.
.

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 10-2020

Thứ Hai, 05/10/2020|03:52

I – TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Chiều 11/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chủ trì phiên họp của Tiểu ban, cho ý kiến về việc tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban Văn kiện đã cho ý kiến về kết cấu, nội dung cốt lõi của Dự thảo, về chủ đề của Đại hội XIII, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, dự báo tình hình, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045, các đột phá chiến lược và định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực. Đồng thời, đóng góp ý kiến về một số nội dung, vấn đề cần tiếp tục làm rõ, điều chỉnh, bổ sung.

Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện hoan nghênh những nỗ lực, cố gắng của Tổ Biên tập, trong thời gian ngắn hoàn thành khối lượng lớn công việc, bổ sung hoàn thiện dự thảo văn kiện, trên cơ sở nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu nhiều ý kiến phong phú trên các lĩnh vực, trên phạm vi cả nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: "Đây chưa phải là văn bản cuối cùng, cần tiếp tục thảo luận, đào sâu suy nghĩ, hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội."

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Tổ Biên tập nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng, tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện, từng câu, từng chữ, chuẩn xác kỹ lưỡng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong các thành viên Tiểu ban Văn kiện tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện các dự thảo văn kiện, trình Hội nghị Trung ương sắp tới, rồi công bố để toàn dân đóng góp ý kiến, Quốc hội cho ý kiến…, sau đó Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục hoàn thiện trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý những điểm sáng trong tình hình kinh tế-xã hội, trước hết là dịch COVID-19 nhanh chóng được kiểm soát, tạo điều kiện sớm khôi phục kinh tế. Hai đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 7 đã ảnh hưởng lớn nhưng chúng ta đã kiểm soát thành công và thực hiện mục tiêu kép thắng lợi, đặc biệt là kinh tế tháng 9 có sự tăng trưởng cao hơn. Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi. Cùng với đó, tăng trưởng trong quý III đã góp phần cho tăng trưởng cả năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm; tỉ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng nhanh; lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng tích cực, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng chung. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã phát huy vai  trò bệ đỡ cho an ninh lương thực quốc gia. Việt Nam là nước kinh tế tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đã đi đúng hướng. Tuy vậy, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Về triển khai nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại. Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3%. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Bộ Công Thương phải chủ trì kế hoạch triển khai Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh đầu tư để góp phần tăng trưởng. Tiếp tục mở rộng khai thác hiệu quả thị trường, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số phải trở thành ưu tiên quốc gia, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử, thanh toán điện tử. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thủ tướng đề nghị các bộ liên quan sớm đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội bổ sung đợt 2 và tạo thuận lợi cho giải ngân tốt hơn nữa. 

Việt Nam khẳng định vai trò xây dựng và trách nhiệm tại Liên hợp quốc

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 75 đã kết thúc ngày 2/10. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không phải là vấn đề duy nhất được các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận tại Tuần lễ cấp cao, mà các thách thức mang tính toàn cầu khác như phân biệt chủng tộc, thiếu khoan dung, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, nghèo đói... cũng được đề cập với nhiều sáng kiến được nêu ra. Phiên thảo luận chung và các phiên họp cấp cao năm nay chủ yếu diễn ra theo hình thức trực tuyến, nhưng đây vẫn là cơ hội để tất cả các nước trên thế giới xích lại gần nhau và vạch ra lộ trình cho tương lai. 

Việt Nam tham gia Khóa họp thứ 75 ĐHĐ LHQ khi đang đảm nhiệm những trọng trách lớn của khu vực và thế giới. Với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong Tuần lễ cấp cao, bao gồm phiên thảo luận chung cấp cao với chủ đề “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương - ứng phó với COVID-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả" và các phiên họp cấp cao khác.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đều đã gửi thông điệp tới các hội nghị. Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam có thông điệp gửi đến các hội nghị nhằm khẳng định vai trò là thành viên có trách nhiệm chủ động tham gia, đóng góp tích cực, thực chất vào các hoạt động của LHQ và cộng đồng quốc tế của Việt Nam, đồng thời thể hiện quan tâm của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực. Đặc biệt, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên tham gia gửi thông điệp đến ĐHĐ LHQ, thể hiện thông điệp ở cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam, đã cho thấy đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia.

Những thông điệp mang rất nhiều ý nghĩa mà các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi tới ĐHĐ LHQ khóa 75 một lần nữa cho thấy dấu ấn Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam không chỉ thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình và độc lập với cộng đồng quốc tế, mà còn tiếp tục  khẳng định vai trò xây dựng và trách nhiệm tại LHQ. 

II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 79-KL/TW, ngày 16/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tổ chức làm việc với các đảng bộ Trung ương cho ý kiến dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025; ngày 16/9, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối DNTW lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Thường vụ, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối đã báo cáo với Bộ Chính trị về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ Khối; dự thảo các văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối DNTW nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Phương án nhân sự chuẩn bị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sau khi nghe ý kiến tham gia của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được thực hiện nghiêm túc, chu đáo theo đúng Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương. Các dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, dự thảo Nghị quyết có chất lượng tốt, có tính tự phê bình, phê bình nghiêm túc, đã có sự vận dụng những tư tưởng, quan điểm lớn nêu trong dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng, sát với tình hình thực tiễn của Đảng bộ Khối; trong quá trình xây dựng đã tranh thủ được ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và cơ sở.

Đồng chí yêu cầu, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Khối phải nêu bật được các yếu tố: hiệu quả kinh tế; việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng theo tinh thần Nghị quyết số 12 – NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và những đóng góp cụ thể đối với xã hội. Những yếu tố này cũng cần được xem xét khi đánh giá những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm cũng như xây dựng, bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm tới (2020 - 2025). Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh văn kiện và các nội dung trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DNTW, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm tiếp thu các ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban Đảng, cơ quan Trung ương để hoàn chỉnh văn kiện và các nội dung theo yêu cầu, với tinh thần nỗ lực để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự kiến Đại hội Đảng bộ Khối diễn ra trong 3 ngày (19, 20, 21/10).

Công bố và trao Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ

Ngày 14/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 2338 - QĐNS/TW, ngày 09/9/2020 của Ban Bí thư về việc điều động, chỉ định đối với đồng chí Nguyễn Đức Phong, nguyên Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối mong rằng, với bản lĩnh, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của mình, đồng chí Nguyễn Đức Phong sẽ tiếp tục nỗ lực cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ theo các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020

Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), chào mừng Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 30/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Tuyên dương điển hình "Dân vận khéo" giai đoạn 2016-2020.

Ôn lại truyền thống 90 năm công tác Dân vận của Đảng, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối nêu rõ: Truyền thống 90 năm công tác dân vận của Đảng là thành tố quan trọng trong trang sử hào hùng của Đảng ta. Thông qua công tác dân vận, Đảng đã xây dựng được lực lượng chính trị ngày càng vững mạnh, kết hợp với lực lượng vũ trang làm nên những thắng lợi hết sức vẻ vang trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các cấp ủy trực thuộc đã lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp, phát huy quyền làm chủ của người lao động. Chú trọng công tác dân vận chính quyền trong quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Qua đó đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, xây dựng và củng cố tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Với những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã quyết định trao Bằng khen cho 46 tập thể và 25 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 – 2020.

Hội nghị giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025

Trong 2 ngày 22 - 23/9, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ, Hội nghị Ban Chấp hành và Hội nghị cán bộ chủ chốt nhằm triển khai quy trình giới thiệu nhân sự theo quy định tại Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị để lấy ý kiến giới thiệu nhân sự (tái cử và lần đầu) tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy Khối; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhấn mạnh, đây là các bước rất quan trọng trong quy trình giới thiệu nhân sự tái cử và lần đầu tham gia vào cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối khóa IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí đề nghị, mỗi đại biểu tham dự Hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng trong việc lựa chọn, giới thiệu những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ đại diện cho cơ quan, đơn vị, các đảng bộ trực thuộc tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Khối - Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ Khối giữa hai kỳ đại hội và tham gia UBKT Đảng ủy Khối.

Hội nghị xem xét danh sách nhân sự, tiến hành 5 bước, bỏ phiếu kín giới thiệu đối với từng đồng chí. Kết quả, 32 đồng chí tái cử, gồm chức danh Bí thư Đảng ủy Khối 01 đồng chí, chức danh Phó Bí thư Đảng ủy Khối 04 đồng chí, chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối 04 đồng chí, chức danh Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối 23 đồng chí; số lượng nhân sự lần đầu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Khối là 18 đồng chí, lần đầu tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy Khối 09 đồng chí; nhân sự tái cử UBKT Đảng ủy Khối gồm 04 đồng chí, trong đó: chức danh Phó Chủ nhiệm 01 đồng chí, chức danh Ủy viên UBKT 03 đồng chí; lần đầu tham gia UBKT là 09 đồng chí, lần đầu giới thiệu giữ chức Chủ nhiệm UBKT là 01 đồng chí và lần đầu giới thiệu giữ chức Phó Chủ nhiệm UBKT là 01 đồng chí.

Kỳ họp lần thứ 33 Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2015-2020

Vừa qua, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Kỳ họp lần thứ 33, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tại Kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối đã xem xét Báo cáo kết quả rà soát nhân sự và bỏ phiếu giới thiệu nhân sự tham gia Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối thống nhất giao Thường trực Ủy ban Kiểm tra chỉ đạo tổng hợp kết quả giới thiệu nhân sự tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025, báo cáo Tiều Ban nhân sự Đại hội Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổng hợp, rà soát, tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy Khối chuẩn bị và thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự Đại hội Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2020 - 2025; rà soát về tình hình đơn thư phục vụ xây dựng báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối yêu cầu ủy ban kiểm tra các đảng ủy trực thuộc chủ động ban hành và tham mưu cấp ủy ban hành các văn bản sau đại hội, gồm: Quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ 2020 - 2025; chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2020 - 2025 của cấp ủy và ủy ban kiểm tra; chương trình công tác; phân công nhiệm vụ cấp ủy và ủy viên ủy ban kiểm tra…; giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh từ cơ sở, thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất khác do cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên giao.

Sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vừa tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác. Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối DNTW đã ký Quy chế phối hợp công tác vào ngày 10/7/2017. Theo đó, hai cơ quan phối hợp trong thực hiện công tác nội chính và phòng chống tham nhũng (PCTN); phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và thực hiện nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo giao thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai cơ quan. 

Thời gian qua, hai đơn vị đầu mối của hai cơ quan là Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng (Ban Nội chính Trung ương) và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã thường xuyên phối hợp, trao đổi để thực hiện khá toàn diện các nội dung Quy chế. Công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối DNTW ngày càng phát huy hiệu quả, đúng chỉ đạo của lãnh đạo hai cơ quan. Nổi bật là: trao đổi, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng (PCTN); thực hiện tốt chế độ báo cáo thường kỳ và đột xuất theo yêu cầu; phối hợp giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại các doanh nghiệp thuộc Khối; ghi nhận và chuyển tải các đề xuất, kiến nghị hợp lý của các doanh nghiệp với Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện các nội dung của Quy chế phối hợp, tại hội nghị, hai đơn vị đã thống nhất đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Đảng bộ Khối

Ngày 10/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị "Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Kết luận 77-KL/TW, ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị "Về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước", những chủ trương phòng chống dịch trước diễn biến mới và thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức về các nội dung cơ bản trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2020 cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Đảng bộ Khối bằng hình thức trực tuyến tại các điểm cầu (Hà Nội và TP. HCM).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt nội dung thông tin những điểm mới nổi bật trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Về Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Với mục đích thống nhất nhận thức và hành động; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và người lao động của Đảng bộ Khối và các Đảng bộ trực thuộc nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã xây dựng dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, góp phần quan trọng, quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.

Tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chia sẻ nội dung cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2020.

Duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, thăm dò, khai thác dầu khí

Chiều 10/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển và cổ phần hóa các đơn vị thành viên.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, PVN tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong đóng góp ngân sách nhà nước với số nộp hàng năm chiếm tỷ trọng từ 9-11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách trung ương. Đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm 10- 13%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 10,4%/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn điều lệ đạt 15,8% của giai đoạn 2010-2019. Tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn đến hết năm 2019 là 861,4 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm (trung bình trong 8 tháng năm 2020 giá dầu xuất bán chỉ bằng 73,7% giá dầu kế hoạch, giảm 23,1 USD/thùng so với mức giá 8 tháng 2019), tuy nhiên, nhờ áp dụng quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, Tập đoàn đã đạt kết quả khả quan với doanh thu đạt trên 372 nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ với những khó khăn mà Tập đoàn đối mặt trong các năm qua, Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Tập đoàn nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại, tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề chính; rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; tiếp tục tổ chức thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. PVN có giải pháp điều hành phù hợp để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu; duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, thăm dò, khai thác dầu khí; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; có giải pháp phù hợp xử lý các tồn tại của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án nhiên liệu Dung Quất, Dự án nhiên liệu Phú Thọ...).

Năm 2020 bảo đảm cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện

Trong bối cảnh sản lượng huy động từ các nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn do điều kiện thủy văn và lưu lượng nước về các hồ thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm, từ đầu năm 2020 đến nay các nhà máy nhiệt điện than luôn được huy động ở mức cao để bù đắp cho sản lượng thủy điện thiếu hụt. Đến thời điểm này tình hình cung cấp than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cơ bản đạt khối lượng theo các hợp đồng đã ký, qua đó góp phần bảo đảm huy động ở mức cao các nhà máy nhiệt điện than nhằm cung cấp đủ điện cho hệ thống điện quốc gia. EVN đánh giá cao sự phối hợp của TKV và một số đơn vị liên quan, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, qua đó đã bảo đảm được mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định của Tập đoàn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Vietcombank dẫn đầu bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2020

Ngày 15/09/2020, Vietnam Report phối hợp cùng báo Vietnamnet đã chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín các ngành trọng điểm trong đó có ngành ngân hàng. Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vinh dự dẫn đầu bảng xếp hạng Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín; đồng thời là đơn vị duy nhất đại diện ngành tài chính ngân hàng có mặt trong Bảng xếp hạng Top 10 doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2020.

Từ quý II/2020, Vietnam Report chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín các ngành: Bất động sản, Xây dựng, Vật liệu xây dựng, Ngân hàng, Bảo hiểm, Công nghệ và Niêm yết. Đây là kết quả dựa trên nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report, được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những doanh nghiệp được vinh danh trong Top 10 Công ty uy tín các ngành năm 2020 đều là những đại diện doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả, có vị thế trong ngành, có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế và thương hiệu được nhiều người tin tưởng trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua.

5 giải pháp công nghệ của Mobifone dành giải thưởng kinh doanh quốc tế

Tổng công ty Viễn thông Mobifone vừa vinh dự được trao tặng 5 giải lớn tại Giải thưởng kinh doanh quốc tế International Business Awards 2020 (IBA Stevie Awards) với 5 sản phẩm lần đầu tiên được Mobifone mang tới sân chơi danh giá này.

Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế International Business Awards 2020 (IBA) của Stevie Awards là một trong những giải thưởng uy tín nhất thế giới đối với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Thông báo từ Ban Tổ chức cho biết, năm 2020 có 3.800 đề cử đến từ 63 quốc gia, trong đó có rất nhiều đề cử từ các công ty nổi tiếng toàn cầu, chỉ 33% trong số đó được đánh giá các giải vàng, bạc, đồng. Trong đó, 5 sản phẩm và giải pháp công nghệ của Mobifone gồm 1 giải Vàng cho giải pháp truyền thanh thông minh, 1 giải Bạc cho giải pháp MobifoneAI và 3 giải Đồng cho các giải pháp/dịch vụ mAICallCentre, Airtime Plus và MobiFone Go. Đây là lần đầu tiên Mobifone tham gia giải thưởng quốc tế Stevie Awards.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào “Thanh niên xung kích đổi mới, sáng tạo nâng cao năng suất hiệu quả doanh nghiệp”

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào “Thanh niên xung kích đổi mới, sáng tạo nâng cao năng suất hiệu quả doanh nghiệp”.

Sau 02 năm triển khai phong trào “Thanh niên xung kích đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất hiệu quả doanh nghiệp” do Ban thường vụ Đoàn Khối phát động, các cấp bộ đoàn trong Khối đã cụ thể hóa thông qua phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên mang yếu tố khoa học kỹ thuật, các công trình sáng tạo được đẩy mạnh. Từ tháng 10 năm 2019, tại Ngày hội tuổi trẻ sáng tạo Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Thường vụ Đoàn Khối phát động thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, toàn Khối đã đăng ký đảm nhận 1.793  công trình thanh niên, 2.021 đề tài khoa học, sáng kiến được áp dụng làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Tại buổi hội thảo, các ý kiến đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp phát huy vai trò sáng tạo của đoàn viên, thanh niên phát huy sức sáng tạo trong làm chủ quy trình khoa học kỹ thuật, công nghệ, máy móc hiện đại làm tăng; trao đổi về các mô hình, hoạt động đổi mới, sáng tạo hiệu quả, cụ thể trong đoàn viên, thanh niên công nhân, lao động trẻ tại từng đơn vị. Nhiều đại biểu đã chia sẻ các mô hình, cách thức triển khai để hỗ trợ, phát huy phẩm chất sáng tạo của đoàn viên thanh niên; đồng thời đề xuất các mô hình, giải pháp mới, cụ thể để thúc đẩy hoạt động sáng tạo tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhằm động viên đoàn viên thanh niên trong Khối không ngừng đổi mới, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; trong lao động, sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của doanh nghiệp. BCH Trung ương Đoàn đã quyết định khen thưởng đổi với 05 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào tuổi trẻ sáng tạo năm 2020 và 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào Thanh niên xung kích đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất hiệu quả doanh nghiệp.

III - TIN THAM KHẢO

Tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên cất cánh

Chiều 28/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại với nông dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên để giải đáp và hoàn thiện chính sách nhằm tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn miền Trung - Tây Nguyên cất cánh. Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại với nông dân.

Với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh buổi đối thoại là một kênh thông tin quan trọng để giúp Chính phủ hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước ta là phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện. Có được bức tranh “tam nông” như ngày hôm nay là có sự đóng góp rất lớn của hơn 10,2 triệu hộ nông dân Việt Nam. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoanh nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, các nhà khoa học luôn phối hợp chung vai sát cánh cùng nông dân, thực hiện tốt mối liên kết 6 nhà. Đặc biệt là nông nghiệp năm nay còn tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt 2,6% trong khi năm ngoái là 2,1%; không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp nhiều sản phẩm cho xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến quan điểm xuyên suốt trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, cách mạng 4.0, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng robot, máy bay không người lái, Big data, internet vạn vật… 

14 Đảng bộ tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025

Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, các Đảng bộ tỉnh, thành phố và Đảng bộ trực thuộc Trung ương đang tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, thời gian hoàn thành trước ngày 31/10/2020. Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước đã có 14/67 Đảng bộ tỉnh, thành phố, Đảng bộ trực thuộc Trung ương tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ mới, gồm: Hà Nam, Kon Tum, Sơn La, Yên Bái, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Nam Định, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Gia Lai và Đảng bộ Quân đội.

Trong không khí thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu dự Đại hội đã góp ý cụ thể vào dự thảo Báo cáo chính trị của cấp ủy và dự thảo nghị quyết trình Đại hội Đảng bộ, tập trung đánh giá thành tựu, kết quả đạt được trên các lĩnh vực nhiệm kỳ vừa qua, những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn; đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhất là những nội dung có liên quan trực tiếp đến đảng bộ.

Đây cũng là dịp nhìn lại, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, các ý kiến đánh giá về tính nghiêm túc, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình của cấp ủy; nội dung và phương thức lãnh đạo; những kinh nghiệm tốt, cách làm mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và nhất là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Theo dự kiến, trong tháng 10/2020, 53/67 Đảng bộ tỉnh, thành phố, Đảng bộ trực thuộc Trung ương tiếp tục tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng loạt khởi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam

Sáng 30/9, 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam gồm đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết và đoạn Phan Thiết-Dầu Giây chính thức được khởi công. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công 3 dự án.

Theo Bộ GTVT, việc khởi công xây dựng 3 dự án đã hiện thực cụ thể quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông là dự án giao thông đặc biệt quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới.

Dự án cao tốc Bắc - Nam với chiều dài 654 km, có 11 dự án thành phần. Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư 3 dự án thành phần nói trên từ hình thức PPP sang sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước. Hiện, Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư cho 5 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam còn laị (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) để có thể khởi công trong quý I/2021.

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

------------------------------

 

.
.
.
.