.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

BIDV – Huyết mạch xanh cho nền kinh tế xanh

Thứ Bảy, 11/11/2023|23:30

BIDV tự hào là ngân hàng thương mại quy mô lớn nhất tại Việt Nam, là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế và luôn tiên phong dẫn đầu trong việc thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, trong đó Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 là nội dung được Đảng ủy BIDV đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao với định hướng BIDV là một phần không thể thiếu trên con đường phát triển nền kinh tế xanh, nền kinh tế carbon thấp.

Quyết tâm của Đảng, Chính phủ và ngành ngân hàng về một quốc gia xanh và bền vững

Trước những biến chuyển khó lường của biến đổi khí hậu, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là một trong quốc gia dễ chịu tổn thương nhất trước các tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhận thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp về biến đổi khí hậu còn hạn chế, chưa nắm bắt đúng đắn và đầy đủ về tác động của rủi ro môi trường xã hội tới hoạt động kinh doanh. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quyết sách phát triển quốc gia. Sự hiện diện của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, dẫn đầu và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050 là minh chứng cho sự quyết tâm và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Theo đó, cùng với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt vào tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung nhằm khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp như: Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đề án và những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 (tháng 7/2022) và gần đây nhất là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện 8) vào tháng 5/2023. Song song với đó, nhằm triển khai thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng với tầm nhìn “đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững” đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (ngày 01/2/2021), Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch hành động thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. 

Ngành ngân hàng dù không có nhiều tác động trực tiếp nhưng các hoạt động tài trợ, đầu tư của ngân hàng đã gián tiếp tác động vào môi trường và xã hội. Hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, nguồn lực tài chính từ ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới nền kinh tế xanh. Nhận thức được điều đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chú trọng ban hành nhiều văn bản quy định, định hướng, hướng dẫn, tiêu biểu như: Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (tháng 8/2015); Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tháng 12/2022); và gần đây nhất là Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (tháng 7/2023). 

BIDV – Hành trình chyển đổi xanh vì một tương lai bền vững

Nhận thức được vai trò của ngân hàng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cùng với kiến thức và kinh nghiệm học hỏi từ nhiều tổ chức quốc tế, BIDV xác định phát triển bền vững và tài chính xanh là nội dung cốt lõi trong Chiến lược phát triển của ngân hàng và đang được triển khai trên 06 trụ cột chính: Quản trị điều hành; Tài trợ dự án, khách hàng vì mục tiêu xanh/bền vững; Quản lý rủi ro Môi trường – Xã hội; Hợp tác đa phương với hệ sinh thái phát triển bền vững; Đào tạo – Nghiên cứu và Truyền thông. Việc thực hiện đồng bộ các phương diện trên thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của BIDV đối với xã hội, bảo vệ môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Về quản trị điều hành, BIDV luôn tiên phong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, NHNN trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng và hoạt động xanh ngân hàng xanh, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia. Tại Nghị quyết về Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 (tháng 1/2021), BIDV cam kết dành tỷ trọng nhất định để tài trợ các khách hàng và dự án có tác động tích cực tới môi trường; đồng thời, nghiên cứu mô hình chi nhánh/phòng giao dịch Ngân hàng xanh theo quy định của NHNN. Tháng 10/2023, Đảng ủy BIDV đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. BIDV đã sớm hình thành Ban quản lý dự án Tài chính Bền vững để triển khai các hoạt động hướng tới thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) từ tháng 6/2022. Sau một thời hoạt động, BIDV tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình triển khai hành động ESG bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo (do Chủ tịch Hội đồng quản trị là Trưởng ban) và Ban quản lý dự án Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững và thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) tổng thể với mục tiêu đưa BIDV trở thành ngân hàng đứng đầu thị trường Việt Nam trong thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.

Về tài trợ dự án, khách hàng vì mục tiêu xanh/bền vững, với bề dày kinh nghiệm triển khai các dự án tín dụng vì mục tiêu phát triển bền vững với các tổ chức quốc tế, BIDV là ngân hàng phát triển tín dụng xanh mạnh mẽ nhất trong nhiều năm qua, với các chương trình tài trợ xanh đã thực hiện: Tín dụng hạn mức 100 triệu EUR trong hợp tác của Bộ Tài chính với European Investment Bank (EIB);  Tín dụng SUNREF 100 triệu USD của AFD;  Hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam của World Bank trị giá 50 triệu USD; Hỗ trợ và phát triển và nâng cao năng suất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó chú trọng tăng trưởng xanh với quy mô 300 triệu USD của ADB…

Trong công tác phát triển sản phẩm, BIDV luôn chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện các tài liệu Khung hướng dẫn, tạo tiền đề cho việc phát triển các sản phẩm tài chính xanh, bền vững theo chuẩn quốc tế. Cụ thể, năm 2022, BIDV được tổ chức GIZ (Đức) và CBI tư vấn xây dựng Khung Trái phiếu xanh trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật do NHNN tổ chức. Năm 2023, BIDV hợp tác với World Bank để triển khai các thủ tục, hướng tới là ngân hàng đầu tiên trong nước phát hành trái phiếu huy động vốn tài trợ cho các dự án xanh. Tháng 2/2023, BIDV tiên phong ban hành Khung Khoản vay bền vững (với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Anh và tư vấn Carbon Trust) với mục đích cung cấp các sản phẩm khoản vay xanh, xã hội, liên kết bền vững cho các doanh nghiệp trong nước. Song song với việc xây dựng các khung sản phẩm riêng biệt, BIDV đã thiết kế/xây dựng các gói tài trợ, chính sách ưu đãi khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực thi trách nhiệm với xã hội và cộng đồng như gói cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh theo hướng phát triển bền vững. 

Quản lý rủi ro Môi trường – Xã hội trong hoạt động cấp tín dụng là công tác đòi hỏi sự chú trọng và chuyên nghiệp để có thể gia tăng quy mô tín dụng xanh luôn, theo đó, ngân hàng không ngừng hoàn thiện các quy trình nội bộ liên quan tới tín dụng xanh. BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên ban hành Khung quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội từ đầu năm 2019, áp dụng cho các dự án, khách hàng tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, cũng như khuyến khích các dự án khác thực hiện. Tháng 5/2023, BIDV cũng đã ban hành Quy định về Quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để thực hiện Thông tư số 17/2022 của NHNN về hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai cấp tín dụng sử dụng nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế, BIDV đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá các dự án đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về môi trường xã hội và khung an toàn môi trường xã hội của các nhà tài trợ.

Về hợp tác đa phương với hệ sinh thái phát triển bền vững, cùng với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các tổ chức và định chế tài chính quốc tế, BIDV luôn tích cực trao đổi thông tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các Bộ ngành, cơ quan hữu quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT), Bộ Kế hoạch đầu tư (Bộ KHĐT), NHNN… để kết nối các cơ hội triển khai tài chính bền vững. BIDV đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển tài chính xanh, tài chính bền vững khi là ngân hàng trong nước đầu tiên ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với Bộ TNMT vào tháng 5/2022. Các hoạt động xúc tiến hợp tác như thu hút các nguồn vốn quốc tế, tài trợ và đồng tài trợ các dự án xanh bền vững, phát triển sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và BIDV
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và BIDV

Trong công tác đào tạo – nghiên cứu, để có thể triển khai thành công các hoạt động ngân hàng xanh và hướng tới phát triển bền vững, Lãnh đạo và cán bộ BIDV không ngừng trau dồi kiến thức về các chủ đề liên quan thông qua việc chủ động nghiên cứu các tài liệu, tổ chức các hoạt động khảo sát học hỏi kinh nghiệm, tham dự các hội thảo và khóa đào tạo. Đồng thời, BIDV cũng được mời tham dự với tư cách là diễn giả trong các hội thảo, tọa đàm như: Hội nghị Năng lượng tái tạo 2023 do Forbes Việt Nam tổ chức, Hội thảo tham luận về Quy hoạch Điện VIII, Quan hệ đối tác JETP do Đại sứ quán Anh tổ chức, Tọa đàm Hướng tới kinh doanh vị tự nhiên và tăng trưởng xanh từ nền tảng thực hành ESG trong doanh nghiệp” do Diễn đàn doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) tổ chức... Ngân hàng cũng .phối hợp với ADB thực hiện báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2022 và triển vọng 2023. Tiêu điểm phát triển tài chính xanh tại Việt Nam thực trạng cơ hội và thách thức”.

Bên cạnh công tác nâng cao năng lực thể chế, đào tạo kiến thức cho cán bộ BIDV, ngân hàng cũng chú trọng nâng cao nhận thức của khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp khi đây là các đối tác có lượng phát thải lớn ra môi trường, nhằm giúp các doanh nghiệp nhận thức đúng đắn về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường. Trong tháng 7/2023, BIDV đã tổ chức thành công hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam – Chung tay kiến tạo Kinh tế Xanh” với sự tham gia của ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ TNMT và ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và nhiều lãnh đạo cấp cao từ các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước. Tại Hội thảo này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Phan Đức Tú cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững. Đồng thời, BIDV sẵn sàng là cầu nối giữa các bên liên quan; các cơ quan quản lý; tổ chức tài chính trong và ngoài nước và các doanh nghiệp nhằm kết nối các cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam. 

Trong hoạt động Truyền thông – lan tỏa thông điệp xanh và trách nhiệm xã hội vì một tương lai bền vững, BIDV không chỉ thể hiện các hoạt động về xanh và bền vững qua các số liệu trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, mà còn gửi gắm thông điệp qua hình ảnh thương hiệu với bộ nhận diện mới. Sắc vàng được lấy cảm hứng từ Hoa Mai vàng Yên Tử thể hiện sự tươi mới, nhiệt huyết và bản sắc của ngành tài chính ngân hàng trong khi sắc xanh ngọc lục bảo đại diện cho sức sống, sự trường tồn và khát vọng phát triển bền vững của ngân hàng. Ngoài ra, BIDV nỗ lực lan tỏa thông điệp xanh tới thông qua các biện pháp như: (i) xây dựng không gian giao dịch thân thiện với môi trường; (ii) chú trọng đầu tư và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nội bộ như hệ thống Văn phòng điện tử Boffice, hệ thống Hội nghị truyền hình (Video Conference), hệ thống Đào tạo trực tuyến (E-learning), giảm thiểu giấy tờ, không gian lưu trữ, luân chuyển…; (iii) triển khai các hoạt động an sinh xã hội và đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khách hàng và cán bộ BIDV như giải chạy thường niên BIDV RUN – Tết ấm cho người nghèo, BIDV RUN – Cho cuộc sống Xanh (ứng dụng công nghệ), đóng góp chi phí cho chương trình trồng 01 triệu cây xanh, hưởng ứng chương trình 01 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động... 

Giải chạy BIDV RUN – Tết ấm cho người nghèo 2023
Giải chạy BIDV RUN – Tết ấm cho người nghèo 2023

Kiên định Vững bước tiên phong, đồng hành phát triển

Các cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh và phát triển bền vững được Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành tạo điều kiện và chú trọng, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cộng đồng đã dần nhận thức sâu sắc hơn được rằng định hướng về xanh, bền vững là xu thế tất yếu cho sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn những khó khăn, thách thức, có thể kể đến như: (i) khung pháp lý chưa hoàn thiện, đặc biệt là chưa ban hành Danh mục phân loại xanh, (ii) cơ chế phối hợp và hỗ trợ giữa Chính phủ, các cơ quan quản lý với các tổ chức, doanh nghiệp cần được xây dựng nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ, nguồn hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án xanh, (iii) cơ chế khuyến khích các đối tượng doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào thị trường tài chính xanh chưa được thúc đẩy, (iv) cần thành lập/chỉ định đơn vị có uy tín thực hiện kiểm kê khí thải các các tổ chức/ doanh nghiệp...

Trên hành trình xanh hóa các hoạt động ngân hàng, BIDV cũng như các định chế tài chính tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự kiên định, niềm tin và sự quyết tâm, ngân hàng đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tại thời điểm 30/6/2023, dư nợ tín dụng xanh tại BIDV đạt 66,17 nghìn tỷ (~2,81 tỷ USD) với 1.766 dự án và 1.447 khách hàng, chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng; BIDV tiếp tục dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh với thị phần 12,5% tổng dư nợ tại Việt Nam. Với các giải pháp đồng bộ trong việc xanh hóa hoạt động, BIDV trong nhiều năm được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ TNMT và Tổng Liên đoàn Lao động vinh danh Doanh nghiệp phát triển bền vững; ngân hàng cũng vinh dự được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tổ chức Dữ liệu Quốc tế trao giải “Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng”, qua đó, thể hiện sự cống hiến không ngừng nghỉ của ngân hàng đối với cộng đồng xã hội. 

Các thành quả đạt được nói  trên là động lực để BIDV tiếp tục vững bước trên “hành trình xanh” và kiên định với các cam kết của mình trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, cộng đồng để triển khai thành công chủ trương của Đảng và Chính phủ, đồng thời, khẳng định vị thế của một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam trong việc thúc đẩy “huyết mạch xanh cho nền kinh tế xanh”. 

Nhóm tác giả

Phạm Thị Ngọc Anh, 

Nguyễn Thị Việt Hà,

Bùi Phương Anh,

Ban Định chế tài chính

 

.
.
.
.