.
.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ Hai, 01/06/2015|11:25

Ngày 29/5/2015, tại TP.HCM, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Đến dự, có đồng chí Lê Vĩnh Tân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phạm Quốc Doanh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước. Về phía Đảng ủy Khối DNTW, có đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy cùng đại diện lãnh đạo các ban Đảng ủy Khối và các đơn vị thuộc: Tập đoàn CN Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam.

Hội nghị bàn thảo nội dung nhằm lãnh đạo, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng; tiếp tục duy trì và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn; tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; xây dựng các công ty nông, lâm nghiệp trở thành trung tâm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ và văn hóa đối với nhân dân trong vùng; góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội và phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Lê Vĩnh Tân - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Đồng chí Lê Vĩnh Tân - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW trong Khối DNTW, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trong đó có 3 đơn vị có doanh nghiệp trực thuộc là các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện cần sắp xếp lại theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ, đó là: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Tổng công ty Giấy Việt Nam. Đến nay, 3 đơn vị này đang quản lý, sử dụng  586.920,09 ha đất nông, lâm trường, trong đó có gần 160.000 ha tại hai nước bạn Lào, Campuchia, với tổng số lao động đang sử dụng khoảng 148.860 người.

Trong những năm qua, Đảng ủy tập đoàn, tổng công ty và các công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc đều đã triển khai quán triệt Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; thành lập Ban Chỉ đạo tái cơ cấu doanh nghiệp; xây dựng đề án, phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; đồng thời lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, hiện nay 3 đơn vị đang được giao quản lý sử dụng khoảng 590 nghìn ha đất nông lâm nghiệp với 121 đơn vị trực thuộc, trong đó 73 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thuộc diện phải sắp xếp, đổi mới theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ; với hơn 148 nghìn lao động. 3 tập đoàn, tổng công ty đều tham gia mạnh mẽ vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với nhiều dự án quan trọng, có vốn đầu tư rất lớn, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng cuộc sống cho người nông dân, giải quyết việc làm, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hình thành các vùng chuyên canh, chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa các loại cây trồng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị tại các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.

Đồng chí Bùi Văn Cường - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phát biểu khai mạc tại Hội nghị
Đồng chí Bùi Văn Cường - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nêu những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong quá trình thực hiện tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp của đơn vị mình, đồng thời các đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực hiện, đó là diện tích đất sử dụng chưa đúng mục đích, đất bị lấn chiếm lên tới 8.142 hecta, đất bỏ hoang là 2.564 hecta; các trường hợp sử dụng đất trái quy định còn chậm xử lý và còn thiếu kiên quyết; trách nhiệm quản lý của chính quyền và doanh nghiệp chưa được làm rõ; nhiều công ty chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; các công ty nông lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên, còn lúng túng, khó khăn khi chuyển sang hạch toán kinh doanh theo Luật doanh nghiệp; hiệu quả sử dụng đất thấp và kết quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên rừng, đất đai được giao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Vĩnh Tân - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã biểu dương những kết quả mà các công ty nông, lâm nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp thuộc Đảng ủy Khối DNTW nói riêng đã đạt được và nêu lên những nguyên nhân còn tồn tại, hạn chế.

Để thực hiện tốt Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị: Trong điều kiện giá cả nông sản gặp nhiều khó khăn, cần rà soát lại quy hoạch phát triển của ngành cao su, đánh giá hiệu quả việc đầu tư cao su vùng duyên hải miền Trung và vùng miền núi phía Bắc; đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện tái canh cà phê, cao su và tháo gỡ khó khăn do giá cao su xuống dưới giá thành sản xuất. Cần rà soát, đánh giá những hạn chế, yếu kém và xử lý triệt để những tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai; chuyển đổi phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp theo hướng hình thành các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm 2 thành viên nhằm tạo bước đột phá trong quản trị doanh nghiệp, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; sắp xếp, đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp nhà nước ở những vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc khó khăn; có cơ chế đầu tư khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên rừng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị cần hoàn thành việc xây dựng đề án, phê duyệt đề án và triển khai thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp trong các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy Khối trong năm 2015.

Đại diện 3 đơn vị có doanh nghiệp trực thuộc là các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện cần sắp xếp lại theo Nghị quyết số 30-NQ/TW thảo luận tại Hội nghị
Đại diện 3 đơn vị có doanh nghiệp trực thuộc là các công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện cần sắp xếp lại theo Nghị quyết số 30-NQ/TW thảo luận tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cường - Bí thư Đảng ủy Khối DNTW cho rằng: Nhiệm vụ trong thời gian tới của 03 Tập đoàn, Tổng công ty nằm trong diện phải sắp xếp lại theo tinh thần của Nghị quyết 30-NQ/TW hết sức nặng nề và khó khăn, vì đến hết tháng 6/2015 là thời hạn phải trình phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty nông, lâm nghiệp của Tập đoàn/Tổng công ty theo đúng kế hoạch của Chính phủ yêu cầu tại nghị định Nghị định số 118/2014/NĐ-CP. Do vậy, Đảng ủy Khối yêu cầu các đảng ủy trực thuộc coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2015 cần tập trung, khẩn trương và kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong Khối cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và thực hiện trong đội ngũ cán bộ đảng viên, người lao động tại các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Đảng ủy, lãnh đạo các đơn vị tập trung mọi nguồn lực xây dựng phương án tổng thể, gắn kết quả thực hiện với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Các phương án sắp xếp lại các công ty tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính gắn kết giữa phát triển vùng nguyên liệu với sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp nông, lâm, công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa trên đơn vị diện tích sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Yêu cầu hoàn thành trong tháng 6/2015.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nội dung và tiến độ xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty nông, lâm nghiệp của Tập đoàn/Tổng công ty đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan. Đảm bảo chế độ thông tin chặt chẽ, công tác phối hợp kịp thời với chính quyền địa phương trong thực hiện công việc, giải quyết, xử lý các vướng mắc, phát sinh, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp.

Về một số kiến nghị, đề xuất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam và các đơn vị thành viên tại Hội nghị, Đảng ủy Khối sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ.

Về tình hình xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty nông, lâm nghiệp của Tập đoàn CN Cao su Việt Nam, đồng chí Trần Ngọc Thuận - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc cho biết: Hiện Tập đoàn đang tập hợp các đề án của các công ty nông nghiệp, hoàn chỉnh các nội dung phương án sắp xếp tổng thể, theo hướng: Cổ phần hóa 22 công ty nông nghiệp thuộc diện thực hiện theo Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP; tiến hành xây dựng phương án cổ phần hóa công ty mẹ; sử dụng 61.508 lao động/63.000 lao động, cho 1.046 lao động nghỉ theo Luật lao động.

Còn Tổng công ty Cà phê Việt Nam, đại diện lãnh đạo cũng cho biết: Tổng công ty đã phê duyệt đề án các công ty, số công ty cổ phần hóa, nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối dự kiến 21 đơn vị; số công ty giải thể dự kiến 12 đơn vị. Hiện nay Tổng công ty đang tiến hành xây dựng phương án tổng thể; dự kiến khoảng giữa tháng 6/2015 sẽ trình Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Đối với Tổng công ty Giấy Việt Nam, hiện đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng áp dụng Điều 26 của Nghị định 118/2014/NĐ-CP là cho phép không phải lập đề án, phương án riêng khi thực hiện việc sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với Nghị định 118/2014/NĐ-CP.

Theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/2/2013, Tổng công ty sẽ có 15 đơn vị hạch toán phụ thuộc; 2 đơn vị hạch toán độc lập (Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu giấy miền Nam và Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy); 2 đơn vị dự kiến bàn giao về tỉnh Thanh Hoá quản lý là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc và Công ty Lâm nghiệp Lang Chánh. Về phương án sử dụng đất, dự kiến đến năm 2020 diện tích tiếp tục quản lý, sử dụng là hơn 44.000 ha; diện tích thu hồi, bàn giao lại cho địa phương là hơn 19.000 ha.

Lan Hương

.
Các bài viết khác:
.
.
.