.
.

Không ỷ lại vào lợi thế PVN

Thứ Tư, 14/12/2011|00:08

 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam, tâm sự với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Tổng giám đốc PVFC Nguyễn Thiện Bảo chia sẻ về quá trình xây dựng Tổng Công ty cũng như những đổi mới trong quản lý, kinh doanh để ngày càng củng cố vai trò tài chính không thể thiếu trong sự phát triển của Tập đoàn.

Tổng giám đốc PVFC Nguyễn Thiện Bảo

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những thành quả mà PVFC đã đạt được trong 11 năm qua?

TGĐ Nguyễn Thiện Bảo: PVFC đã hoạt động trên thị trường hơn 11 năm. Đây là thời gian đủ dài để một định chế tài chính như PVFC khẳng định vai trò của mình trên thị trường tài chính và đặc biệt là vai trò phục vụ ngành Dầu khí.

Trước tiên có lẽ các chỉ số tài chính đã chứng minh cho năng lực phát triển của PVFC, là số một trong các công ty tài chính ở Việt Nam và là top 20 các tổ chức tín dụng hiện có trên thị trường. Hiện PVFC có vốn điều lệ là 6.000 tỉ đồng, tổng tài sản khoảng 75.000 tỉ đồng, hằng năm đều có mức tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận. Ước tính năm 2011, PVFC đạt doanh thu 6.860 tỉ đồng, lợi nhuận 650 tỉ đồng.

So sánh chức năng hoạt động với các ngân hàng thương mại thì tuy PVFC có nhiều hạn chế hơn như không có chức năng thanh toán, huy động vốn cá nhân v.v… song PVFC đã tự thiết kế cho riêng mình những bộ sản phẩm rất đặc thù mang thương hiệu PVFC như: thu xếp vốn, tư vấn tài chính, tư vấn phát triển dự án sạch CDM …

Sau hơn 11 năm, PVFC cũng đang sở hữu một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có chuyên môn vững vàng và nhiệt tình. Bên cạnh những thành công kinh doanh, điều mà chúng tôi tự hào là đã xây dựng được nét văn hóa doanh nghiệp khá riêng biệt, văn minh, hiện đại, xây dựng đạo đức kinh doanh và gắn liền với tiêu chuẩn văn hóa dầu khí.

PV: Vậy những thành công kinh doanh đã đạt được giờ đây có là thách thức với PVFC khi thị trường tài chính ngày càng trở nên khó khăn không?

TGĐ Nguyễn Thiện Bảo: Theo tôi khó khăn, thách thức thì thời điểm nào cũng có chỉ là ở các hình thái khác nhau mà thôi. Những năm gần đây thị trường tài chính nói chung đã có quá nhiều sự biến động khiến cho tất cả các tổ chức tín dụng trên toàn cầu đều phải đau đầu để nghĩ nhiều phương án ứng phó với khó khăn và có lẽ giờ này tiêu chí tăng trưởng không còn là mục tiêu chính của các tổ chức tín dụng mà giờ đây, sự an toàn vốn, ổn định, bền vững có lẽ mới là tiêu chí đầu tiên. PVFC cũng vậy và đây cũng là mục tiêu chung của Tập đoàn Dầu khí trong giai đoạn mới.

PV: Ông có thể chia sẻ về những định hướng phát triển của PVFC trong thời gian gần đây?

TGĐ Nguyễn Thiện Bảo: Như đã vừa nói, PVFC đang đặt ra mục tiêu an toàn, ổn định và phát triển bền vững. Những biến động trong môi trường tài chính như lãi suất, lạm phát… khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, khả năng trả nợ. Điều này tiếp tục kéo theo những vấn đề khó khăn cho tổ chức tín dụng trong huy động và cân đối nguồn vốn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đứng trước điều kiện thị trường này, định hướng của PVFC trong giai đoạn hiện nay cũng như cho một số năm tiếp theo là nâng cao chất lượng tài sản, tiếp tục kiểm soát, tăng cường chặt chẽ quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo các chỉ số an toàn do NHNN quy định. Chúng tôi cũng xác định tập trung nguồn lực vào thị trường dầu khí vì đây là thị trường chính của PVFC.

Bên cạnh đó, PVFC sẽ phải củng cố tổ chức bộ máy để nâng cao năng lực nội tại, không ngừng mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Về việc này, PVFC đang rất tích cực để thực hiện.

PV: Vậy, để đáp ứng các yêu cầu kinh doanh ngày càng khắt khe như vậy thì trong quản lý, điều hành, PVFC đã có những đổi mới gì?

TGĐ Nguyễn Thiện Bảo: Thích ứng với điều kiện thị trường mới, PVFC đã kịp thời áp dụng linh hoạt nhiều phương thức kinh doanh, tạo điều kiện chủ động tối đa cho các bộ phận nghiệp vụ và phòng ngừa rủi ro ở mức tối đa.

PVFC đã áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong hệ thống quản lý tài chính, tái cấu trúc toàn diện các bộ phận nguồn vốn, cải cách hệ thống tiền lương, thưởng, tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ cán bộ giỏi.

Thời gian qua, PVFC cũng đã quyết tâm và xây dựng thành công hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm phù hợp với các nghiệp vụ NHTM, đáp ứng yêu cầu quản trị thông tin khách hàng và quản lý kinh doanh ngày càng cao của lĩnh vực tài chính.

PV: Thế còn về con người, cá nhân ông đánh giá như thế nào về đội ngũ nhân viên của mình?

TGĐ Nguyễn Thiện Bảo: Sau hơn 11 năm, đến nay PVFC vẫn được đánh giá là có đội ngũ trẻ, được đào tạo bài bản, năng động, nhiệt tình, sáng tạo. Phải chăng đây là tính tất yếu của một môi trường tài chính hay bản thân PVFC có sức hút mạnh mẽ với những người trẻ.

PV: Vậy PVFC với sức trẻ, sẽ thực sự trở thành công cụ tài chính của Tập đoàn như thế nào?

TGĐ Nguyễn Thiện Bảo: Thì chúng tôi vốn đã và vẫn đang là công cụ tài chính của Tập đoàn đấy thôi.

Công việc chúng tôi đang thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Chúng tôi hiểu bên cạnh việc chú trọng củng cố năng lực nội tại, PVFC cần mở rộng các quan hệ với hệ thống tài chính trong nước và quốc tế để phục vụ các nhu cầu tài chính ngày càng lớn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Hiện PVFC đã có mạng lưới hoạt động trên các địa bàn trọng điểm của dầu khí, đã thiết lập chặt chẽ các mối quan hệ với nhiều ngân hàng trong và ngoài nước. Với sự ủng hộ của Tập đoàn và các đơn vị, chắc chắn PVFC sẽ ngày càng làm tốt hơn vai trò của mình.

PV: Vừa là “người dầu khí”, vừa là “người tài chính”, PVFC có phải cạnh tranh nhiều với các tổ chức tín dụng khác khi cung cấp các sản phẩm tài chính cho Tập đoàn không? Sự nghiệp của Tập đoàn có gắn với sự nghiệp của PVFC không?

TGĐ Nguyễn Thiện Bảo: Tập đoàn là công ty mẹ, chiếm cổ phần chi phối nhưng cũng là khách hàng lớn nhất của PVFC, vì vậy sự phát triển của PVFC gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của Tập đoàn là điều tất yếu. Là “người dầu khí”, PVFC có nhiều lợi thế chứ. Chúng tôi có điều kiện tiếp cận với công nghiệp dầu khí, cán bộ tài chính có kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí nên sẽ thuận lợi hơn các ngân hàng khác trong việc kết nối công nghiệp dầu khí với tài chính. Còn cạnh tranh, đương nhiên là thị trường thì phải có cạnh tranh. Nhưng PVFC xác định không ỷ lại vào cái lợi thế trong ngành trên mà thiếu đi tính cạnh tranh trong sản phẩm dịch vụ của mình.

PV: Nhìn lại chặng đường đã qua của PVFC, đó là những bước liên tục sáng tạo và đổi mới, vậy sẽ tiếp tục còn những bước đột phá nào của PVFC trong thời gian tới, ông có thể chia sẻ được không?  

TGĐ Nguyễn Thiện Bảo: Quả thật những đột phá như mọi người vẫn nghĩ đến là doanh thu, là lợi nhuận thì trong bối cảnh thị trường hiện nay là việc khó thực hiện cho bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Có lẽ sự đột phá có thể nói đến là PVFC sẽ thực sự đủ sức vượt qua bão tài chính và đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các dịch vụ cung cấp đến mọi khách hàng.

PV: Xin cám ơn TGĐ, chúc PVFC sẽ ngày càng gặt hái nhiều thành công hơn nữa!

Phú Duy (Thực hiện)

.
.
.
.