.
.

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Các chuyên gia hiến kế

Thứ Tư, 11/01/2012|22:54

Tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, từ yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây là công việc khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ cấp bách, cần làm ngay. Nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn đa chiều về tái cấu trúc DNNN, chúng tôi trích đăng ý kiến của các chuyên gia kinh tế "hiến kế" giải quyết vấn đề này.

Cần có bước đi thích hợp thì tái cấu trúc DNNN mới thành công

Để tái cấu trúc DNNN thành công, theo tôi cần phải có bước đi thích hợp. Mỗi doanh nghiệp là một tình huống, không thể làm chung cho mọi doanh nghiệp. Vì vậy, việc tái cấu trúc DNNN cần được tiến hành từng bước như sau:

GS,TS. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính)

Trước hết, cần khảo sát thực trạng của DNNN, phân tích đúng nguyên nhân của các vấn đề. Bước này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu bước này làm không đúng, thì các bước sau không có hiệu quả.

Những biểu hiện về thực trạng thường gặp nhất đối với các DNNN, khiến phải đặt vấn đề tái cấu trúc, có thể được chia thành 4 nhóm chính:

Nhóm 1, bao gồm những biểu hiện dễ thấy như: doanh số giảm, thị phần thu hẹp, thất thoát tài sản, hoạt động trì trệ, mất lợi thế cạnh tranh, mất kiểm soát nhiều mặt…

Nhóm 2, bao gồm những biểu hiện liên quan trực tiếp đến kết quả kinh doanh như: sự phối hợp kém giữa các bộ phận, chính sách kinh doanh không rõ ràng, chất lượng sản phẩm không ổn định, các hoạt động tiếp thị kém, công nợ nhiều, tồn kho cao…

Nhóm 3, bao gồm những biểu hiện có ảnh hưởng gián tiếp đến kết quả kinh doanh như: cán bộ, nhân viên làm việc không có mục tiêu rõ ràng; cấp quản lý bị cuốn vào giải quyết sự vụ, lặt vặt; quản lý cấp cao thụ động, nhân sự thay đổi liên tục; cơ chế phân quyền kém,…

Nhóm 4, bao gồm những hiện tượng rất khó phát hiện nằm ở tầng cơ quan chủ quản, không thấy biểu hiện cụ thể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày.

Khi tiến hành khảo sát, sẽ phân tích rõ các nhóm này để tìm ra các nguyên nhân đích thực của thực trạng. Từ đó, đề ra những giải pháp cụ thể cho từng doanh nghiệp.

Tiếp đến, sau khi khảo sát thực trạng của DNNN, chúng ta phải tìm ra các giải pháp cụ thể, làm cái gì và không làm cái gì, cái nào cần ưu tiên, giải pháp nào là cơ bản là nền tảng, các nguồn lực được phân bổ thế nào? Phương pháp tiến hành như thế nào?

Quá trình tái cấu trúc DNNN đòi hỏi phải kiên định, quyết đoán, chấp nhận hy sinh cái này để đạt được mục tiêu cơ bản của tái cấu trúc. Để đánh giá đúng thực trạng của DNNN hiện nay, vấn đề cốt lõi là tìm ra những tồn tại và bất cập của nó là gì và đang cần gì? Cách làm cơ bản là phải có cuộc điều tra, khảo sát toàn diện và chuyên sâu từng vấn đề của DNNN, để xác định rõ, cụ thể chuẩn xác thực trạng của DNNN, từ đó mới đưa ra được những giải pháp phù hợp.

Cuối cùng, để hạn chế rủi ro trong quá trình tái cấu trúc DNNN, phải phân tích, đánh giá đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân gốc, từ đó tìm ra được điểm đột phá. Không nên thực hiện tái cấu trúc, vì mục tiêu và quyền lợi của một “nhóm lợi ích”, lợi ích trước mắt, mà phải vì sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của DNNN.

Tái cấu trúc doanh nghiệp phải là vấn đề tự thân của các doanh nghiệp. Các DNNN cần phải tiếp tục được soát xét, sàng lọc, sắp xếp lại các doanh nghiệp làm ăn yếu kém, không hiệu quả cần kiên quyết loại bỏ (giải thể, cho phá sản, bán…). Các công ty còn lại cần tiếp tục chuyển đổi hình thức sở hữu nhằm tạo sự thay đổi về cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu suất kinh doanh và hiệu hiệu quả hoạt động nói chung.

Sắp xếp lại DNNN: cần có một cái nhìn dài hạn và bài bản hơn

TS.Trần Tiến Cường, Nguyên Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ)

Trong 10 năm qua, Chính phủ đã có 4 Nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004, Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 và hiện nay là Nghị định số 109/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 - PV); Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 Quyết định việc phân loại, sắp xếp DNNN (Quyết định số 58/2002/QĐ-TTG ngày 26/4/2002; Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24/8/2004; Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/3/2007; Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011 –PV) thì xin hỏi các đồng chí là: làm sao doanh nghiệp có thể ổn định tư tưởng để làm việc? Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải có cái nhìn dài hạn. Nhà nước cần sắp xếp ngành nghề,  những tập đoàn, những DNNN mà có liên quan đến lợi ích quốc gia như: hạ tầng, năng lượng, khoáng sản. Còn những ngành nghề không liên quan đến Nhà nước thì chúng ta nên cổ phần hóa.

Thời gian vừa qua, tình hình kiểm soát về tài chính về kinh doanh là chưa có cơ sở. không có một căn cứ hệ thống nào để đánh giá tiêu chí của doanh nghiệp.

Tái cấu trúc là phải thay đổi lại ngành nghề, tập trung vào ngành nghề quan trọng Nhà nước nắm, cải thiện mô hình quản trị, tăng cường giám sát, kiểm tra chứ không để thả nổi như hiện nay. Đồng thời, đề ra những tiêu chí nhằm minh bạch hóa doanh nghiệp. Nhưng, phải để cho doanh nghiệp biết minh bạch như thế nào? Minh bạch cái gì, thông tin cái gì? Điều này đồng nghĩa với việc, Nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị, cơ chế về giám sát thông tin, kinh doanh.

Một điểm nữa là, Nhà nước phải hỗ trợ những doanh nghiệp mạnh, quản trị tốt các doanh nghiệp này để tăng sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, để nâng cao nguồn lực cán bộ, Nhà nước phải có cơ chế ưu đãi những cán bộ giỏi.

5 điểm nhấn trong tái cơ cấu DNNN

Trong quá trình cải cách DNNN trong vài năm tới, tôi cho rằng chúng ta ít nhất phải thực hiện 5 điều sau:

TS. Nguyễn Minh Phong- Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội

Một là, tái cơ cấu DNNN trên cơ sở, tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển; đồng thời có biện pháp tích cực, ngăn ngừa và khắc phục những hạn chế, mặt trái của cơ chế thị trường.

 Hai là, tái cơ cấu DNNN phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối. Đặc biệt, cần khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để tái cấu trúc tổ chức và quản lý DNNN.

Ba là ,trong quá trình tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải. Nghiên cứu chỉnh sửa giảm tỷ trọng xuống dưới 10%, thậm chí bãi bỏ sớm quy định cho phép DNNN được phép đầu tư “trái ngành” tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư.

Bốn là,  tránh những rủi ro trong quá trình tái cấu trúc. Bao gồm 5 rủi ro: (1) Rủi ro gắn liền với quá trình thất thoát tài sản công, bao gồm thất thoát liên quan đến nợ công, đến đất đai và các giá trị khác của DNNN; (2) Giảm tình trạng lãng phí do chúng ta bỏ nhứng dự án đã triển khai; (3) Gắn liền với việc ngăn chặn những sự lãng phí mới do triển khai những dự án mới; (4) Chú ý giảm thiểu tình trạng tạo sức ép về mặt tác nghiệp, tạo áp lực xã hội rất lớn trong thời gian tới; (5) Cần phải có Luật Đầu tư công để thực hiện việc bảo vệ ích lợi quốc gia cũng như giảm thiểu lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương chi phối chính sách trong quá trình tái cấu trúc này.

Năm là, về cơ chế quản lý DNNN, cần thực hiện quyền và trách nhiệm của CSH nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính. /.

Tạp chí Kinh tế Dự báo

.
.
.
.