.
.

Chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Tập đoàn Sông Đà (1961-2011): Khởi nghiệp với thủy điện Thác Bà

Thứ Sáu, 16/12/2011|09:59

 

Năm 1966, trường ĐH Xây dựng Hà Nội chính thức được thành lập trên cơ sở một bộ phận tách ra từ trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chúng tôi là khóa sinh viên đầu tiên (sau này, nhiều người trong khóa đã thành danh như các anh Nguyễn Hồng Quân, Thang Văn Phúc, Đỗ Hoàng Ân, Lê Văn Quế...). Từ lúc vào trường cho đến khi tốt nghiệp, chúng tôi đều học sơ tán trong dân ở xã Gia Lương (Quế Võ, Bắc Ninh). Chỗ học, chỗ ở, hầm trú ẩn, chúng tôi đều tự tay dựng, tự tay đào. Hòn than, cân gạo cũng tự vai vận chuyển…

Ghi theo lời kể của ông Lê Văn Kính-Nguyên Giám đốc Cty Sông Đà 7 - Tập đoàn Sông Đà

Từ trường lớp ở vùng sơ tán…

Năm 1966, trường ĐH Xây dựng Hà Nội chính thức được thành lập trên cơ sở một bộ phận tách ra từ trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Chúng tôi là khóa sinh viên đầu tiên (sau này, nhiều người trong khóa đã thành danh như các anh Nguyễn Hồng Quân, Thang Văn Phúc, Đỗ Hoàng Ân, Lê Văn Quế...). Từ lúc vào trường cho đến khi tốt nghiệp, chúng tôi đều học sơ tán trong dân ở xã Gia Lương (Quế Võ, Bắc Ninh). Chỗ học, chỗ ở, hầm trú ẩn, chúng tôi đều tự tay dựng, tự tay đào. Hòn than, cân gạo cũng tự vai vận chuyển…

 
Điều kiện học tập và sinh hoạt khó khăn đã đào tạo nên lứa sinh viên chúng tôi có đặc trưng rất riêng. Chúng tôi quý mến, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Tính tự quản, sự nỗ lực, phấn đấu, vượt khó… của mỗi người rất cao. Sau ngày ra trường, khóa chúng tôi cũng còn gắn bó với nhau.

Khóa chúng tôi có trên 50 người. Khi thực tập tốt nghiệp (năm 1970), chỉ duy nhất một người ở lại Hà Nội, số còn lại đều lên công trường thủy điện Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Một nửa số này, sau khi thực tập trở về trường làm báo cáo tốt nghiệp. Nửa còn lại, trong đó có tôi làm báo cáo tốt nghiệp ngay tại công trường. Sau khi tốt nghiệp, tôi nhận công tác tại công trường và khởi nghiệp làm thủy điện từ đây…

… Đến công trường hiện đại giữa rừng

Tôi còn nhớ, ngày ấy, công trường xây dựng thủy điện Thác Bà thiếu cán bộ lắm. “Bộ máy” lãnh đạo đa phần là lực lượng cán bộ trong quân đội chuyển ngành sang phụ trách. Lực lượng cán bộ kỹ thuật công trường gồm một số ít học chuyên ngành xây dựng thủy điện ở Trung Quốc, Liên Xô (cũ) về. Sau đó năm 1964 các anh chị khóa V tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Xây dựng được bổ sung về trở thành lực lượng nòng cốt. Khi ấy tất tật, từ thiết kế, bản vẽ, giấy dầu, sắt thép đến từng cái đinh đều đưa từ Liên Xô sang. Miền Bắc chỉ có duy nhất Nhà máy Xi măng Hải Phòng công suất 100 nghìn tấn/năm nhưng chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu sử dụng của công trường nên xi măng cũng chủ yếu nhập từ Liên Xô.



Thác Bà là công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam và cũng là công trường sử dụng cơ giới hóa cao. Lần đầu tiên được tiếp xúc với khoa học kỹ thuật hiện đại như cần trục xích, máy ủi, máy đào, trạm trộn bê tông, xe vận chuyển bê tông… chúng tôi có ấn tượng sâu sắc. So với bây giờ, các thiết bị cơ giới theo công nghệ của Liên Xô ngày ấy công suất thấp và lạc hậu nhưng vào thời điểm đó, có thể nói công trường thủy điện Thác Bà hiện đại nhất cả nước.

Còn nhớ, xung quanh công trường rậm rịt cây cối núi rừng. Đêm đến thật buồn. Ai có gia đình thì về không thì đốt lửa, trò chuyện, hoặc học tiếng Nga. Muốn qua thăm bạn bè thì cũng rất ngại vì đường đất, ngày mưa bùn nhão nhoét, ngập tới đầu gối, ngày nắng, bụi mù trời… Ăn uống theo chế độ tem phiếu. Đời sống thiếu thốn đủ thứ…

Dẫu vậy, chúng tôi cực kỳ hãnh diện và tự hào vì được học đúng nghề, được làm đúng ngành trên công trường trọng điểm quốc gia. Trước chúng tôi học tập vất vả, ý thức rèn luyện cao, nay càng phấn đấu luyện rèn hơn nữa. Công trường thực sự trở thành cái nôi đào tạo cán bộ nguồn cho ngành Xây dựng và đất nước. Lớp kỹ sư trẻ, kinh qua công trường thủy điện Thác Bà trở thành lực lượng chủ chốt trên công trường thủy điện Hòa Bình sau này. Bản thân tôi được kết nạp Đảng và được giao một vị trí then chốt ở công trường thủy điện Hòa Bình…

Dưới bom đạn giặc Mỹ

Thủy điện Thác Bà công suất 100MW, bắt đầu khởi công năm 1960 và đến năm 1974 mới khánh thành. Trong thời gian đó, công trình nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom. Trận bom tàn khốc nhất là ngày 08/7/1966, chúng thả bom đúng vào chỗ ở của đội quân đổ bê tông vừa tan ca về, đang tắm rửa, chuẩn bị ăn cơm, nghỉ ngơi, làm chết 47 người…

Ngày 19/5/1972, Nhà máy thủy điện Thác Bà khánh thành thì mấy hôm sau, ngày 02/6/1972, máy bay Mỹ (khi đó đang leo thang đánh phá miền Bắc) dội bom vào nhà máy. Người công trường hốt hoảng chạy sơ tán ra vùng dân cư cách công trường 7 - 8 cây số. Mạnh ai người ấy chạy, ai gồng gánh theo được giường chiếu, quần áo đến nồi niêu xong chảo, bát đĩa… thì gánh, rồi tự tìm nơi dựng lán trại tá túc. Vậy mà vào ca làm việc, người ở khắp nơi sơ tán quay trở lại công trường đông đúc…



Ngày 10/6/1972, máy bay Mỹ đánh phá nhà máy lần thứ 2. Lần này, nhà máy bị tổn thất nghiêm trọng. Cả 3 tổ máy đều hỏng, phải dừng vận hành để khắc phục, sửa chữa trong nhiều tháng. Trong đó, một tổ máy phải nhập mới thiết bị từ Liên Xô và lắp đặt lại tổ máy hoàn toàn… Đến tháng 8/1974, cả 3 tổ máy mới cơ bản hoàn thành xây lắp và đi vào vận hành ổn định.

Là người Sông Đà, chúng tôi vui vì sự trưởng thành của Sông Đà trong mỗi thời kỳ. Hồi xây dựng thủy điện Thác Bà, chuyên gia Liên Xô chỉ đạo gì, nhất nhất cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam làm theo vì người mình khi đó chưa biết làm thủy điện hơn nữa từ tiền đầu tư, vật liệu, công nghệ đều do Liên Xô tài trợ… Ngày nay, Tập đoàn Sông Đà đã có bước tiến vượt bậc, có thể đảm nhiệm được hoàn toàn các khâu quan trọng của một công trình thủy điện (từ khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt tổ máy đến quản lý vận hành). Sông Đà đã trở thành lực lượng đầu tư xây dựng thủy điện bài bản, mạch lạc, chất lượng, uy tín hàng đầu Việt Nam( và cả ở nước ngoài) mà không nhà thầu Việt Nam nào vượt được… 


Ngày 01/6/1961, cách đây đúng 50 năm Ban chỉ huy Công trường thuỷ điện Thác Bà được thành lập, sau đó được đổi tên thành Cty Xây dựng thủy điện Thác Bà. Từ năm 1975 - 1994, khi tham gia xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Hoà Bình, cái tên mới “TCty Xây dựng thủy điện Sông Đà” được hình thành. Đây chính là tiền thân của Tập đoàn Sông Đà ngày hôm nay. Nhân dịp 50 năm ngày truyền thống của Tập đoàn Sông Đà Báo Xây dựng xin giới thiệu những ký ức của lớp cán bộ thế hệ đầu tiên của Tập đoàn Sông Đà. Đây cũng là một phần lịch sử hào hùng của những người Sông Đà trên hành trình phát triển
 
Hải Vũ- Lê Mỹ (BXD)

 

.
.
.
.