Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023
Xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin của người lao động dệt may
Kỳ 1: Đồng hành cùng doanh nghiệp - phát huy sức sáng tạo người lao động dệt may
Những ngày tháng 10 lịch sử, người lao động dệt may náo nức niềm vui hòa nhịp với ngày hội lớn của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động - Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028. Cờ hoa phấp phới xen trong những khuôn mặt rạng ngời mừng thành công của Đại hội với tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ và hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn và ngành Dệt May Việt Nam vững mạnh. Khó khăn sẽ nhường bước cho những đột phá của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân lao động trong thời kỳ mới…
BCH Công đoàn Dệt May Việt Nam ra mắt Đại hội. |
Cùng doanh nghiệp và người lao động nỗ lực vượt khó, phát triển bền vững
Hiện tại, Công đoàn Dệt may Việt Nam (DMVN) quản lý 116 Công đoàn cơ sở (CĐCS), địa bàn trải dài trên cả nước với tổng số 109.542 đoàn viên công đoàn. Nhiệm kỳ 2018-2023, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, đại dịch; xung đột chính trị, khủng hoảng kinh tế thế giới..., khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, tổng cầu giảm mạnh, đơn hàng bị hoãn hủy, sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp (DN) gián đoạn, một bộ phận người lao động (NLĐ) bị giảm giờ làm, ngừng việc tạm thời nhưng với nhiều cơ chế chính sách kịp thời của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống công đoàn đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, duy trì sản xuất kinh doanh, phù hợp với tình hình, điều kiện; chăm lo cho NLĐ nhằm bảo toàn đội ngũ; động viên, đào tạo NLĐ thích ứng nhanh với việc chuyển đổi sản xuất; đồng hành, gắn bó, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.
Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và thực hiện chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ”, Công đoàn DMVN đã phối hợp với Hiệp Hội DMVN thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành lần thứ IV và lần thứ V với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ về tiền lương, mức ăn ca, các chế độ phúc lợi....
Hằng năm, Công đoàn DMVN phối hợp với Tập đoàn chỉ đạo, hướng dẫn người sử dụng lao động (NSDLĐ) và CĐCS phối hợp tổ chức Hội nghị NLĐ, Hội nghị cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) đảm bảo dân chủ và đúng quy định; hướng dẫn CĐCS tham gia xây dựng quy chế dân chủ, thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Kết quả, khối HCSN tổ chức hội nghị CBCCVC đạt 100%; các DN tổ chức Hội nghị NLĐ đạt 96%. Tổ chức 1.140 cuộc đối thoại định kỳ, 74 cuộc đối thoại đột xuất.
Hướng dẫn CĐCS tích cực, chủ động trong việc tham gia quản lý, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN; tham gia vào quá trình tuyển dụng, đào tạo, sắp xếp lao động, thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ theo quy định của pháp luật và TƯLĐTT. Qua đó, 100% NLĐ được ký HĐLĐ, trong đó 95% là hợp đồng không xác định thời hạn; 99% NLĐ được đóng BHXH, BHYT, BHTT; 100% NLĐ được khám sức khỏe định kỳ, hàng nghìn lượt lao động nữ được khám tầm soát ung thư; một số đơn vị mua bảo hiểm 24/24 cho NLĐ...
Các cấp công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm của NLĐ; giám sát việc chi trả lương, thưởng, thanh toán tiền làm thêm giờ, phụ cấp ca đêm, bồi dưỡng độc hại tại chỗ cho NLĐ. Hàng năm, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật có liên quan đến NLĐ, kịp thời có ý kiến để các DN khắc phục thiếu sót, nâng cao trách nhiệm với NLĐ.
Công tác chăm lo cho NLĐ được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên và tập trung vào dịp Tết nguyên đán, Tháng Công nhân với các hoạt động: Hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, lao động khuyết tật, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà cho NLĐ nghèo, khó khăn về nhà ở; tổ chức các “Phiên chợ nghĩa tình” bán hàng ưu đãi, giảm giá, hàng giá “0 đồng” cho hàng chục nghìn lượt NLĐ. Từ năm 2018 đến nay đã có hơn 280 nghìn lượt người được trợ cấp, tặng quà với số tiền trên 55 tỷ đồng… Có trên 70 nghìn lượt NLĐ được DN bố trí nhà ở, hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền gửi trẻ mức bình quân từ 150-350 nghìn đồng/người/tháng; các đơn vị tổ chức cho 232 nghìn lượt người tham quan, nghỉ mát với tổng số tiền hơn 243 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 5.000 NLĐ vay vốn làm kinh tế hộ gia đình với số tiền hơn 97 tỷ đồng. Hàng năm, 100% đơn vị thưởng cho NLĐ tháng lương thứ 13, có đơn vị thưởng 2-2,5 tháng, tặng quà cho NLĐ các ngày lễ, sinh nhật, tổ chức cho NLĐ tham gia các hoạt động văn hóa.
Năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của NLĐ, ngoài các hoạt động chăm lo thường xuyên, các cấp công đoàn còn chú trọng, quan tâm tới NLĐ bị nhiễm bệnh, giảm thu nhập thông qua chính sách chăm lo cho đoàn viên công đoàn, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nguồn tài chính công đoàn. Nắm bắt tình hình, đề xuất hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho NLĐ làm việc “3 tại chỗ”... Trong 2 năm, toàn hệ thống đã chăm lo, hỗ trợ cho 85.295 lượt NLĐ với tổng số tiền 97,7 tỷ đồng; hỗ trợ NLĐ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ BHXH ốm đau; đồng hành cùng chuyên môn tổ chức tiêm phòng vắc- xin ngừa Covid-19 cho NLĐ...
Nhân dịp Tết nguyên đán hằng năm, Công đoàn DMVN tổ chức chương trình “Tết Sum vầy - Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” tại 6 khu vực trên cả nước với các nội dung tặng quà tết cho NLĐ khó khăn; hỗ trợ tiền tàu xe, vé xe cho NLĐ xa quê; bán hàng trợ giá và tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt bổ ích. Các CĐCS tổ chức liên hoan tất niên, đón giao thừa và tặng quà cho NLĐ không có điều kiện về quê đón tết; gặp mặt đầu xuân và các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi có thưởng...
Thực hiện chương trình phúc lợi, có 185.214 lượt NLĐ được hưởng ưu đãi với số tiền hơn 56,2 tỷ đồng; trong đó phúc lợi từ chương trình “Tết sum vầy” trong hệ thống cho trên 63 nghìn NLĐ với giá trị thụ hưởng gần 19,6 tỷ đồng.
Công tác xã hội từ thiện cũng được các cấp Công đoàn duy trì thực hiện với nhiều hoạt động hướng về cộng đồng như: Phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; nuôi trẻ mồ côi, ủng hộ đồng bào lũ lụt, tặng áo ấm cho trẻ em vùng cao đặc biệt khó khăn; ủng hộ các quỹ từ thiện; ủng hộ các sản phẩm của ngành cho một số địa phương trong công tác chống dịch Covid-19; khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo; xây cầu dân sinh... Tổng số tiền chi cho các hoạt động xã hội từ thiện của hệ thống gần 132 tỷ đồng, trong đó cấp ngành là trên 2,7 tỷ đồng (chưa bao gồm hàng hóa).
Bên cạnh đó, Công đoàn DMVN còn tích cực vận động CBCNV tham gia “Hiến máu nhân đạo”. Từ năm 2018 đến nay đã tổ chức chương trình Hành trình đỏ tại nhiều địa điểm trên cả nước, thu hút 6.876 lượt người tham gia, tiếp nhận được 5.986 đơn vị máu…
Trong 5 năm qua, với kinh phí trên 547 tỷ đồng, toàn hệ thống đã làm tốt công tác chăm lo; đồng hành, chia sẻ, giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh, bảo toàn đội ngũ; NLĐ yên tâm công tác, gắn bó với nghề, cùng DN nỗ lực vượt khó và phát triển bền vững. |
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động tâm huyết, trách nhiệm, năng động
Thực hiện chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, và NLĐ”, Công đoàn DMVN đã ký hợp tác với khối trường trong hệ thống triển khai chương trình đào tạo. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Công đoàn DMVN đã hỗ trợ các đơn vị cơ sở tổ chức được gần 80 lớp đào tạo cho 3.860 cán bộ, đoàn viên, NLĐ. Tại cơ sở, 5 năm qua đã có hàng trăm nghìn lượt NLĐ được đào tạo về văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, ngoại ngữ, tin học...
Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp Công đoàn chú trọng. Trong 5 năm, có 434 lượt đơn vị cơ sở tổ chức hội nghị học tập và quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW; 14.512 người được khen thưởng. Công đoàn DMVN tổ chức cuộc thi tìm hiểu "Bác Hồ với ngành Dệt May và CNLĐ”; Sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2020-2022. Đã có 181 tập thể và cá nhân xuất sắc được khen thưởng, trong đó 02 cá nhân, 01 tập thể cơ sở cùng Công đoàn DMVN được nhận Bằng khen và tham dự hội nghị tôn vinh cấp Tổng Liên đoàn.
Nhiệm kỳ 2018-2023, Tổng Liên đoàn giao chỉ tiêu phát triển 44.000 đoàn viên. Công đoàn DMVN đã tập trung các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, thực hiện vượt chỉ tiêu với 89.298 đoàn viên. Công đoàn DMVN đã xây dựng tiêu chuẩn, định kỳ hàng năm đánh giá, xếp loại hoạt động CĐCS. Kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số đơn vị xếp loại CĐCS hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân đạt 80,1%, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ là 19,9%.
Thực hiện Chương trình “Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ tâm huyết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo”, Công đoàn DMVN đã tổ chức 37 lớp tập huấn cho hơn 4.000 lượt cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ chủ chốt của các CĐCS trực thuộc về thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghiệp vụ công tác tổ chức, tài chính, tuyên truyền, công tác kiểm tra giám sát, các điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019…
Công tác bồi dưỡng, rèn luyện, lựa chọn, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp được các cấp công đoàn quan tâm, thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã giới thiệu 2.391 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng để phát triển Đảng, trong đó đã có 1.229 đoàn viên CNVCLĐ được kết nạp vào Đảng.
Hội thi lao động giỏi. |
Làm lợi hàng trăm tỷ đồng từ các phong trào thi đua
Lấy thi đua làm mạch nguồn cho nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc, nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn trong hệ thống luôn đồng hành cùng chuyên môn tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua trong CNVCLĐ. Theo đó, khối sản xuất kinh doanh đã tích cực đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phong trào tăng năng suất chất lượng, kinh doanh giỏi, quản lý tốt... Khối HCSN và viện, trường đã chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu; cải cách thủ tục hành chính; nghiên cứu, giảng dạy; khám chữa bệnh và có nhiều đề tài, giải pháp hữu ích phục vụ chiến lược phát triển ngành, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe NLĐ.
Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp Công đoàn hưởng ứng tích cực. Ngay đầu nhiệm kỳ, Công đoàn DMVN đã xây dựng Chương trình “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo” thông qua việc phát huy sáng kiến cải tiến công nghệ, thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, luyện tay nghề thành thợ giỏi; giỏi một công đoạn biết nhiều công đoạn; thi đua đạt năng suất cao chất lượng tốt; hội thi thợ giỏi, hội thi giáo viên giỏi…
Tại các cơ sở, nhiều câu lạc bộ sáng kiến được hình thành, ngày hội ý tưởng được tổ chức. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay toàn hệ thống có 11.475 sáng kiến, giải pháp làm lợi trên 237,5 tỷ đồng (tăng 6.807 sáng kiến, giải pháp so với nhiệm kỳ 2013-2018).
Tại cấp ngành, trong 5 năm đã 2 lần tổ chức Ngày hội lao động sáng tạo. Kết quả có 172 sáng kiến, đề tài, giải pháp dự thi; trong đó có 61 đề tài, giải pháp vào vòng chung khảo. Có 17 tập thể và 40 cá nhân tiêu biểu đạt giải và 19 giải phong trào với tổng số tiền thưởng hơn 740 triệu đồng.
Chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Công đoàn DMVN đã phối hợp với Tập đoàn DMVN tổ chức thành công Hội thi thợ giỏi cấp ngành lần thứ VI. Kết quả, có 34 đội tuyển được lựa chọn từ các đơn vị và từ hội thi thợ giỏi cấp cơ sở tham gia, có 03 đội tuyển được nhận danh hiệu Bàn tay Vàng, 05 đội tuyển được nhận danh hiệu Bàn tay Bạc, 08 đội tuyển được nhận danh hiệu Bàn tay Đồng, 18 đội tuyển được nhận danh hiệu Thợ giỏi cấp Ngành, cùng nhiều giải thưởng chuyên đề khác.
Hưởng ứng chương trình “75 nghìn sáng kiến” và chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, các cấp công đoàn trong toàn hệ thống tích cực vận động đoàn viên, NLĐ kê khai, cập nhật sáng kiến lên phần mềm của Tổng Liên đoàn. Kết quả, đã có 18.495 sáng kiến được cập nhật, vượt 7.530 sáng kiến so với chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, đạt 169%, đứng đầu khối thi đua.
Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ được chú trọng. Với tỷ lệ trên 70% lao động nữ, phong trào luôn được các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ thi đua, phấn đấu. Từ năm 2018-2022, có trên 41.700 lượt nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” xuất sắc, được các cấp khen thưởng; trong đó nhiều nữ CNVCLĐ ưu tú được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Nguyễn Văn Linh, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam...
Là đơn vị duy nhất trong hệ thống công đoàn toàn quốc đến thời điểm hiện tại có Giải thưởng riêng cho lao động nữ, năm 2019, Công đoàn DMVN ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Nguyễn Thị Sen - Giải thưởng mang tên bà Tổ nghề may, dành tặng cho lao động nữ tiêu biểu, tạo hiệu ứng tích cực trong nữ CNVCLĐ. Sau 4 năm triển khai đã có 40 lao động nữ tiêu biểu xuất sắc được tôn vinh khen thưởng.
Từ năm 2019, Công đoàn DMVN đã xây dựng tiêu chí xét chọn và vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp ngành. Đến nay, đã có 54 lượt DN được công nhận, vinh danh cấp ngành, trong đó có 15 lượt DN đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động” cấp Quốc gia.
Nhiệm kỳ mới với 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm
Bước vào nhiệm kỳ mới 2023-2028 với nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức, đòi hỏi các cấp công đoàn nâng cao hơn nữa năng lực, uy tín trong tập hợp, thu hút; chăm lo, đại diện, để giữ vững được vai trò, vị trí của mình đối với DN và NLĐ.
Với mục tiêu chính: Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng, bồi đắp văn hóa dệt may; nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực thích ứng; đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới, bước vào nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn DMVN đặt ra nhiều chỉ tiêu để thực hiện. Trong đó, bình quân mỗi năm phát triển 4.920 đoàn viên. Phấn đấu kết thúc nhiệm kỳ, toàn hệ thống phát triển 24.600 đoàn viên công đoàn. Bồi dưỡng, giới thiệu cho đảng xem xét kết nạp bình quân 160 đảng viên/năm; đến cuối nhiệm kỳ, có 800 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp đảng. Hằng năm, ít nhất 80% CĐCS khu vực nhà nước và 65% CĐCS ngoài khu vực nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. 100% cán bộ chuyên trách được bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên ngành công tác. Ngành phấn đấu thu nhập bình quân của NLĐ tăng ít nhất 5%/năm. 100% DN, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được TƯLĐTT theo quy định của pháp luật. Có 75-80% số đơn vị trực thuộc tham gia TƯLĐTT ngành. Trên 80% số đoàn viên, NLĐ được học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Công đoàn. 65% trở lên số đoàn viên và NLĐ học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động,... 80% số đơn vị có một trong các thiết chế phục vụ NLĐ như: Bếp ăn; nơi sinh hoạt VHTT; phòng y tế, ký túc xá công nhân, nhà trẻ, cửa hàng tiện ích,...
Đại hội đặt ra chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2023 - 2028, tập trung triển khai 3 khâu đột phá: Cải thiện chất lượng cán bộ, đoàn viên, NLĐ, nâng cao năng lực thích ứng; Tăng cường đối thoại, thương lượng, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ; Chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.
Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trên, CĐ xây dựng và triển khai đồng bộ 5 chương trình trọng tâm: Thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường chăm lo lợi ích thiết thực cho NLĐ; Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực thích ứng cho cán bộ, đoàn viên, người lao động; Đồng hành cùng lao động nữ trong phát huy năng lực bản thân và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động công đoàn.
Người lao động nỗ lực vượt khó. |
Kỳ 2: Hướng về cơ sở - Hoạt động thực chất - Lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ
Quan tâm, tạo điều kiện và thường xuyên theo dõi, chỉ đạo tổ chức công đoàn Dệt May Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Lê Tiến Trường nhận định: Có thể nói, nhiệm kỳ 2018-2023 thực sự là một nhiệm kỳ đầy sóng gió với cả NLĐ và doanh nghiệp. Chỉ trong 5 năm, chúng ta đã trải qua 4 tình huống khác nhau của hoạt động SXKD, từ năm 2019 ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đến năm 2020-2021 là dịch Covid -19 từ sản xuất giãn cách đến 3 tại chỗ và cả đóng cửa nhà máy, năm 2022 là thị trường bùng nổ và hiện tượng quá mua, đến năm 2023 là suy trầm, thiếu đơn hàng nghiêm trọng, xuất khẩu lần đầu tiên sụt giảm kể từ 2007. Chính vì vậy, nhiệm kỳ 5 là nhiệm kỳ rất phong phú về kinh nghiệm, phức tạp trong các tình huống đã xảy ra, sáng tạo nhiều phương thức mới trong hoạt động SXKD và phong trào công nhân lao động.
Thành tựu nổi bật của cả nhiệm kỳ là qua sóng gió của thị trường và dịch bệnh đội ngũ chúng ta vẫn phát triển, vững mạnh hơn, mối quan hệ giữa người lao động - tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động trở nên gắn bó hơn, sâu sắc hơn. Một chân lý tiếp tục được khẳng định ở tầng mức cao hơn đó là mối quan hệ cộng sinh giữa người lao động và doanh nghiệp, qua những thử thách chưa từng có và tưởng như không thể vượt qua nhưng bằng những nỗ lực và sức sáng tạo mới, tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn ở cơ sở đã khẳng định vị thế của mình một cách vững chắc hơn trong lòng đoàn viên.
Dù điều kiện khó khăn, trở ngại chúng ta vẫn đảm bảo duy trì những hoạt động cốt lõi của phong trào công nhân, đó là thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể; đối thoại định kỳ giữa người sử dụng lao động và người lao động; hoạt động quản lý và cải thiện môi trường làm việc; các hoạt động chăm sóc đời sống vật chất- tinh thần hàng ngày; hoạt động Tết sum vầy tổ chức hàng năm với quy mô ngày càng lớn, độ phủ cho NLĐ ngày càng rộng và nhất là tổ chức thi thợ giỏi toàn ngành cùng các phong trào thi đua thường xuyên tại cơ sở; hoạt động truyền thông đa dạng, nhiều cơ hội tiếp cận cho NLĐ; hoạt động đào tạo tay nghề và văn hoá doanh nghiệp cho NLĐ diễn ra liên tục trong cả nhiệm kỳ…
Với những hoạt động thực chất, đem lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, sức hấp dẫn của Công đoàn DMVN với các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, các doanh nghiệp mới được thành lập trong nhiệm kỳ đều tập trung đăng ký cho tổ chức công đoàn cơ sở sinh hoạt với Công đoàn DMVN. Công tác phát triển đoàn viên mới thu được kết quả tích cực. Vì vậy, dù trong quá trình tái cơ cấu DN, áp dụng công nghệ tự động hoá và cả thiếu hụt đơn hàng nhưng số lượng đoàn viên công đoàn ngành dệt may vẫn được duy trì, số lượng tổ chức công đoàn cơ sở tiếp tục mở rộng. Toàn hệ thống trong nhiệm kỳ qua không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công, bãi công diện rộng, các thắc mắc của NLĐ được tổ chức công đoàn đứng ra đối thoại kịp thời với người sử dụng lao động.
Có được những thành tích đó là nhờ sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đoàn Tổng LĐLĐ VN, BTV Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam, sự đoàn kết thống nhất trong BCH, BTV Công đoàn DMVN khóa V… Là sự phối hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả, chia sẻ nhiệm vụ chung giữa công đoàn với tổ chức đảng và lãnh đạo DN. Là tinh thần đổi mới, dấn thân của đội ngũ cán bộ công đoàn trong tình hình mới; sự trưởng thành theo hướng khoa học, hiện đại thực tiễn của Công đoàn DMVN được nâng cao…
Bên cạnh những thành công của nhiệm kỳ 5, Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại, đó là: Tính thực chất của hoạt động công đoàn nhằm tham gia xây dựng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhờ đó bảo vệ được đơn hàng, hoặc có được năng suất lao động cao hơn còn nhiều hạn chế. Chiều sâu của các hoạt động chưa nhiều, ngoại trừ hội thi thợ giỏi hay ngày hội sáng kiến có màu sắc của năng lực cạnh tranh… Công tác giáo dục văn hoá doanh nghiệp, kèm cặp đoàn viên công đoàn trẻ, đấu tranh với các nề nếp không còn phù hợp với điều kiện kinh doanh mới chưa thực sự nổi trội. Ở nhiều doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại những nhân sự không tích cực, né tránh, thậm chí cản trở đồng nghiệp làm việc, nhưng tổ chức công đoàn chưa đảm trách được vai trò đứng mũi chịu sào trong đấu tranh, cảm hoá người lao động. Cán bộ công đoàn ở DN đa số là kiêm nhiệm, hy sinh thêm thời gian cho hoạt động chung của tổ chức, tuy nhiên đội ngũ cán bộ chuyên trách tại cơ quan công đoàn ngành dù có tiến bộ nhưng cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thực sự là trụ cột tin cậy, có thể đảm đương công tác phong trào ở cơ sở. Hoạt động luân chuyển cán bộ từ cơ quan CĐ ngành về cơ sở chưa thực sự được tổ chức bài bản. Vẫn có một khoảng cách nhất định về phương pháp công tác giữa cán bộ CĐ ngành và cán bộ cơ sở Vai trò lãnh đạo toàn diện, giám sát toàn diện của chi bộ cơ quan CĐ với hoạt động của bộ máy lãnh đạo công đoàn ngành cũng là nội dung cần tiếp tục đào sâu nghiên cứu và đổi mới.
Đại hội cùng bàn bạc và thống nhất thông qua nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu cốt lõi của nhiệm kỳ mới, nhìn thẳng vào các thành tựu, hạn chế hiện nay. Chính từ phân tích trên Ban thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn tặng Đại hội bức trướng vừa là định hướng hoạt động, vừa là nguyện vọng của quần chúng và cả người sử dụng lao động với Công đoàn ngành DMVN: Hướng về cơ sở - Hoạt động thực chất - Lợi ích hài hoà - Rủi ro chia sẻ.
Theo đó, ngay sau Đại hội, BCH, BTV mới được bầu ra sẽ triển khai các chương trình công tác gắn liền với cơ sở, phục vụ trực tiếp cho quyền lợi của đoàn viên tại cơ sở nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ. Đổi mới phương thức hoạt động, giảm hội họp, tăng cường sinh hoạt trực tuyến, lắng nghe ý kiến từ cơ sở thông qua các kênh truyền thông hiện đại, tổ chức đối thoại với người lao động ở nhiều cấp độ, kể cả ở công đoàn ngành, không chỉ nghe báo cáo hành chính. Đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ tại cơ quan văn phòng Công đoàn thật tinh nhuệ, gắn bó với cơ sở, được nuôi dưỡng trong phong trào công nhân, sẵn sàng luân chuyển về cơ sở khó khăn gây dựng phong trào một cách thực chất.
Tình hình thị trường nhiều biến động nhanh và trái chiều, chỉ 1 nhiệm kỳ mà chúng ta trải qua tất cả các cung độ cảm xúc của 30 năm trước nhưng đó sẽ là xu thế hiện nay. Tổ chức công đoàn với tư cách là đối tác quan trọng nhất của người sử dụng lao động, hoạt động trên cơ sở ngân sách đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động cần nắm rõ, thấu hiểu và vận hành linh hoạt nguyên tắc “lợi ích hài hoà”, đồng thời sẵn sàng “chia sẻ rủi ro” với doanh nghiệp khi có các khó khăn ngoài dự kiến xảy ra.
Nhiệm kỳ mới cũng là giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi về hành vi tiêu dùng, việc khuyến khích sử dụng sản phẩm tuần hoàn, chế tài bằng thuế phí với các sản phẩm thông thường cũng sẽ là áp lực làm giảm số lượng sản phẩm, đồng thời đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, khó sản xuất hơn. Sự thay đổi đó gây áp lực trực tiếp lên NLĐ trong ngành phải liên tục học tập, nâng cao tay nghề.
Tự động hoá, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng làm giảm đi mức độ thâm dụng lao động, cơ hội việc làm mới có nhiều nhưng với nội hàm chất lượng khác đi sẽ là những nội dung cả hệ thống chúng ta phải nỗ lực vượt qua. Ban Thường vụ Đảng uỷ với nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện hoạt động của Công đoàn DMVN trong nhiệm kỳ mới sẽ sát sao, đồng hành, chỉ đạo kịp thời, nghiêm túc, khoa học với hoạt động công đoàn.
Tập đoàn, cùng người sử dụng lao động trong toàn hệ thống cam kết ủng hộ hoạt động thực chất, hướng về cơ sở của công đoàn ngành. Là đối tác thuỷ chung, tin cậy với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sẵn sàng đối thoại trên tinh thần cầu thị để xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, vì lợi ích của tất cả các bên, vì lịch sử hào hùng của ngành DMVN.
Tinh thần đoàn kết của người lao động dệt may. |
Kỳ 3: Nhiệm kỳ mới - thành công mới
Đồng chí Nguyễn Thị Đào, Chủ tịch CĐ Tổng Công ty May 10-CTCP: Tôi mong rằng BCH khóa VI Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ có những chiến lược, kế hoạch phù hợp với tình hình mới trong SXKD với các hoạt động hướng tới cơ sở nhiều hơn. Ngoài ra, có nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao đời sống của NLĐ, tổ chức phong trào thi đua gắn với lao động sản xuất, các hoạt động này cần gắn với công nghệ nhằm giúp đoàn viên, CNVCLĐ dễ tiến cận và triển khai hiệu quả tới từng xí nghiệp, nhà máy.
Trong bối cảnh Bộ Luật Lao động (năm 2019) cho phép NLĐ được phép tham gia hoặc thành lập các tổ chức ngoài Công đoàn Việt Nam, tôi cho rằng để giữ chân NLĐ thì tổ chức Công đoàn cần thể hiện được rõ những quyền lợi của NLĐ, như được quan tâm, chăm lo, đồng hành, chia sẻ, có các chương trình phúc lợi phù hợp, kịp thời và công đoàn cần thể hiện sắc bén vai trò đại diện tiếng nói của NLĐ đối với doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng cần phối hợp chặt chẽ với DN trong công tác đào tạo, truyền thông để nâng cao nhận thức, tư duy cho NLĐ, xây dựng cho NLĐ khả năng thích ứng, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp…
Rõ ràng, với vị thế ngày càng lớn mạnh của ngành dệt may, luôn nằm trong top 3 các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, thì với vai trò là Công đoàn cấp ngành, Công đoàn DMVN cần xây dựng lộ trình mở rộng các công đoàn cơ sở, giao lưu giữa các Công đoàn Dệt May địa phương, điều này sẽ giúp ngành Dệt May Việt Nam nâng tầm thương hiệu, uy tín trên trường quốc tế.
Đồng chí Mai Văn Mau, Phó Giám đốc Công ty CP May Hòa Thọ - Hội An, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ: Bước vào nhiệm kỳ 2023 - 2028, tôi mong rằng Ban chấp hành Công đoàn DMVN tiếp tục cùng chính quyền phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao tay nghề nhằm nâng cao năng suất cho NLĐ. Bên cạnh đó, tiếp tục các chương trình bổ trợ cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình hỗ trợ, các chính sách phúc lợi phù hợp… nhằm giúp NLĐ được hỗ trợ về tinh thần, có động lực cống hiến với tổ chức và doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ số, Công đoàn cần tiếp tục xây dựng các kênh thông tin thông qua ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0, tạo dựng các kênh chia sẻ, hỗ trợ giữa các công đoàn cơ sở trên toàn hệ thống để có thể lan tỏa các sáng kiến hay, cách làm mới để cải tiến năng suất lao động, từng bước cải thiện cho người lao động trên toàn thế thống.
Với Công đoàn ngành, tôi mong rằng các chương trình đào tạo cho NLĐ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Công đoàn DMVN xây dựng trong Nghị quyết và chương trình hành động của nhiệm kỳ mới, bởi các yêu cầu về thị trường, yêu cầu về sản xuất ngày càng khắt khe hơn bao giờ hết. Thậm chí, từ năm 2023 những đơn hàng đã không còn quá chuyên biệt với số lượng lớn, những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh xuất hiện ngày càng nhiều. Do đó, yêu cầu về sự linh hoạt trong sản xuất, đào tạo và nâng cao tay nghề đối với người lao động càng cấp bách hơn. Đây cũng chính là điều mà các DN trong ngành may mong muốn đối với tổ chức Công đoàn, để xây dựng tiếng nói chung giữa tổ chức công đoàn - người sử dụng lao động và người lao động.
Đồng chí Hoàng Tú Anh, Phòng Tổ chức - Hành chính, Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP: Chúng tôi mong rằng, ngay sau Đại hội, BCH Công đoàn sẽ xây dựng các chương trình hành động cụ thể, trong đó tập trung vào xây dựng kho dữ liệu về các chính sách, pháp luật, có quy trình tư vẫn, hỗ trợ NLĐ đối với các quy định về tiền lương, bảo hiểm… để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ. Hơn hết, với vai trò là một người phụ nữ, một người mẹ, tôi mong rằng công tác nữ, chăm lo cho con em đoàn viên, CNVCLĐ được đẩy mạnh thông qua đổi mới hoạt động của các phong trào. Nhiệm kỳ 2018 - 2023, công tác nữ mặc dù đã được đẩy mạnh thông qua đổi mới và hiện thực hóa các kênh truyền thông đa phương tiện, tuy nhiên việc tương tác đối với đoàn viên và NLĐ vẫn còn có những hạn chế. Nhiều mô hình hay, cách làm mới, các cuộc thi sôi động, bổ ích cho con em đoàn viên đã được công đoàn triển khai hiệu quả, do đó nhiệm kỳ 2023 - 2028 tôi kỳ vọng các con sẽ có những sân chơi bổ ích, các cuộc thi lý thú cấp ngành để so tài giữa các đơn vị trong toàn hệ thống.
Chúng tôi cũng mong muốn các hoạt động như “Hội thi thợ giỏi cấp ngành” tiếp tục được duy trì và tổ chức thường xuyên để NLĐ có điều kiện cọ sát, giao lưu học hỏi, chia sẻ “bí kíp” về nâng cao năng suất, tay nghề thông qua các sản phẩm hoàn thiện, điều này cũng sẽ thắt chặt khối đoàn kết giữa tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.
Đồng chí Trần Thị Thuấn - Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt May Huế: Nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn đã triển khai hiệu quả nhiều lĩnh vực công tác, thực sự là chỗ dựa tin cậy của NLĐ và doanh nghiệp, lan tỏa được khí thế lao động sáng tạo trong các nhà máy, dây chuyền… Chúng tôi mong muốn bước vào nhiệm kỳ mới, BCH mới tiếp tục kế thừa những thành tích đã đạt được của nhiệm kỳ trước để có nhiều hoạt động thiết thực, bắt nhịp với xu hướng thay đổi của giai đoạn mới. Bên cạnh tham mưu và triển khai các chế độ, chính sách chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ, đoàn viên, CĐ cần đẩy mạnh bám sát tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, hiểu rõ hơn những quyết sách cũng như khó khăn, thách thức của người sử dụng lao động để đảm bảo được “lợi ích hài hòa- rủi ro chia sẻ”.
Văn hóa doanh nghiệp cũng cần được CĐ “truyền lửa” đến NLĐ một cách phù hợp, hiệu quả thiết thực thông qua các kênh truyền thông, các hoạt động gắn chặt với SXKD, phát triển bền vững của doanh nghiệp để chúng ta có được đội ngũ NLĐ không chỉ giỏi nghề, trách nhiệm mà còn ứng xử văn minh, kỷ cương theo yêu cầu mới.
Đồng chí Trần Thị Bích Diễm - Chủ tịch CĐ Tổng Công ty CP May Việt Tiến: Chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ cách làm, hoạt động của Công đoàn DMVN nhiệm kỳ trước. Qua đó, CĐ May Việt Tiến đã có nhiều sáng tạo, đổi mới khi triển khai các nhiệm vụ.
Ở thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Tổng Công ty đã cố gắng điều chỉnh tăng lương đảm bảo ổn định đời sống của NLĐ. Tuy nhiên, sức tăng chưa thể đáp ứng được mức sống hiện nay. Tôi hy vọng, trong thời gian tới nền kinh tế sẽ khởi sắc hơn để doanh nghiệp có được sự bứt phá trong SXKD, từ đó nâng cao được chất lượng sống cho NLĐ. Về phía Công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn cần đi sâu, đi sát thực tế sản xuất kinh doanh của đơn vị để đồng hành với doanh nghiệp và chia sẻ với NLĐ. Từ những hoạt động, phong trào đi vào chiều sâu, CĐ cần góp phần hóa giải những khó khăn, áp lực mà doanh nghiệp phải đối mặt trước những biến động phức tạp của thị trường.
Yêu cầu của thị trường hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục thích ứng. Theo đó, doanh nghiệp cần có trong tay lực lượng lao động, nhất là đội ngũ lao động trẻ sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm, tạo sự đột phá trong lĩnh vực công tác, mạnh dạn gỡ bỏ những rào cản, phạm vi an toàn để có những sáng kiến sáng tạo thực sự có giá trị thực tiễn. Muốn vậy thì bên cạnh các cơ chế khích lệ, đào tạo của người sử dụng lao động, công đoàn cần gần gũi, kết nối mạch văn hóa doanh nghiệp với những giá trị cốt lõi gắn với tầm nhìn, sứ mệnh, niềm tự hào với thành quả của tập thể để tạo sự cởi mở, ý chí vươn lên trong cán bộ, đoàn viên, người lao động.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Việt Thắng-CTCP: Cán bộ công đoàn cơ sở khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, công việc mới cũng có những áp lực nhất định nên chúng tôi mong muốn được CĐ Dệt May Việt Nam mở rộng cơ hội học hỏi, tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ, tìm hiểu sâu về chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ, đến hoạt động SXKD để khi bắt tay triển khai hoạt động sẽ trúng, đúng và hiệu quả, tránh rơi vào hình thức, phô trương.
Trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, không chỉ doanh nghiệp lao đao mà NLĐ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc sống bấp bênh, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực… Không ít lao động đã bị mắc bẫy “tín dụng đen”. Để phòng tránh hệ lụy này, Công đoàn cần tích cực tuyên truyền để NLĐ không tham gia vay tín dụng đen, và quan trọng hơn là quan tâm nắm bắt những trường hợp đoàn viên, NLĐ hoàn cảnh khó khăn có nguyện vọng được vay vốn để phát triển kinh tế.
Kỳ vọng với 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm mang rõ nét tính chất đặc thù của ngành dệt may, Công đoàn DMVN nhiệm kỳ mới sẽ dẫn dắt đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và hơn 116 nghìn NLĐ tự tin, vững vàng tiến bước vào hội nhập kinh tế quốc tế.
Chi bộ cơ quan Công đoàn Dệt May Việt Nam