Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021:
Đảng ủy Agribank: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động trong thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngoài ý nghĩa phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững còn góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Công tác tuyên truyền, vận động có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Với vai trò là Ngân hàng thương mại Nhà nước, Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tiên phong hưởng ứng và tích cực tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện Cuộc vận động tới toàn thể cán bộ, người lao động trong hệ thống.
Agribank trao hỗ trợ mua vắc - xin phòng Covid-19. |
Vai trò công tác tuyên truyền, vận động trong tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; Các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để sản xuất và kinh doanh. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”. Để đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền vận động người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012.
Từ năm 2009 đến nay, trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí, các doanh nghiệp luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Cuộc vận động. Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Cuộc vận động, khẳng định: Công tác tuyên truyền là biện pháp quan trọng trong thực hiện Cuộc vận động, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, cổ vũ, khích lệ sự sáng tạo, niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất trong việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản xuất hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần được các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp coi trọng trong thực hiện Cuộc vận động.
Khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng hưởng ứng Cuộc vận động
Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc là những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử từng chứng minh rằng, trước mọi thử thách của dân tộc, nếu biết khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, phát huy trí tuệ, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của nhân dân thì sẽ tạo thành nguồn sức mạnh vô địch đưa đất nước vượt qua mọi hiểm nguy, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Ngày nay, đất nước hoà bình thống nhất, câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam đang đứng trước thử thách không kém phần gay go, quyết liệt trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, đó là phải nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của cả quốc gia - doanh nghiệp - hàng hoá. Bởi lẽ, thương hiệu hàng hoá, sức cạnh tranh của hàng hoá và cả nền kinh tế của một quốc gia xét đến cùng là sự hội tụ của tinh hoa, sức mạnh quốc gia, dân tộc đó. Không thể có một quốc gia hùng cường, thịnh vượng khi hàng hoá, sức cạnh tranh nền kinh tế của quốc gia đó lại thua kém nhiều so với các nước. Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, của doanh nghiệp và của cả quốc gia là yêu cầu đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là vận động hết thảy mọi tổ chức, cá nhân người Việt Nam dành sự ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam thay vì sử dụng hàng nhập khẩu từ nước ngoài có chất lượng, giá cả, công dụng sản phẩm tương đương. Thông qua tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cho doanh nghiệp và nộp thuế cho Nhà nước. Tiền thuế của doanh nghiệp được Nhà nước sử dụng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chi trả tiền lương cho cán bộ, công chức, duy trì hoạt động của bộ máy Nhà nước… Theo truyền thống văn hóa và đạo lý của dân tộc, doanh nghiệp phải mang ơn người tiêu dùng, vì người tiêu dùng mang lợi ích cho mình; cán bộ, công chức, viên chức và bộ máy nhà nước phải mang ơn doanh nghiệp, vì chính mình đang sử dụng tiền thuế của doanh nghiệp nộp cho Nhà nước. Đó là biểu hiện của nền văn minh chính trị, ứng xử có văn hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, đất nước sẽ giàu có, văn minh.
Agribank đóng góp tích cực trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Bám sát nội dung Thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 08-HD/ĐUK ngày 03/12/2009 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, của Ngân hàng Nhà nước, Đảng ủy Agribank đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động; tổ chức học tập, quán triệt và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy cấp trên về các nội dung Cuộc vận động đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động trong Đảng bộ, đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ đảng cơ sở, chuyên môn tổ chức thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng đơn vị; Thực hiện chủ trương "Cán bộ Agribank ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Agribank" và vận động người thân tham gia hưởng ứng. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ đạo Công đoàn, Đoàn thanh niên Agribank phát động và triển khai thực hiện chương trình "Cán bộ Agribank tiếp tục sử dụng sản phẩm dịch vụ của Agribank", triển khai cuộc cách mạng 4.0 gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của Agribank, qua đó nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, nhận thức đúng đắn về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, ưu tiên mua sắm, dùng hàng Việt Nam khi có nhu cầu là hành động biểu hiện lòng yêu nước, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Agribank là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng vật chất, tham gia hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động chủ yếu thông qua hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, trong đó tập trung đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tỷ trọng vốn đầu tư cho các đối tượng này hiện nay chiếm 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế; thực hiện tốt chỉ đạo của Đảng, Chính phủ theo tinh thần nội dung Nghị quyết TW 7, khoá X của BCH TW; Nghị định số 55/NĐ-CP và Quyết định số 67/QĐ-CP của Chính phủ về đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các gói tín dụng được hỗ trợ lãi suất (thấp hơn từ 0,5-2,5% so với lãi suất cho vay thông thường) đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nuôi trồng, chế biến sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh thành công với sản phẩm nhập khẩu (điển hình là lúa gạo, các sản phẩm rau quả, trái cây đặc sản…). Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 - NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên đầu tư tín dụng và phát triển sản phẩm dịch vụ phục vụ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững... Qua đó góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt Nam theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay vì sở thích mua sắm hàng hóa nhập khẩu; nâng tầm chất lượng sản phẩm để chuyển từ ưu tiên sang tự hào khi sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước. Với những đóng góp trên, tại lễ Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, Agribank vinh dự được nhận cờ Thi đua cho tập thể Đảng bộ Agribank và Bằng khen cho 02 cán bộ Agribank có thành tích xuất sắc tiêu biểu qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2009-2019 của Đảng ủy Khối DNTW.
Thực hiện chủ trương đưa dịch vụ ngân hàng tiếp cận đến cộng đồng, thông qua hệ thống mạng lưới gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch đến tận cấp xã trên toàn quốc, là NHTM duy nhất đang có mặt tại 9/13 huyện đảo trên cả nước và đang triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Theo đó, đến 30/6/2021, Agribank đã triển khai 68 xe ô tô trên 66 chi nhánh, 454 xã, với 1.622.201 khách hàng, 17.065 phiên giao dịch, giải ngân 6.182 tỷ đồng, thu nợ 6.834 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 3.767 tỷ đồng, dịch vụ chuyển tiền đạt 4.847 tỷ đồng. Ngoài ra, các điểm giao dịch lưu động đã thực hiện một số nghiệp vụ khác như: Chi trả kiều hối, mở tài khoản, phát hành thẻ, nộp ngân sách nhà nước, bán bảo hiểm… với 272.518 khách hàng. Để triển khai sâu rộng dịch vụ ngân hàng tới địa bàn nông thôn, Agribank đã thực hiện đề án thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19, giá sản phẩm nông nghiệp giảm, đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn thì những chính sách ưu đãi từ dịch vụ thẻ nông nghiệp nông thôn đã phần nào chia sẻ với những khó khăn mà khách hàng đang phải trải qua, góp phần hạn chế được nạn tín dụng đen.
Agribank ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty MobiFone. |
Bên cạnh việc cung ứng vốn, Agribank đã và đang cung cấp cho thị trường thanh toán hơn 200 sản phẩm dịch vụ (SPDV) ngân hàng tiện ích, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng SPDV, có nhiều SPDV được khẳng định là Thương hiệu Quốc gia, đáp ứng nhu cầu đa dạng về giao dịch, thanh toán của nhiều đối tượng khách hàng, qua đó góp phần xây dựng niềm tin đối với khách hàng Việt. Ngoài ra Agribank tiếp tục mở rộng cho vay tiêu dùng, nhất là địa bàn nông thôn đối với nhu cầu mua sắm phương tiện, máy móc mà chủ yếu là hàng hóa được sản xuất trong nước. Song song với việc cung ứng tín dụng, Agribank tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá các SPDV đến khách hàng, cộng đồng xã hội, phục vụ các doanh nghiệp phát triển SXKD, tiêu thụ sản phẩm. Tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới, tuyên truyền rộng rãi qua các kênh truyền thông nội bộ (màn hình ATM, Website Agribank, Tờ thông tin Agribank, Bản tin nội bộ Agribank, Agribank News, Fanpage Agribank,…) và các kênh mạng xã hội khác, đồng thời xây dựng “đại sứ thương hiệu” thông qua đội ngũ cán bộ nhân viên Agribank là kênh tiếp thị quảng bá SPDV hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ đến khách hàng.
Từ 2009 đến nay, Agribank đã ký kết Thoả thuận hợp tác với nhiều tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị ngoài Khối DNTW có vị thế chiến lược trong nền kinh tế, với tổng giá trị thực hiện trên 116.538 tỷ đồng (tổng cộng có33 thỏa thuận hợp tác, trong đó 18 thỏa thuận hợp tác với các đơn vị trong Khối DNTW như: BIDV, Vietinbank, Tổng Công ty hàng không Việt Nam, MobiFone, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, VNPT, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội,... và 15 thỏa thuận hợp tác với các đơn vị khác như: Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn FLC, Trưởng đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công an. ...). Việc hợp tác này nhằm mục tiêu phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số; nâng cao chất lượng, hiệu quả các SPDV hiện có, đồng thời tiếp tục mở rộng SPDV mới có tính thương hiệu cao; mở rộng cho vay đối với khách hàng theo các gói SPDV. Thông qua hợp tác, nguồn vốn của Agribank giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất, ngược lại doanh nghiệp sử dụng SPDV của Agribank giúp cho hoạt động của Agribank hiệu quả hơn.
Để Cuộc vận động ngày càng trở nên thiết thực, công tác tuyên truyền được Ban Chỉ đạo và các cấp ủy đảng trực thuộc Đảng bộ Agribank quan tâm, triển khai nghiêm túc nội dung liên quan đến công tác quản lý, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tuyên truyền kết nối tiêu dùng; tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài Khối; thông tin, phản ánh kết quả thực hiện Cuộc vận động của đơn vị, nêu gương các điển hình tiêu biểu trong hưởng ứng Cuộc vận động với nội dung thiết thực thông qua việc tham gia thực hiện các chương trình: “Nông nghiệp sạch”, “Nông nghiệp hữu cơ”, “Nông nghiệp công nghệ cao” . . . .
Các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn hệ thống Agribank đã và đang nêu cao trách nhiệm trong công tác triển khai, phối hợp, nâng cao hiệu quả tuyên truyền và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiệu quả mang lại từ Cuộc vận động làm thay đổi nhận thức, thói quen của cán bộ, người lao động trong hệ thống Agribank ưu tiên chọn lựa mua hàng Việt Nam, nhờ đó thúc đẩy sản xuất hàng Việt, mở rộng thị trường hàng hóa Việt nói chung, hàng hóa của các doanh nghiệp trong Khối nói riêng.
Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế - xã hội, Agribank cùng ngành Ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã và đang rất tích cực thực hiện và có đóng góp toàn diện vào việc triển khai các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... theo Thông tư 01, 03 của NHNN, trong đó: thực hiện cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng; cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng. Agribank đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, bao gồm: Tăng gấp đôi hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm; Cho vay ưu đãi đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2%; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; Cho vay khách hàng lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tiêu dùng quy mô 20.000 tỷ đồng; Cung ứng sản phẩm dịch vụ, thực hiện miễn phí chuyển tiền, tích cực thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn cho khách hàng trong giao dịch thanh toán.
Với việc đi đầu triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng ủy Agribank và các đơn vị doanh nghiệp trong Khối là những hành động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy sức mạnh của doanh nghiệp, chung sức, chung lòng cùng với Đảng và Nhà nước thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, ổn định thị trường tiêu dùng nội địa, giảm hàng hóa nhập khẩu, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cuộc vận động đã tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Chính sự cộng hưởng này góp phần làm cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển và khẳng định vị thế của mình trên thị trường nội địa và vươn ra thị trường thế giới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Cuộc vận động phù hợp với tình hình mới
Để triển khai có hiệu quả cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo, ngày 19/5/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, Agribank triển khai một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân,cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người lao động trong toàn hệ thống về thực hiện Cuộc vận động theo nội dung Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hai là, Tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp với chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan tuyên truyền, báo chí tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tuyên truyền, vận động Cuộc vận động. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, các đơn vị và tổ chức đoàn thể cần đề cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và triển khai tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động với nội dung, hình thức phù hợp đảm bảo hiệu quả thiết thực. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành thích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động, đồng thời đấu tranh, phê phán những hành vi xem nhẹ Cuộc vận động.
Balà, Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động; Tận dụng mạng lưới rộng lớn, thông tin, giới thiệu, quảng bá, thiết lập kênh phân phối, đưa sản phẩm, dịch vụ tới nhiều đối tượng khách hàng. Tăng cường điều tra, khảo sát thị trường, thị hiếu của khách hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Bốn là, Đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động, phát huy ưu thế của các hình thức truyền thống, mở rộng các hình thức hiện đại phù hợp điều kiện, trình độ của người dân. Mở rộng các hình thức tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động thông qua các kênh truyền thông bên ngoài và nội bộ, mạng xã hội của các đơn vị, cá nhân. Tăng cường tổ chức các hình thức cổ động trực quan. Phát huy ưu thế công tác tuyên truyền miệng về Cuộc vận động thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín, tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Lồng ghép tuyên truyền Cuộc vận động trong các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề.
Chi bộ Ban Truyền thông - Đảng ủy Agribank