Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Định hướng giải pháp kỹ thuật năm 2012
Trên cơ sở hiện trạng vườn cây đang có và kết quả công tác trồng, chăm sóc, khai thác năm 2011, Ban Quản lý Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đề ra những định hướng giải pháp quản lý kỹ thuật năm 2012 đối với công tác trồng mới, chăm sóc vườn cây KTCB và vườn cây khai thác. Trong đó tập trung đầu tư thâm canh vườn cây khai thác, KTCB và chú trọng chất lượng công tác trồng mới-tái canh.
Cần nâng cấp vườn cây khai thác
Bên cạnh các vườn cây tại Quảng Trị, Tây Nguyên cần phải nâng cấp thì ngay tại khu vực Đông Nam bộ, năng lực vườn cây cũng đang có chiều hướng giảm do tỷ lệ cây cạo nhóm III cao. Theo Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, các đơn vị cần có phương án nâng cấp vườn cây và xây dựng chương trình thanh lý dài hạn để tái canh những lô cao su chất lượng kém, không hiệu quả, thay bằng các giống mới và phương pháp thâm canh tiến bộ hơn, tránh việc năng suất sụt giảm nhanh, ảnh hưởng đến SXKD của VRG.
Nhân rộng việc áp dụng đào hố tích mùn trên vườn cây KTCB chuẩn bị đưa vào khai thác và vườn cây khai thác nhất là vườn cây mới cạo và vườn cây nhóm I.
Sử dụng thuốc kích thích đúng chất lượng và đúng quy trình kỹ thuật cho từng nhóm cây, tuyệt đối không để công nhân tự mua thuốc kích thích trôi nổi trên thị trường. Thực hiện tốt công tác quy hoạch mặt cạo, thực hiện chế độ cạo S/2 d3. Tổ chức phun phòng trị bệnh phấn trắng, khảo sát xác định bệnh nứt vỏ botryodiploidia để xử lý hiệu quả, phát hiện sớm trị kịp thời bệnh corynespora.
Riêng với khu vực Tây Nguyên, áp dụng các giải pháp tổng hợp để phục hồi năng lực vườn cây trong đó tập trung biện pháp hố tích mùn và phun phòng trị bệnh lá phấn trắng kết hợp phân bón lá để phục hồi vườn cây trong thời gian sớm nhất.
Đối với Quảng Trị, cần có chương trình nâng cấp vườn cây khai thác và rà soát thanh lý các diện tích chất lượng kém, tập trung thâm canh vườn cây tái canh, KTCB ngay từ đầu.
Phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su trong việc khảo sát năng lực vườn cây, chẩn nghiệm sinh lý mủ để quy hoạch, đề ra chế độ khai thác, kích thích mủ và chăm sóc bón phân thích hợp.
Chú trọng công tác giống và phòng dịch bệnh
Theo Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, trong công tác trồng mới-tái canh, các đơn vị cần chú trọng chất lượng vườn cây, không chạy theo số lượng diện tích trồng mới. Về mặt kỹ thuật, cần chú ý thực hiện tốt công tác khảo sát, qui hoạch chọn đất trồng, quy hoạch vùng trồng tập trung, tuân thủ đúng quy trình điều tra, khảo sát chọn đất trồng phải được thực hiện trước khi đầu tư. Tổ chức quản lý sản xuất theo hướng trồng đến đâu phải có đủ lao động và kỹ thuật để thâm canh.
Về giống, thực hiện theo các quy định về quản lý sử dụng giống của VRG, trồng đa dạng theo cơ cấu giống khuyến cáo. Riêng khu vực Campuchia, giống PB 260 đã chiếm tỷ lệ cao cần giảm trồng trong những năm tới. Với các đơn vị khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, cần chủ động sản xuất cây giống, kiểm soát chặt chẽ chất lượng cây giống, khắc phục tình trạng trồng lẫn giống, trồng lộn giống, không trồng giống kém chịu lạnh.
Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trên vườn tái canh trồng mới và KTCB để thâm canh vườn cây như:
+ Trồng cây giống tiến bộ, bảo đảm thời vụ trồng, trồng sớm đầu vụ và kết thúc đúng vụ, dặm định hình vườn cây ngay trong năm đầu, chăm sóc đặc biệt cho cây trồng dặm.
+ Bón phân đúng kỹ thuật, đủ định lượng NPK vô cơ theo QTKT.
+ Thực hiện phúp bồn tủ gốc sớm vào cuối mùa mưa.
+ Nhân rộng diện tích hố đa năng, phát triển cây họ đậu Kudzu và có biện pháp quản lý và ép xanh hiệu quả.
+ Áp dụng các biện pháp chống thoái hóa đất và rửa trôi chất màu, phòng trị kịp thời các bệnh hại corynespora, botryodiploidia,… không để bệnh hại thành dịch.
+ Thực hiện tỉa chồi có kiểm soát theo phương pháp mới cho một số giống mới phân cành cao; thực hiện tỉa chồi có kiểm soát, tạo tán thấp ở độ cao khoảng 2,2 - 2,5m ở những vùng khí hậu bất thuận.
+ Thực hiện tốt các biện pháp chống úng và chống hạn trên đất rừng khộp, chống xói mòn đối với đất dốc…
- Tại mỗi khu vực, xây dựng các mô hình vườn cây KTCB chất lượng cao, có thời gian KTCB dưới 5 năm và nhân rộng.
- Tiến hành kiểm kê chi tiết, chính xác diện tích và chất lượng vườn cây cao su vào cuối năm, đánh giá, phân loại chất lượng vườn cây để phục vụ công tác quản lý và xây dựng phương án thâm canh chăm sóc thích hợp cho từng loại vườn cây.
- Rà soát các diện tích cây cao su sinh trưởng quá kém, đầu tư nâng cấp không hiệu quả để thanh lý trồng lại; trên diện tích cây cao su phát triển kém do đất không thích hợp thì khoanh vùng ngưng đầu tư chăm sóc làm thủ tục thanh lý để giảm thiểu thiệt hại.
P.V