Vụ cháy TTTM Hải Dương: Dư luận đang có cái nhìn chưa toàn diện
Trong các ngày qua, vụ cháy lớn ở trung tâm thương mại (TTTM) tỉnh Hải Dương đang trở thành đề tài bàn luận xôn xao của dư luận xã hội cũng như các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, sau buổi làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan của tỉnh Hải Dương, nhiều dấu hỏi lớn đã phần nào được tháo gỡ. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Hải Dương cũng kêu gọi nếu ai có chứng cứ sai phạm, cảnh sát PCCC sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Lực lượng cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hải Dương huy động tối đa lực lượng vào cuộc |
Đối với câu hỏi thứ nhất: Có hay không sự thiếu trách nhiệm của lực lượng PCCC Công an tỉnh trong công tác triển khai lực lượng ứng cứu khi đám cháy xảy ra?
Ông Phạm Văn Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương và ông Nguyễn Danh Thuy đều khẳng định: Thông tin mà một số tờ báo và trang mạng điện tử đưa ra về vấn đề thời điểm các cuộc gọi báo cháy là hoàn toàn không chính xác.
Cuộc gọi báo cháy đầu tiên được xác nhận là vào 3 giờ 25 phút sáng ngày 15/9, do ông Trịnh Hoàng Thắng, cán bộ trực điện thoại Phòng PC66 Công an tỉnh Hải Dương, tiếp nhận từ số điện thoại 01679567859 (Bưu điện TP Hải Dương xác nhận là số máy báo cháy đầu tiên đến số điện thoại 114).
Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, lãnh đạo Phòng PC66 đã điều động 3 xe chữa cháy, 2 máy bơm cùng 18 cán bộ, chiến sĩ do Đại úy Lê Thắng chỉ huy đến hiện trường kiểm tra, xác minh nội dung tin báo. Sau 5 phút kể từ thời điểm nhận được điện thoại, lực lượng PCCC đã có mặt tại hiện trường. Tại đây, do đám cháy quá lớn và bao trùm toàn bộ tầng 1 của TTTM, Đại úy Lê Thắng đã xin hỗ trợ. Sau khi nhận được báo cáo, lãnh đạo PC66 đã điều động toàn bộ lực lượng PCCC của Công an tỉnh gồm 7 xe chữa cháy, 2 xe bơm nước , 2 xe tiếp nước, 2 máy bơm chữa cháy cùng toàn bộ cán bộ chiến sĩ của đơn vị với tổng số 85 người.
Ông Đoàn Việt Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hải Dương cũng cho biết: Vào lúc 3 giờ 59 phút sáng 15/9 mới nhận được cuộc điện thoại từ ông Vũ Khắc Quyết, Trưởng Ban Quản lý Chợ, Giám đốc TTTM Hải Dương thông báo về vụ cháy. Trước đó, ông Hùng không nhận bất cứ cuộc điện thoại nào về vụ việc.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Khắc Quyết, Trưởng Ban Quản lý Chợ, Giám đốc TTTM Hải Dương cho biết: Tổ Bảo vệ TTTM đêm 14/9 có 6 người. Lúc 3 giờ 38 sáng 15/9, ông mới nhận được điện thoại của bảo vệ báo cáo họ phát hiện vụ cháy trước đó chưa đầy 20 phút. Công an xác nhận bảo vệ TTTM đã báo cháy lúc 3 giờ 25. Trong khi đó, phần lớn tiểu thương và người dân cho rằng, vụ cháy xảy ra rất sớm, từ khoảng 1 giờ sáng. Sau vụ cháy, 6 bảo vệ này đã bị công an mời lên làm việc.
Như vậy, việc có thông tin cho rằng người dân gọi điện báo cháy cho Phòng Cảnh sát PCCC từ 1 giờ hàng chục cuộc là không hề chính xác.
Thắc mắc thứ hai: Có hay không việc tiểu thương phải phóng xe máy đến gõ cửa kêu cứu tại trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC thì lực lượng PCCC mới điều xe đến như một số báo và trang mạng nêu?
Ông Nguyễn Danh Thuy khẳng định: Trong ca trực đêm 14, sáng ngày 15/9/2013, tôi là người trực lãnh đạo trực tiếp, bản thân tôi và cán bộ chiến sỹ trực đêm hôm đó (gồm bảo vệ, trực chỉ huy...) không nhận bất cứ thông tin người dân nào đến trụ sở gõ cửa kêu cứu báo cháy cho đến lúc 3 giờ 25 chúng tôi mới nhận được cuộc gọi vào số máy của lực lượng PCCC.
Đại tá Nguyễn Danh Thuy cho biết thêm: Từ năm 2005 trở về trước, trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC đóng tại 35 Đại lộ Hồ Chí Minh (cách TTTM Hải Dương khoảng 600m), trụ sở này hiện nay là văn phòng làm việc của Phòng Hậu cần, Công an Hải Dương, còn trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC Hải Dương hiện tại đang đóng tại 325 đường Nguyễn Lương Bằng, phường Thanh Bình, TP Hải Dương (cách TTTM Hải Dương khoảng 3km).
Về thắc mắc thứ ba: Lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh điều động 2 chiếc xe cứu hỏa thì 1 chiếc còn một ít nước và 1 chiếc bị hỏng.
Đại tá Nguyễn Danh Thuy khẳng định: Việc xe cứu hỏa mà không có nước là hoàn toàn không đúng. Vì theo quy trình Bộ Công an, mỗi buổi sáng lực lượng PCCC phải nổ máy 15 phút đồng thời kiểm tra tất cả thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác chữa cháy trong ngày. Đây là quy trình bắt buộc của Bộ, nếu làm trái thì lãnh đạo trực phải chịu trách nhiệm.
Lý giải về tình huống xe hết nước, Đại tá Nguyễn Danh Thuy cho biết, việc bà con thắc mắc cũng có cái lý, tuy nhiên điều này là do hạn chế của phương tiện chữa cháy. Trong số 3 chiếc xe cử đến đầu tiên, do chỉ chứa được hơn 1 khối nước cho nên chỉ trong vài phút là xe sẽ hết nước. Khi đó, bắt buộc lực lượng cứu hỏa phải tìm bến nước hoặc họng nước để lấy nước. Tuy nhiên, họng nước được bố trí quá xa so với đường ống trong khi 2 hồ nước xung quanh thì chỉ có 1 hồ với khoảng cách 30m là có thể tiếp nước. Do mới được cải tạo nên hồ có nhiều bùn và khi các chiến sĩ tiến hành lấy nước thì hệ thống hút gặp khó khăn trong 3 - 5 phút. Và, đây chính là lý do khiến người dân bức xúc.
Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết thêm: Trong quá trình triển khai công tác chữa cháy, lãnh đạo Công an tỉnh nhận định TTTM có thể đổ sập bất cứ lúc nào do sức cháy và nhiệt độ lớn làm biến dạng kết cấu của tòa nhà. Do vậy, tôi đã chỉ đạo toàn bộ lực lượng (6 cán bộ chiến sĩ) đang xông vào phía sau khu vực TTTM kịp thời rút ra để đảm bảo an toàn. Rất may, khi lực lượng vừa rút thì một phần của tòa nhà sập xuống làm 2 đồng chí bị thương nhẹ vào chân.
Đối với vấn đề hệ thống PCCC của TTTM Hải Dương liệu có bảo đảm đúng tiêu chuẩn?
Đội trưởng Đội Kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hải Dương Phạm Văn Dũng cho biết: Dù là cơ sở dịch vụ thương mại lớn của tỉnh nhưng hệ thống PCCC có rất nhiều hạn chế và tồn tại. Trong năm 2012, đoàn kiểm tra của Công an tỉnh Hải Dương đã có 4 lần kiểm tra công tác PCCC của TTTM và đã có kiến nghị đối với Ban Quản lý Chợ - TTTM, tuy nhiên, sau đó mọi chuyện đều không được giải quyết.
Đánh giá việc nhận và xử lý tin báo cháy của PC66 Hải Dương, Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội phụ trách lực lượng PCCC toàn quốc nhấn mạnh: Việc nhận và xử lý tin báo cháy của PC66 Hải Dương là kịp thời. Khi thấy đám cháy phát triển lớn, kịp thời báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh điều động và xin chi viện lực lượng, phương tiện của các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, khi đến đám cháy, mặc dù đám cháy đã phát triển lớn nhưng với tinh thần quyết tâm cao, lực lượng cảnh sát PCCC đã tích cực chữa cháy, cứu tài sản bất chấp nguy hiểm (một phần của công trình đã đổ sập ngay khi lực lượng chữa cháy rút ra ngoài). Các xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ đều đảm bảo theo đúng quy định. Các xe đều có nước, đồng thời tiến hành phun và hút nước, đảm bảo chữa cháy theo yêu cầu nghiệp vụ. Việc khắc phục các vi phạm về điều kiện, phương tiện PCCC của TTTM Hải Dương rất ít mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra, kiến nghị nhiều lần. Lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động không có hiệu quả dẫn đến đám cháy phát triển quá lớn trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến nơi.
Cần nói thêm, trong quá trình làm việc với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Danh Thuy, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Hải Dương đề nghị, người dân nào đã gọi điện hoặc đến tận trụ sở Phòng Cảnh sát PCCC gọi cửa như thông tin một số tờ báo đã đưa thì đến Công an tỉnh khai báo để Công an tỉnh phục vụ công tác điều tra và lực lượng cảnh sát PCCC sẵn sàng chịu trách nhiệm về vụ việc.
Theo Thanh Tra