.
.

Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Bài 3: Nhìn lại lạm phát, vàng và tỷ giá

Thứ Ba, 03/01/2012|15:36

Năm 2011 sẽ đi vào lịch sử như một năm sóng gió và khó khăn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hy vọng lóe lên từ Hội nghị lần thứ ba của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (họp tháng 10-2011) với đường lối đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Sau khi tăng ào ạt giá xăng (hai lần, tăng 30%), giá điện (tăng 15,2%), tỷ giá (9,3%), Chính phủ đã nhận thấy sức ép đè nặng lên nền kinh tế và đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/CP ngày 24-2-2011 với những thay đổi chính sách cơ bản đúng hướng nhằm giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chịu thêm sức ép của lạm phát, lãi suất tín dụng cao và thắt chặt tín dụng. Chính sách tín dụng cũng tác động mạnh đến thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản cũng giảm sút, liên tục phá đáy và trở nên trầm lắng. Các nhà đầu tư nước ngoài đã thoái vốn khoảng 25 tỷ USD từ thị trường chứng khoán Việt Nam, mức cao nhất trong các nước Đông Nam Á, làm cho thị trường này khó gượng dậy từ nội lực.

Ảnh minh họa/ Internet

Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn, song tài chính và tín dụng siêu nhỏ (micro finance and micro credit) lại rất kém phát triển. Trước sức hấp dẫn mạnh từ thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, tín dụng “đen” đã xuất hiện và hoành hành ở nhiều nơi cho đến khi đổ vỡ hàng loạt do sự trầm lắng của hai thị trường kể trên. Hàng loạt vụ đổ vỡ tín dụng “đen” với số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng đang gây ra những hậu quả rất nặng nề về tài chính và xã hội. Điều đáng ngạc nhiên là Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định cho vay với lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định và phải có tính chất “chuyên bóc lột” thì mới bị truy tố. Như vậy, phải cho vay với lãi suất hơn 140%/năm và có tính “chuyên bóc lột” thì mới bị truy tố theo Bộ luật Hình sự nên khả năng răn đe của pháp luật đối với các đối tượng này hầu như bị triệt tiêu.

Trong khi chỉ số giá tiêu dùng đã tăng rất cao, mức lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng được ấn định ở mức 14%/năm trên thực tế đã là lãi suất âm, làm cho dòng vốn trong những tháng cuối năm đã chạy ra khỏi các ngân hàng thương mại. Vàng đã trở thành nơi trú ẩn an toàn cho đồng vốn. Mặc dầu chính thức không có “sàn vàng” nhưng không ít người dân đã liên tục “lướt sóng” mong kiếm lãi ngắn hạn.

Giá vàng thế giới biến động mạnh và khôn lường do chịu tác động từ nhiều nhân tố khác nhau.

Chính lúc giá vàng tương đối thấp, tháng 7, Việt Nam đã xuất 1,1 tỷ USD vàng để rồi nhập 740 triệu USD vàng trong tháng 9 với giá cao hơn nhiều. Trung Quốc đã nhập 500 tấn vàng năm 2010 khi giá vàng còn thấp và đã lãi khá nhiều so với giá vàng hiện nay. Tình hình đó tác động mạnh đến giá vàng trong nước.

Giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới có lúc đến 2-3 triệu đồng/lượng, làm cho nhập khẩu vàng trở nên rất hấp dẫn. Việc nhập vàng cần một khối lượng lớn ngoại tệ và nhập vàng đã tác động không nhỏ đến nhu cầu ngoại tệ và tỷ giá. Trong năm 2011, lãi suất tín dụng USD chỉ khoảng 6%, rất thấp so với lãi suất tín dụng bằng tiền đồng. Điều này dẫn đến một khoản tín dụng ước 7,6 tỷ USD đã được cho các doanh nghiệp vay, không ít doanh nghiệp đã bán ngay để chuyển sang tiền đồng kiếm chênh lệch lãi suất. Sức ép lên tỷ giá trong hai tháng cuối năm chắc chắn sẽ không nhỏ, thách thức cam kết của Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá ở mức 1%. Nếu xét đến mức mất giá thực tế của tiền đồng trên thị trường nội địa là 22% thì việc duy trì tỷ giá ổn định đối với đồng USD không quá 1% có nghĩa là đã nâng giá đồng Việt Nam so với đồng USD và sẽ gây ra không ít khó khăn cho xuất khẩu. Trên thực tế, tỷ giá USD đã bị đẩy lên rất cao, hứa hẹn giá hàng nhập khẩu cho dịp Tết sắp tới sẽ tăng tương ứng.

Trong những ngày cuối tháng 10-2011, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo Nghị định quản l‎ý vàng theo hướng hạn chế mạnh hoạt động của 12.000 cửa hàng vàng đã được cấp phép và đang hoạt động trong cả nước bằng những điều kiện kinh doanh chặt chẽ, hạn chế hoạt động mua, bán vàng của người dân tại các tổ chức tín dụng được cấp phép, quản l‎ý chặt chẽ hoạt động xuất-nhập khẩu vàng. Có thể dự báo trước rằng, các biện pháp quản lý‎ hành chính chỉ có tác dụng giới hạn và khi nhu cầu vàng trong xã hội vẫn tồn tại thì sẽ có nguồn cung trên thị trường đáp ứng bằng cách này hay cách khác. Rất mong Hiệp hội Kinh doanh vàng sẽ đóng góp ý kiến để tiến tới những quy định theo hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu thực tế trong xã hội.

Từ vấn đề lạm phát, giá vàng và tỷ giá trong năm 2011 kết hợp với thực tế khách quan trong nước và quốc tế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3, trong đó có nhấn mạnh việc tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

.
.
.
.