Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cơ cấu lại doanh nghiệp để phát triển bền vững
Với mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp để phát triển bền vững, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác tái cơ cấu tại Tập doàn và các đơn vị. Với những kết quả khả quan đã đạt được, TKV đã được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tái cơ cấu hiệu quả nhất trong các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước.
Quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện
Thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 7-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ, TKV đã chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt theo lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 và đạt được những kết quả chính như: Đối với thực hiện tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, TKV tập trung vào 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Các lĩnh vực kinh doanh khác được phân loại và xác định lộ trình tái cơ cấu, theo đó đã thoái một phần hoặc thoái hết vốn, hoặc cổ phần hoá (CPH) nhà nước nắm giữ dưới mức chi phối tại các lĩnh vực này để tập trung vào 4 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trên. Tính đến hết năm 2015 TKV đã hoàn thành cơ bản việc CPH 11/11 đơn vị. Thực hiện thoái vốn ngoài ngành 6/8 đơn vị và đã thoái 77% vốn tại Quỹ Đầu tư BIDV Partner; thoái vốn trong ngành 6/8 đơn vị (hiện đang tiếp tục thoái vốn tại 2 đơn vị còn lại là Công ty CP Đại lý Hàng Hải và Công ty CP Vận tải thủy); chuyển nhượng được 2 dự án đầu tư nước ngoài...
Cùng với đó, TKV đã sắp xếp, chuyển đổi 10 công ty TNHH MTV sản xuất than thành chi nhánh thuộc Công ty mẹ - TKV; trong đó có 3 công ty hai cấp quản lý chuyển thành một cấp; thành lập mới và tổ chức lại các chi nhánh của TKV; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, hợp nhất 3 trường cao đẳng nghề thành Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam; nâng cấp Trung tâm Y tế lao động thành Bệnh viện Than - Khoáng sản.
TKV khánh thành Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5. |
Đối với tái cơ cấu, hoàn thiện cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn đã sắp xếp, giảm các đầu mối, tinh gọn bộ máy quản lý cơ quan điều hành TKV, xây dựng định biên về số lượng viên chức quản lý doanh nghiệp và số lượng, cơ cấu và định biên lao động các phòng ban đối với các đơn vị trực thuộc, tinh giản lao động quản lý, phụ trợ... Đồng thời, hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ của TKV, các cơ chế quản lý về tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới, tái cơ cấu chất lượng lao động...
Do có sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt và cách làm hợp lý nên các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, chuyển đổi... đều hoạt động ổn định và đạt được kết quả tốt hơn, đời sống người lao động ổn định, vốn chủ sở hữu tăng và được bảo toàn. Các doanh nghiệp cổ phần hóa có cơ hội thay đổi phương thức quản trị công ty hiệu quả hơn và từng bước hội nhập quốc tế.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường
Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020. |
Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, TKV xác định tiếp tục duy trì các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính như than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; tiếp tục tái cơ cấu về tổ chức, tinh gọn bộ máy, lao động, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp... nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng hội nhập kinh tế sâu rộng. Đồng thời, giải quyết những bất cập về quản lý lao động, tài chính, phân cấp quản lý... trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, tăng tính chủ động của doanh nghiệp; khẩn trương thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, xây dựng TKV phát triển bền vững, là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Để việc thực hiện Đề án tái cơ cấu có hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, tập đoàn tiếp tục tập trung giải quyết những bất cập trong mô hình về quản lý lao động, tài chính, tăng tính chủ động của doanh nghiệp nhưng phải kiểm soát được và tiếp tục hoàn thiện cơ chế và thể chế trong quản lý của TKV;...
Một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác tái cơ cấu của TKV là quản trị tài nguyên như một nguồn vốn gắn liền với chiến lược đầu tư phát triển kinh doanh bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, xây dựng ngành Than thông minh, phát triển hài hoà với các ngành kinh tế khác và sản xuất thân thiện với môi trường.
Trên thực tế, song song với phát triển khai thác, sản xuất, kinh doanh than, công tác bảo vệ môi trường luôn được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam coi trọng và có định hướng phát triển bền vững bằng việc triển khai đồng bộ, tổng thể nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, vì mục tiêu sản xuất ngày càng “sạch” hơn.
Nhà máy Alumin Lâm Đồng. |
TKV đã thành lập Quỹ môi trường tập trung bằng 1% – 1,5% chi phí sản xuất, đồng thời cho phép các đơn vị thành viên trực tiếp chi 0,3% – 0,5% chi phí sản xuất cho các hoạt động bảo vệ môi trường thường xuyên. Hàng năm, nguồn kinh phí của TKV dành cho công tác bảo vệ môi trường tương đối lớn. Tổng chi phí cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm của TKV đến nay là gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 70% dành cho đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, 30% dành cho các công việc bảo vệ môi trường thường xuyên.
TKV cũng đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường trong nội bộ (gồm: Quy chế bảo vệ môi trường, quy chế sử dụng quỹ môi trường tập trung, cơ chế ưu tiên sử dụng dịch vụ của các đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường trong TKV…) làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn.
Song song với đó, TKV thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết, nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường. TKV cũng đã triển khai hợp tác trong và ngoài nước nghiên cứu công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như: Rame (Đức), Mireco (Hàn Quốc) và Jogmec (Nhật Bản).
Khai thác mỏ lộ thiên. |
Đến nay, TKV đã phục hồi môi trường được trên 800 ha bãi thải, khai trường đã kết thúc khai thác và phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường, cảnh quan các khu vực bãi thải gần khu dân cư, đô thị. Tập đoàn cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành 47 trạm xử lý nước thải mỏ; đang tiếp tục thi công xây dựng 03 trạm xử lý nước thải mỏ còn lại (Hà Tu giai đoạn 2, Tràng Khê, giếng +75 Hà Lầm) để sau năm 2016 tất cả các mỏ than hầm lò và lộ thiên đều có đủ trạm xử lý nước thải mỏ đạt tiêu chuẩn môi trường.
Để giảm thiểu phát tán bụi trong quá trình vận chuyển than, TKV đã và đang tích cực triển hai băng tải hóa quá trình vận tải. Theo đó, sau năm 2017 cơ bản sẽ không còn vận chuyển than bằng ô tô ra cảng (trừ than cục, than bùn). Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác chống bụi, đặc biệt là tại các khu vực bãi thải, sàng tuyển, kho bãi. Thực hiện tốt việc quản lý chất thải nguy hại và các loại chất thải khác.
Với những nỗ lực của mình, TKV đang từng bước hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường và cộng đồng, đồng thời đảm trách tốt vai trò là một trong 3 trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia./.
TKV