.
.

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 4-2022

Thứ Sáu, 01/04/2022|15:36

I – TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Bộ Chính trị cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng

Ngày 01/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, cho ý kiến về các nội dung: Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020; Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và Quy định xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.

Về Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Nghị quyết của Bộ Chính trị phải thể hiện những định hướng tư tưởng chỉ đạo về tầm quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, không đi vào chi tiết, cụ thể; cần thiết phải ra nghị quyết, khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa tầm quan trọng của khu vực kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. Việc ra nghị quyết mới sẽ tạo được một bước chuyển biến mới, khí thế mới, bộ mặt mới với nhiều đóng góp mới cho đất nước trong giai đoạn tới.

Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề phức tạp, gần đây đã được đẩy mạnh với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn; không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà coi trọng cả phòng, chống tiêu cực với trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực là bao gồm cả đấu tranh phòng, chống lãng phí...

Về Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, theo quy định hiện hành, việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm được thực hiện theo hai quy định khác nhau: Quy định số 07-QĐ/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, bảo đảm nguyên tắc kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân và ngược lại khi xem xét kỷ luật đảng viên phải xem xét đến trách nhiệm của tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm. Bộ Chính trị thống nhất ban hành Quy định xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trên cơ sở hợp nhất và kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định số 07-QĐ/TW và Quy định số 102-QĐ/TW, đồng thời cập nhật đầy đủ chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới được ban hành; bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Quy định về việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm gồm 4 chương, 58 điều. Chương I: Quy định chung; Chương II: Xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Chương III: Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Chương IV: Điều khoản thi hành.

Doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong vượt khó, tạo bước phát triển nhanh, bền vững

Ngày 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội".

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp có sự tách bạch, nhưng cũng có mặt hòa quyện. Tách bạch là Nhà nước làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước còn doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Hòa quyện là Nhà nước tạo không gian, hệ sinh thái phù hợp để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp. Và doanh nghiệp tích cực, chủ động cùng Nhà nước nhân rộng, thúc đẩy hệ sinh thái tốt hơn, đóng góp tốt hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, trong hơn 35 năm đổi mới, doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, góp phần vào thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước. DNNN còn thực hiện sứ mệnh của mình, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, thực hiện những việc mà doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI không làm được, nhất là ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Thủ tướng cũng nhìn nhận, thể chế và cơ chế chính sách còn vướng mắc, cần được tháo gỡ. Nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thúc đẩy, củng cố vai trò, vị trí, tầm quan trọng của DNNN chưa cao, chưa toàn diện, đồng bộ, liên tục. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, môi trường pháp lý, hệ sinh thái vẫn còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, "còn bất cập, cần giải quyết".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, DNNN phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên. Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, từ đó phải tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững, một số doanh nghiệp phải tạo bước phát triển đột phá.

Thủ tướng gợi ý mục tiêu DNNN phấn đấu đóng góp 35% ngân sách Nhà nước trong nhiệm kỳ này; nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, người lao động năm sau cao hơn năm trước. Nâng cao nhận thức, vai trò, tầm quan trọng của DNNN trong xây dựng kinh tế nhà nước và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Cần tập trung tháo gỡ thể chế, cơ chế chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm, tự chủ, trách nhiệm của doanh nghiệp. Theo Thủ tướng, còn có vấn đề chưa tách được giữa quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho việc này ách tắc. Trong đó, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và có công cụ kiểm soát; từ đó tạo không gian phát triển, không gian đổi mới, sáng tạo.

II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Ban Bí thư Quyết định chuẩn y Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Ngày 11/3, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ, công bố, trao Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ. Theo đó, tại Quyết định số 439-QĐNS/TW ngày 22/01/2022, Ban Bí thư Trung ương Đảng chuẩn y đồng chí Phạm Quang Dũng, Uỷ viên BCH Đảng bộ Khối, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

* Cùng ngày, tại Hội nghị Ban Thường vụ, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến vào tờ trình về việc kiện toàn cấp uỷ, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các đảng uỷ trực thuộc; dự thảo Quy định về công tác quy hoạch cán bộ; tờ trình về việc ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, nhân viên Cơ quan Đảng uỷ Khối; việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại các đảng bộ trực thuộc Đảng uỷ Khối; dự thảo chương trình công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 và một số nội dung khác.

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tháng 3/2022

Ngày 25/3/2022, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ thường kỳ tháng 3/2022. Đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về công tác cán bộ; Quy định về công tác quy hoạch cán bộ; Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại các đảng ủy trực thuộc hằng năm; tờ trình đề nghị khen thưởng các danh hiệu bậc cao năm 2021; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK, ngày 03/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương”; về việc khen thưởng tác giả, tác phẩm và tập thể đạt Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021; Kế hoạch tổ chức Đoàn công tác của Đảng bộ Khối thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa năm 2022; Báo cáo công tác Quý I năm 2022 của Đảng bộ Khối và một số nội dung khác.

Hội nghị góp ý dự thảo Quy định về công tác quy hoạch cán bộ của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Quy định về công tác quy hoạch cán bộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối cho biết: Triển khai thực hiện Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW, ngày 15/02/2022 của Ban Tổ chức Trung ương một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn của Đảng ủy Khối và các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Đảng ủy Khối, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã thành lập Tổ biên tập, xây dựng dự thảo Quy định về công tác quy hoạch cán bộ. Bản dự thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ý kiến góp ý của các đảng ủy trực thuộc, các ban, đơn vị Đảng ủy Khối. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, Đảng ủy Khối tiếp tục lấy ý kiến góp ý trực tiếp của một số cơ quan liên quan và các đảng ủy trực thuộc để hoàn chỉnh dự thảo.

Dự thảo Quy định được xây dựng trên nguyên tắc bám sát Quy định số 50-QĐ/TW và Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW về công tác quy hoạch cán bộ, đồng thời cụ thể hóa đối tượng quy hoạch và quy trình quy hoạch đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quản lý để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý trực thuộc Khối có có sở triển khai thực hiện thống nhất. Bố cục dự thảo gồm 04 phần, 15 điều và 06 phụ lục kèm theo.  Dự thảo Quy định đã cụ thể hoá để phù hợp với Quy định số 69-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối và đặc thù của Đảng bộ Khối.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về việc thực hiện nguyên tắc “quy hoạch cấp ủy phải gắn với quy hoạch lãnh đạo, quản lý, lấy quy hoạch các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý”; phân cấp phê duyệt quy hoạch; đối tượng quy hoạch chức danh cấp uỷ trực thuộc; hệ số quy hoạch và chi tiết về đối tượng, quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022

Ngày 17/3, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối dự và chỉ đạo Hội nghị.

* Theo báo cáo kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khối, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đảng ủy trực thuộc đã chủ động nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng các phương án linh hoạt trong công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, triển khai một số giải pháp phù hợp nhằm gắn kết, thúc đẩy việc sử dụng chéo sản phẩm, dịch vụ của nhau giữa các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối.

Ban Chỉ đạo xác định, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là đẩy mạnh tuyên truyền về các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, điều hành của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01-CT/ĐUK, ngày 21/12/2015 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối. Đồng thời làm tốt công tác thông tin truyền thông, vận động cán bộ, đảng viên, người lao động trong Khối phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội để phòng, chống và khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, đẩy nhanh phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tổ chức giới thiệu các sản phẩm của các doanh nghiệp trong Khối gắn với việc tổ chức hội thảo về thúc đẩy thực hiện chủ trương các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau. Xây dựng, tổ chức triển khai Ứng dụng “Make in VietNam” chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ở một số đảng ủy trực thuộc (lồng ghép với nội dung kiểm tra, giám sát của Ban Dân vận Đảng ủy Khối - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo).

* Báo cáo tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở cho biết, năm 2021, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối kịp thời kiện toàn, bổ sung Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở Đảng ủy Khối; ban hành Chương trình công tác năm. Ban Chấp hành Đảng bộ Khối ban hành Nghị quyết nhiệm vụ công tác năm 2021, trong đó có nội dung chỉ đạo việc thực hiện QCDC ở cơ sở.

Có 1.364/1.393 doanh nghiệp đã thực hiện đủ các nội dung công khai theo quy định; hình thức thực hiện đa dạng, phù hợp theo từng nội dung, như: niêm yết tại các địa điểm thuận lợi, thông báo tại hội nghị sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên môn, giao ban cơ quan đối với cán bộ chủ chốt...

Việc phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong thực hiện QCDC ở cơ sở được các doanh nghiệp, đơn vị quan tâm thực hiện: về các nội dung người lao động được tham gia ý kiến đã có 1.368/1.393 (chiếm 98,20%) thực hiện đủ theo quy định; có 1.364/1.393 (chiếm 97,91%) doanh nghiệp, đơn vị đã thực hiện tốt nội dung người lao động được quyết định và có 1.334/1.393 (chiếm 95,76%) doanh nghiệp, đơn vị đảm bảo quy định người lao động được kiểm tra, giám sát.

Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã xác định, năm 2022, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế, tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuyển đổi số, thu hút hợp tác đầu tư về cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường xuất khẩu..., là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cả nước tập trung thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở xác định, tiếp tục chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị số 30-CT/TW, Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 09-CT/ĐUK của Đảng ủy Khối về thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (khóa XIII), nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 01-QĐi/ĐUK, ngày 07/5/2018, về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong doanh nghiệp chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh xây dựng và phát triển nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả, mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.

Quán triệt, triển khai thực hiện quy định mới về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng

Sáng 14/3/2022, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và lấy ý kiến về dự thảo Hướng dẫn thực hiện Quy định. Hội nghị được tổ chức trực tuyến. Tham dự tại điểm cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương có đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối; đồng chí Chu Đình Động, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối cùng đại diện thường trực các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, về cơ bản, Quy định 58 gồm 6 Chương, 22 Điều, giảm 3 Điều do với Quy định số 126 trước đây. 7 điểm mới về nội dung của Quy định 58 so với Quy định 126 trước đây, bao gồm:

(1) Bổ sung quy định mức giới hạn bố trí đối với cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị phức tạp nhưng không vi phạm Quy định này (những trường hợp này được bố trí cao nhất đến uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh và tương đương; bổ sung trường hợp cán bộ, đảng viên là con liệt sỹ, con thương binh ¼ nhưng có cha, mẹ, người nuôi dưỡng trực tiếp của vợ hoặc chồng vi phạm do làm việc cho chế độ cũ thì có thể bố trí đến uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ tỉnh và tương đương). Theo đồng chí Nguyễn Quang Dương, đây là điểm rất mới so với các quy định, kết luận về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng của Bộ Chính trị các khoá trước.

(2) Trường hợp cán bộ, đảng viên có con dâu, con rể là người nước ngoài thì bố trí, sử dụng cao nhất đến tỉnh uỷ viên và tương đương; có thể làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, bố trí đến vụ trưởng và tương đương. Đây là nội dung mới, lần đầu đưa vào quy định của Bộ Chính trị.

(3) Chính sách bố trí, sử dụng và mức bố trí sử dụng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc phức tạp do quan hệ gia đình trực tiếp (bên bản thân) thấp hơn một bậc so với trường hợp gián tiếp (bên vợ hoặc chồng).

(4) Ngoài việc quy định mức trần tham gia cấp uỷ, mức trần ứng cử làm đại biểu cơ quan dân cử ở các cấp và làm việc trong cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật thì Quy định 58 đã chỉ dẫn tương đương đối với các chức vụ chính quyền trong cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Điều này đã khắc phục được hạn chế do các nội dung này chưa được quy định cụ thể trong quy định trước đây.

(5) Khắc phục triệt để mâu thuẫn bất cập trong việc cho phép một số trường hợp được tham gia đến cấp uỷ cấp tỉnh, bố trí đến trưởng ngành cấp tỉnh, nhưng lại không được làm việc trong cơ quan, bộ phận và vị trí trọng yếu, cơ mật.

(6) Đối với những trường hợp có vấn đề liên quan đến bản thân và quan hệ gia đình (tập trung là những vấn đề chính trị hiện nay), căn cứ mức độ của vấn đề chính trị; uy tín, phẩm chất, năng lực, quá trình phấn đấu, đóng góp của bản thân cán bộ, sẽ do cấp uỷ có thẩm quyền quy định tại Điều 15 xem xét, bố trí phù hợp.

(7) Điều 15 của Quy định chỉ rõ diện cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị mà cấp uỷ cấp dưới cần phải xin ý kiến cấp uỷ hoặc cơ quan tổ chức cấp trên khi bố trí, sử dụng.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự chặt chẽ, cẩn trọng để đảm bảo vấn đề chính trị nội bộ không chỉ cho Đảng mà còn là sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Đồng chí Trương Thị Mai cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương gửi lại các kiến nghị, đề xuất bằng văn bản để Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo và nhanh chóng ban hành Hướng dẫn nhằm tạo sự thống nhất với Quy định 58. Quá trình triển khai các quy định, hướng dẫn, nếu có vấn đề thực tiễn phát sinh, đề nghị các đơn vị có phản hồi để Ban Tổ chức Trung ương kịp thời báo cáo Tiểu Ban Chính trị nội bộ Trung ương và Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Quán triệt, triển khai Quy định đầu tiên của Ban Bí thư về đào tạo lý luận chính trị

Sáng 16/3, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 8/2/2022 của Ban Bí thư về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị (gọi tắt là Quy định 57). Tham dự tại điểm cầu Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương có đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối; lãnh đạo Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Trung tâm Bồi dưỡng Lý luận chính trị Đảng ủy Khối cùng đại diện các đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối. Quy định 57 gồm 4 Chương, 12 Điều với nhiều điểm mới, đột phá về vấn đề đào tạo lý luận chính trị. Quy định nêu rõ đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị; phân cấp nhiệm vụ đào tạo; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đào tạo lý luận chính trị.

Quán triệt việc triển khai thực hiện Quy định 57, đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) chỉ rõ 6 điểm mới mang tính đột phá của Quy định bao gồm: (1) Lần đầu tiên trong lịch sử công tác đào tạo lý luận chính trị của Đảng, Ban Bí thư ban hành quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng với công tác này trong tình hình mới. Đồng chí Vũ Thanh Sơn cho biết, trước đây, các nội dung liên quan đến đào tạo lý luận chính trị được quy định tản mạn, chưa thống nhất, đồng bộ ở nhiều văn bản mà thẩm quyền ban hành chỉ ở cấp ban, chứ chưa phải cấp Ban Bí thư như Quy định 57.

(2) Quy định 57 đã mang tính hệ thống, tổng hợp khi bao quát đủ 3 cấp học lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp. Điều này tạo sự liên thông, mang tính kế thừa cao, tránh được sự trùng lắp, chồng chéo giữa các cơ quan về việc đào tạo lý luận chính trị trước đây.

(3) Xác định rõ, cụ thể, mạch lạc từng loại đối tượng tham gia 3 cấp học trong đó có quy định riêng đối tượng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; bổ sung thêm một số đối tượng phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

(4) Xác định rõ việc phân cấp đào tạo lý luận chính trị đối với các cơ sở đào tạo, các cơ quan liên quan.

(5) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm các bên liên quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp.

(6) Xác định rõ lộ trình cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc các ban, bộ ngành (11 cơ sở) để dừng đào tạo trung cấp lý luận chính trị.

Đặc biệt, đồng chí Vũ Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, Điều 3 của Quy định 57 đã giải thích từ ngữ về đào tạo lý luận chính trị (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) thể hiện sự chuẩn mực, thống nhất trong việc triển khai thực hiện Quy định. Đây là lần đầu tiên các thuật ngữ mang tính khái niệm này được đưa vào văn bản Quy định của Đảng.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự tại nhiều điểm cầu đã thảo luận đóng góp nhiều ý kiến và kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương giải đáp, hướng dẫn một số vấn đề trong việc triển khai thực hiện Quy định 57. Về cơ bản, các cơ quan đơn vị đều thống nhất với các nội dung của Quy định 57 và thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác đào tạo lý luận chính trị trong thời gian tới.

Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị

Trong 2 ngày (30-31/3/2022), Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng 3 là các đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quản lý, bằng hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 37 đảng ủy trực thuộc.

Trong thời gian 2 ngày, các đại biểu tham dự Hội nghị được nghe PGS,TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam truyền đạt chuyên đề “Những định hướng, chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” và TS Nguyễn Bình Giang, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam truyền đạt chuyên đề “Hội nhập kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do, hiệp định hợp tác mới - cơ hội và thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp Nhà nước; tác động của tình hình thế giới hiện nay đến kinh tế Việt Nam”.

Thông qua những nội dung được cập nhật thông tin, góp phần nâng cao nhận thức chính trị về chính sách, giải pháp phục hồi kinh tế của Đảng, Nhà nước của các đại biểu trong thời điểm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới. 

Petrolimex công bố Quyết định chuẩn y Phó Bí thư Đảng ủy và bổ nhiệm Tổng Giám đốc Tập đoàn

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định chuẩn y chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy và bổ nhiệm Tổng Giám đốc đối với đồng chí Đào Nam Hải. Theo đó, ngày 11/02/2022, Hội đồng quản trị (HĐQT) Petrolimex đã ban hành Quyết định số 68-QĐ/PLX-QĐ-HĐQT về việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc và Đảng ủy Khối DNTW ban hành Quyết định số 632-QĐ/ĐUK ngày 01/3/2022 về việc chuẩn y Phó Bí thư Đảng ủy Petrolimex đối với đồng chí Đào Nam Hải kể từ ngày 01/3/2022.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối DNTW chúc mừng Phó Bí thư Đảng ủy Petrolimex Đào Nam Hải và ghi nhận, đánh giá cao Đảng ủy Petrolimex là đơn vị chủ động, kịp thời kiện toàn công tác nhân sự, đảm bảo đúng quy trình theo quy định. Đồng chí Lê Văn Châu mong muốn đồng chí Đào Nam Hải cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn luôn đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh theo mục tiêu đề ra.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Tổng Giám đốc Petrolimex Đào Nam Hải trân trọng cảm ơn sự tin tưởng, tín nhiệm của lãnh đạo các cấp, cam kết chung vai cùng tập thể ban lãnh đạo Petrolimex phát huy tối đa năng lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm cho sự phát triển bền vững tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Đảng bộ Agribank tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII

Thực hiện Hướng dẫn số 01-HD/ĐUK, ngày 26/01/2022 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, ngày 23/03/2022, Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 78 điểm cầu, với sự tham gia của hơn 4.200 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã trình bày những nội dung chính và một số điểm mới của Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm. Trong đó nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XIII đặt ra vấn đề rộng hơn là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức bộ máy, tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các kết luận, quy định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII là một trong những hoạt động của Đảng bộ Agribank cụ thể hóa Hướng dẫn số 01-HD/ĐUK, ngày 26/01/2022 và Kế hoạch số 37-KH/ĐUK, ngày 28/01/2022 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận, Quy định của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Vietcombank và Vietnam Post ký thoả thuận hợp tác toàn diện

Ngày 22/3, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tổ chức Lễ ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động của hai bên, thúc đẩy kết nối, cùng nhau hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững.

Theo Thỏa thuận, Vietcombank và Vietnam Post sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, trọng tâm đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực: Ngân hàng bán buôn (tín dụng, thanh toán và quản lý dòng tiền, dịch vụ ngân hàng đầu tư…); ngân hàng bán lẻ (thu hộ, chi hộ, giới thiệu khách hàng các dịch vụ tài khoản, dịch vụ ngân hàng của Vietcombank). Đặc biệt, hai bên sẽ triển khai các dịch vụ trung gian thanh toán và các dịch vụ được phát triển trên nền tảng trung gian thanh toán, điển hình như ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ chuyển tiền điện tử…

Vietcombank là ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam về chất lượng và hiệu quả hoạt động, luôn đi đầu trong việc áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất về quản trị ngân hàng và ứng dụng công nghệ hiện đại trong mọi mặt hoạt động. Trong chiến lược phát triển, Vietcombank xác định chuyển đổi số là đột phá chiến lược và đang triển khai chương trình chuyển đổi số tổng thể, toàn diện nhằm mục tiêu đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số nằm trong top ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025.

Còn Vietnam Post có thế mạnh hệ thống công nghệ thông tin chuyên biệt, bên cạnh các dịch vụ bưu chính chuyển phát, logistics, tài chính bưu chính, phân phối bán lẻ. Vietnam Post đang nhanh chóng chuyển đổi từ doanh nghiệp bưu chính truyền thống sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số trên nhiều lĩnh vực.

Đại diện lãnh đạo hai bên cho rằng, thỏa thuận hợp tác giữa Vietcombank và Vietnam Post là tiền đề cho định hướng hợp tác lâu dài, giúp hai bên phát huy tối đa thế mạnh mỗi bên. Đặc biệt, với nền tảng khách hàng đã và đang sử dụng các dịch vụ số của hai bên, Vietcombank và Vietnam Post sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế số, các dịch vụ ngân hàng số, đáp ứng định hướng phát triển của mỗi bên. Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác này còn thể hiện quyết tâm hiện thực hóa chủ trương phát triển tài chính toàn diện theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để người dân, nhất là những người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản và dịch vụ ngân hàng hiện đại. Vietnam Post và Vietcombank kỳ vọng sẽ phủ rộng dịch vụ tài chính - ngân hàng tới tận các địa bàn thôn, xã, góp phần hỗ trợ người nông dân tiếp cận các kênh phát triển kinh tế số, các sản phẩm tài chính, ngân hàng số,…

Ký kết thỏa ước tín dụng giữa EVN và AFD cho dự án lưới điện phân phối miền Nam

Ngày 28/03/2022 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã tổ chức Lễ ký kết Thoả ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 80 triệu Euro Dự án lưới điện phân phối miền Nam do Tổng công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị to lớn mà Đảng, Nhà nước giao cho, EVN cùng với các đơn vị thành viên triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng nhằm mở rộng mạng lưới phân phối điện. Trong đó, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang triển khai đầu tư xây dựng các dự án lưới điện khu vực miền Nam, nâng cao độ tin cậy, an toàn và chất lượng cung cấp dịch vụ. Dự án "Lưới điện phân phối miền Nam" vay vốn AFD bao gồm 33 tiểu dự án, nằm trên địa bàn các tỉnh: Bến Tre, An Giang, Bình Thuận, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Các tiểu dự án đều nằm trong các quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến năm 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt. Toàn bộ 33 tiểu dự án đều khả thi về mặt kinh tế và tài chính. Báo cáo nghiên cứu khả thi của các tiểu dự án đã được EVNSPC phê duyệt theo thẩm quyền. Tổng mức đầu tư của các tiểu dự án là hơn 4.487 tỷ đồng, thời gian thực hiện các tiểu dự án từ năm 2022 đến năm 2024.

Việc hoàn tất đưa vào vận hành các tiểu dự án thành phần của các dự án giúp nâng cao hiệu quả cung cấp điện cho khu vực miền Nam; giảm thiểu tình trạng thiếu điện và quá tải tại nhiều khu vực; nâng cao chất lượng, an toàn và giảm tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải, đồng thời giải phóng công suất một số nguồn điện năng lượng tái tạo trong khu vực.

VNA lọt top thương hiệu tiêu biểu Việt Nam

Trong khuôn khổ Chương trình Đại hội Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đã vinh dự nhận danh hiệu thương hiệu tiêu biểu Việt Nam, do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng tại Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2021 với chủ đề “Ánh sáng của tương lai". Tại sự kiện, VNA đã được nhận Kỷ niệm chương cho doanh nghiệp Top 100 thương hiệu tiêu biểu Việt Nam. VNA là đại diện duy nhất của lĩnh vực Hàng không trong bảng xếp hạng Top 100 nhờ những nỗ lực vượt bậc trong việc nâng tầm dịch vụ, trải nghiệm hành khách... kể cả trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Vietcombank là đầu mối tín dụng 35.000 tỷ đồng cho Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất 2

Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát) và 8 ngân hàng tham gia đồng tài trợ vừa tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng cấp tín dụng Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Trong đó Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giữ vai trò là ngân hàng đầu mối.

Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 là dự án lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát, với công suất thiết kết 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự kiến khi Dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đưa sản lượng thép của Hòa Phát đạt 14 triệu tấn/năm và giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động tại địa phương.

Đại diện các ngân hàng tham gia tài trợ vốn phát biểu tại Lễ ký kết, đại diện Hội đồng Quản trị Vietcombank khẳng định: Với tư cách là ngân hàng đầu mối, Vietcombank đã thực hiện thu xếp thành công khoản cam kết cấp tín dụng trị giá 35.000 tỷ đồng cho Dự án cùng 7 tổ chức tín dụng có năng lực và uy tín tại Việt Nam. Tổ hợp ngân hàng tham gia tài trợ bao gồm 8 ngân hàng hàng đầu Việt Nam gồm: Vietcombank (đầu mối), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Lãnh đạo Vietcombank và các ngân hàng tham gia đồng tài trợ tin tưởng, với kinh nghiệm đã triển khai và vận hành thành công Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, cùng ưu thế về công nghệ và con người vượt trội, tư duy đầu tư chiến lược và bài bản, Dự án mới này sẽ mang lại thành công to lớn cho Tập đoàn Hòa Phát nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung.

Tập đoàn Bảo Việt: Năm 2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 21,4%

Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2021 (kiểm toán), theo đó Tập đoàn và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020.

Bảo Việt hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, đạt gần 170.000 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.003 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2020. Tổng doanh thu Công ty Mẹ đạt 1.490 tỷ đồng, tăng trưởng 5,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.031tỷ đồng, tăng 1,9% và hoàn thành kế hoạch Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Tổng tài sản Công ty Mẹ năm 2021 đạt 18.908 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 18.519 tỷ đồng. Tập đoàn Bảo Việt đã chi trả cổ tức 667 tỷ đồng bằng tiền mặt trong năm 2021, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 9.500 tỷ đồng tiền mặt. Tính từ khi cổ phần hóa đến nay, tổng số tiền Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước lên đến gần 24.000 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.

Năm 2021, dịch Covid-19 tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tập đoàn Bảo Việt đã đồng hành cùng người dân trên cả nước chia sẻ gánh nặng tài chính trong cuộc sống và thực hiện đúng cam kết, gánh vác trách nhiệm với cộng đồng để cùng chung tay “Bảo đảm sự bình an, thịnh vượng và lợi ích lâu dài cho khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng.” Thể hiện tinh thần tiên phong trong chuyển đổi số của một Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, Bảo Việt tăng cường đầu tư và củng cố nền tảng công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh doanh của toàn hệ thống; tập trung mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai nghiên cứu ra mắt chuỗi sản phẩm tích hợp đa dạng và ưu đãi vượt trội cho khách hàng, thể hiện vai trò doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

III – TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ ĐỊNH HƯỚNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022)

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ, chính quyền ngụy Sài Gòn và trải qua 5 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Giai đoạn 2: Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn 3: Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc. Giai đoạn 4: Từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh đoàn kết, chiến đấu của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán. Giai đoạn 5: Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực mới, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa rất quan trọng, là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc; đánh dấu bước ngoặt quyết định, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Nguyên nhân của thắng lợi vĩ đại này, trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hai là, Nhân dân và các lực lượng vũ trang đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ; lao động quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân. Ba là, cả nước đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trên dưới một lòng, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đánh Mỹ và thắng Mỹ. Năm là, phát huy tinh thần đoàn kết; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước phe xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trên thế giới. 

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta rút ra những kinh nghiệm quý báu: (1) Xác định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam. (2) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. (3) Vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt phương pháp đấu tranh cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân và nghệ thuật quân sự chiến tranh toàn dân, xây dựng và phát triển lý luận chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam. (4) Chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược chiến tranh cách mạng và nghệ thuật tạo, nắm thời cơ giành những thắng lợi quyết định. (5) Phải luôn luôn chú trọng xây dựng Đảng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao sức chiến đấu và phát huy hiệu lực lãnh đạo của Đảng.

Kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường chiến đấu, xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm. Cho đến nay, mặc dù số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhưng nhờ độ bao phủ vaccine tốt nên tỷ lệ tử vong thấp, dịch cơ bản đã được kiểm soát; kinh tế, xã hội từng bước được phục hồi, phát triển, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để góp phần phát huy giá trị truyền thống, ý nghĩa lịch sử Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là thế hệ trẻ,  nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; trong đó cần nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi, bài học kinh nghiệm... Từ đó, tiếp tục bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Hai là, tuyên truyền khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt là đấu tranh đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.

Ba là, tuyên truyền về các hoạt động Kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải bảo đảm đúng định hướng, hiệu quả, an toàn bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với các hoạt động thiết thực, cụ thể, các nội dung tuyên truyền cần cổ vũ, động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với đất nước.

Một số kết quả thực hiện chính sách lao động, việc làm trên phạm vi cả nước 

Thị trường lao động, nguồn cung lao động đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Lực lượng lao động sụt giảm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; hàng triệu lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; thu nhập bình quân tháng của lao động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây… 

Trước thực trạng trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021,  số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ và các Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021, số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 24/02/2022, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 77.799 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 742.469 lượt người sử dụng lao động (kinh phí 13.034 tỷ đồng); trên 48,3 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với (kinh phí 64.765 tỷ đồng). 

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 trên toàn quốc là 39.212 tỷ đồng, hỗ trợ trên 35,64 triệu lượt đối tượng (gồm 378.869 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 35,26 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác). Tổng kinh phí hỗ trợ 03 chính sách về bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp) là 5.439 tỷ đồng, hỗ trợ cho 375.858 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động. Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 30.149 tỷ đồng, hỗ trợ gần 22,94 triệu đối tượng.

Về nhóm chính sách cho vay vốn, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã giải ngân 3.623 tỷ đồng hỗ trợ 3.010 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 930.183 lượt người lao động. Trong đó, số vay vốn để trả lương ngừng việc là 259 tỷ đồng (chiếm 7,2%); số vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động là 3.153 tỷ đồng (chiếm 87%); số vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên là 211 tỷ đồng (chiếm 5,8%). 

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các địa phương triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau tết; tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp. Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, cung ứng, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động... 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chuẩn bị các điều kiện đón học sinh, sinh viên trở lại nhà trường học trực tiếp, sau thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19; xây dựng kế hoạch củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới và thực hành để đảm bảo chất lượng đào tạo, phương án phòng, chống dịch Covid-19 đối với cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trở lại trường tham gia học tập trực tiếp là thích ứng linh hoạt để đảm bảo việc học tập.

Để thực hiện có hiệu quả chính sách về lao động, việc làm, góp phần đảm bảo An sinh xã hội lâu dài, các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

(1) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.  

(2) Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương kinh tế trọng điểm. 

(3) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động. Mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, nhất là Bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

(4) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cho học sinh, sinh viên trở lại học tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động.

Nhằm góp phần đưa các chính sách lao động, việc làm đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền đầy đủ cho cán bộ, đảng viên và người lao động về các văn bản, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm và chỉ đạo từ sớm các bộ, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hai là, tuyên truyền các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong thời gian tới; chú trọng nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết việc làm cho người lao động; tuyên truyền phát huy vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động, góp phần tháo gỡ khó khăn trong giải quyết việc làm cho người lao động.

Ba là, theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận của người lao động để kịp thời định hướng đúng và tham mưu công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm cho lao động.

Đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine và các biện pháp phòng, chống dịch covid-19 

Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ. Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá dịch Covid-19 vẫn còn trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến chủng không lường trước của virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Số ca mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua, số người mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày. 

Biến chủng Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận xuất hiện ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron; tại Thành phố Hồ Chí Minh, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Tuy nhiên, do tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt đã có sự quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên toàn quốc giảm sâu. Tỷ lệ tử vong/số ca mắc, số ca đang điều trị tại bệnh viện, số ca nặng, nguy kịch đã giảm rất nhiều so với thời gian trước đây.

Để hạn chế cũng như giảm các nguy cơ lây lan của dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, thực hiện 5K; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, không áp dụng theo các hướng dẫn từ các nguồn thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, phân luồng, phân tuyến điều trị. Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ; căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp nhằm đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Các địa phương hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine Covid-19 trong tháng 3/2022. 

Bộ Y tế khẳng định: Vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt đã có sự quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành sớm tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine phòng Covid-19 cho người dân. 

Nhằm tiếp tục lan tỏa quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước; đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng và các địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của người dân. 

Hai là, tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân đồng lòng thực hiện tốt phương châm phòng, chống dịch “5K + vaccine + công nghệ”, để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và toàn xã hội. 

Ba là, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của người dân, kịp thời định hướng dư luận; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng về tình hình dịch Covid-19.

Một số kết quả thực hiện nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh  đạo của đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2021

Giai đoạn 2012 - 2021, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng; các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể; đồng thời lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, với chính sách an sinh xã hội… Nhờ đó, chính sách BHXH, BHYT từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội.  

Tính đến ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH đạt 16,578 triệu người (tăng 414 nghìn người (2,56%) so với năm 2020); đặc biệt BHXH tự nguyện là 1,338 triệu người, đạt 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức (vượt 1,6% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW); số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 13,537 triệu người (tăng 213 nghìn người (1,6%) so với năm 2020); 88,827 triệu người tham gia BHYT (tăng 849 nghìn người (tăng 0,97%) so với năm 2020), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01 % dân số (hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao). Chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 8,2 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần, thất nghiệp, ốm đau thai sản; trên 118 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Trong năm 2021, toàn Ngành BHXH đã thanh tra, kiểm tra tại 15.836 đơn vị. Kết quả, phát hiện 37.656 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng, với số tiền phải truy thu là 117,4 tỷ đồng; đã thu hồi 1.531,3 tỷ đồng trên tổng số nợ của các đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 1.955,5 tỷ đồng (đạt 78,3%)...

Đặc biệt, trong năm 2021, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID - BHXH số (người dùng có thể quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng; thực hiện các dịch vụ trên ứng dụng), đến nay đã có gần 30 triệu người cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID. Ngành BHXH Việt Nam đã cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; xây dựng 141 tiêu chí rủi ro trong quản lý điều hành; kiểm soát chặt chẽ, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ qua hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của Ngành.

Tổng số dư các quỹ BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 12/2021 đạt 1.074.845 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2020 (được sử dụng trên 85% mua trái phiếu Chính phủ, còn lại gửi tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước xếp loại tốt). BHXH Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn nhất thị trường trái phiếu Chính phủ (chiếm gần 40% tổng giá trị thị trường), giúp Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô, huy động nguồn vốn lãi suất thấp, phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội quốc gia…

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngành BHXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Phát triển đối tượng tham gia BHXH chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị quyết; tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương; số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT còn nhiều, số tiền nợ đọng còn cao; tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra; công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT còn chậm; chất lượng phục vụ của dịch vụ khám chữa bệnh BHYT còn nhiều bất cập; tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, có thể rút ra bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT như sau:

(1) Công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách BHXH, BHYT phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế.

(2) Xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, trong đó các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo; làm tốt công tác phối hợp thực hiện. 

(3) Thực hiện các giải pháp tổng thể, lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT với các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của Nhân dân và người lao động để thúc đẩy gia tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT.

 (4) Tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ; đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống BHXH, BHYT hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả.

(5) Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra, khởi kiện những đơn vị sử dụng lao động còn nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội của người lao động.

(6) Thường xuyên, định kỳ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện công tác BHXH, BHYT; phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân có vi phạm. 

(7) Tận dụng cơ hội về hội nhập quốc tế để tiếp cận thông tin, huy động được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để hiện đại hóa hệ thống quản lý và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH, BHYT. 

Để góp phần đưa chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động về những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vấn đề BHXH, BHYT, đặc biệt là Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Hai là, tiếp tục tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, chính quyền các cấp trong việc giải quyết những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đặc biệt trong giai đoạn đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, từ đó ổn định tâm trạng của người lao động, yên tâm tham gia BHXH, BHYT.

Ba là, tăng cường việc theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, diễn biến tâm trạng của người lao động trong các doanh nghiệp để kịp thời cung cấp thông tin, định hướng nhận thức đúng đắn về việc tham gia BHXH, BHYT, hạn chế những rủi ro đối với người lao động khi nhận BHXH một lần.

Công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine

Từ ngày 24/02/2022, tình hình ở Ukraine diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng người Việt Nam đang cư trú, học tập và làm việc tại Ukraine.

Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, các cuộc giao tranh căng thẳng giữa quân đội Nga và Ukraine đã khiến số người tị nạn chạy khỏi các vùng chiến sự của Ukraine gia tăng, vượt mức 1,5 triệu người. Các cơ quan chức năng của Liên Hợp quốc dự báo, dòng người lánh nạn sẽ ngày càng tăng trong những ngày tới, có thể lên tới 4 triệu người. Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Ukraine có khoảng 7.000 người, sống tập trung tại một số thành phố lớn như Kiev (khoảng 800 người), Kharkov (khoảng 3.000 người), Odessa (khoảng 3.000 người) và một số thành phố nhỏ khác như Kherson, Donetsk…

Trước các diễn biến căng thẳng của tình hình Ukraine, Việt Nam đã nhiều lần nêu lên quan điểm của mình về vấn đề nhân đạo và nhân quyền. Phát biểu tại Phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ngày 02/3/2022), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và mong muốn có thêm các nỗ lực để tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường, bao gồm cả người tị nạn, đảm bảo an toàn và tạo điều kiện sơ tán cho tất cả công dân nước ngoài sinh sống tại Ukraine.

Với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan. Ngày 26/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo tại Công điện số 201 về bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine. Ngày 06/3/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo trực tiếp liên quan tới công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ kiều bào tại Ukraine. Trong đó, nhấn mạnh truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, “tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay”, không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương, không được để người dân trong quá trình di tản bị đói, lạnh và đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị; dành ưu tiên cao nhất cho công tác này; có phương án triển khai cụ thể, quan trọng nhất là đưa kiều bào ra khỏi vùng chiến sự an toàn.

Tính đến hết ngày 02/3/2022 (theo giờ Việt Nam), phần lớn bà con ở Kiev và Odessa và hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và đang được bố trí sang lánh nạn các nước lân cận. Việt Nam đã tổ chức thành công hai chuyến bay đưa công dân lánh nạn từ Romania ngày 07/3/2022 do Vietnam Airlines thực hiện và từ Ba Lan ngày 09/3/2022 do Bamboo Airways thực hiện. Như vậy, qua hai chuyến bay bảo hộ công dân, Việt Nam đã đưa được gần 600 người Việt ở Ukraine về nước an toàn.

Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, một số kênh truyền thông nước ngoài và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã tuyên truyên, xuyên tạc cho rằng “Chính phủ Việt Nam rất chậm và kém hiệu quả trong việc bảo vệ công dân của mình tại Ukraine”, nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động sơ tán người dân. Trước tình hình đó, công tác thông tin, tuyên truyền trong thời gian tới cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền khẳng định nhưng quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với vấn đề thực hiện bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài; tuyên truyền khẳng định, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc.

Hai là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh có hiệu quả với những phần tử cơ hội chính trị, thù địch lợi dụng sự việc ở Ukraine để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Ba là, tăng cường tuyên truyền về tinh thần tương thân tương ái, về truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam thông qua các nghĩa cử, hành động cao đẹp. Khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước của bà con ta ở Ukraine cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một số dự báo về thị trường dầu mỏ thế giới năm 2022

Cuối năm 2021, nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đưa ra các kịch bản, đánh giá đối với thị trường dầu mỏ. Nhìn chung, đa phần đều dự đoán triển vọng tích cực đối với giá dầu trong năm 2022. Mặc dù đã được dự đoán sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2022, nhưng giá dầu vẫn làm cộng đồng thế giới bất ngờ khi liên tiếp xác lập những đỉnh giá mới trong thời gian gần đây.

Sau hơn hai năm đối phó với đại dịch Covid-19, năm 2021, nền kinh tế thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi khi nhiều quốc gia đã dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại. Tuy nhiên, nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Hoa Kỳ và một số quốc gia không ngừng tăng sau khi nền kinh tế hoạt động trở lại là nguyên nhân đẩy giá dầu tăng cao kỷ lục trong năm 2021. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2021, giá dầu thô đạt mức 76,56 USD/thùng. 

Bước sang năm 2022, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến nhu cầu dầu mỏ thế giới. Nhiều tổ chức tư vấn dự báo, nhu cầu dầu mỏ trong quý I sẽ tạm thời suy giảm và phục hồi trở lại vào quý II. Theo quan điểm của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ảnh hưởng của biến thể Omicron chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, do dịch Covid-19 xuất hiện diễn biến mới nên sự phục hồi về nhu cầu sẽ tạm thời chậm lại.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine được coi là diễn biến khởi đầu, nghiêm trọng và tác động mạnh tới thị trường năng lượng toàn cầu. Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và chủ yếu bán dầu thô cho các công ty lọc dầu châu Âu. Nga cũng là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất cho khu vực này, chiếm khoảng 35% nguồn cung khí đốt. Tình hình căng thẳng Nga - Ukraine được cho là nguyên nhân mạnh mẽ nhất khiến giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong quý I năm 2022. Cùng với việc Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga như một biện pháp trừng phạt, ngày 08/3/2022, giá dầu đã tăng hơn 30% kể từ ngày 24/2/2022.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định, giá dầu có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm 2022 nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một trong những “cú sốc” năng lượng lớn nhất từ trước đến nay. Bản đồ năng lượng toàn cầu có thể sẽ được định hình lại. Do đó, tình hình căng thẳng ở Ukraine và những hệ lụy đi kèm sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu một cách mạnh mẽ trong ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với việc tiến trình phục hồi “hậu Covid-19” có thể sẽ bị chậm lại.

Mặc dù vậy, vẫn có những nhận định lạc quan cho rằng giá dầu sẽ dần hạ nhiệt. OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu, đã nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày. Mặt khác, giá dầu tăng cũng khuyến khích hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu. Điều này sẽ góp phần giải tỏa sự khan hiếm nguồn cung năng lượng. Bên cạnh đó, chuyển đổi năng lượng toàn cầu đã trở thành xu hướng lớn. Năng lượng tái tạo có hy vọng được củng cố và tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh. Nếu giá các loại hàng hóa chiến lược thế giới luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên thì sẽ có tác động lớn đến việc phát triển, sử dụng và phổ biến các loại năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời… Điều này đã từng diễn ra vào những năm 2008, khi giá dầu tiến tới ngưỡng 150 USD/thùng, người tiêu dùng bắt đầu sử dụng xe điện và các nguồn năng lượng sạch.

Trước tình hình giá xăng, dầu thế giới đã xác lập mức đỉnh lịch sử, các chuyên gia dự báo, giá xăng dầu trong nước trước đợt điều chỉnh giá sắp tới cũng sẽ tăng cao. Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ khiến người dân, các doanh nghiệp ảnh hưởng mà bản thân các nhà phân phối xăng dầu cũng chịu tác động lớn. Để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tính lại chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 được quy định cụ thể như sau: Xăng, trừ etanol 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg. Mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay giữ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của UBTVQH.

Để góp phần ổn định tâm trạng, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân trước sự biến động của thị trường dầu mỏ thế giới và trong nước thời gian gần đây, công tác tuyên truyền cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời, thường xuyên tình hình dầu mỏ trên thị trường thế giới, những tác động của việc giá dầu tăng cao đến đời sống người dân cũng như doanh nghiệp, sự phát triển kinh tế của các nước.

Hai là, thông tin, tuyên truyền về giá dầu và tình hình cung ứng xăng dầu trên thị trường cả nước, trong đó nhấn mạnh, Chính phủ, các ngành chức năng đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp liên quan đến giá cả, cung - cầu thị trường, cân đối cung - cầu và các phương án điều hành bình ổn giá của Chính phủ.

Ba là, các cơ quan báo chí cần tăng cường phát hiện, phản ánh kịp thời các hành vi kinh doanh không lành mạnh của doanh nghiệp xăng dầu, nhất là việc găm hàng đợi tăng giá, tạo sự khan hiếm giả hàng hóa trên thị trường.

Xuất khẩu quý I/2022 phục hồi ấn tượng với 15 mặt hàng trên 1 tỷ USD

Tính chung quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,27 tỷ USD, tăng 22%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỷ USD, tăng 10%, chiếm 73,7%. Cả nước có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD gồm: Điện thoại và linh kiện; diện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ trợ khác; dệt may; giày dép.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,9%, giảm 0,1%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,7%, tăng 0,5%.

Liên quan đến nhập khẩu, từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 87,77 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 29,43 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,34 tỷ USD.

Tính chung quý I/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỷ USD.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5

Ngày 8/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5 với chủ đề "Định hình lại quan hệ kinh tế song phương". Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) phối hợp tổ chức.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm: Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới trong tương lai thông qua kinh tế số và sáng tạo; đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam; thúc đẩy đầu tư bền vững và các chính sách ổn định để tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung đề cập 5 nội dung lớn: Sự phát triển của Việt Nam những năm qua và định hướng phát triển trong tương lai; kết quả và tương lai quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; công tác phòng, chống dịch, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi số. Trong hai năm vừa qua, Việt Nam, Hoa Kỳ cũng như các nước phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19 gây bất ngờ, lúng túng, bị động cho cả thế giới, gây ra nhiều hậu quả không mong muốn. Về phần mình, Việt Nam xác định đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng nhau chống dịch và phát triển.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với Việt Nam thời gian qua trong công tác phòng, chống dịch. Thủ tướng tin tưởng rằng thành công của Hội nghị sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ nói riêng và quan hệ hai nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển thực chất và hiệu quả.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC).

IV - VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI

Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công tác quản lý và hoạt động của ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022.

Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022

Ngày 28/02/2022, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Kế hoạch số 58-KH/BTCTW Đề cương  thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022.

Kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII- năm 2022

Ngày 28/02/2022, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Kế hoạch số 59-KH/BTCTW Thể lệ về tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII- năm 2022

Quy chế về giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021-2025

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; góp phần xây dựng đạo đức, nhân cách, tâm hồn và tình cảm con người Việt Nam; đề cao các giá trị chân thiện mỹ; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội. Ngày 29/01/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Quy chế số 13-QC/BTGTW về giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2025.

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG

-----------------------------


 

 

 

.
.
.
.