.
.

PVN không muốn đi một mình trong hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài

Thứ Sáu, 16/12/2011|10:30

(ĐUKDNTW) - Sáng 15/12, tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2011, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có bài tham luận quan trọng về công tác đầu tư ra nước ngoài của PVN và đưa ra một số kiến nghị, giải pháp.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày nay đã trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước. Với đặc trưng năng động, có năng lực cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, với trên 50.000 người lao động, tổng doanh thu của PVN hàng năm đạt từ 20 – 25% GDP cả nước, với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 18 – 20%/năm. Những năm gần đây, nộp ngân sách Nhà nước của PVN đạt từ 25 – 30% tổng thu, tương ứng với khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. PVN đã tích cực phát huy vai trò là đầu tầu kinh tế của đất nước, là một công cụ hữu hiệu trong điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tham gia tích cực vào bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và thực hiện công tác an sinh xã hội.

 

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập phát biểu tại hội nghị.

 

Doanh thu của PVN tính đến thời điểm này đã đạt gần 700 nghìn tỉ đồng (tương đương 34 tỷ USD) và riêng nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 150 nghìn tỉ đồng.

 

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh việc PVN sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ then chốt, đó là:

 

Thứ nhất, quán triệt và bám sát triển khai thật tốt những nội dung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia cũng như của ngành. Theo đó, quan điểm chiến lược phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững và phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong những chiến lược của PVN.

 

Thứ hai, dầu khí là một nguồn tài nguyên quý hiếm không thể tái tạo, là một nguồn năng lượng và nhiên liệu quan trọng, vì vậy PVN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò ở cả trong và ngoài nước, góp phần thiết thực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 

Thứ ba, PVN triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức, quản lý, về phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, tài chính, vốn và phát triển thị trường, an toàn môi trường, phát triển bền vững gắn với an ninh quốc phòng, nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục hoàn thiện mô hình tái cơ cấu doanh nghiệp. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành một hình mẫu doanh nghiệp Nhà nước tốt nhất, thực hiện vai trò chủ đạo và trụ cột kinh tế nước nhà trong quá trình phát triển đất nước.

 

Trong số nhiệm vụ kể trên, PVN luôn đi trước, xác định là tập đoàn tiên phong trong hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

 

Từ năm 2010 đến nay, PVN đã tổ chức thành công các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (6/2010), tại Hàn Quốc (11/2010), tại Hoa Kỳ (tháng 6/2011) và thời gian tới sẽ tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn tiềm năng tại châu Âu.

 

Không chỉ hấp dẫn thu hút quan tâm các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư trực tiếp ở một số nước mà PVN đã chủ động tận dụng các cơ hội để tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại chỗ như đã tiến hành hợp tác với đối tác Hàn Quốc trong tháng 10 vừa qua dưới hình thức tổ chức hội đàm xúc tiến đầu tư với các đối tác có tiềm năng để hợp tác quốc tế trong các dự án.

 

Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập đề nghị các Tham tán giới thiệu tới các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng của PVN, bao gồm: Lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở trong nước, thu hút đầu tư thông qua hình thức đấu thầu các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí, các lô ở ngoài thềm lục địa và trong đó chấp thuận cả những trường hợp đấu thầu và đàm phán trực tiếp. Một số vùng khai thác nhạy cảm, PVN sẽ đứng ra đầu tư dẫn dắt và có thể đứng tên thay mặt cho các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn ban đầu.

 

Ở nước ngoài, PVN đang hoạt động ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang thực hiện 25 dự án dầu khí. PVN xác định đầu tư có trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng dầu khí cao và có quan hệ chính trị tốt, đồng thời đa dạng hóa hình thức đầu tư với các công ty dầu khí lớn vừa để tránh rủi ro, vừa học tập, hội nhập quốc tế.

 

PVN đang tập trung mọi nguồn lực vào tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.

 

Địa bàn Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ là môi trường mà ngành Dầu khí có rất nhiều thuận lợi. Tuy nhiên trong hoạt động đầu tư dầu khí ở thị trường Nga còn một số vấn đề rất khó khăn, như chính sách thuế…, nhưng cơ bản vẫn có nhiều thuận lợi đối với PVN. Trong hoạt động đầu tư dầu khí ra nước ngoài, Nga và các nước Liên Xô cũ vẫn được PVN ưu tiên số một.

 

Thứ hai là địa bàn Đông Nam Á, PVN đang hợp tác với Indonesia và Malaysia. Indonesia có tiền năng lớn nhưng môi trường đầu tư không hoàn toàn thuận lợi đối với một doanh nghiệp như PVN. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập đề nghị các Tham tán thương mại ở nước này giúp đỡ để công tác xúc tiến đầu tư dầu khí vào Indonesia được thuận lợi hơn.

 

Khu vực thứ ba là khu vực Venezuela và Mỹ La tinh, khu vực này có chính sách thu hút đầu tư vào dầu khí rất mở.

 

Địa bàn thứ tư và thứ năm là Trung Đông và Bắc Phi có diễn biến tình hình bất ổn về chính trị, quân sự nên các hoạt động đầu tư dầu khí vẫn gặp nhiều trở ngại.

 

Trong lĩnh vực hạ nguồn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động được gần 3 năm và đang trong chương tình nâng cấp công suất từ 6,5 lên 10 triệu tấn/năm. Nhà máy lọc dầu số 2 ở Nghi Sơn – Thanh Hóa do một tổ hợp các nhà đầu tư quốc tế bao gồm: Kuwait, Nhật Bản và Việt Nam cùng đầu tư. Tuy nhiên vấn đề thu xếp vốn cho dự án này cũng cần từ 8 đến 10 tỷ USD. Nhà máy lọc dầu số 3 ở Long Sơn cũng đang đàm phán hợp đồng với các đối tác.

 

PVN cũng kiến nghị với Chính phủ có một số ưu đãi bảo hộ thông qua các Tham tán thương mại để kêu gọi thu hút vốn, nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu.

 

Trong công nghiệp điện, ngoài 4 nhà máy điện khí, PVN còn đang triển khai 5 dự án nhiệt điện than, mỗi dự án cần từ 1,2 – 1,5 tỉ USD. Ngoài ra vấn đề nguyên liệu đầu vào cũng phải nhập khẩu từ các thị trường như  Australia, Nga, Indonesia.

 

Bộ Công Thương cũng chuẩn bị đưa ra lộ trình giá điện cạnh tranh, đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến các dự án điện của PVN và vấn đề thu xếp vốn cho các dự án điện than sẽ được thuận lợi trong thời gian tới.

 

Trong lĩnh vực cảng biển, PVN đang có 6 dự án với quy mô khoảng 3 tỉ USD như Nghi Sơn, Dung Quất, Vũng Áng,…

 

Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập cũng thay mặt Tập đoàn có một số kiến nghị lên Bộ Công Thương và các Tham tán thương mại ở các nước.

 

Thứ nhất, tạo khuôn khổ hợp tác thông qua lập các mối quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế tốt đẹp với các nước bạn bè, đồng thời xúc tiến các đoàn làm việc các cấp tiến hành các hoạt động giới thiệu đầu tư.

 

Thứ hai, đưa các nội dung giới thiệu thông tin về các dự án dầu khí vào các buổi làm việc thường xuyên của các cơ quan đại diện ở các nước.

 

Thứ ba, trao đổi khả năng ký kết thỏa thuận khung về hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí.

 

Thứ tư, tạo các hành lang pháp lý cho hoạt động dầu khí Việt Nam tại nước ngoài.

 

“Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không muốn đi một mình trong hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài mà mong  muốn các tập đoàn kinh tế khác cũng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để chúng ta tạo thành chuỗi các giá trị” – Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh trong phát biểu kết thúc tham luận.

 

 Petrotimes

 

.
.
.
.