo thị trường luôn có những áp lực mới, có thời điểm thuận lợi, thời điểm khó khăn, kết quả của mỗi năm chỉ là một cột mốc nhỏ trên hành trình lâu dài của doanh nghiệp. Chỉ có VHDN mới là giá trị lâu dài, đồng thời là nền móng vững chắc cho phát triển bền vững, nhất là trong những ngành đông lao động, cần sự thống nhất cao như ngành dệt may. Xây dựng được doanh nghiệp hạnh phúc chính là thước đo cho sự thành công bền vững của Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng như các đơn vị trong hệ thống.

Lê Tiến Trường - Nguyễn Kiều Giang, Đảng uỷ Tập đoàn Dệt may Việt Nam

 
.
Các bài viết khác:
.
.
.