Tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nông - lâm trường quốc doanh
Sáng 6/1, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị tổng kết công tác thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông - lâm trường quốc doanh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp và phát triển nông lâm trường quốc doanh nhằm sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực này cho phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: Chinhphu.vn |
Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 28, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong rà soát, đánh giá thực trạng của nông - lâm trường quốc doanh; xác định vai trò, nhiệm vụ của từng nông lâm trường từ đó điều chỉnh hình thức tổ chức, quản lý sử dụng đất đai và rừng; xây dựng chương trình phát triển phù hợp cho từng đơn vị. Đến nay, hầu hết các nông – lâm trường đã được sắp xếp lại
Trong quá trình sắp xếp bước đầu một số doanh nghiệp trồng cây công nghiệp, rừng trồng nguyên liệu (chủ yếu thuộc Tổng công ty nhà nước như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Giấy..) đã có chuyển biến tốt, hình thành được những vùng nguyên liệu tập trung, tạo ra được sản phẩm có giá trị cao.
Sau khi sắp xếp lại, các nông lâm trường quốc doanh được nhìn nhận là doanh nghiệp đặc thù, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Từng bước làm rõ được vai trò của các nông lâm trường trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh không tách rời nhiệm vụ công ích, an ninh xã hội trên địa bàn. Bước đầu đã tách bạch được nhiệm vụ kinh doanh và công ích trên cơ sở đó chuyển đổi các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu là rừng phòng hộ thành đơn vị sự nghiệp chuyên làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Việc quản lý, sử dụng đất trong các nông lâm trường cũng được nâng cao hơn, bóc tách được những diện tích đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sai đối tượng để chuyển giao về địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, theo Ban Chỉ đạo sắp xếp đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh Trung ương, hiệu quả trong sử dụng đất đã được nâng cao. Một số nông lâm trường đã xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, mạnh dạn đưa khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất, đẩy mạnh đầu tư vào chế biến. Tạo vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng cao.
Việc thực hiện thí điểm cổ phần hóa vườn cây gắn với cơ sở chế biến đã đạt được kết quả nhất định, hầu hết các đơn vị thực hiện cổ phần hóa thực hiện theo lộ trình đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp này đã hoạt động hiệu quả hơn so với trước, kết quả sản xuất – kinh doanh tăng cao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo sắp xếp đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh Trung ương cũng cho rằng việc đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nông lâm nghiệp đến nay vẫn đang là yêu cầu cấp bách và còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đại diện các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An... thì việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa hiệu quả. Bên cạnh đó do công tác kiểm kê, bảo vệ còn nhiều hạn chế, nên việc xác định diện tích rừng đã bị lấn chiếm hiện nay là chưa chính xác, số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo.
Đại diện các địa phương cho rằng cần xem xét lại tính hiệu quả trong quản lý đất rừng của công ty nông lâm nghiệp so với Ban Quản lý rừng để từ đó có thể lựa chọn được mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động phù hợp. Tác động của việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhằm tạo ra thêm việc làm, thu hút lao động, phát triển diện tích rừng và các vùng nông nghiệp tập trung vẫn chưa được thể hiện rõ.
Chính sách hỗ trợ đối với những nông lâm trường quốc doanh vừa sản xuất kinh doanh vừa phải đảm nhận các nhiệm vụ công ích, quốc phòng – an ninh vẫn chưa được xác định một cách cụ thể và phù hợp.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Những nhiệm vụ cấp bách cần tập trung giải quyết
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, trước hết, Ban Chỉ đạo Trung ương nêu rõ sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại đối với các công ty nông lâm nghiệp và Ban quản lý rừng vừa tổ chức lại do sắp xếp các nông lâm trường quốc doanh. Sớm hoàn thành việc giao đất, cho thuê đất, cắm mốc ranh giới, quy hoạch đất đai cho các nông lâm trường quốc doanh phù hợp với quy hoạch phát triển nông lâm ngư nghiệp và quy định của pháp luật; xác định rõ giá trị tài sản trên đất, kể cả rừng tự nhiên là rừng sản xuất làm căn cứ giao vốn cho doanh nghiệp.
Các công ty nông lâm nghiệp cũng sẽ được tạo điều kiện để tăng cường đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở chế biến, dịch vụ gắn với vùng nguyên liệu. Một số công ty nông lâm nghiệp có nông lâm trường đủ điều kiện quy định sẽ được thí điểm cổ phần hóa trên cơ sở rút kinh nghiệp kết quả cổ phần hóa thí điểm vườn cây, rừng trồng gắn với cơ sở chế biến, dịch vụ trong các nông lâm trường quốc doanh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương) Cao Đức Phát cho rằng việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh cần quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 28.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh Trung ương nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác này. Theo đó, cần khẳng định chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp và phát triển nông lâm trường quốc doanh nhằm sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực vô cùng lớn cho phát triển kinh tế – xã hội.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần xác định rõ mô hình chuyển đổi và sắp xếp, sớm tiến hành tổng kết, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện những định hướng lớn của Đảng, nhà nước và Chính phủ trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần phân loại để có cơ chế sản xuất kinh doanh phù hợp với loại hình, vùng và thậm chí là từng địa phương. Phải xác định rõ cơ chế đất đai, ngồn vốn, thuế, nguồn thu để các đơn vị này hạch toán được.
Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành tổng hợp những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương, ở từng nông lâm trường để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Nghiên cứu để sửa đổi những bất cập trong quy định của hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến đất đai.
Các địa phương cần tiếp tục đánh giá, tổng kết để từ đó tiếp tục kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp để khắc phục những tồn tại, khó khăn, bất cập thời gian qua.
Xuân Tuyến
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ