.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023:

Tuổi trẻ BIDV chung tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Thứ Năm, 19/10/2023|15:16

Mạng xã hội ngày nay đang là phương tiện cung cấp thông tin và truyền thông hiệu quả, nhưng đây cũng là công cụ mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Nhận diện chính xác các thủ đoạn thâm độc đó và chung tay đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó có tuổi trẻ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng đã nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam và tiến trình lịch sử thế giới. Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh(1).

Trong thực tiễn xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời có phát triển, sáng tạo trong từng thời kỳ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Chính vì vậy, hệ tư tưởng của Người đã luôn là nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, là ánh sáng soi đường đưa cách mạng của dân tộc Việt Nam ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để ngày hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình với một nền chính trị ổn định, cuộc sống của nhân dân ngày càng phát triển.

Để có thể xây dựng được nền tảng tư tưởng trong Đảng đã khó, và đạt được mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng đó sao cho bền vững, trường tồn còn khó hơn gấp bội. Mục tiêu đó đòi hỏi tất cả các cán bộ, đảng viên và Nhân dân đều cần được học tập và quán triệt sâu sắc về Chủ nghĩa Mác - Lênin,  Tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó biết cách vận dụng một cách sáng tạo vào hoạt động thực tiễn; đồng thời xây dựng được cho bản thân mình một lập trường tư tưởng vững vàng, có niềm tin son sắt vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, kiên quyết không bị dao động, hoang mang trước những âm mưu, thủ đoạn, trước những nội dung tuyên truyền, đả kích, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Có như vậy mới thực sự đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước Việt Nam ta, để sự phát triển của đất nước ta được nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức. Một trong số đó phải kể đến là việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Thực trạng sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, cùng với đó là xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ thì internet, mạng xã hội đang trở thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Đã không còn xa lạ khi nhắc đến các cụm từ như: facebook, youtube, instagram, website, blog, zalo,… Mạng xã hội đã không chỉ đơn thuần là phương tiện giải trí mà đã dần trở thành môi trường, thành công cụ để làm việc, học tập, thậm chí còn là nguồn thu nhập của không ít người dân. Trong đó đặc biệt đối tượng sử dụng nhiều nhất và đang có chiều hướng ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ sử dụng, đó là lớp trẻ - những người hết sức nhạy bén và tiếp cận nhanh với công nghệ mới. Không những thế, mạng xã hội còn là nơi để các thế lực thù địch lợi dụng làm công cụ để tăng trường các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Đối tượng hướng đến của các hoạt động tuyên truyền, chống phá, phản động đó chủ yếu là các trí thức, văn nghệ sỹ; cán bộ, đảng viên (nhất là cán bộ hưu trí), các cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thế hệ trẻ (nhất là học sinh, sinh viên, người lao động trẻ),…

Với dân số khoảng 95 triệu người và đang trong thời kỳ dân số vàng (dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2039), trong đó tỷ lệ sử dụng internet chiếm đến hơn 65% thì Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet. Theo thống kê về mục đích thì ở Việt Nam có trên 90% sử dụng internet để truy cập vào các trang mạng xã hội, trong đó phổ biến nhất là: Facebook, Zalo, Youtube, Instagram,… Đặc biệt riêng Facebook đã có đến gần 60 triệu người Việt Nam sử dụng (đứng vị trí thứ 7 thế giới).

Vậy, trong “thế giới phẳng” đó làm thế nào để phân biệt được rõ đâu là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và đâu là ý kiến của Nhân dân, là tình cảm yêu nước? Làm thế nào để nhận biết được đâu là bạn và đâu là thù? Đó là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết để đề ra được những cách thức, biện pháp đấu tranh cho phù hợp nhằm hướng đến mục tiêu “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”. “Không phân biệt rõ bạn và thù” là một “sai lầm nghiêm trọng”. Bởi vậy, nhận diện “bạn” - “thù” trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và trên mạng xã hội nói riêng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong đó, cần hiểu rõ về “thù” để có những biện pháp phù hợp trong việc đấu tranh chống lại những luận điểm sai trái, hoặc thuyết phục họ trở thành những người “bạn” của ta. Bên cạnh đó, hiểu rõ bạn - thù là để một mặt vận động, thuyết phục những người chưa tin trở thành những người có niềm tin vào chính quyền, vào Đảng, vào chế độ của Nhà nước ta; mặt khác là để có thể xử lý đúng người, đúng tội, tránh tình trạng quy chụp, áp đặt cực đoan để vô tình làm đánh mất “bạn”. Điều này càng thể hiện rõ trên không gian mạng xã hội, bởi đó là nơi mà bạn - thù là hai khái niệm có ranh giới khá mong manh, trong thế giới ảo với sự giả mạo, ẩn danh, thật giả lẫn lộn thì việc phân biệt rạch ròi được đâu là bạn, đâu là thù không phải là vấn đề đơn giản. Nhận diện bạn - thù đòi hỏi sự tinh tế, nhạy bén và ứng xử phù hợp trong từng trường hợp cụ thể. Có làm được như vậy mới có thể đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách hiệu quả.

Sự phát triển siêu tốc của Internet, mạng xã hội,… đã làm cho các thông tin được đăng tải và lan truyền một cách nhanh chóng, trong đó có không ít những thông tin không được kiểm soát về tính đúng đắn, tính chân thực của vấn đề, do đó gây không ít khó khăn cho công tác tiếp nhận, luận giải để hiểu rõ, hiểu đúng về nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa của nước ta là một quá trình lâu dài và nhiều thách thức bởi chúng ta quá độ đi lên CNXH (bỏ qua chế độ Tư bản chủ nghĩa). Trên thực tế hiện nay, sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của Chủ nghĩa tư bản tại các nước trên thế giới, các tác động mặt trái của cơ chế thị trường, cùng với sự kéo dài của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta đã dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên; đâu đó vẫn còn sự tồn tại của nạn tham nhũng, của lợi ích nhóm,… Những hạn chế và tồn tại đó chính cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng tạo nên mâu thuẫn, gây ra những luận điểm sai trái bằng những tin, bài xấu, độc, xuyên tạc, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tường Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; từ đó gây tâm lý tiêu cực và làm lung lay niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Nhận diện một số biểu hiện sai trái, lệch chuẩn trên mạng xã hội hiện nay

Có thể nói việc sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube, Instargram,…) hiện nay đang là con dao hai lưỡi. Một mặt cung cấp cho chúng ta những kiến thức, thông tin mang tính thời sự và cập nhật; nhưng mặt khác cũng đứng trước nguy cơ bị mạng xã hội dẫn dắt một cách thái quá, mất kiểm soát dẫn đến sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thường xuyên có cái nhìn tiêu cực về mọi vấn đề, sự kiện. Thực tế thời gian vừa qua đã cho thấy bất cứ hiện tượng, sự việc nào trong thực tiễn đời sống đều có thể bị lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ hoặc suy diễn - quy chụp trên không gian mạng. Nếu như chúng ta không tỉnh táo, không đủ kỹ năng trình độ để nhìn nhận, phân tích đánh giá các thông tin trên mạng xã hội thì sẽ rất dễ bị trở thành đối tượng mục tiêu của các âm mưu, các thế lực thù địch và vô tình trở thành công cụ mà các phần tử xấu lợi dụng để đạt được mục tiêu của họ.

Xuất phát từ sự thoải mái bày tỏ tâm tư, tình cảm, chính kiến, quan điểm mà mạng xã hội đã là môi trường để các cá nhân được thỏa sức thể hiện những gì mình nghĩ bằng việc nói, viết, chia sẻ. Trong đó bên cạnh các thông tin tích cực thì có không ít các thông tin mang tính tiêu cực hoặc các nội dung chưa được kiểm chứng về tính chân thực và đúng đắn. Thậm chí tốc độ lan truyền, ảnh hưởng của các thông tin, những hiện tượng xã hội “màu xám” lại lớn hơn rất nhiều so với các thông tin, những hình ảnh tích cực. Do đó, đòi hỏi những người sử dụng mạng xã hội - nhất là các bạn trẻ cần tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết như một cách tạo cho mình một sức đề kháng nhất định trước các tác động bất lợi, tiêu cực luôn tiềm ẩn mọi lúc, mọi nơi trên Mạng xã hội. Tránh bị thụ động, thiếu kiến thức và kỹ năng dẫn đến bị rơi vào những bẫy tin giả và những hệ lụy không đáng có khi tham gia mạng xã hội. Có thể nhận thấy một số biểu hiện tiêu cực đang diễn ra hiện nay mà những người sử dụng mạng xã hội cần biết để sớm nhận biết, phát hiện để có biện pháp phòng tránh kịp thời như sau:

Một là, nhiều người do thời gian và tần suất sử dụng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến bản thân cảm thấy mệt mỏi, xa rời thực tế cuộc sống.

Hai là, một bộ phận không ít người (đặc biệt là các bạn trẻ) có thái độ tranh luận, bình luận quá khích, gay gắt và bày tỏ quan điểm, thể hiện cái tôi cá nhân một cách thái quá trênmMạng xã hội và tự cho mình một vị thế ảo trên không gian mạng. Trong đó bao gồm cả những cá nhân có học hàm, học vị nhất định trong xã hội nhưng chỉ vì có cái nhìn phiến diện nên đã có những đăng tải tiêu cực, gây ảnh hưởng đến những người khác cùng tham gia Mạng xã hội.

Ba là, bắt chước, học làm theo những hành động lệch chuẩn được đăng tải trên mạng xã hội, có thể kể đến những hành động sai trái như: chống lại người thi hành công vụ khi tham gia giao thông; sử dụng các clip cắt ghép để công kích tôn giáo, văn hóa, đạo đức xã hội; lợi dụng kẽ hở luật pháp để nói xấu, đặt điều về chế độ chính sách của Nhà nước ta,…

Bốn là, nhiều người tự chìm đắm vào mạng xã hội dẫn đến việc tự đề cao bản thân một cách thái quá, xa rời thực tiễn và dần dần tự chuyển biến trong tư tưởng, đạo đức mà bản thân không thể nhận ra, hoặc khi nhận ra thì đã quá muộn. Mặt khác, quên đi công việc chuyên môn của chính bản thân mình; đi ngược với tôn chỉ và đạo đức hành vi của ngành mà mình đang công tác, cống hiến làm việc.

Năm là, một bộ phận những người nổi tiếng (ca sỹ, diễn viên, người mẫu,…) sử dụng mạng xã hội nhằm mục đích quảng cáo, PR cho các nhãn hàng. Tiếp đó đã bị các đối tượng khác lợi dụng để bóc phốt, tống tiền, gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội.

Sáu là, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự phát triển vượt bậc của Internet và mạng xã hội để xây dựng nhiều trang tin có nội dung xấu, độc, các tên bài giật tít có nội dung nhạy cảm để thu hút nhiều lượt xem, bình luận,… qua đó khéo léo xen lẫn các thông tin chống đối, phản động nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Như vậy, cần làm gì để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng? Trước hết, mỗi một cán bộ, đảng viên, người dân Việt Nam dù sinh sống học tập, công tác ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào ngoài lãnh thổ quốc gia cũng cần phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần bám sát định hướng chỉ đạo, hướng dẫn trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Đây là nhiệm vụ cấp bách, là đòi hỏi tính khách quan và đồng thời cũng là việc làm thường xuyên, cơ bản, mang tính lâu dài.

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nhấn mạnh: Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp đó Đại hội XIII của Đảng vào tháng 1/2021 đã tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lốì sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Xây dựng Đảng muốn mạnh thì phải mạnh ngay từ trong tư tưởng, theo đó đòi hỏi sự kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Bên cạnh đó cần coi trọng và thực hiện có hiệu quả, thực chất hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến thông qua phương thức nêu gương, trong đó cần phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

 Hai là, cần nâng cao tính chủ động trong việc nắm tình hình, phát hiện sớm dấu hiệu, biểu hiện của hoạt động chống phá để kịp thời có biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đối với những người sử dụng mạng xã hội cần đặc biệt nâng cao cảnh giác và kiên quyết vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bản thân bị hoang mang, dao động trước sự tấn công trên mặt trận chính trị, tư tưởng. Đồng thời tạo khả năng “miễn dịch” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ trong việc chủ động có biện pháp ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi thủ đoạn tung tin xuyên tạc trên không gian mạng.

 Ba là, cần xây dựng, phát triển lực lượng đấu tranh một cách chuyên sâu, có nòng cốt cụ thể để nâng cao khả năng dự báo, xử lý kịp thời các vấn đề khi có phát sinh. Trong cuộc chiến thông tin đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay, cần có một “Tư lệnh” để làm chủ thông tin và can thiệp kịp thời khi có những luận điểm, thông tin sai trái, đặc biệt là trên không gian mạng xã hội. Tính nhanh nhạy của internet và mạng xã hội đòi hỏi các cơ quan chuyên trách này phải thực hiện tốt vai trò phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời và liên tục; xây dựng một hệ thống, cơ chế cung cấp thông tin cực kỳ nhanh nhạy và chính xác cao cho báo chí trong nước. Bởi chỉ khi được đáp ứng đủ nhu cầu về thông tin thì mới hạn chế được tối đa việc tìm kiếm thông tin không chính thống bên ngoài của công chúng (trong đó có những người tham gia mạng xã hội).

 Bốn là, cần nâng cao tính đoàn kết trong Nhân dân và tăng cường mối quan hệ mật thiết, chủ động nắm bắt thông tin và có ứng xử linh hoạt, phù hợp trong đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân trên mọi phương diện của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội. Làm được điều này thì Đảng mới thực sự gần dân, hiểu dân và được dân tin tưởng, ủng hộ, tránh được những âm mưu và diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

 Năm là, riêng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải nghiêm túc, gương mẫu chấp hành 19 điều đảng viên không được làm, trong đó chú trọng các điều liên quan đến phát ngôn: trong đó cần chấp hành nghiêm kỷ luật trong phát ngôn, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và của cơ quan, đơn vị. Tham gia mạng xã hội trên tinh thần chủ động nắm bắt, có chọn lọc thông tin theo mức độ tin cậy và đúng đắn; tỉnh táo và kiểm chứng thông tin trước khi bình luận, chia sẻ trên các trang mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp, lưu trữ, chia sẻ, phát tán các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, giả mạo,… Mặt khác kiên quyết chống lại và có báo cáo với cơ quan chức năng ngay khi phát hiện ra các vi phạm để kịp thời có ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Tuổi trẻ BIDV cần phải làm gì để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng?

Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

Ngày nay, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động ngày càng trở lên tinh vi, khó lường đón, khó phát hiện hơn. Trong đó đặc biệt là việc lựa chọn thanh niên, những người trẻ tuổi tham gia mạng xã hội làm đối tượng chủ yếu để tấn công, lợi dụng thực hiện mưu đồ phá hoại. Chính bởi thanh niên là lực lượng dễ tiếp cận với thông tin và sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ hiện đại (trong đó có mạng xã hội), đây là đối tượng rất nhạy bén, ham tìm tòi khám phá cái mới nhưng lại chưa dày dặn kinh nghiệm, một bộ phận không nhỏ trong đó chưa có đủ năng lực, kiến thức và trình độ để nhận biết các chiêu trò, âm mưu của các thế lực thù địch. Theo đó, đây cũng là đối tượng dễ bị lôi kéo, mua chuộc, dễ có biểu hiện sính ngoại, dễ quên đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nguy hiểm hơn là rất dễ có lối sống vị kỷ, sẵn sàng đánh đổi lợi ích của số đông, của quốc gia dân tộc vì lợi ích của cá nhân mình.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất kỳ vọng và đặt niềm tin vào thanh niên nước nhà, Người từng căn dặn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đã khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Lực lượng thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Ngành Ngân hàng nói riêng, trong đó có thanh niên Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày càng có trình độ tri thức cao, luôn năng động sáng tạo, đi đầu trong các hoạt động phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; luôn nỗ lực với mong muốn được cống hiến, khẳng định mình để được đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của vấn đề trên, trong những năm qua các cấp lãnh đạo và các đơn vị trong toàn hệ thống BIDV luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Vào tháng 7/2022 Hội đồng Quản trị BIDV đã có Quyết định về việc ban hành Sổ tay văn hóa BIDV. Trong đó bao gồm 5 giá trị cốt lõi iBIDV: Trí tuệ - Niềm tin - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Khát vọng, cùng với đó là 5 quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và 9 quy tắc ứng xử. Những nội dung được gói gọn trong cuốn sổ tay cũng chính là kỳ vọng của HĐQT, Ban lãnh đạo BIDV vào lớp lớp cán bộ nhân viên trong việc chung sức xây dựng hệ thống BIDV ngày một vững mạnh. Và gần đây nhất vào tháng 12/2022, trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia thường niên văn hóa với doanh nghiệp năm 2022, BIDV đã được vinh danh là “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2022”. Kết quả này thể hiện sự ghi nhận của của Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, xã hội… về các giá trị văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp tốt đẹp mà BIDV đã dày công vun đắp trong hơn 65 năm qua.

Hiện nay, chiếm đến hơn 60% tổng số cán bộ nhân viên BIDV là các đoàn viên thanh niên - những người đại diện cho sức trẻ, cho nhiệt huyết và hoài bão cống hiến vì sự phát triển của đơn vị. Đây cũng là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại BIDV. Tuổi trẻ BIDV nhận thức được sứ mệnh, trách nhiệm của mình trong việc thực hành, phát triển Văn hóa BIDV. Thực hành Văn hóa BIDV cũng là một trong những việc làm hiệu quả để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng đã xác định rõ: “Không gian mạng trở thành môi trường tác chiến thứ năm, làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh, xuất hiện các hình thái chiến tranh mới, tác động sâu sắc tới quốc phòng, an ninh, hòa bình của mỗi quốc gia, khu vực và thế giới”. 

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, tuổi trẻ BIDV cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chính như sau:

Một là, nâng cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ đoàn các cấp (từ Trụ sở chính đến các Chi nhánh, các đơn vị thành viên trên toàn hệ thống BIDV) trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng nói riêng và trong mọi mặt của cuộc sống nói chung. Trong đó một số việc làm cụ thể như: Chủ động, nhạy bén trong việc phát hiện các trang web, blog, “diễn đàn” thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng; Kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới; phát hiện các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền chống  phá cách mạng Việt Nam; Thường xuyên có tổng kết rút kinh nghiệm về những hạn chế, tồn tại của các biện pháp đang được triển khai tại đơn vị,...

Hai là, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống Fanpage Facebook, GapoWork của BIDV nói chung và của Đoàn thanh niên BIDV nói riêng trong thực hiện có hiệu quả và thực chất nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ba là, mỗi đoàn viên thanh niên cần tự nhận thức sâu sắc được nhiệm vụ, sứ mệnh của bản thân trong việc đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời chủ động trong việc tự trang bị cho mình những kiến thức sâu rộng, toàn diện trên mọi mặt về đời sống: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội như một cách nâng cao sức đề kháng cho bản thân trước những diễn biến, những âm mưu của thế lực thù địch trên không gian mạng. Một số việc làm cụ thể, hàng ngày như: Nắm thông tin và kịp thời phát hiện các tin, bài có nội dung xấu, độc, sai trái, thù địch; viết bài, bình luận đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; chia sẻ, lan tỏa thông tin đến đông đảo người đọc; phát huy sức sáng tạo, đưa ra các ý kiến, tham mưu đối với các cấp lãnh đạo BIDV để có các biện pháp cụ thể, tích cực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Bốn là, tập trung nắm bắt tình hình dư luận xã hội ở tất cả các cấp (từ Trụ sở chính đến các Chi nhánh, các đơn vị thành viên của BIDV) để từ đó định hướng tư tưởng cho thanh niên. Xây dựng các gương điển hình tiên tiến, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” trong lực lượng thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tiên phong của tuổi trẻ BIDV trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trước hết là nhiệm vụ kinh doanh của hệ thống; từ đó đóng góp vào việc thực thi có hiệu quả các chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Năm là, cần tập trung nguồn lực và có kế hoạch, giải pháp cụ thể, toàn diện trong việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực, trình độ cả về chuyên môn và nghiệp vụ công tác đoàn; đồng thời có chính sách đãi ngộ phù hợp, kịp thời lựa chọn những “hạt giống đỏ” để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao trong đội ngũ đoàn viên thanh niên BIDV. Cùng với đó là việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết, hiện đại để hỗ trợ tối ưu công tác của bộ máy chuyên trách, từ đó thực hiện có hiệu quả mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Là một đảng viên trẻ đang trong độ tuổi Đoàn, đồng thời là Bí thư Đoàn cơ sở của một đơn vị thuộc Trụ sở chính BIDV, bản thân tôi ý thức sâu sắc được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng trang mạng xã hội của cá nhân mình trở thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên và chính thống về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chủ động chia sẻ, bình luận đối với các bài viết về gương điển hình tiên tiến, gương lao động giỏi, gương đoàn viên xuất sắc, gương người tốt việc tốt. Đồng thời không ngừng nỗ lực rèn luyện trong cả chuyên môn nghiệp vụ và công tác Đoàn, rèn luyện cho mình đạo đức cách mạng trong sáng và bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện các nhiệm vụ (trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng) để xứng đáng là thanh niên Việt Nam thời kỳ mới, như lời căn dặn cũng là kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tuổi trẻ nước nhà: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021

2- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021

3- Đảng Cộng sản Việt Nam:  Nghị quyết 35/NQ của Bộ Chính trị khóa XII

4-  Hội đồng Quản trị BIDV:  Sổ tay văn hóa BIDV

5- GS. TS. Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 2021

6-Bài viết của tác giả Trần Thiên Tú: Nhận thức về nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

(1)https://truongleduan.quangtri.gov.vn/vi/hoat-dong-khoa-hoc/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nhan-thuc-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-cong-san-viet-nam-358.html

Trần Thị Thúy Hằng, Trung tâm Thẩm định và phê duyệt BIDV

.
.
.
.