.
.

Viết tiếp truyền thống thợ mỏ

Thứ Ba, 05/02/2019|00:37

Thắng lợi từ cuộc tổng bãi công của hơn 30 nghìn thợ mỏ đêm 12/11/1936, dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, đã đánh dấu bước chuyển lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng vùng đất mỏ. “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng” đã vượt qua giá trị khẩu hiệu hành động ngày ấy, trở thành bài học quý, động viên cán bộ, công nhân ngành than vượt qua những chặng đường gian khó. Đó còn là động lực tinh thần, để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nỗ lực đạt những mục tiêu mới, tiếp tục phát triển và hội nhập.

Thợ mỏ Công ty Than Hòn Gai trước giờ vào ca.
Thợ mỏ Công ty Than Hòn Gai trước giờ vào ca.
Nhân lên giá trị truyền thống
 
Những ngày cuối tháng Chạp, tới thăm một số xí nghiệp, công trường khai thác than, chúng tôi cảm nhận tinh thần lao động, sản xuất khẩn trương như mọi ngày trong khi không khí Tết đang đến rất gần. Các tổ chức đảng, đoàn thể tất bật triển khai kế hoạch thưởng Tết, tổ chức đưa, đón công nhân về quê. Ai cũng tranh thủ hoàn thành nốt phần việc của mình để chuẩn bị đón Tết ấm áp bên gia đình.
 
Tại Phân xưởng khai thác 5 Giáp Khẩu (Công ty Than Hòn Gai), những công nhân vừa hết ca trở về, chuẩn bị vào bữa tối. Bí thư Chi bộ, Quản đốc Nguyễn Quang Thiều cho biết, phân xưởng gồm hơn 200 người, có nhiệm vụ mở các đường dẫn từ cửa hầm lò đến vị trí khai thác. Làm việc trong điều kiện địa chất phức tạp, đường dẫn dài, tiết diện giếng nghiêng lớn, tuy nhiên đơn vị luôn bảo đảm các thông số kỹ thuật về an toàn lao động, được lãnh đạo công ty tin tưởng giao việc khó. Với hơn 30 năm gắn bó với ngành than, anh thấu hiểu những vất vả nhưng đầy tự hào của nghề thợ mỏ. Trên cương vị của mình, anh luôn động viên anh em, nhất là những người mới vào nghề, xa gia đình, sát cánh cùng họ trước khó khăn cả trong công việc và cuộc sống, cùng phân xưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Trong trao đổi cuối năm về nghề khai thác mỏ, những trăn trở trước sóng gió thị trường cùng kết quả của nỗ lực vượt bậc vượt lên bao gian khó, thử thách của nghề, lại vững thêm niềm tự hào về truyền thống công nhân vùng mỏ. Điểm lại chặng đường nhiều biến động đối với ngành than, đồng chí Nguyễn Mạnh Tường, Phó Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh chia sẻ, trong khó khăn mới thấy hết ý nghĩa của truyền thống kỷ luật và đồng tâm. Từ cơn lũ lịch sử quét qua vùng mỏ năm 2015, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, tiếp đến giai đoạn than trong nước chịu sự cạnh tranh khốc liệt với than ngoại nhập, khai thác mà không bán được, có thời điểm tồn kho tới hơn 11 triệu tấn... Thêm những khó khăn từ điều kiện sản xuất ngày càng xuống sâu, đi xa, áp lực mỏ lớn. Hầm lò tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động. Trong khi thợ lò ngày càng khó tuyển, cạnh tranh lao động gay gắt, biên chế khối quản trị, hành chính, văn phòng buộc phải tinh giản, sắp xếp, cơ cấu lại (với khoảng 5.500 người thuộc diện tinh giản trong năm 2018)… Khó khăn chồng chất đặt ra cho toàn ngành và Đảng bộ Than Quảng Ninh những bài toán buộc phải có đáp án, nhằm ổn định tư tưởng, tình hình sản xuất và đời sống của hàng nghìn gia đình. Những quyết sách đồng bộ từ Trung ương, sự song hành của Tỉnh ủy Quảng Ninh và nhất là sự đồng tâm, hiệp lực của toàn ngành, từng nút thắt đã được tháo gỡ.
 
Kết thúc năm 2018, với chủ đề công tác “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” và nhiệm vụ “An toàn - đổi mới - phát triển”, những điểm sáng trong kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu đã báo hiệu một mùa Tết ấm. Trong đó, các đơn vị thuộc Đảng bộ Than Quảng Ninh sản xuất 35,3 triệu tấn, bằng 104% kế hoạch năm; lượng than tiêu thụ đạt 38,5 triệu tấn (đồng nghĩa với việc tiêu thụ được số lượng lớn hàng tồn kho), tương ứng 110% kế hoạch năm; đóng góp chung vào doanh thu than của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là hơn 62 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 16 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động gần 11 triệu đồng/tháng.
 
Theo Đảng ủy Than Quảng Ninh, năm 2018 ghi dấu những thành công có tính bứt phá so với 5 năm gần đây trên mọi ngành, nghề sản xuất, với tổng doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Đời sống thợ mỏ ngày càng được cải thiện, từ chế độ lương, thưởng, đưa đón đi làm, nơi ở, chế độ ăn ba ca; trang bị bảo hộ lao động khi thời tiết khắc nghiệt. Các khu chung cư dành cho công nhân khai thác hầm lò đều bảo đảm điều kiện về diện tích, xanh - sạch - đẹp. Nhiều đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức trò chơi truyền thống nâng cao đời sống tinh thần, nhất là đối với công nhân người dân tộc thiểu số.
 
Sẵn sàng hướng tới mục tiêu mới
 
Tại Khu di tích nơi thành lập Chi bộ Khu mỏ, cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, ở khu phố Dân Chủ, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, một lần nữa giá trị cốt lõi của bài học kỷ luật và đồng tâm được ôn lại. Tại đây, ngày 23-2-1930, chỉ sau 20 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của hai đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Đức Cảnh, đã diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ khu mỏ Mạo Khê. Chi bộ gồm năm đồng chí. Đồng chí Đặng Châu Tuệ (nguyên đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, Chủ bút Báo Than, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Ninh Bình…) được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Việc ra đời Chi bộ khu mỏ Mạo Khê mở ra bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cũng như sự phát triển của tổ chức đảng vùng mỏ Quảng Ninh. Qua 89 năm phát triển và trưởng thành, từ Chi bộ có năm đảng viên, đến nay Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 100 nghìn đảng viên. Sự song hành giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị ngành than, với truyền thống kỷ luật và đồng tâm, trở thành động lực tinh thần cho sự phát triển chung trong toàn tỉnh. Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Dân Chủ Nguyễn Văn Việt cho biết, cũng như ông, phần lớn người dân ở phường Mạo Khê đều gắn bó với nghề mỏ, có gia đình mấy thế hệ đều làm trong Công ty Than Mạo Khê. Cấp ủy địa phương và lãnh đạo công ty luôn đồng hành chăm lo đời sống của người dân. Đoàn kết tạo nên sức mạnh. Phường Mạo Khê có 24 khu phố đều đạt Khu phố văn hóa, trong đó, 21 khu phố đạt tiêu chuẩn đô thị văn minh. Tất cả 12 trường học trong phường đều được công nhận trường học tiên tiến… 
 
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Đông Triều Hoàng Văn Đề, sau ba năm được công nhận chuẩn nông thôn mới cấp huyện (Đông Triều là huyện nông thôn mới đầu tiên của miền bắc, cùng thời điểm được Quốc hội đồng ý thành lập thị xã, tháng 3-2015), thị xã luôn duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt. Hướng tới mục tiêu mới về phát triển đô thị, nâng cao chất lượng tiêu chí, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Thị ủy tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn đọng về môi trường, an sinh xã hội, thu nhập và việc làm… Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã, cả 14 chỉ tiêu đều cơ bản đạt và vượt mức đề ra, với thu nhập bình quân năm 2018 đạt 3.950 USD; thu ngân sách địa phương tăng bình quân 15%/năm. Ở những làng quê chúng tôi đi qua thuộc các xã Việt Dân, An Sinh, Bình Khê… đã thấy nếp sống văn minh ngay tại thôn làng. Đường nội thôn, liên xã sạch đẹp, những mô hình vườn mẫu, nhà mẫu ngập sắc hoa nở, quả sai trĩu cành. Người dân có thu nhập ổn định từ nghề nông, hiệu quả được nhìn thấy từ những đóng góp tham gia xây dựng nông thôn mới.
 
Theo Tỉnh ủy Quảng Ninh, kết thúc chương trình công tác năm 2018 trong niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh khi hoàn thành tất cả 11 chỉ tiêu đề ra; thu ngân sách đạt 40.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa duy trì tăng 10%/năm, đứng thứ năm cả nước. Kinh nghiệm được chia sẻ, đó là phương châm “quyết liệt - đồng bộ - sáng tạo - đột phá - mạnh dạn đi đầu”. Thế mạnh, tiềm năng của Quảng Ninh được phát huy khi Tỉnh ủy tập trung triển khai quyết liệt ba đột phá chiến lược là kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính và chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là công cụ quan trọng tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh trên cả sáu nội dung, bảo đảm yêu cầu ba giảm: thủ tục, thời gian, chi phí. Kết quả toàn diện về cải cách hành chính đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước ở các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (Par Index); vị trí tốp 5 về chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… Quảng Ninh đã vinh dự nhận giải thưởng ASOCIO 2018, dành cho chính quyền số xuất sắc, do Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng tại Nhật Bản.
 
Với tư duy dám nghĩ, dám làm, mục tiêu tổng quát đến năm 2020 của Tỉnh ủy Quảng Ninh là phấn đấu trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh”, là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực; một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững… Với chủ đề công tác năm 2019 là “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ”, truyền thống kỷ luật và đồng tâm tiếp tục là nền tảng tinh thần để huy động nội lực của từng vùng miền, từng tập thể và cá nhân hướng tới sự phát triển thịnh vượng, bền vững; nâng cao hơn nữa chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân và du khách khi đến Quảng Ninh.
 
Bài và ảnh: VIỆT THỌ PHƯƠNG (Theo Nhân dân)
.
.
.
.