Tái cơ cấu ngân hàng, đảm bảo tối đa quyền lợi của người gửi tiền
Tái cấu trúc ngân hàng đang là đòi hỏi thực tế
Tái cấu trúc hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính là một trong 3 lĩnh vực chủ đạo, quan trọng nhất của nền kinh tế trong 5 năm tới được khẳng định trong Nghị quyết hội nghị Trung ương 3, Khóa XI của Đảng. Đây là chủ trương lớn thể hiện quyết tâm của Đảng nhằm cải tổ nền kinh tế từ những nguyên nhân chủ quan nội tại của nền kinh tế, cùng với tác động, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Tại Hội nghị thường kỳ tháng 11/2011, Chính phủ chỉ đạo việc triển khai Đề án tái cấu trúc ngân hàng phải thực hiện đồng bộ cùng với các đề án tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và với các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng đắn. Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội mới đây tháng 12/2011, Giám đốc Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam cần phải coi tái cơ cấu ngân hàng như lĩnh vực ưu tiên nhất nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng trong thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng Đề án tái cấu trúc ngân hàng với lộ trình cụ thể trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2011. Đồng thời ban hành văn bản khuyến khích sáp nhập, hợp nhất và mua bán các tổ chức tín dụng được quy định cụ thể tại Thông tư 04/2010/TT-NHNN. Cùng với đó là một loạt giải pháp hỗ trợ quá trình tái cơ cấu ngân hàng về thanh tra, giám sát, minh bạch hóa hoạt động ngân hàng.
Thống đốc NHNN cho biết việc tái cơ cấu khu vực ngân hàng đang được chuẩn bị và đã bắt đầu. Thực tế, việc sáp nhập, hợp nhất 03 NHTM cổ phần: Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ Nhất (Ficombank), đã diễn ra đầu tháng 12/2011.
Hệ thống ngân hàng đã từng chứng kiến sự thành công của quá trình cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo tinh thần Chỉ thị số 57/CT-TW Bộ Chính trị và Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 5 năm thực hiện tiến trình củng cố chấn chỉnh, hoạt động của hệ thống QTDND phát triển ổn định tiền gửi huy động tăng 2,78 lần, dư nợ tăng 2,73 lần trong khi nợ quá hạn giảm từ 3,42% xuống còn 0,6%; số lượng QTDND hoạt động yếu kém giảm căn bản từ 38,65% còn 0,9%. Còn tại khu vực ĐBSCL trước giai đoạn củng cố chấn chỉnh, năm 2001, số lượng QTDND hoạt động yếu kém chiếm gần 40% số quỹ tại khu vực, nợ xấu và tài sản có vần đề bình quân chiếm 50% tổng tài sản, nợ quá hạn bình quân gần 10% tổng dư nợ. Đến nay, tổng nguồn vốn tăng gấp 8 lần, dư nợ tăng gấp 10 lần, nợ quá hạn giảm từ 36% xuống còn 1,2%, số đơn vị hoạt động yếu kém dưới 2%.
Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2010 và hệ lụy của nó cùng với những vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng đã và đang bộc lộ ngày càng rõ những bất ổn trong lĩnh vực này. Nghị quyết phiên họp tháng 11/2011, Chính phủ đánh giá hạn chế, yếu kém cần tiếp tục khắc phục trong lĩnh vực ngân hàng đó là thanh khoản khó khăn, nợ xấu có dấu hiệu tăng cao. Ngân hàng Nhà nước nhận định, năng lực tài chính của một bộ phận tổ chức tín dụng còn khiêm tốn, chất lượng quản trị, điều hành hạn chế, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ ngân hàng sa sút; sản phẩm và dịch vụ nghèo nàn, lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động tín dụng, mức rủi ro cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống,.... Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới các NHTM phát triển với tốc độ quá nhanh, số lượng nhiều. Kèm theo đó là chất lượng hoạt động giảm sút, nhân sự chưa đảm bảo. Không ít ngân hàng hoạt động vì mục tiêu, lợi ích cục bộ, chạy đua lãi suất, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống và thị trường tiền tệ, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để ổn định và phát triển sản xuất.
Quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ thế nào?
Cùng với việc lãi suất hạ thấp, thông tin về tái cơ cấu ngân hàng, không thể không khiến người gửi tiền lo lắng trước những thay đổi lớn trong lĩnh vực vốn mang tính nhạy cảm cao. Bên cạnh đó cũng cho thấy, lượng thông tin về lĩnh vực này cũng chưa được truyền tải đầy đủ tới người dân.
Để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong quá trình tái cấu trúc, tại Thông tư 04/2010/TT-NHNN về sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN quy định rõ “... TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt quyền lợi của người gửi tiền tại từng TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại”. Đồng thời, Thống đốc NHNN khẳng định quyền lợi của khách hàng được bảo vệ tối đa. Nghĩa là toàn bộ tiền gửi của người dân tại TCTD trước đây được chuyển sang TCTD mới hợp nhất, sáp nhập tiếp tục được Nhà nước bảo toàn.
Có thể nói, mặc dù quá trình tái cấu trúc ngân hàng đang bắt đầu, nhưng người dân vẫn luôn yên tâm bởi pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền ra đời và phát huy tác dụng trong 12 năm qua. Với quy định đó, quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ trong mọi tình huống khi TCTD gặp khó khăn. Đặc biệt là khi TCTD bị giải thể, phá sản, thì các khoản tiền của người dân gửi tại đây đều được trả đầy đủ cả gốc và lãi trong thời gian ngắn. Theo số liệu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), từ năm 2000 đến nay đã chi trả đầy đủ, kịp thời cho 1622 người gửi tiền người gửi tiền tại 38 QTDND cơ sở trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 21 tỷ đồng, đã củng cố niềm tin, giúp người dân yên tâm vào hoạt động ngân hàng.
TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Phó tổng giám đốc BHTGVN, khi trao đổi với báo giới đã khuyến cáo người dân không nên rút tiền gửi trước hạn, tránh bị thiệt về lãi suất. Đồng thời khẳng định, quyền lợi của người gửi tiền được Chính phủ và BHTGVN bảo vệ. BHTGVN cũng sẵn sàng chi trả cho người dân, trong trường hợp xấu nhất xảy ra nếu có NH nào đóng cửa.
Thông điệp cam kết của BHTGVN - cơ quan bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và những khẳng định của Thống đốc NHNN, đã tạo sự yên tâm cho người dân, sự xáo trộn nhanh chóng qua đi, người gửi tiền tại các ngân hàng đã yên tâm trở lại.
Mới đây Dự Luật về Bảo hiểm tiền gửi đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và tiếp tục hoàn thiện phù hợp với xu thế phát triển của hệ thống tài chính-ngân hàng, sẽ tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Quyền lợi của người gửi tiền sẽ được đảm bảo đầy đủ, vững chắc, trên cơ sở đầy đủ, hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng và pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh đó là sự hoạt động an toàn ổn định của hệ thống ngân hàng. Từ những khía cạnh trên, xin đề xuất một vài ý kiến mang tính tham khảo nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền:
- Dự luật về Bảo hiểm tiền gửi hiện cần sớm được cấp có thẩm quyền xem xét đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống ngân hàng, phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo tính chủ động, độc lập tương đối của BHTGVN để thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn, ổn định hoạt động TCTD.
- Để người dân yên tâm, tin tưởng vào hoạt động ngân hàng, trước hết, người dân cần hiểu rõ và tin tưởng vào chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động ngân hàng và pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, cũng như hiểu rõ về hoạt động của các ngân hàng. Tái cấu trúc ngân hàng và việc giảm lãi suất nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát là những chủ trương của Nhà nước rất phù hợp, cần thiết trong tình hình hiện nay. Đây là những thông điệp mà cơ quan quản lý cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng và giải thích đầy đủ cho người dân. Khi người dân hiểu sẽ đồng thuận, hưởng ứng tích cực thúc đẩy đạt mục tiêu đề ra.
- Cần công khai, minh bạch thông tin về lĩnh vực này. Những năm qua, hầu như thông tin về hoạt động ngân hàng chưa được mở rộng đối với người dân và các tổ chức. Nhiều cơ hội đầu tư, thu hút vốn bị bỏ lỡ, do các đối tác, các nhà đầu tư không nắm rõ mức độ mạnh, yếu của các ngân hàng. Mới đây NHNN đã ban hành Thông tư số 35/2011/TT-NHNN về công bố thông tin của ngân hàng. Việc công khai này là bước tiến mới, theo đó, thông tin về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ được công khai, minh bạch, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Nhung Hiền – Cần Thơ