Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị
Ngày 12/1, tại Đà Nẵng, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị tổng kết 13 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể chính trị - xã hội (như Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam), đã đóng góp nhiều thành tựu quan trọng cho đất nước cũng như trong đời sống của cộng đồng dân cư.
Từ khi có Chỉ thị 42 của Bộ chính trị, Nhà nước đã ban hành các văn bản quản lý về hội và đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một các nghiêm túc, có hiệu quả thiết thực.
Hiện nay cả nước có 437 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, 3.511 hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh, cấp huyện. Ngoài ra còn có hàng vạn hội do quần chúng tự thành lập hoạt động ở phạm vi xã phường, thị trấn; có hàng ngàn tổ chức, viện, trung tâm hoạt động theo chuyên ngành; có 29 loại quỹ có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên ngành cùng hàng ngàn loại quỹ ở các địa phương…
Các hội trong toàn quốc có 18 tờ báo và gần 200 tạp chí, ngoài ra hầu hết các địa phương các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật đều có tạp chí và các hội còn lại đều có bản tin để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, phát huy tinh thần đoàn kết, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội; hướng dẫn hội viên hoạt động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; là diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm.
Nét nổi bật là thông qua công tác tư vấn, phản biện xã hội, các hội đã góp phần xây dựng môi trường thực hành dân chủ và hoàn thiện nhà nước pháp quyền; tham gia trực tiếp vào việc giám sát hoạt động của bộ máy công quyền, đội ngũ cán bộ công chức nhà nước và phản biện xã hội, góp phần hòa thiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước
Đặc biệt, trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hoạt động từ thiện, nhân đạo và khắc phục thiên tai… các hội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động phong phú đa dạng nhằm nâng cao dân trí, giúp thoát đói, thoát nghèo, giúp đở người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam… vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Các báo cáo và tham luận tại Hội nghị đã nêu lên nhiều vấn đề cần quan tâm, đổi mới để các hoạt động của các hội ngày càng hiệu quả, thiết thực, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, sau 13 năm thực hiện Chỉ thị 42, Bộ Chính trị có chủ trương chỉ đạo công tác tổng kết ở các cấp, các ngành để các cấp ủy đánh giá, kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng. Từ đó đề xuất những nhiệm vụ, định hướng, nâng cao hoạt động của các tổ chức hội quần chúng trong thời gian tới.
Về vai trò quản lý nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị các cấp chính quyền rà soát, đánh giá việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để nhanh chóng bổ sung, qua đó nâng cao công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn cũng như tạo điều kiện, hỗ trợ hoạt động của các hội quần chúng. Công tác phối hợp của các cơ quan, ban ngành, nhất là Mặt trận Tổ quốc đối với các hội quần chúng cần sớm được cải tiến để hoạt động có hiệu quả hơn. Ngoài ra đồng chí Lê Hồng Anh cũng đề nghị phải quan tâm về chế độ chính sách đối với các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này.
Lê Minh
Báo điện tử Chính Phủ