.
.

Ước mong của một cán bộ tổ chức lâu năm

Thứ Sáu, 01/03/2013|19:41

LTS: Xuất thân là một trí thức Hà Nội, đồng chí Nguyễn Mạnh Can (ảnh) tức Lê Văn Ánh, tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước từ năm 1942 khi đang học trường Bưởi (Trường Chu Văn An, Hà Nội ngày nay). Từ đây đồng chí theo Việt Minh, theo Cụ Hồ rồi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1945. Sau khi tham gia Tổng khởi nghĩa, đồng chí làm Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, tiếp đó tham gia cấp ủy huyện, tỉnh ở vùng địch hậu Bắc Ninh, Hưng Yên.

Từ tháng 4-1951, đồng chí về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương (TƯ), phụ trách một số đơn vị cấp vụ, rồi giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Ban Tổ chức TƯ, đảng ủy viên Đảng ủy các cơ quan Dân - Chính - Đảng TƯ từ năm 1962. Năm 1970, khi nhà máy cơ khí lớn nhất cả nước - Nhà máy cơ khí Trung quy mô Hà Nội có yêu cầu, đồng chí được cử về làm Bí thư Đảng ủy, tham gia Thành ủy Hà Nội. Tháng 3-1977, đồng chí làm Trưởng Ban Tổ chức  Thành ủy Hà Nội. 5 năm sau, đồng chí lại được giao trách nhiệm Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ. Năm 1992, đồng chí là ủy viên thường trực Tiểu ban Tổng kết công tác Xây dựng Đảng do Bộ Chính trị thành lập. Sau nghỉ hưu đồng chí làm Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, thành viên sáng lập Trường Đại học tư thục Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Văn hóa người cao tuổi... Dưới đây là bài phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Mạnh Can do nhà báo (NB) Nguyễn Hồng Cơ thực hiện.



NB Nguyễn Hồng Cơ: Được biết, đồng chí đã nhiều lần trình bày với lãnh đạo các cấp và trong nhiều hội nghị về vấn đề tự đổi mới, tự chỉnh đốn của Đảng. Nay một năm mới lại tới, xin đồng chí nói thêm về vấn đề này.

Đ/c Nguyễn Mạnh Can: Xin khẳng định: “Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng”. Đó phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác xây dựng đảng hiện nay. Nhiều văn kiện của Đảng đã cho thấy rõ điều này:

- Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội VII của Đảng (6-1991) ghi: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”.

- Điều lệ Đảng ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam..., thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo cách mạng...”.

- Báo cáo xây dựng Đảng tại Đại hội VII (1991) phân tích: “Công cuộc đổi mới toàn diện... đòi hỏi Đảng nhất thiết phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn... Đây cũng là nguyện vọng và đòi hỏi của nhân dân”.

Văn kiện Đại hội X xác định “tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng”(1).

Tuy nhiên, từ Đại hội X, trong các văn bản chỉ đạo thực hiện thường chỉ đề ra nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, mà không nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Theo tôi, không nên thể hiện như vậy, vì trong khái niệm xây dựng và chỉnh đốn không cho thấy rõ yêu cầu đổi mới, không phù hợp và thể hiện khác với Điều lệ Đảng hiện hành.

Theo tôi, xây dựng Đảng bao gồm đổi mới Đảng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó đổi mới Đảng là xây dựng một thể chế lãnh đạo của Đảng sao cho phù hợp với những yêu cầu mới của đất nước, của thời đại. Trọng tâm của đổi mới Đảng là đổi mới về tư duy, về đường lối, về tổ chức và cán bộ. Nếu chỉ nhấn mạnh kiên định, kiên trì thì sẽ coi nhẹ đổi mới, coi nhẹ đáp ứng những đòi hỏi bức xúc của xã hội, của thời đại.

Chỉnh đốn Đảng là chấn chỉnh những suy thoái về đạo đức, suy thoái về chính trị hiện tồn tại trong Đảng. Trọng tâm của chỉnh đốn Đảng là chống tham nhũng (tham nhũng vật chất và tham nhũng quyền lực). Muốn chống tham nhũng phải tìm cho ra và giải quyết được nguyên nhân gây nên tham nhũng; phải có cơ chế kiểm soát quyền lực; phải thi hành luật pháp cho nghiêm; phải thật sự dân chủ trong Đảng, phải tôn trọng quyền làm chủ của dân, phải thật sự dựa vào dân...

NB Nguyễn Hồng Cơ: Từ ngày tham gia cách mạng đến nay, điều gì luôn luôn trong tâm tưởng đồng chí?

Đ/c Nguyễn Mạnh Can: Từ đầu năm 1945, khi tôi theo Việt Minh, rồi gia nhập Đảng, làm cách mạng, trong tâm trí tôi luôn là hình ảnh Bác Hồ cùng tư tưởng của Người. Càng nghĩ về hiện tình của Đảng, của đất nước tôi càng nghĩ về những điều sâu đậm làm nên sức mạnh Tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tổ quốc trên hết”, “Trung với nước, hiếu với dân”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, nhất là những điều Bác viết trong Di chúc, đặc biệt là điều mong muốn cuối cùng của Bác trước khi Bác đi xa... Tôi cứ trăn trở: Mục tiêu của Đảng tốt đẹp, đảng viên nhìn chung ưu tú, dân tộc ta anh hùng, thông minh, sáng tạo, đông đảo cán bộ và người dân từng nỗ lực vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp đổi mới nhưng “vì sao văn hóa, đạo đức ngày càng suy thoái, nguy cơ khủng hoảng ngày một lớn, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ?”. Câu hỏi ấy như một dòng chảy mỗi ngày một mạnh xoáy vào tâm can tôi, xoáy vào tư duy của tôi... Cho đến ngày 2-9-2012 vừa qua, tôi tỉnh dậy rất sớm và nhận rõ, vậy là nước nhà đã giành được độc lập 67 năm, mình cũng tròn 67 năm tuổi đảng. Tôi bồi hồi nhớ tới “Ngày hội của quần chúng”, những niềm vui, tự hào của mình trong những năm đầu Cách mạng Tháng Tám mà mình cùng anh em đồng chí, đồng bào theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Bác Hồ, của Việt Minh, của Đảng. Ngẫm về những nguyên nhân thành công của Cách mạng, tôi thấy: Nếu bây giờ chúng ta cùng nhau thực hiện lời Bác Hồ, chung sức kiên quyết “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi(2) thì nhất định sẽ gìn giữ được những thành quả tốt đẹp của Cách mạng Tháng Tám, nhất định thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

Ý nghĩ trong tôi sáng ngày Quốc khánh 2-9 ấy cứ tuôn trào, tôi lấy bút ghi lại những điều như vừa ngộ ra và cứ suy nghĩ trăn trở phải chăng đây là 9 bài học thành công của Cách mạng, cũng là 9 ước nguyện sâu thẳm của lòng tôi:

1. Có mục tiêu phấn đấu cao đẹp, rõ ràng, hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại. Đó là: Độc lập, tự do, hạnh phúc; chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Nước Việt Nam của người Việt Nam.

2. Có mặt trận Tổ quốc tập hợp toàn dân tộc, biết tổ chức và hành động có hiệu quả như mặt trận Việt Minh năm xưa. Các thành viên của mặt trận có sĩ, nông, công, thương, binh...

3. Có chính phủ trí thức liên hiệp đoàn kết như Chính phủ Cụ Hồ năm 1945.

4. Có chính sách trân trọng trí thức, thân sĩ, các nhà tư sản, địa chủ yêu nước.

5. Có văn hóa tin cậy lớp trẻ, tôn trọng lớp già.

6. Có chính sách động viên tốt đối với kinh tế tư nhân và tôn trọng sở hữu tư nhân.

7. Có lãnh tụ, những người lãnh đạo, đảng viên được dân tin, dân mến, dân phục.

8. Biết “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để trong nước đoàn kết, độc lập tự chủ, ngoài nước đoàn kết, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

9. Nêu cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”. Trong nhà có bàn thờ gia tiên và Tổ quốc. Có thế thì dù không có ảnh Mác, ảnh Lê-nin và cờ Đảng như thời Cách mạng Tháng Tám nhưng tinh thần cách mạng vẫn rất cao, tư tưởng, đường lối của Đảng, của Bác Hồ vẫn được nhân dân tuyệt đối tin theo và quyết tâm thực hiện.

Đương nhiên, để làm được theo lời Bác Hồ “Chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” phải quyết tâm thay đổi mình, tự làm cho mình tiến bộ. Việc làm này với một cá nhân đã khó khăn, phức tạp thì với một Đảng lãnh đạo, một đất nước đang đứng trước những thách thức tồn vong, chắc chắn sẽ cam go bội phần; nhưng tôi tin tưởng sâu sắc rằng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ thành công, nếu Đảng ta thực sự tin dân, dựa vào dân, làm đúng Tư tưởng Hồ Chí Minh.

NB Nguyễn Hồng Cơ: Đồng chí một lòng tin theo Bác Hồ, tâm sự nhân dịp xuân mới của đồng chí về việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh như thế nào?

Đ/c Nguyễn Mạnh Can: Tôi đã nhiều lần đề nghị trong đại hội các cấp của Đảng là Đảng ta cần hiểu đúng và quyết tâm thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới(3). Tôi vẫn trăn trở không nguôi với những câu tự hỏi: Toàn Đảng, toàn Dân ta đã thực sự đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam mới? Ta đã thực sự có hòa bình vững chắc? Dân chủ đã thực sự được tôn trọng, phát huy? Nước ta bao giờ mới giàu mạnh, văn minh sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và thế giới...?

Năm mới đã tới, càng nghĩ, tôi càng thấy rõ trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta phải xây dựng được một nước Việt Nam như Bác Hồ mong muốn. Đó là dĩ bất biến để có vạn biến trong tư duy, hành động.

Xuân về, tôi xin tặng lại các độc giả mấy câu thơ mà một người bạn cao tuổi tặng tôi cách đây ít năm:

Sáu mươi tuổi đảng tình dân nước

Tám chục mùa xuân phận hiếu trung

Cuộc sống đôi bờ trong lẫn đục

Thuyền ai đậu bến lựa dòng trong.

NB Nguyễn Hồng Cơ: Trân trọng cảm ơn đồng chí. Kính chúc đồng chí xuân mới dồi dào sức khỏe.

————

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, H.2006, tr.279. (2), (3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 12, tr. 505, 512.

Tạp chí Xây dựng Đảng

 

.
.
.
.