Hành trình thanh niên trên đảo Cồn Cỏ
Những ngày cuối tháng 7/2013, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức chiến dịch tình nguyện hè năm 2013 với chủ đề "Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, an toàn giao thông vì cuộc sống cộng đồng, vì chủ quyền biển đảo quê hương"… đã hướng thanh niên về các vùng khó khăn, nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc để tổ chức các hoạt động tình nguyện nhằm giáo dục truyền thống tại huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị.
Huyện đảo Cồn Cỏ ngày nay |
Tiếp nối truyền thống
Con tàu cao tốc mang số hiệu 154118 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị rời cảng Cửa Việt đưa đoàn viên thanh niên ra thăm và tặng quà cho quân - dân huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị từ từ cập cảng. Trong sương sớm, đảo Cồn Cỏ hiện ra như một thành phố nổi trên biển, ngọn hải đăng rực sáng, ánh đèn điện lung linh. Năm qua, quân dân huyện đảo gặt hái được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biển, đảo, song cũng còn nhiều khó khăn, cần được tiếp thêm động lực để phát triển.
Sau hơn 1 giờ vượt sóng gió, đảo Cồn Cỏ đã hiện ra trước mắt mọi người. Đối với nhiều người, cảm giác ngỡ ngàng của lần đầu đến với đảo cũng nhanh chóng qua đi, bởi âm vang trong từng con sóng suốt hành trình ra đảo lời hát đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay. Dù lên rừng hay xuống biển, vượt bão giông, vượt gian khổ, tuổi trẻ kề vai, vững vàng chân bước bạn ơi...”.
Ngày ấy, Cồn Cỏ là một hòn đảo nhỏ thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thời điểm này, Trung ương Đoàn và tỉnh Quảng Trị được chính phủ cho phép thực hiện đề án bước đầu xây dựng Cồn Cỏ thành đảo Thanh niên. Bây giờ thì Cồn Cỏ đã trở nên gần gũi với đất liền hơn nhiều. Nói như thế bởi phương tiện ra đảo giờ đã thuận tiện hơn.
Đón chúng tôi tại Trụ sở Trung tâm Văn hóa huyện đảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ phấn khởi cho biết: Cồn Cỏ nằm trên trục đường nối dài của đường Xuyên Á - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đồng thời cũng gần các di sản thế giới như: Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng, những lợi thế đó tạo cho Cồn Cỏ các điều kiện để hình thành và phát triển ngành du lịch sinh thái biển đảo, du lịch lịch sử truyền thống và nhiều loại hình và sản phẩm du lịch phong phú.
Với chủ trương từng bước dân sự hoá Cồn Cỏ, năm 2002 mô hình xây dựng đảo Cồn Cỏ thành “Đảo Thanh niên” được hình thành: 43 Thanh niên của Tổng đội TNXP Quảng Trị đã tình nguyện ra xây dựng Đảo. Từ đây đảo đã có những cư dân dân sự đầu tiên đến định cư trên đảo, mở ra một hướng mới xây dựng Cồn Cỏ thành địa bàn kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc phòng vững chắc.
Ngày 01/01/2004 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 174/2004/NĐ - CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với mục tiêu xây dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành “Huyện đảo Du lịch”. Cồn Cỏ trở thành đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị. Từ đó đến nay hệ thống chính trị, Bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận huyện đảo được hình thành và ngày càng hoàn thiện… Cũng từ giờ phút này, một sứ mệnh cao cả, một trách nhiệm nặng nề đặt lên vai những con người sống trên miền đất đầu sóng, ngọn gió này.
May mắn và cơ duyên đoàn chúng tôi được gặp bác Lê Văn Thiên, năm nay bác đã 79 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Sau hơn nửa thập kỷ bác mới có cơ hội đặt chân quay trở lại thăm đảo. Cảnh quan thiên nhiên, sự thân thiện của con người và hiện thực cuộc sống ở huyện đảo trẻ giữa trùng khơi này đã đưa bác trở về với những kỷ niệm xưa. Bác kể: Trong thời gian từ tháng 7/1959 đến tháng 4/1962, tôi làm quản lý ở đảo Cồn Cỏ. Lúc đó Cồn Cỏ còn hoang sơ lắm, không điện, không nước. Sau hiệp định Giơnevơ (1954) một thời gian dài đảo chưa có người ở. Mùa thu năm 1959, trước âm mưu của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn lăm le chiếm đảo, chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh và Chính ủy E270 thuộc đặc Khu Vĩnh Linh, một trung đội pháo 127 ly của Trung đoàn 270 quân đội nhân dân Việt Nam do thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy vượt sóng gió trùng dương ra đảo. Đúng 11h ngày 8/8/1959 lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.
Dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo Cồn Cỏ |
Hai ngày sau khi lực lượng vũ trang đặt chân lên đảo, đế quốc Mỹ và Nguỵ quyền đưa tàu chiến đến vây đảo, ta nổ súng cảnh cáo buộc chúng phải bỏ chạy. Bị thất bại trong chiến tranh cục bộ tại miền Nam, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ dựng nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, đảo Cồn Cỏ là một trong những mục tiêu mà kẻ địch muốn tiêu diệt đầu tiên. Ngày 8/8/1964, Mỹ và Ngụy huy động 60 lần chiếc máy bay chia thành nhiều hướng tấn công vào Cồn Cỏ. Trận đầu ra quân cán bộ chiến sĩ Cồn Cỏ đã chiến đấu anh dũng ngoan cường, bắn tan 2 máy bay và bắn bị thương 1 máy bay khác. Mở đầu cho những chiến công nối tiếp của 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù với gần 1.000 trận đánh lớn nhỏ của Cồn Cỏ anh hùng - Hòn đảo được mệnh danh là "con mắt thần giữa biển Đông".
Dưới mưa bom bão đạn, gian khổ hy sinh, nhiều chiến sĩ đã viết thư bằng máu với lời thề “Thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo”. Thái Văn A và các chiến sĩ Cồn Cỏ đã dựng chòi quan sát máy bay địch. Và hình ảnh anh hùng Thái Văn A đã thành biểu tượng cho quân và dân đảo Cồn Cỏ kiên cường. Đó là Đảo trưởng Vũ Kỷ mưu trí sáng tạo chỉ huy pháo mặt đất 85 ly trực tiếp bắn rơi một thủy phi cơ Mỹ tiêu diệt toàn bộ giặc lái… và gần 200 cán bộ, chiến sĩ khác đã anh dũng chiến đấu hy sinh góp phần dựng nên tượng đài Cồn Cỏ anh hùng bất khuất.
Với ý nghĩa lịch sử đó, cùng với hoạt động tri ân của cả nước, hơn 40 đoàn viên thanh niên đại diện cho các đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí đã hội tụ về Quảng Trị để dâng hương tại đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ Cồn Cỏ. Đây là cuộc hành hương của tuổi trẻ, về với truyền thống đấu tranh cách mạng, kiên cường của quân, dân ta và của các thế hệ thanh niên Việt Nam.
"Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn mỗi bạn trẻ được hòa mình vào những thời khắc lịch sử, được sống lại trong ký ức hào hùng và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tuổi trẻ Dầu khí nguyện ra sức học tập, cống hiến để xây dựng đất nước và ngành Dầu khí ngày càng vững mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của các anh, các chị", Bí thư Đoàn Tập đoàn Nguyễn Quốc Thịnh xúc động.
Trong những năm qua, tuổi trẻ Dầu khí đã có những việc làm thiết thực để tri ân các anh hùng liệt sĩ như tổ chức thắp nến tri ân, dâng hương tưởng niệm nhân dịp ngày 27/7 hàng năm, tổ chức chương trình "Về nguồn", đi thăm hỏi, động viên, tặng quà giúp đỡ các gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa... các hoạt động này đã cùng với xã hội thực hiện có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý "Ăn quả nhớ người trồng cây", góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Chung sức vì biển đảo
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày 8/8/1959, những chiến sĩ thuộc trung đoàn 270 - trung đoàn bảo vệ giới tuyến thuộc đặc khu Vĩnh Linh đã vượt biển ra cắm lá cờ tiếp tục khẳng định chủ quyền và tăng cường sức mạnh quân sự cho đảo Cồn Cỏ. Sau những giờ rèn luyện vất vả, tiếng hát của những người lính đảo lại vút lên hòa cùng sóng gió, biển trời. Lời ca, tiếng hát và truyền thống trong quá khứ đã tiếp thêm cho những người lính trẻ hôm nay ý chí, nghị lực để họ bám biển, giữ đảo.
Còn đối với những thanh niên Dầu khí VN thế hệ trẻ hôm nay, những ngày sống trên đảo là một hành trình đầy ý nghĩa với những việc làm thiết thực, đi thăm và tìm hiểu cuộc sống của các ngư dân. Tại đây, Đoàn Tập đoàn đã tặng nhân dân đảo Cồn Cỏ 1 máy phát điện trị giá 25 triệu đồng; tặng Huyện đoàn đảo Cồn Cỏ 7 bộ máy vi tính và 2 bộ máy in, trị giá 76 triệu đồng; tặng trường Mầm non Hoa Phong Ba trang thiết bị dạy và học trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên Công ty CP PVI (PVI Holdings) tặng Huyện đoàn đảo Cồn Cỏ 1 máy ảnh trị giá 10 triệu đồng; Đoàn Thanh niên Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) tặng quà cho 8 gia đình khó khăn trên đảo Cồn Cỏ. Đại diện Đoàn Thanh niên Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Đường sắt (Cục C67 Bộ Công an) đã tặng cẩm nang lái xe an toàn cho Đoàn Thanh niên đảo Cồn Cỏ.
Những hoạt động ý nghĩa này nhằm phát huy tinh thần xung kích vì cộng đồng của đoàn viên thanh niên Tập đoàn Dầu khí, chung sức cùng với bà con huyện đảo Cồn Cỏ nâng cao đời sống, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền của Việt Nam.
Theo anh Nguyễn Quốc Thịnh - Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, thông qua các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, hướng về biển đảo quê hương nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho quân và dân trên huyện đảo. Bên cạnh đó, giáo dục tư tưởng cho đoàn viên thanh niên, từ đó khơi dậy lòng tự hào, tình người và lối sống nhân văn. Những đoàn viên thanh niên này sẽ là những điểm sáng lan tỏa ra toàn giới trẻ…
Là đảo có kiến tạo bởi núi lửa giữa biển khơi, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất, sinh thái, cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên với các thềm đá bazan kỳ vĩ, bãi tắm nhỏ được tạo bởi vụn san hô, sò điệp, nước biển trong, nhiệt độ nước biển ổn định cộng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng của đảo núi lửa, rừng trên thềm san hô cổ khá hiếm ở Việt Nam. Các yếu tố đặc thù đó tạo cho Cồn Cỏ sức hấp dẫn để phát triển du lịch. Điều này cũng phù hợp để trong quy hoạch phát triển của mình, Cồn Cỏ đặt ra mục tiêu trở thành một huyện đảo du lịch.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ cho biết: Hiện nay dân trên đảo khoảng hơn 400 người. Ban lãnh đạo cùng quân và dân trên đảo những năm qua đã tỏ rõ quyết tâm và bản lĩnh của mình, đoàn kết, chung lòng xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ ngày một lớn mạnh. Tuy nhiên, trước mắt huyện đảo còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch HĐND huyện đảo Hải trăn trở: Đảo không quá xa bờ nhưng phương tiện đi lại còn thiếu, đặc biệt vào thời điểm có gió mùa Đông Bắc cấp 6 trở lên thì thuyền bè từ Quảng Trị và miền Trung ra đảo gặp rất nhiều trở ngại. Việc đầu tư phát triển du lịch khá tốn kém, do đó chính sách thu hút đầu tư đặc biệt là thu hút những nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm trong xây dựng cơ sở hạ tầng biển đảo cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tính chất thời vụ trong kinh doanh biển đảo rất lớn, chỉ khoảng khoảng 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8) và dịch vụ du lịch mang tính tự phát. Về điện và nước cũng là một trong những "cái thiếu" trên đảo. Tháng 10/2009, nhà nước đầu tư xây dựng một trạm điện chạy dầu diezel công suất 132 KVA – 0,4KV. Bước đầu dòng điện đã tạo thuận lợi trong phát triển dịch vụ nhỏ lẻ và sinh hoạt của nhân dân, nhưng ở điều kiện biển đảo máy móc rất dễ bị hỏng hóc.
Đồng chí cho biết thêm: Hiện trên đảo có một số giếng nước ngọt nhưng trữ lượng không lớn. Chúng tôi đang đầu tư dự án xây dựng bể thu gom, xử lý và phân phối nước cho toàn đảo. Bao gồm ba bể, mỗi bể 1.100 m3 sau đó nước từ những bể chứa này sẽ đưa lên bể lọc chính, bơm lên bình áp lực để phân phối cho khoảng 600 đến 800 nhân khẩu. Dự án này cuối năm 2013 sẽ hoàn thành.
Đặt chân lên đảo Cồn Cỏ, điều làm chúng tôi mừng vui chính là khi được đến thăm khu trường mầm non mang tên một loài hoa ở biển - Trường Mầm non Hoa Phong Ba. Sau những năm gồng mình chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc sống muôn vàn khó khăn trên đảo, những cặp vợ chồng TNXP đã mang đến cho Cồn Cỏ những đứa trẻ đầu tiên. Toàn đảo có 9 cháu đang được nuôi dạy tại đây. Năm học tới sẽ giảm khi có một số cháu lên lớp 1 và phải gửi vào đất liền học, bởi hiện nay huyện đảo không có trường Tiểu học, THCS.
So với quy mô và yêu cầu phát triển của một huyện đảo thì rõ ràng vẫn còn quá nhiều công trình phúc lợi xã hội ở Cồn Cỏ cần được đầu tư xây dựng. Phó chủ tịch HĐND huyện Hải cho biết: “Địa phương sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, có cơ chế, chính sách hợp lý, hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp và tàu, thuyền đánh bắt cá của ngư dân vào đảo. Ngoài ra, Huyện đang đẩy mạnh xúc tiến dự án đưa du lịch ra đảo, xác định đây là khâu đột phá thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển…”.
Cảng Cồn Cỏ - Quảng Trị |
Trên đảo Cồn Cỏ, hình ảnh các chiến sĩ hải quân, phòng không... chịu đựng cái nắng, gió khắc nghiệt, vững tin canh giữ biển trời Tổ quốc khiến chúng tôi càng cảm động, khâm phục. Không ít cán bộ đã gắn bó với đảo hàng chục năm. Chế độ chính sách đã được Nhà nước, quân đội quan tâm, song vẫn chưa thể đáp ứng.
Chiều trên đảo Cồn Cỏ sâu lắng trong ánh hoàng hôn, chúng tôi ra về và mong với những gì đạt được, huyện đảo Cồn Cỏ đã và đang phát huy lợi thế để vươn lên, khẳng định vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng, thể hiện sự vững chắc chủ quyền lãnh thổ và nội lực phát triển trường tồn. Bởi vậy, ngay cả trong thời bình, Cồn Cỏ vẫn luôn sẵn sàng trong tư thế của người lính tiền tiêu.
Với chủ trương từng bước dân sự hoá Cồn Cỏ, năm 2002 mô hình xây dựng đảo Cồn Cỏ thành “Đảo Thanh niên” được hình thành: 43 Thanh niên của Tổng đội TNXP Quảng Trị đã tình nguyện ra xây dựng Đảo. Từ đây đảo đã có những cư dân dân sự đầu tiên đến định cư trên đảo, mở ra một hướng mới xây dựng Cồn Cỏ thành địa bàn Kinh tế - Xã hội phát triển, quốc phòng an ninh vững chắc. Bây giờ, lực lượng thanh niên xung phong vẫn là nòng cốt ở trên đảo. Khó khăn còn nhiều, nhưng khó khăn lớn nhất là hầu hết thanh niên trên đảo đều không có việc làm ổn định mà thường làm theo mùa vụ. Nam giới thì đi biển, hoặc làm phụ hồ cho những công trình của huyện đảo. Chăn nuôi thì quỹ đất hạn hẹp, nguồn thức ăn cho gia súc, trâu bò cũng khan hiếm... Tạo công ăn việc làm ổn định, đó cũng chính là những lo toan trăn trở của những người có trách nhiệm và mỗi công dân trên đảo này. Lộ trình đến 2015, huyện đảo sẽ xây dựng xong 50 ngôi nhà để thu hút dân cư đất liền ra đảo lập nghiệp. Điều này cũng là một động lực về nguồn nhân lực để phát triển du lịch biển đảo. |
Lan Hương