.
.

Mô hình phối hợp giữa Quân khu 7 và tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam

Thứ Năm, 19/04/2012|00:55

Đến nhiều đơn vị trực thuộc Quân khu 7, chúng ta dễ nhận thấy những cánh rừng cao su xanh mướt bạt ngàn. Nhiều diện tích cao su đã cho khai thác mủ, tạo nguồn thu lớn cho đơn vị, góp phần cải thiện đời sống của bộ đội, củng cố sửa sang doanh trại, xây dựng các khu vui chơi giải trí bổ ích cho cán bộ, chiến sĩ. Đó là kết quả của những hoạt động phối hợp giữa các công ty cao su của TĐCNCS VN với các đơn vị trong Quân khu.

Cao su của bộ đội

Những năm qua, qua nhiều phương thức liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ, các công ty thuộc TĐCNCS Việt Nam và các đơn vị của Quân khu 7 đã cùng trồng cao su trên diện tích hàng trăm héc-ta đất nhàn rỗi thuộc quân đội quản lý. Các công ty cao su như Dầu Tiếng, Đồng Nai, Tân Biên, Phú Riềng, Bình Long… không chỉ hỗ trợ về tiền vốn, cây giống, mà còn cử nhiều lượt cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn bộ đội kỹ thuật trồng cao su, chăm sóc vườn cây, khai thác và chế biến mủ, bao tiêu sản phẩm. Ngành cao su còn tích cực giúp các đơn vị của Quân khu 7 trồng và bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn. Năm 2010 và 2011, ngành cao su đã hỗ trợ vốn sản xuất cho các đơn vị của Quân khu 7 với số tiền gần 15 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sư đoàn 302 (Quân khu 7) và lãnh đạo Tổng công ty CS Đồng Nai thăm vườn cao su của đơn vị.
Lãnh đạo Sư đoàn 302 (Quân khu 7) và lãnh đạo Tổng công ty CS Đồng Nai thăm vườn cao su của đơn vị.

Từ năm 2004 đến nay, Tổng công ty CS Đồng Nai đã hỗ trợ Sư đoàn 302, Lữ đoàn 25 Công binh phát triển hơn 200ha cao su. Riêng Sư đoàn 302 đã hoàn thành dự án trồng 160ha cao su, có 45% diện tích đã cho khai thác mủ. Đại tá Phạm Văn Long, Chính ủy Sư đoàn 302, cho biết: “Cán bộ kỹ thuật của Tổng công ty CS Đồng Nai thường xuyên xuống thăm và kiểm tra vườn cây với chúng tôi. Anh em hướng dẫn tỉ mỉ cho bộ đội cách cạo mủ, bảo quản mủ và bảo vệ vườn cây. Thu nhập từ cây cao su giúp đơn vị giảm bớt khó khăn về kinh phí bảo đảm cho các hoạt động”. Hiện nay, Tổng công ty CS Đồng Nai cùng với Sư đoàn 302, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai và Lữ đoàn 25 Công binh đang nghiên cứu để phát triển thêm nhiều diện tích cao su hơn nữa theo phương thức ngành cao su hỗ trợ vốn, cây giống và kỹ thuật, còn các đơn vị chịu trách nhiệm về quỹ đất và nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, có thể xây dựng một số xưởng chế biến cao su loại nhỏ cho các đơn vị quân đội, hoặc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm theo giá cả thị trường.

Tại các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, hay Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiệm vụ phát triển diện tích cao su của các đơn vị trong Quân khu 7 đang được xúc tiến mạnh mẽ dưới sự giúp đỡ của TĐCNCS Việt Nam. Các công ty cao su giúp các đơn vị quy hoạch, lập dự án trồng mới, thay vườn cây đã già cỗi, liên doanh, liên kết để khai thác, chế biến và xuất khẩu mủ cao su, sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao su. 

Những việc làm tình nghĩa

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trăm, Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 nói: “TĐCNCS Việt Nam và các đơn vị thành viên luôn nhiệt tình với LLVT Quân khu trong thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, làm công tác từ thiện xã hội và giúp các đơn vị một số kinh phí hoạt động”. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2010-2011), ngành cao su Việt Nam đã vận động công nhân viên chức đóng góp, ủng hộ các đơn vị xây dựng được 81 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương; hỗ trợ một tỷ đồng cho một số đơn vị kéo đường dây điện hạ thế, làm sân bóng, sân quần vợt, mua thiết bị văn phòng. Các đơn vị thành viên của Tập đoàn cũng tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà cho các đơn vị bộ đội trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, số tiền ủng hộ trị giá 1,1 tỷ đồng.

Tổng Công ty CS Đồng Nai là một trong những nơi phối hợp với các đơn vị của Quân khu 7 làm công tác hậu phương quân đội và chính sách xã hội tốt nhất. Đồng chí Nguyễn Thị Gái, Tổng giám đốc tâm đắc: “Thông qua các đơn vị quân đội, chúng tôi có điều kiện chăm lo cho các gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, bà con nghèo trong vùng căn cứ cách mạng trước đây”. Năm 2011, Tổng Công ty CS Đồng Nai đã phối hợp với 3 đơn vị kết nghĩa đưa bộ đội về các nông trường huấn luyện và làm công tác dân vận. Tại những nơi này, bộ đội đã tham gia sửa sang hơn 30km đường liên thôn; sửa chữa, dọn vệ sinh cho 5 trường học, tham gia xây dựng 3 căn nhà tình thương cho người nghèo.

Công ty CS Dầu Tiếng đã hỗ trợ kinh phí để Trung đoàn 23 Thông tin, Quân khu 7 san ủi, làm 5,6km đường vào đài ra-đa, cho đơn vị vay 200 triệu đồng không tính lãi để phát triển tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho bộ đội. Công ty này cũng hỗ trợ 40 triệu đồng để Trung đoàn 23 xây dựng 2 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho gia đình cán bộ có hoàn cảnh khó khăn, trồng giúp 2000 cây cao su... Thượng tá Nguyễn Hoàng Hải, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 23 cho biết: “Công ty CS Dầu Tiếng đã hỗ trợ kinh phí giúp đơn vị giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong huấn luyện, xây dựng đơn vị và tăng gia sản xuất”. Có thể nói, những việc làm thiết thực của các đơn vị trực thuộc Quân khu 7 và các công ty cao su của TĐCNCS VN có ý nghĩa xã hội và đậm tính nhân văn sâu sắc; vừa thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các đơn vị, công ty với nhau, vừa còn góp phần xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn cao su, ổn định tình hình chính trị và xây dựng các đơn vị quân đội VMTD.

Cần nhân rộng mô hình phối hợp

Thiếu tướng Trần Đơn – Tư lệnh Quân khu 7 khẳng định: “Mô hình phối hợp giữa TĐCNCS Việt Nam và Quân khu 7, là cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những kết quả đã đạt được cho thấy sự hỗ trợ, tương tác giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng-an ninh luôn là động lực phát triển”. Cũng theo Thiếu tướng Trần Đơn, nếu như có nhiều Tập đoàn kinh tế, nhiều doanh nghiệp trong cả nước phối hợp hoạt động với các đơn vị quân đội, sẽ tạo ra những sức mạnh mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên thực tế, không chỉ có bộ đội Quân khu 7 và cán bộ, công nhân viên chức của ngành cao su được hưởng những thành quả của sự phối hợp hoạt động, mà nó còn mang niềm hạnh phúc đến cho nhiều gia đình chính sách, gia đình nghèo khác và các đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo. Phối hợp hoạt động giữa lực lượng quân đội các đơn vị kinh tế là một nhu cầu có thật trong tình hình hiện nay. Đồng chí Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc - Phụ trách HĐ Thành viên TĐCNCS Việt Nam đánh giá: “Đây là mối quan hệ thiết thực, gắn bó và giúp đỡ nhau cùng phát triển”. Chúng ta xây dựng nền kinh tế phát triển mạnh ổn định, đồng thời với củng cố vững chắc nền quốc phòng-an ninh, bảo đảm an sinh xã hội để đất nước phát triển ổn định. Vì vậy, hiệu quả của mô hình phối hợp hoạt động giữa quân đội và các đơn vị kinh tế chính là thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng, góp phần hoàn thành mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bài và ảnh: Sĩ Bình-Phi Hùng

QĐND

 

.
.
.
.