Giàn khoan 90 m nước- Công trình nội hóa hàm lượng công nghệ cao
Giàn khoan tự nâng 90m nước - Tam Đảo 03, công trình cơ khí trọng điểm quốc gia, là sản phẩm giàn khoan tự nâng đầu tiên do Việt Nam tự chế tạo được giao cho Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), làm tổng thầu.
Giàn khoan Tam Đảo 03 có tổng trọng lượng gần 12.000 tấn, chiều dài chân 145m, chiều sâu khoan đến 6.100m; có thể chịu sức gió tương đương bão cấp 12, trên cấp 12 |
Vượt qua nhiều khó khăn về mặt công nghệ chế tạo, giàn khoan Tam Đảo 03 cuối tháng 3/2012 đã được PV Shipyard bàn giao cho Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) tại Vũng Tàu sau 24 tháng nỗ lực thi công.
Đây cũng là minh chứng khẳng định khả năng chinh phục những thách thức trong việc tìm tòi làm chủ công nghệ mới của những người thợ cơ khí Việt Nam.
Vào năm 2007, khi có chủ trương thành lập Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí để thiết kế, chế tạo, đóng mới, sửa chữa các loại giàn khoan, hầu hết các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí biển đều thận trọng cho rằng, Việt Nam chưa thể chế tạo được giàn khoan tự nâng.
Những băn khoăn này khi đó là có cơ sở, bởi vì đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, phức tạp với các tiêu chuẩn khắt khe, phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất… hơn thế nữa đây là lại sản chỉ khoảng 2 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công.
Trong bối cảnh như vậy, lựa chọn một sản phẩm cơ khí có độ khó cao và đòi hỏi công nghệ hiện đại như giàn khoan tự nâng 90m nước tại thời điểm đó được cho là một quyết định khá “mạo hiểm”.
Với sự trợ giúp của PVN và Viện Nghiên cứu cơ khí cùng dự án KHCN cấp nhà nước ngày 2/4/2010, sản phẩm giàn khoan 90m nước đầu tiên của Việt Nam đã được quyết định đưa vào nghiên cứu và chế tạo. Hỗ trợ cho sản phẩm này, dự án được nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học của Nhà nước thông qua Quỹ Phát triển KHCN quốc gia cấp tổng cộng 112,88 tỷ đồng.
Kỹ sư Đào Đỗ Khiêm, Phó Giám đốc triển khai dự án cho biết, đây là dự án giàn khoan tự nâng di động hiện đại với rất nhiều hệ thống tự động và hệ thống tích hợp nên đòi hỏi phải thực hiện việc quản lý hiện đại và đồng bộ. Với tổng khối lượng của giàn khoan gần 12.000 tấn, hệ thống nâng hạ dùng nguyên lý bánh răng thanh răng nên việc chế tạo chân giàn khoan chỉ cho phép dung sai 6mm trên toàn bộ chiều dài 145m chân đế. Mặt khác, việc chế tạo, lắp đặt, tích hợp và chạy thử cho 107 hệ thống cũng là công việc hết sức khó khăn. Điều đáng ghi nhận là tất cả các công việc trên đều do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện.
Theo các chuyên gia ngành Dầu khí, khi hàng năm ngành Dầu khí phải chi một lượng ngoại tệ rất lớn để thuê giàn khoan của nước ngoài, đặc biệt là giàn khoan di động và giàn khoan tự nâng về phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác của ngành, việc PV Shipyard tự đóng được giàn khoan đã tiết kiệm được nguồn ngoại tệ khá lớn cho đất nước.
Đây là giàn khoan tự nâng di động thứ 7 của Việt Nam (nhu cầu hiện nay của Việt Nam là hơn 10 chiếc và kế hoạch đến 2025 dự kiến cần từ 15-20 chiếc). Từ thành công này, PVN sẽ đầu tư các giàn khoan tự nâng tiếp theo để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước, không phải đi thuê giàn khoan tự nâng của nước ngoài, đồng thời hướng tới mục tiêu cung cấp các dịch vụ sửa chữa, nâng cấp, đóng mới các loại giàn khoan di động cho các công ty dầu khí hoạt động trong thềm lục địa Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí Nguyễn Chỉ Sáng, với sự thành công của sản phẩm giàn khoan 90m nước, cộng với một số sản phẩm cơ khí thủy công, máy biến áp…, có thể khẳng định các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hoàn toàn có khả năng cung ứng cho thị trường 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí, đồng thời khẳng định trí tuệ Việt Nam không hề thua kém nhiều nước trong việc áp dụng những thành tựu công nghệ mới để làm chủ thiết kế, lắp đặt những công trình cơ khí có hàm lượng công nghệ cao.
Theo Chinhphu.vn