.
.

Thực hiện Nghị định số 75/2011/NĐ-CP: Suy nghĩ về nhiệm vụ của NHPT trong tình hình mới

Thứ Bảy, 07/01/2012|00:25

Ngày 30/08/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước thay thế Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006; Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 sửa đổi một số điều của Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Trong 5 năm qua, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) đã có những kết quả khả quan trong thực hiện chính sách đầu tư phát triển của Nhà nước, với thành tựu nổi bật sau: tính chung, tổng số vốn NHPT đã giải ngân các dự án đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 là 96.328 tỷ đồng (năm 2006 là 9.870 tỷ đồng), dư nợ đến 31/12/2010 là 87.308 tỷ đồng (chưa bao gồm dư nợ các Chương trình của Chính phủ như cho vay Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), tăng hơn hai lần so với thời điểm đi vào hoạt động 01/7/2006, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm và chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Doanh số cho vay TDXK đến 31/12/2010 là 97.632 tỷ đồng (năm 2006 là 8.200 tỷ đồng), dư nợ 31/12/2010 là 16.105 tỷ đồng. Tính đến 30/06/2011 NHPT đang quản lý 2.445 dự án với tổng vốn vay theo hợp đồng tín dụng  168.846 tỷ đồng trong đó có 106 dự án nhóm A với số vốn vay 73.583 tỷ đồng; Quản lý các nguồn vốn ODA cho vay lại, Quỹ quay vòng  với 412 dự án tương đương 9,5 tỷ USD. Tổng doanh số  huy động trong 5 năm là 185.050 tỷ đồng, riêng doanh số huy động năm 2010 là 48.370 tỷ đồng.

Trên cơ sở bảo toàn không ngừng phát triển vốn, nguồn vốn chủ sở hữu của NHPT đến 31/12/2010 tăng 90%, bằng 190%; Tổng tài sản của NHPT đến 31/12/2010 đã tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm nhận bàn giao từ Quỹ HTPT và hiện nay NHPT cũng là  một trong các ngân hàng có vốn điều lệ và tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống các TCTD hiện nay.

Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ra đời là một bước tiến mới đối với NHPT trên con đường hội nhập, phát triển và nằm trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để  phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại. Mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2011-2020 do Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD.

Nghị định số 75/2011/NĐ-CP đã thể chế hóa đường lối phát triển kinh tế của Đảng trong lĩnh vực tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, coi nghiệp vụ này là nhiệm vụ chính trị quan trọng của NHPT trong giai đoạn mới.

NHPT đứng trước cơ hội và thách thức:

Ngoài đảm bảo chính sách mới về về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu phù hợp với các điều kiện trong cam kết khi gia nhập WTO, việc đầu tư vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đã không còn “trải mành mành”, hoặc “ nhỏ, lẻ ” nhất là các dự án về xã hội như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng có hiệu quả đầu tư chưa cao thậm chí lãng phí vốn. Chính sách mới về đầu tư đã mang tính trọng điểm nhằm vào các dự án lớn mang tính chất dịch chuyển cơ cấu ngành, vùng lãnh thổ; các dự án an sinh xã hội có tổng mức lớn/quy mô lớn, trang bị thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng theo yêu cầu phát triển xã hội hoặc những dự án tầm cỡ  quốc gia mang ý nghĩa như cú huých, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp chiến lược phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Cơ chế chính sách về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước mới cũng đã đặt ra yêu cầu đối với chủ đầu tư, khách hàng vay vốn tại NHPT phải có thực lực và nâng cao trách nhiệm của họ đối với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, thông qua báo cáo tài chính minh bạch, nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án đâu tư, tài sản thế chấp khi vay vốn tại NHPT, nghĩa vụ khi thực hiện trả nợ đúng hạn...

Nghị định số 75/2011/NĐ-CP cũng đã tháo gỡ một số rào cản làm “bó tay, trói chân” NHPT trong hoạt động nghiệp vụ. Điểm nổi bật là chính sách về cơ chế lãi suất cho vay của Chính phủ giao cho NHPT đã linh hoạt và chủ động hơn; chính sách về hỗ trợ sau đầu tư và xử lý rủi ro của NHPT đã mang tính thực tiễn hơn.

Những bất cập cần tiếp tục giải quyết triệt để:

1.     Bất cập do thừa hưởng từ mô hình quản lý cũ:

So với các NHTM khác xuất phát điểm của NHPT được coi là thấp trong khu vực ngân hàng Việt Nam về trình độ công nghệ, tổ chức và quản trị ngân hàng. Đội ngũ CBVC nói chung trình độ ngoại ngữ, kiến thức nghiệp vụ về thị trường, kiến thức luật, thông lệ quốc tế còn hạn chế so với yêu cầu thực thi nhiệm vụ của một cơ chế mới. Mô hình tổ chức và hoạt động còn nhiều bất cập. Công tác pháp chế và kiểm tra giám sát tại các Chi nhánh trong hệ thống hầu hết không chuyên nghiệp, bất cập, cá biệt còn để xảy ra sai sót đáng tiếc liên quan đến pháp luật trong thi hành công vụ. Bên cạnh là một cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống tin học chắp vá, công nghệ ngân hàng thấp cần nâng cấp và đổi mới.

Đó là  những khó khăn lớn nhất mà trong 5 năm qua NHPT đã cố gắng hoàn thiện, đổi mới và đạt được một số thành công, hiệu quả tích cực song vẫn đang phải tiếp tục giải quyết một cách triệt để và toàn diện nhằm đưa hệ thống không bị tụt hậu, tiếp tục phát triển mạnh mẽ vững chắc, phù hợp với yêu cầu hội nhập, phù hợp với yêu cầu của Đề án chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng cải cách căn bản, triệt để toàn diện hệ thống các Tổ chức tín dụng hiện đại, hoạt động đa năng, để đạt trình độ phát triển trung bình tiên tiến trong khu vực, có quy mô hoạt động lớn hơn, tài chính lành mạnh, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về hoạt động Ngân hàng, có khả năng cạnh tranh với các Ngân hàng trong khu vực và trên thế giới..

2. Bất cập từ phía cơ chế chính sách trong hoạt động nghiệp vụ:

Các dự án tín dụng từ Cục ĐTPT và Quỹ HTPT chuyển sang do thực hiện theo cơ chế cũ còn nhiều bất cập và rủi ro cao, như hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay còn sơ hở không bảo đảm cơ sở pháp lý, tài sản bảo đảm tiền vay hầu hết hình thành từ vốn vay trong đó rất nhiều các tài sản không bảo đảm tính thanh khoản. NHPT còn phải giải quyết hàng loạt dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế thấp từ Cục Đầu tư phát triển và Quỹ HTPT chuyển sang, nhất là một số Chương trình như: xi măng lò đứng, mía đường, đánh bắt hải sản xa bờ, chương trình cơ khí, có tỷ lệ vốn thu hồi hầu như rất thấp trong khi chi phí bỏ ra lại rất cao nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Các cơ chế chính sách của Nhà nước còn chưa ổn định trong nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế nói chung cũng như về cơ chế quản lý về tài chính tiền tệ có liên quan đến hoạt động của NHPT nói riêng, thậm chí còn có lúc “ bó tay, trói chân” NHPT trong hoạt động nghiệp vụ, ví dụ: chính sách về cơ chế lãi suất  trong huy động vốn cũng như chính sách cho vay cứng nhắc không linh hoạt cho các đối tượng khách hàng của NHPT; Chính sách của Chính phủ về xử lý rủi ro của NHPT còn mang tính quan liêu chưa thực tiễn... đang được tháo gỡ trên cơ sở cơ chế mở củaNghị định số 75/2011/NĐ-CP song không thể thực hiện một cách khả thi, hoàn hảo ngay trong “một sớm, một chiều”.

Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ toàn cầu xảy ra tác động đến hệ thống tài chính, tín dụng trong nước, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, đã làm cho một Tổ chức mới còn non trẻ trong lĩnh vực tín dụng tiền tệ như NHPT gặp nhiều khó khăn trong khi đang thực hiện từng bước tiến tới xóa bỏ bao cấp, tự chủ về tài chính giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn huy động và thu hồi nợ vay  khó khăn, dẫn đến có  lúc NHPT phải đối diện với việc bị mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra nghiêm trọng, trong khi ngay cả vốn điều lệ, Chính phủ vẫn chưa cấp đủ cho NHPT.

Trên thực tế, Nghị định 151/2006/NĐ-CP, Nghị định 106/2008/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu đã làm đối tượng vay vốn TDĐT, TDXK của NHPT trở nên hẹp hơn trước đây. Các chính sách này cũng làm cho hoạt động trong các Chi nhánh của hệ thống NHPT càng trở nên không đồng đều hơn (lĩnh vực cho vay TDĐT cũng như TDXK), ví dụ như có những Chi nhánh không phát sinh dự án hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; các dự án vay vốn TDĐT theo cơ chế mới rất hạn chế hay có nhiều Chi nhánh không có nghiệp vụ cho vay vốn TDXK hoặc doanh số cho vay của nghiệp vụ này rất thấp. Với việc ban hành NĐ 75/2011/NĐ-CP thì đối tượng vay vốn TDĐT, TDXK của NHPT còn thu hẹp hơn nữa và NHPT còn phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn hơn với trách nhiệm nặng nề hơn.

Vượt qua thách thức

Với vai trò là công cụ tài chính của Chính phủ trong việc điều hành và quản lý vĩ mô, NHPT cần phải lớn mạnh hơn nữa để đáp ứng các yêu cầu tổng quát: tiếp cận và hòa nhập với xu hướng phát triển chung của đất nước và thế giới, giữ vai trò chủ đạo là công cụ của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển như mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Thực hiện đúng phương châm chiến lược của các tổ chức tín dụng nói chung và NHPT nói riêng trong giai đoạn 2006-2010 định hướng đến năm 2020 là: An toàn hiệu quả, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững.

Trên cơ sở Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính, hàng loạt các chính mới sẽ được NHPT ban hành hoặc điều chỉnh cho phù hợp với cơ chế mới.

Nghị định số 75/2011/NĐ-CP đang mở ra một chương mới trên con đường hội nhập và phát triển của NHPT. Khi toàn thể CBVC trong hệ thống NHPT cùng nắm tay nhìn về phía trước chắc chắn rằng NHPT sẽ xứng đáng là một tổ chức lớn, công cụ tài chính đắc lực của chính phủ luôn  góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường tiến lên CNXH./.

 
Phan Thị Phi Nga - Chi nhánh NHPT Đà Nẵng

 

.
.
.
.