Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023
Tăng "sức đề kháng" cho đảng viên trong tình hình mới - Bài 4: "Giã gạo" - bài học quý không bao giờ cũ
Thông điệp của Bác qua bài thơ “Giã gạo”, tập “Nhật ký trong tù”, qua nhiều năm vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa, như lời dạy không bao giờ cũ đối với các thế hệ đảng viên.
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công
(Giã gạo - Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh)
Thật vậy, trong công tác học tập rèn luyện, các giải pháp từ bên ngoài chỉ phát huy hiệu quả tối ưu nếu bản thân đảng viên có ý thức xây dựng, tự giác rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Với tư cách là nhân tố trung tâm của hoạt động sinh hoạt chuyên đề, từ phía mỗi đảng viên cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức, kinh nghiệm của mình qua quá trình học tập, rèn luyện, đúng như lời dạy của Bác: “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình” (4)
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, chủ động, nghiêm khắc đối với chính mình, nhận thức rõ những điểm hạn chế bất cập để tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu vươn lên. Sự tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên luôn có ý nghĩa quan trọng để làm gương trước tập thể và từ đó lan tỏa đến với quần chúng nhân dân. Người lao động sẽ làm việc tích cực và chăm chỉ hơn nếu lãnh đạo của họ tận tụy, xả thân với công việc; quần chúng sẽ hăng hái phấn đấu trở thành đảng viên hơn nếu họ thấy các vị lãnh đạo là những người tiêu biểu và gương mẫu về phẩm chất, năng lực, tác phong; người dân sẽ tin tưởng và hợp tác với chính quyền tốt hơn nếu họ thấy các cán bộ, công chức, đảng viên thực sự là công bộc của dân, đồng thời thể hiện được tư cách, đạo đức ngời sáng…
Việc học tập để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Mỗi đảng viên phải tự giác phấn đấu và tu dưỡng, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức được xây dựng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong từng tổ chức Đảng. Những phẩm chất đạo đức bao trùm, quan trọng nhất đối với mỗi cán bộ đảng viên theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm:
Một, Trung với nước, hiếu với dân. Đây là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất chi phối các phẩm chất khác của người cán bộ, đảng viên. Yêu cầu đầu tiên về đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên là phải có ý chí cách mạng, trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, gắn bó với nhân dân, dựa vào dân, học dân, lấy dân làm gốc. Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân...
Trung với nước chính là chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi điều kiện. Mỗi cán bộ, đảng viên là một mắt xích trong hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ mà tổ chức giao. Vì vậy, cán bộ, đảng viên cần ý thức về vị trí, vai trò của mình trong hệ thống để thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc, trách nhiệm, chuẩn mực, đúng pháp luật, đúng với quy định của tổ chức. Cán bộ, đảng viên phải luôn quan tâm, bảo vệ lợi ích của đất nước, của tổ chức mình tham gia. Bởi lợi ích chung được bảo đảm thì lợi ích của bộ phận, cá nhân mới được bảo đảm. Phải luôn đặt việc công lên trên việc tư, luôn quy chiếu lời dạy của Hồ Chí Minh: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”(5). Giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể luôn phải cân bằng, bảo đảm lợi ích chung và xem xét những lợi ích cá nhân có chính đáng hay không; tránh tư thù, tư lợi, bè phái, trù dập; vì cảm tình riêng, lợi ích riêng mà gây ra bất bình đẳng, bất công trong cơ quan, đơn vị.
Hiếu với dân trong điều kiện hiện nay là tôn trọng nhân dân, chăm lo lợi ích cho nhân dân, đặc biệt là không ngừng mở rộng dân chủ nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân.
Cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao thì phải dựa vào dân, phải biết gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, làm lợi cho dân. Ngoài phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên còn cần thể hiện thái độ khiêm tốn, thật thà đối với nhân dân.
Thực tế cách mạng cho thấy, đạo đức của người cán bộ, đảng viên là nhân tố quyết định nhất đến niềm tin của nhân dân với Đảng: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.(6)
Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Nguồn Internet). |
Hai, người cán bộ, đảng viên phải vươn tới chân, thiện, mỹ của cuộc sống con người với năm đức tính Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm: 1) - Nhân là thật thà thương yêu hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, không sợ oai quyền...; 2) Nghĩa là ngay thẳng, không tư tâm. Lúc Đảng giao cho việc thì bất kỳ to hay nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc trái phải nói. Không sợ người ta phê bình và phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn; 3) Trí là đầu óc trong sáng, sáng suốt. Biết xem người. Biết xem việc. Biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng? Cất nhắc người tốt. Đề phòng người gian; 4) Dũng là dũng cảm. Gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Có gan chống lại vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát; 5) Liêm là không ham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham người tâng bốc mình. "Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ".
Ba, người cán bộ, đảng viên phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Theo Hồ Chí Minh, đó là chuẩn mực đạo đức quan trọng của người cán bộ, đảng viên. Theo Người, "Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai, làm việc với năng suất cao. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí. Liêm là trong sạch. Chính là không tà, thẳng thắn, quang minh chính đại, không ngần ngại khi phê bình người khác nhưng phê bình phải có cái "tâm", đồng thời biết lắng nghe tiếp thu ý kiến phê bình, không thù ghét cá nhân. Chí công vô tư là làm những việc ích quốc lợi dân” (7) . Hồ Chí Minh chỉ rõ "cần - kiệm – liêm” là gốc rễ của “chính”. Như một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải có chính mới là người hoàn toàn. Theo Hồ Chí Minh: "Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc; Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính; Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.(8)
Thấm nhuần lời dạy của Bác, mỗi cán bộ đảng viên cần phải luôn trau dồi phẩm chất đạo đức “Cần cù” trong học tập, trong lao động sản xuất. “Cần” không có nghĩa là làm cho có, không phải là làm miệt mài vô thức, không tính toán hiệu quả mà “Cần” phải đi đôi với kế hoạch khoa học, tính toán trình tự, phương pháp thực hiện công việc, phân công lao động để đảm bảo phát huy tối ưu năng lực sở trường của mỗi người, tính toán sao cho sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả nhất. Kế hoạch tốt sẽ giúp con người lao động “không hao thì giờ, tốn lực lượng, mà việc lại mau thành”.(9)
“Cần” cũng phải đi liền với sáng tạo để đạt được năng suất và giá trị cao. Trong chữ “Cần” bao hàm cả nghĩa làm việc chuyên chú để tìm tòi, sáng tạo ra cách làm để đạt năng suất và hiệu quả cao nhất, sản phẩm tạo ra có giá trị cao hơn. Chính sự cần cù, siêng năng, chuyên tâm là mảnh đất màu mỡ để tài năng và sáng kiến của con người nảy nở. Khi thực hành đức “Cần”, cán bộ đảng viên phải gắn cần cù với kế hoạch, cần cù với trí tuệ và cần cù với hiệu quả, không thể tách rời.
Không chỉ “Cần” trong lao động, người đảng viên còn phải “Cần” trong học tập, rèn luyện. Hồ Chí Minh đã nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời... Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (10). Vì thế, mỗi đảng viên phải không ngừng học tập, tiếp tục nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ Nam cho quá trình nhận thức đi lên Chủ nghĩa xã hội, học từ sách vở với những kiến thức mới được nhân loại bồi đắp không ngừng, học từ thực tế muôn màu với nhiều bài học sống động và thấm thía, học từ nhân dân với những giá trị nhân văn và ước vọng về xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc…
Những tác phẩm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Theo Hồ Chí Minh, “tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” (11). Người tiết kiệm là phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất, theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng”.(12).
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vai trò của tiết kiệm trong tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đối với mỗi cá nhân, kiệm là một trong 4 đức “cần, kiệm, liêm, chính”. Đối với cả dân tộc, tiết kiệm là sức mạnh của văn hóa và đạo đức. Bởi vì theo Người, “một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.(13)
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm bao gồm nhiều nội dung và ở mọi thời điểm, tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm.
Tiết kiệm sức lao động, tức phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất lao động, “1 người làm bằng 2,3 người”. Cụ thể hóa trong điều kiện hiện nay, mỗi cơ quan, đơn vị phải sắp xếp hợp lý và tinh gọn bộ máy sao cho khai thác được tối ưu nguồn nhân lực, sản lượng công việc làm ra là kết quả tối ưu nhất của lực lượng lao động. Đồng thời, cần tổ chức quá trình sản xuất kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng năng suất lao động và thay thế những công việc có tính chất lặp lại, không đòi hỏi sự sáng tạo của con người bằng trí thông minh nhân tạo, bằng việc tin học hóa các chương trình quản lý, số hóa các dữ liệu…
Tiết kiệm thời gian của mình và của người khác cũng là một hành động tiết kiệm nguồn lực. Vì theo Người, “thời giờ tức là tiền bạc”, Người căn dặn: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân” (4). Giải pháp để tiết kiệm thời gian là thực hiện đúng kỷ luật lao động về giờ giấc làm việc, tập trung và làm việc nghiêm túc những công việc được phân công tại cơ quan, đơn vị, không chiếm dụng thời giờ làm việc vào việc riêng, những việc không tạo ra năng suất và giá trị. Trước mỗi công việc, chương trình làm việc cần xây dựng kế hoạch khả thi, trong đó phân công nhân sự và thiết lập các thời hạn phù hợp. Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian, mỗi cán bộ đảng viên cần tìm tòi, sâu sát để thấu hiểu bản chất của công việc, phát hiện những vướng mắc và tập trung vào tìm kiếm giải pháp để gỡ các nút thắt, đầu tư thời gian vào xây dựng giải pháp hơn là đắm chìm với những tồn tại rồi chỉ trích và đổ lỗi.
Tiết kiệm tiền của của Nhà nước, của nhân dân và của chính mình. Các biện pháp tiết kiệm các nguồn lực vật chất cho cơ quan, tổ chức chính là tiết kiệm tiền của của nhân dân, trong đó có bản thân đảng viên. Những nguồn lực vật chất hữu hình có thể tiết kiệm được dễ dàng nhận thấy gồm: tiết kiệm tài nguyên, tiền vốn, năng lượng (điện, nước, …), nguyên, nhiên vật liệu, nhân công, diện tích nhà xưởng, chi phí mua sắm, đầu tư trang thiết bị, máy móc, chi phí kho bãi, vận chuyển, chi phí quảng cáo, truyền thông và toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ, hoặc thực thi công việc, tạo ra hiệu quả tối ưu với nguồn lực tiết kiệm nhất.
Ngoài ra có tiết kiệm sức dân, tiết kiệm nhân tài, tiết kiệm lời nói…, cụ thể là: Tiết kiệm sức dân, “phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta” (15). Việc tiết kiệm sức dân có thể cụ thể hóa bằng giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trong đơn vị, xây dựng môi trường làm việc công bằng, nhân văn, xây dựng nội quy, kỷ luật lao động của đơn vị bảo vệ tối ưu người lao động về thời gian, cường độ làm việc để người lao động không chỉ được tái sản xuất sức lao động mà còn có tâm lý thoải mái, dễ chịu ở nơi làm việc và trong sinh hoạt tập thể, có động lực và được truyền cảm hứng tham gia các phong trào thi đua. Bản thân mỗi Đảng viên cần tìm tòi và đúc rút kinh nghiệm để phân công công việc hợp lý, tiết kiệm nguồn nhân lực. Cần tiếp thu ý kiến của nhân dân, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp và nghiên cứu các quy định, chính sách, hướng dẫn, quy trình công việc để đóng góp ý kiến cho đơn vị hoàn thiện hệ thống văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan đến việc quản lý và khai thác nguồn nhân lực.
Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm” (16). Với các cơ quan đoàn thể, phải hết sức tránh “tình trạng là hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết rồi mà không làm” (17). Việc tiết kiệm lời nói có thể được thực hiện bằng nhiều cách, đó là người cán bộ phải đi trước, dùng hành động để hiện thực hóa định hướng, đường lối và nghị quyết, làm gương cho quần chúng nhân dân, người lao động, không khoa trương, không hô khẩu hiệu; các cuộc họp, hội nghị, hội thảo phải được tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn và có giá trị trong việc khắc phục khó khăn hoặc nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nói về đức “Liêm”, theo Hồ Chí Minh, Liêm là liêm khiết, “không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân” (18). Liêm còn là trong sạch, không tham lam. “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình” (19). Cuộc đời của Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ: Với những người chỉ có “một ham muốn, ham muốn tột bậc” là độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân thì những thứ như tiền tài, địa vị, danh tiếng... không quan trọng đối với họ, họ “chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, trong sạch, liêm khiết, thanh liêm chính là Liêm.
Hồ Chí Minh không dừng lại ở việc phân định cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì phải xây, cái gì phải chống mà còn đề ra các biện pháp giúp cán bộ và nhân dân rèn luyện đức Liêm. Trong thời đại hiện nay, vận dụng lời dạy của Bác, để duy trì và củng cố đức Liêm trong mỗi cán bộ đảng viên cần thực hiện những biện pháp sau:
Một biện pháp mang tính nền tảng là: Phải nâng cao trình độ dân trí của nhân dân. Bản thân mỗi đảng viên phải là lực lượng đi đầu trong việc nâng cao nhận thức và hiểu biết Pháp luật. Trước hết là phải thực hiện nghiêm Luật pháp, phải hiểu rõ và dứt khoát từ chối các hành vi vi phạm pháp luật như: để lộ bí mật Nhà nước, đưa, nhận hối lộ, móc ngoặc, tham ô, thiếu trách nhiệm gây hậu quả,… Cao hơn nữa là chủ đồng phòng tránh và phát hiện, lên án các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật. Với tư cách là công dân, cần phải thấu hiểu được các quyền: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Dân trí không chỉ là học vấn, là kiến thức mà còn là trình độ giác ngộ nhân quyền. Nâng cao trình độ am hiểu luật pháp của người dân chính là môi trường tốt nhất cho việc giám sát cán bộ đảng viên và các cơ quan quản lý Nhà nước thực hành đức Liêm và nâng cao tính liêm chính của toàn xã hội.
Cán bộ, đảng viên phải đi đầu, là tấm gương trong việc thực hành chữ Liêm thông qua những hành động cụ thể như “tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân;... mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường” (20). Cán bộ, đảng viên nhất thiết phải Liêm, vì nếu quyền hành không đi cùng với lương tâm và liêm sỉ sẽ tạo cơ hội hạch sách, nhũng nhiễu và đục khoét nhân dân. Không chỉ tự giác thực hành đức Liêm, mỗi cán bộ đảng viên phải có trách nhiệm giáo dục đức Liêm cho người khác, nếu không, dù họ trong sạch đến mấy vẫn chỉ là “Liêm một nửa” (21). Đối với việc thực hành đức Liêm, chân lý giản dị mà Bác Hồ đã nhắc nhở vẫn luôn là những lời dạy hết sức thấm thía: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (22)
Hiện nay, đức Liêm, đức Chính được đặt lên vị trí hàng đầu trong hệ giá trị đạo đức cách mạng. Để xây dựng văn hóa liêm chính trong tổ chức, thứ nhất cần duy trì đoàn kết và sự liêm khiết, minh bạch từ cán bộ lãnh đạo đến đảng viên và quần chúng nhân dân. Đồng thời, tổ chức Đảng phải luôn duy trì được giá trị nền tảng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” (23) như lời dạy của Hồ Chí Minh. Mỗi thành viên trong tổ chức, từ cán bộ lãnh đạo, đến đảng viên phải luôn là tấm gương thực hành liêm chính để có sức lan tỏa văn hóa liêm chính trong toàn tổ chức
Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần “vì dân phục vụ” nhằm nâng cao ý thức thực hành đức liêm, chính. Từ những gì được tuyên truyền, giáo dục tư tưởng tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải hiểu rằng “tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân. Nếu cán bộ giữ được đức Liêm, Chính thì họ không chỉ mang lại điều lợi cho dân cho nước, điều ích cho Đảng mà chính họ cũng có lợi ích lâu bền. Ngược lại, nếu không giữ được đức liêm, “khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng” (24).
Thứ ba, là một thành viên trong tổ chức, mỗi cán bộ đảng viên cần thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức nhân sự, trong đó có: tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo. Theo đó, phải thấu hiểu rõ trách nhiệm của người bổ nhiệm, người giới thiệu, đề cử, cần ủng hộ phương pháp tổ chức thi tuyển để lựa chọn cán bộ, công chức có đạo đức, có năng lực một cách công khai, minh bạch, đúng quy định. Không vì động cơ cá nhân, không vì lợi ích nhóm mà đưa người thân quen thiếu năng lực và phẩm chất, thiếu uy tín vào tổ chức
Thứ tư, phải chấp nhận thay đổi và chủ động thay đổi đối với việc tinh giản bộ máy theo hướng kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức hoặc buộc từ chức mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác đối với những cán bộ làm việc kém hiệu quả, có dấu hiệu bất liêm, có phiếu tín nhiệm thấp. Kiện toàn, sắp xếp bộ máy quản lý giảm thiểu sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, và đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế theo hướng công khai, minh bạch để “Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, dẹp chỗ trú ẩn của tiêu cực, tham nhũng. Cán bộ, đảng viên phải làm quen với “văn hóa từ chức” khi bản thân không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kết quả công tác kém, để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình phụ trách…
Thứ năm, phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đảng viên trong công tác kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định về kê khai tài sản, thu nhập đối với đảng viên và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo tạo môi trường minh bạch, liêm chính, xây dựng và củng cố uy tín của nhà lãnh đạo, của tập thể.
Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (25). Vì thế, bên cạnh công tác học tập rèn luyện, công tác phê bình và tự phê bình cũng là một hoạt động quan trọng có tính chất cách mạng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Mỗi cán bộ đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong mọi hoàn cảnh, thường xuyên tự soi, tự sửa với tinh thần mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “còn Đảng thì còn mình”, “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Trần Thị Khánh Ngọc, Đảng bộ Chi nhánh TCT HKVN khu vực Việt Nam (CNVN)
NGUỒN TRÍCH DẪN GHI CHÚ
1 – Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 113.
2 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.210.
3 – Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, tập 5, trang 269 và 273
4 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.333
5 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.6, tr.131.
6 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr.16
7 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011Sđd, t.6, tr.118
8 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 117
9 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.119
10 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Sđd, tr.377
11 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.122.
12 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,sđd, tập 6, tr.124.
13 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, sđd, tập 6, tr.128.
14 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, sđd, tập 6, tr.123
15 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, sđd, tập 13, tr.70.
16 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, sđd, tập 3, tr.457.)
17 – Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQGQG, HN, 1996, tập 10, tr.139.
18 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Sđd, t.19, tr.145
19 – Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.292,
20 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.135,
21 – Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, Sđd, tập 7, tr.220.
22 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, sđd, t.6, tr.16
23 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, Sđd, t. 12, tr. 403
24 – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội 2011, t.5, tr.123
25 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NxbCTQG.H.2002,tr.557-558