.
.

Chống đặc quyền, đặc lợi

Thứ Sáu, 16/03/2012|14:17

Theo Đại từ điển Tiếng Việt: “Đặc quyền, đặc lợi là quyền lợi đặc biệt chỉ dành riêng cho một người hay một nhóm, một tầng lớp nào đó được hưởng mà những người bình thường khác không thể có được”[1]. Đặc quyền, đặc lợi là sản phẩm tất yếu của một chế độ xã hội độc đoán, chuyên quyền, không có dân chủ. Trong định nghĩa đấu tranh giai cấp V.I. Lênin cũng đã đề cập đến vấn đề này: “Đấu tranh giai cấp là đấu tranh của một bộ phận nhân dân này chống một bộ phận khác, cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động, chống bọn đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám ”[2].

Bản chất của đặc quyền, đặc lợi là xấu xa, không nhân văn, không văn hoá, đối lập với bản chất tốt đẹp của chính đảng vô sản và những người cộng sản chân chính. Nó có thể do một người, một nhóm người, một tổ chức ra quyết định, chủ trương; nên khác với tham nhũng, người hưởng đặc quyền đặc lợi thường cho mình không có khuyết điểm, sai phạm, xấu xa. Thậm chí không ít người hưởng đặc quyền, đặc lợi còn cho đó là tất yếu: “Làm quan thì phải có lộc!”. Điều đó cho thấy, nhận diện và đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi khó khăn, phức tạp hơn nhận diện và đấu tranh chống tham nhũng. 

Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, những tàn dư tư tưởng, lề thói lỗi thời lạc hậu của xã hội cũ còn tồn tại dai dẳng, trong đó có tư tưởng và lề thói đặc quyền, đặc lợi. Trong điều kiện kinh tế xã hội của thời kỳ quá độ, với sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường và mở cửa làm cho tư tưởng và lề thói đặc quyền, đặc lợi phát triển. Với phương châm: “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật”, chúng ta thấy tư tưởng và lề thói đặc quyền đặc lợi biểu hiện khá rõ nét ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và một số cơ quan của Đảng và Nhà nước. Đó là việc một bộ phận cán bộ có chức, quyền được cấp hoặc bán đất phân lô với giá rẻ, thấp hơn giá thị trường rất xa (trong khi đó Nghị định của Chính phủ từ năm 1992 trở đi cấm cấp đất phân lô cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước); đó là việc cấp phương tiện đi làm không đúng cho một bộ phận cán bộ (ô tô, xăng dầu, người điều khiển...) trong khi đó đông đảo cán bộ, viên chức nhà nước phải bỏ tiền lương mua phương tiện đi làm; đó là đặc quyền, đặc lợi trong phân bổ ngân sách, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, trong tổ chức bố trí cán bộ đi tham quan, nghiên cứu nước ngoài... Thậm chí đặc quyền đặc lợi còn thể hiện trong cả cơ cấu vào cấp uỷ, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. 

Tư tưởng và lề thói đặc quyền đặc lợi có tác hại rất lớn đến sự nghiệp cách mạng XHCN nói chung và đến sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH nói riêng; đến sự phát triển của đất nước. Nó xâm phạm tài sản nhà nước, lợi ích của nhân dân, chà đạp sự công bằng, tiến bộ, kích thích phát triển tệ nạn chạy chức, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng và chế độ, tạo nên những bức xúc, cản trở sự đồng thuận xã hội và là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự thờ ơ về chính trị. Sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đặc quyền, đặc lợi. 

Nhận thức sâu sắc tác hại to lớn của  đặc quyền đặc lợi, ngay từ Đại  hội VI mở đầu cho sự nghiệp đổi mới, Đảng ta chỉ rõ: “Trong tư tưởng cũng như hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi"[3]. Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, nâng cao đời sống người hưởng lương, chống đặc quyền, đặc lợi”[4]. 

Sau hơn 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới đồng thời tiến hành đấu tranh chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Song tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Bởi vậy, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XI, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích sâu sắc tác hại của tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi và nhấn mạnh: “Tiếp tục, cải cách chế độ tiền lương, nhà ở bảo đảm cho cán bộ công chức có mức sống ổn định và có điều kiện để giữ liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi”[5]. 

Đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi là nhiệm vụ cấp thiết. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng đại, đầy khó khăn và phức tạp này cần tiến hành một hệ thống giải pháp đồng bộ và khả thi về tư tưởng và tổ chức, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau: 

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm trong các tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi.

Đặc quyền, đặc lợi là vấn đề nhạy cảm, được biểu hiện ở không ít cán bộ đảng viên có chức, quyền, thậm chí chức, quyền cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, lẽ đương nhiên rất dễ nảy sinh tâm lý ngại tiếp cận đến vấn đề này chứ chưa nói đến đấu tranh chống lại nó. Trong một bộ phận lớn quần chúng nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên chưa nhận thức được tác hại to lớn của đặc quyền, đặc lợi. Vì vậy, chưa có được ý thức, trách nhiệm và dũng khí đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi. Điều đó cho thấy, cần coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo bằng được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức đảng, của mỗi cán bộ đảng viên và mỗi người dân về chống đặc quyền, đặc lợi. Để thực hiện được nhiệm vụ này, trước hết phải đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ đảng và vai trò của người đứng đấu trong các tổ chức của Đảng và Nhà nước. Nếu đội ngũ này không có quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao thì không thể thực hiện thắng lợi đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi. Cần phải phát huy vai trò hết sức quan trọng của các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình, đài phát thanh và phát huy vài trò của văn học nghệ thuật... Cần có các đề tài khoa học nghiên cứu về đặc quyền đặc lợi, trong đó cần khảo sát đánh giá thực trạng đặc quyền, đặc lợi ở xã hội ta hiện nay và đề xuất các giải pháp đấu tranh khắc phục. Kết quả nghiên cứu của các đề tài  khoa học cũng như các hội thảo khoa học các cấp cần phải được xã hội hoá, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 

Để công tác giáo dục chính trị tư tưởng có hiệu quả, cần chú trọng hơn nữa công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng. Đặc quyền, đặc lợi nảy sinh và tồn tại ngay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nếu công tác tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng không làm tốt, rơi vào “dĩ hoà vi quý”, né tránh, cơ hội hữu khuynh, mất sức chiến đấu thì việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng về đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi chỉ là khẩu hiệu suông, trống rỗng, vô nghĩa. Muốn thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình thì cần phải chú trọng vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên các cấp, trước hết là cán bộ đảng viên cao cấp, cán bộ chủ chốt. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình cái gì tốt thì phải phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình, cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại”[6]. 

Hai là, đẩy mạnh cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm mức sống ngày được nâng cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Khi tiền lương không trả đúng giá trị sức lao động và không thể sống nổi bằng lương, hiếm khi người lao động yên tâm, nhiệt tình, gắn bó, tận tâm tận lực cho công việc. Điều tất yếu họ phải tìm nguồn sống khác. Chính sách tiền lương bất hợp lý là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh và tồn tại tư tưởng và lề thói đặc quyền đặc lợi, nạn tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phải thực sự đổi mới tư duy, nhận thức về vấn đề tiền lương. Trả lương không phải là cho hay cấp theo kiểu ban ơn, người nhận lương phải chấp nhận; trả lương cũng không thể theo kiểu bình quân chủ nghĩa, giỏi kém ngang nhau, “sống lâu lên lão làng” làm thui chột tài năng, sáng tạo... Tiền lương phải là nguồn thu chính, là chỗ dựa chủ yếu đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình họ. Tiền lương phải là động lực cho những người hưởng lương an tâm phấn khởi, hăng say nhiệt tình gắn bó với công việc, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo. Cần phải quán triệt quan điểm chính sách tiền lương là chính sách đầu tư cho con người, cho xây dựng và phát triển nguồn nhân lực hay chính là chính sách đầu tư cho phát triển. Với quan điểm như vậy thì nguồn tài chính để trả lương có thể và cần thiết sử dụng ngay vốn ODA hoặc vay của nước ngoài. Cần phải đưa xe công vào lương để bảo đảm sự công bằng, chống lãng phí và cũng thiết thực chống đặc quyền, đặc lợi.
 

Ba là, sớm ban hành luật chống đặc quyền đặc lợi, xử lý nghiêm minh tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên đặc quyền, đặc lợi dù ở bất kỳ cương vị công tác nào.

Đặc quyền, đặc lợi là hành vi trái với bản chất của người đảng viên cộng sản, làm ô danh Đảng và chế độ XHCN. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào giáo dục đạo đức cách mạng và cải cách chế độ tiền lương thì không thể thủ tiêu được tệ nạn, lề thói xấu xa này. Nhà nước pháp quyền XHCN bắt buộc mọi tổ chức, mọi công dân phải tuân thủ pháp luật, không thể đứng trên, đứng ngoài pháp luật. Từ tác hại to lớn của đặc quyền, đặc lợi và từ tính chất phức tạp, khó khăn của đấu tranh chống lại tệ nạn này cần phải ban hành luật chống đặc quyền, đặc lợi. Đây là căn cứ pháp lý để điều tra, xác minh mức độ nghiêm trọng của đặc quyền, đặc lợi để xử lý. Đồng thời nó còn có tác dụng răn đe, giáo dục tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên không lâm vào tệ nạn này.
 

Tính chất phức tạp của đặc quyền, đặc lợi là được “thông qua”, “tán thành”, “ra quyết định” bởi tổ chức hay dưới danh nghĩa tổ chức. Vì vậy vừa khó phát hiện, khó quy kết, khó xử lý dẫn đến lảng tránh, thậm chí cho đó là việc đã rồi, chỉ “rút kinh nghiệm”, “xử lý nội bộ”. Kỷ cương phép nước không nghiêm càng dung túng cho đặc quyền, đặc lợi tồn tại và phát triển. Vì vậy, cần phải đặt sự nghiêm minh của pháp luật lên trên hết. Phải xử lý nghiêm minh đặc quyền, đặc lợi bất kỳ đó là tổ chức và cán bộ đảng viên giữ cương vị nào. 

Bốn là, thực hiện tốt dân chủ.

Thiếu dân chủ là mảnh đất mầu mỡ cho sự xuất hiện, tồn tại và phát triển tư tưởng và lề thói đặc quyền, đặc lợi. Vì vậy, để đấu tranh chống đặc quyền, đặc lợi có kết quả nhất thiết phải thực hiện tốt dân chủ. Trong hơn 25 năm đổi mới, chỉnh đốn Đảng,việc thực hiện dân chủ đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng thiếu dân chủ hay dân chủ hình thức vẫn còn khá phổ biến. Để thực hiện dân chủ cần tiến hành một hệ thống  nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó cần coi trọng một số biện pháp cơ bản sau: phát huy vai trò và đề cao trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là các cấp uỷ đảng và người đứng đầu; có cơ chế để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trực tiếp đối thoại với người dân, kịp thời giải đáp những ý kiến của nhân dân; xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên dù công tác ở bất kỳ cương vị nào độc đoán, chuyên quyền vi phạm dân chủ; có cơ chế bảo vệ những người phát hiện và có dũng khí đấu tranh chống tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi và các tiêu cực xã hội khác.
 

Công khai minh bạch là yêu cầu khách quan, là cơ sở, điều kiện để thực hiện dân chủ. Muốn thực hiện “dân bàn, dân kiểm tra” thì lẽ đương nhiên trước hết dân phải “biết”. Cần phải công khai, minh bạch mọi tiêu chuẩn, chế độ của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trung cao cấp.

----------------------------------

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm văn hoá và ngôn ngữ Việt  Nam, Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1998, tr.599.
[2]. V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va 1974, t.7, tr.327-238.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1987, tr.139.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004,. tr.136.
[5]. Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân số ra ngày 27-12-2011, tr.4.
[6]. Nguyễn Phú Trọng, Tài liệu đã dẫn, tr.4.

PGS,TS. LÊ BỈNHHọc viện Chính trị - Hành chính khu vực I
.
.
.
.