.
.

Điểm tựa đẩy nhanh tiến trình phát triển bền vững

Thứ Hai, 03/02/2020|18:05

Có thể nói, năm 2019 là một năm bứt phá của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) TP.HCM trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 4.502 tỷ đồng, tăng +38,6% so với 31/12/2018. Đặc biệt, từ hiệu ứng thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trong 5 năm qua, chính quyền thành phố nhận thức được tầm quan trọng của việc ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH gần gấp đôi so với năm 2018, chiếm hơn nửa nguồn vốn tăng thêm của chi nhánh trong năm 2019, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, tạo việc làm cho cả khu vực thành thị và nông thôn, đưa kinh tế TP.HCM hướng tới bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế.

Hóa giải những nút thắt an sinh xã hội
Thêm 2 tỷ đồng chuyển qua năm 2019, số tiền được chính quyền quận trích ngân sách ủy thác cho vay qua NHCSXH đạt 9,2 tỷ đồng không phải là số tiền lớn để giải quyết căn cơ vấn đề giảm nghèo, tạo việc làm ở một địa phương kinh tế đang lên như quận 12. Song đây lại là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho địa phương nhằm giải bài toán xóa nghèo cho những đối tượng đã thoát khỏi tiêu chí nghèo chung của cả nước nhưng lại luẩn quẩn trong tiêu chí hộ nghèo của thành phố. Bởi từ nguồn vốn này, NHCSXH quận 12 đã giải ngân đầu tư cho 84 hộ nghèo vay, 132 hộ cận nghèo và 70 hộ có nhu cầu giải quyết việc làm vay vốn để phát triển sản xuất; bình quân mỗi hộ vay được 30 triệu đồng.
Nguồn vốn đó đã giúp gia đình ông Ngô Duy Soạn ở 20/1 tổ 12, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12, từ số vốn vay ban đầu 20 triệu đồng may gia công, đến nay là 40 triệu đồng, ông đã có trong tay một Tổ hợp may gia công với 6 lao động làm việc thường xuyên, ổn định, thu nhập bình quân từ 80 - 100 triệu đồng/năm, không những thế còn góp phần cùng địa phương tạo công ăn việc làm cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn phường.
5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 5.043 hộ thoát nghèo; 12.764 hộ vay vốn từ chương trình tín dụng nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) với số tiền trên 183 tỷ đồng; 3.031 lao động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn quỹ cho vay giải quyết việc làm với số tiền 75 tỷ đồng, giúp cho nhiều lao động có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Điển hình như hộ bà Lê Thị Ba ở ấp 4, xã Tân Kiên vay 80 triệu đồng từ chương trình tín dụng học sinh sinh viên (HSSV) cho 2 con đi học, hiện một người con đã tốt nghiệp và là giáo viên trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh, còn một người con vừa mới tốt nghiệp, đã đi làm công nhân có thu nhập ổn định.
Nền tảng và những kỳ vọng mới
Những điển hình như thế ở TP Hồ Chí Minh đang ngày một nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố với dòng chảy tín dụng phủ rộng hơn 100% xã, phường. Với trọng tâm dồn nguồn vốn ưu đãi giải quyết những vấn đề an sinh xã hội của thành phố như giảm nghèo, tạo việc làm, NS&VSMTNT, chỉ tính riêng năm 2019 đã có 68.799 lượt khách hàng được tiếp cận vốn với doanh số cho vay năm 2019 đạt 2.619 tỷ đồng, tăng gần 50% năm 2018.
Đến hết năm 2019, tổng dư nợ của chi nhánh đạt gần 4.503 tỷ đồng với 163.068 hộ vay; trong đó cho vay giải quyết việc làm chiếm 48,9% tổng dư nợ; cho vay Quỹ xóa đói giảm nghèo chiếm 23,3%; NS&VSMTNT chiếm 14,4%; HSSV chiếm 7,6%; cho vay nhà ở xã hội chiếm 2%; cho vay giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi (nay là Quỹ 34) chiếm 1,8% tổng dư nợ.
Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo nâng thu nhập vượt qua ngưỡng cận nghèo, thoát nghèo; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 40.216 lao động; hỗ trợ cho 507 hộ gia đình bị thu hồi đất có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định nơi ở mới; hơn 3.900 lượt HSSV được vay vốn để học tập; cải tạo và xây dựng mới 29.929 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh trên địa bàn 5 huyện ngoại thành của thành phố; hỗ trợ cho 357 lượt hội viên cựu chiến binh vay vốn để phát triển kinh tế; hỗ trợ cho 155 hộ gia đình được vay vốn để mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở,...
“Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần hỗ trợ người dân phát triển nhiều mô hình, dự án SXKD mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường, đặc biệt là hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi”, Giám đốc NHCSXH TP.HCM Trần Văn Tiên cho biết.
Năm 2020 tiếp tục hứa hẹn những bứt phá mới trong công tác tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH TP.HCM. Tổng Giám đốc NHCSXH và UBND thành phố giao cho chi nhánh mục tiêu tăng trưởng dư nợ tối thiểu 1.250 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng 27% so với năm 2019. “Mục tiêu đặt ra rất cao, nhưng nền tảng hiện thực cũng đã có với việc chính quyền thành phố ban hành văn bản số 5419/UBND-VX cuối năm 2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trong đó đặt mục tiêu đưa nguồn vốn ủy thác của thành phố qua NHCSXH đạt mục tiêu theo thông báo của Văn phòng Chính phủ lên 5.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, chi nhánh sẽ tập trung thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách và nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã theo hướng ổn định và bền vững, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2020 và các năm tiếp theo để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người vay vốn cũng như bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trên thành phố mang tên Bác.
Sơn Hải
 
.
.
.
.