.
.

TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN BẮC

Tái đầu tư mở rộng sản xuất, tạo nền tảng bền vững cho ngành chế biến nông sản

Thứ Sáu, 30/06/2017|13:02

Nông nghiệp, nông thôn nước ta từ xưa đến nay đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế quốc dân, là yếu tố bảo đảm để nền kinh tế không rơi vào khủng hoảng, mất cân đối vĩ mô. Như người xưa đã tổng kết "phi nông, bất ổn".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian hàng gạo đặc sản của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian hàng gạo đặc sản của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc.

Đáp ứng yêu cầu của thị trường lúa gạo

Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể hóa chỉ đạo của Nghị quyết 26, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt các văn bản nhằm khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản như: Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định 61/2010/NĐ- Quyết định 62/2013/QĐ-TTg.... Đi kèm với chính sách là nguồn vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn hơn 432.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2006-2011, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng trên thực tế mới chỉ đáp ứng được 55% - 60% yêu cầu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đạt yêu cầu và sức cạnh tranh thấp trên trường quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, nhất là gạo, thủy sản, cà phê chưa được chú trọng. Những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng vẫn còn quá ít khiến cho sản phẩm khi xuất khẩu không bán được giá cao, thậm chí còn bị ép giá. Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.

Với lịch sử hình thành và phát triển của mình, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã cùng đất nước trải qua cả hai thời kỳ kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường, với nhiệm vụ chính ban đầu là lưu thông phân phối lương thực sau đó dần chuyển sang chế biến và xuất khẩu gạo. Trong giai đoạn 2005-2015, bình quân hàng năm Tổng công ty xuất khẩu 1 triệu tấn gạo và lương thực, mang về kim ngạch từ 350-400 triệu USD. Hoạt động kinh doanh của Tổng công ty liên tục có lãi, với tổng số vốn tích lũy được từ lợi nhuận sau thuế đạt trên 5.000 tỷ đồng. Nhờ đó, từ năm 2010-2015, Tổng công ty đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà máy chế biến gạo chất lượng cao với tổng tích lượng trên 500 ngàn tấn, đưa Tổng công ty từ doanh nghiệp thương mại gạo đơn thuần sang chế biến gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Việc đầu tư, vận hành hệ thống dây chuyền chế biến gạo tiên tiến nhất trên thị trường hiện nay, trong đó có nhiều dây chuyền khép kín từ chế biến lúa không chỉ giúp Tổng công ty đảm bảo sẵn sàng chân hàng gạo xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của người mua về chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn giảm hao hụt sau thu hoạch, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhà máy chế biến lúa mỳ Vinaflour - Cảng Cái Lân, Quảng Ninh.
Nhà máy chế biến lúa mỳ Vinaflour - Cảng Cái Lân, Quảng Ninh.

Bên cạnh hoạt động chế biến xuất khẩu gạo, Tổng công ty còn đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa mỳ. Với hệ thống xay nghiền nhập khẩu từ Châu Âu, các đơn vị của Tổng công ty đang sở hữu công nghệ tồn trữ (silo) và xay nghiền lúa mỳ hiện đại nhất khu vực hiện nay. Tất cả các công đoạn từ hút hạt trực tiếp từ tàu hàng tại các cảng nước sâu đưa bằng dây chuyền trực tiếp tới silo trước khi chuyển vào khu xay nghiền đều được điều khiển tự động hóa, tiết giảm tối đa nhân lực và chi phí. Nhờ cạnh tranh về giá do tối thiểu hóa giá thành, các sản phẩm bột mỳ đa dụng với hơn 30 nhãn hàng của các đơn vị thuộc Tổng công ty đã chiếm trên 50% thị phần tại thị trường phía bắc. Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục đầu tư mở rộng các nhà máy chế biến để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Như vậy, có thể nói, nhờ định hướng đúng đắn khi tập trung tái đầu tư chiều sâu vào ngành kinh doanh chính là chế biến nông sản mà Tổng công ty đã vững vàng đi qua giai đoạn suy thoái kinh tế, giữ được tốc độ phát triển với lợi nhuận và hoạt động kinh doanh ổn định.

Nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản

Trong một vài năm trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước và cũng là vùng nguyên liệu lớn nhất trong chuỗi hoạt động của Tổng công ty, đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác hại của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong cũng như sự kết hợp bất lợi của hiện tượng biến đổi khí hậu. Rõ ràng, về lâu dài Nhà nước sẽ phải có điều chỉnh kịp thời đối với chính sách đất đai, cơ cấu cây trồng vốn vẫn đang thiên về lúa gạo hiện nay. Trong khi chất lượng sản phẩm thường không đủ cho các thị trường xuất khẩu giá trị cao và quy mô nhỏ làm hạn chế việc sử dụng cơ giới hóa và công nghệ.

Dây chuyền chế biến gạo chất lượng cao tại Nhà máy Cái Sắn - An Giang.
Dây chuyền chế biến gạo chất lượng cao tại Nhà máy Cái Sắn - An Giang.

Dự báo được những khó khăn đó cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước xuất khẩu gạo những năm gần đây, Ban Thường vụ Đảng ủy và tập thể lãnh đạo Tổng công ty đã đề ra những chủ trương lớn trong định hướng hoạt động kinh doanh và đầu tư của Tổng công ty. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao của Tổng công ty tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp, hiện nay Tổng công ty đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của gạo và các mặt hàng nông sản. Trong đó, ưu tiên xu hướng M&A để gia nhập vào lĩnh vực sản xuất chế biến chất lượng cao với mục tiêu từng bước nâng cao giá trị chuỗi sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp. Với nguồn tài chính vững mạnh, Tổng công ty đã sẵn sàng cho các dự án đầu tư mới, với tin tưởng đây sẽ là lĩnh vực quan trọng đóng góp vào quy mô, hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty giai đoạn sắp tới cũng như góp phần tham gia hỗ trợ vào nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của nước ta.

Vinafood1

.
.
.
.