Năm 2011: 1.627 doanh nghiệp triển khai 156 đợt đưa hàng Việt về nông thôn
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay, các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến tham quan, mua sắm, bước đầu tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm nội địa. Năm 2011, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn, qua đó cho thấy sự chủ động, tích cực của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia như hệ thống siêu thị Sài Gòn Coop Mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Công ty cổ phần Intimex…
Theo báo cáo của sở công thương 33 tỉnh, thành phố, năm 2011, các địa phương đã tổ chức được 156 đợt bán hàng về nông thôn với 1.627 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 655.179 lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu đạt 57 tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan, mua sắm mà còn thu hút đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia… Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đều đã có kế hoạch đưa hàng về phục vụ nhu cầu đón Tết của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp tham gia rất sôi nổi. Điển hình là Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện việc phối hợp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cơ khí năm 2011 trong Tập đoàn. Theo đó, nhấn mạnh nguyên tắc đối với hàng trong nước sản xuất được, có chất lượng tương đương với hàng nhập khẩu cùng loại, có giá cả cạnh tranh thì ưu tiên sử dụng hàng trong nước, hạn chế và tiến tới ngừng nhập khẩu nếu hàng trong nước đáp ứng được. Tổng công ty Xăng dầu đã tăng cường sử dụng các dịch vụ nguyên liệu, thiết bị mua trong nước cho các dự án, chiếm khoảng 60% tổng giá trị thực hiện. TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: Vượt qua mọi khó khăn, Cuộc vận động ngày càng tác động tích cực đến nhận thức của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Trong các siêu thị, trung tâm thương mại của các doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng áp đảo (hệ thống siêu thị của Saigon Coop có tới 95% là hàng Việt). Đặc biệt, theo khảo sát của Hiệp hội, hiện hàng Tết tại siêu thị có hơn 90% là hàng Việt. Đó là một kết quả rất đáng khích lệ của Cuộc vận động thời gian qua.
Về phương hướng và nhiệm vụ năm 2012, ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Trong năm 2012, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012; vận động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, bao gồm các loại hình chợ truyền thống ở thành thị, nông thôn và các loại hình thương mại hiện đại… |
||
Theo ĐCSVN |