Đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ngày 6/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề "Đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" bằng hình thức trực tuyến qua 3 điểm cầu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối DNTW: Phạm Tấn Công, Lê Văn Châu cùng gần 1.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị, báo cáo viên của Đảng ủy Khối; cán bộ, đảng viên Cơ quan Đảng ủy Khối; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch HĐTV, HĐQT, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trực thuộc Khối.
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe TSKH Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội trình bày nội dung chuyên đề: “Đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Theo TSKH Phan Xuân Dũng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) đang bùng nổ và đã tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù mang lại cơ hội cho nền công nghiệp số hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông tin, tiết kiệm chi phí quản lý, chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, song Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần có những đổi mới mạnh mẽ. Đó là phải xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa, chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi số, bắt đầu từ quản trị công quốc gia đến các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, xã hội số; phát triển cơ sở hạ tầng thông tin; đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh…
Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp sáng tạo áp dụng nền tảng công nghệ số có thể đánh bại những doanh nghiệp danh tiếng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm lĩnh được thị trường, đã xuất hiện sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ quốc gia còn yếu kém; hệ thống pháp luật, chính sách nhiều bất cập; đội ngũ cán bộ KH&CN còn chưa mạnh, mỏng, chỉ chiếm 6,8% lực lượng lao động; đầu tư cho KH&CN thấp (2% NSNN; 0,8% GDP)... Vì vậy, nếu không muốn bị tụt hậu thì doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số. Doanh nghiệp cần cập nhật xu hướng công nghệ mới, thay đổi phương thức quản trị, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, đổi mới sáng tạo trong mô hình tổ chức và cách thức kinh doanh là vấn đề mấu chốt quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
TSKH Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội trình bày nội dung chuyên đề. |
Đồng chí Phan Xuân Dũng cho rằng, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần có những hành động thiết thực, cụ thể bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thay đổi tư duy phát triển, có cách nhìn đột phá với một thế giới thay đổi nhanh chóng; dám chấp nhận những khái niệm mới, tư duy mới; đổi mới tư duy, phương thức quản lý dựa trên công nghệ cao, hệ thống tri thức, lý luận mới; nắm vững bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực trạng đất nước để có giải pháp đúng đắn. Coi sự đổi mới và sáng tạo công nghệ là linh hồn của sự tiến bộ khoa học & công nghệ và của cả dân tộc, là động lực cơ bản để CNH, HĐH đất nước.
Năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Thúc đẩy tăng năng suất lao động, trong đó coi trọng đầu tư cho khoa học công nghệ là điểm mấu chốt. Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định, đầu tư nhân lực khoa học công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc.
Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương gồm có 35 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 33 đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng lớn, với hơn 80.000 đảng viên, hoạt động trên tất cả các vùng miền của đất nước và cả ở nước ngoài. Quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo của Đảng, thời gian qua Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương luôn chú trọng lãnh đạo, triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ nói chung, đặc biệt là bồi dưỡng, cập nhật những nội dung, kiến thức mới về khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối thông qua các hội nghị thông tin chuyên đề và nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Quang cảnh Hội nghị. |
Trước Hội nghị này, Đảng ủy Khối đã tổ chức các Hội nghị thông tin chuyên đề bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp; Hội nghị thông tin chuyên đề “Tình hình kinh tế Việt Nam - Cơ hội và thách thức”; Hội nghị thông tin chuyên đề về "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư"... Một số hội nghị được tổ chức trực tuyến tới cán bộ lãnh đạo chủ chốt các Đảng bộ trực thuộc và cán bộ, đảng viên Cơ quan Đảng ủy Khối; báo cáo viên đều là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về các lĩnh vực cần thông tin. Qua các hội nghị thông tin chuyên đề đã góp phần cập nhật, bổ sung kiến thức, đổi mới tư duy kinh tế và phương pháp quản trị doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương./.
P.V