.
.

10 sự kiện tiêu biểu của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam năm 2011

Thứ Năm, 02/02/2012|22:20

Năm 2011 được đánh giá là năm khó khăn của nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, Vietcombank đã có một năm thành công trên nhiều phương diện.

1. Hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh doanh năm 2011

Năm 2011, Vietcombank đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng như chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong điều hành kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng, nâng cao năng lực quản trị hệ thống với phương châm “Tăng tốc - An toàn - Hiệu quả - Chất lượng” mà HĐQT đã đề ra từ đầu năm.

Nhờ đó, Vietcombank đã đạt được nhiều kết quả khả quan, duy trì được đà tăng trưởng cũng như giữ vững vị thế hàng đầu ở nhiều mảng hoạt động quan trọng như huy động vốn, tín dụng, thanh toán xuất nhập khẩu, kinh doanh thẻ, kinh doanh ngoại tệ, chuyển tiền kiều hối…

* Số 1 về hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu: doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đạt 38,8 tỷ USD, tăng 25,5%, vượt kế hoạch đề ra, chiếm 19,2% thị phần cả nước.

* Số 1 về hoạt động kinh doanh thẻ với doanh số thanh toán thẻ quốc tế đạt gần 1 tỷ USD, doanh số thanh toán thẻ nội địa gần 900 tỷ đồng, số lượng chủ thẻ tích luỹ đạt trên 6,4 triệu khách hàng với 1.700 ATM và hơn 22.000 POS.

* Số 2 về lợi nhuận: lợi nhuận hợp nhất năm 2011 đạt 5.700 tỷ đồng, tăng 4,0% so với năm 2010 và đạt 100,9% kế hoạch. ROE đạt 17,43%; ROA đạt 1,29%.  

* Số 2 về quy mô vốn chủ sở hữu: vốn chủ sở hữu đạt 29.189 tỷ đồng, tăng 8.520 tỷ đồng so với năm 2010;

* Số 3 về doanh số kiều hối: doanh số kiều hối đạt hơn 1,4 tỷ USD, chiếm gần 16% thị phần cả nước.

* Số 4 về dư nợ tín dụng: dư nợ tín dụng đạt 208.086 tỷ đồng, tăng 18,5%, kiểm soát được tốc độ tăng trưởng dưới 20,0% đề ra.

* Số 4 về tổng tài sản: tổng tài sản đạt 369.217 tỷ đồng, tăng 20,3%, vượt kế hoạch đề ra;

* Số 4 về huy động vốn: huy động vốn từ nền kinh tế đạt 242.277 tỷ đồng, tăng 17,0%, đạt 93,6% kế hoạch được giao.

* Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu là 2,1%, khống chế dưới mức kế hoạch và thấp hơn bình quân toàn ngành.

2. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chỉ thị 01/CT-NNNN về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và bình ổn thị trường tiền tệ, Ban lãnh đạo Vietcombank đã xây dựng Chương trình hành động nhằm quán triệt Hội sở chính và các chi nhánh trong hệ thống chấp hành tốt các quy định của Chính phủ và NHNN và trên thực tế đã đạt được những kết quả rất tốt, cụ thể:

* Nghiêm túc thực hiện trần lãi suất huy động vốn 14%/năm theo quy định của NHNN;

* Kiểm soát được tăng trưởng dư nợ ngoại tệ trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ quy định về biên độ biến động tỷ giá ngoại tệ là 1% cho năm 2011;

* Duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 18,5%, thấp hơn mức trần tăng trưởng mà Chính phủ và NHNN quy định là dưới 20%;

* Tăng cường rà soát chất lượng tín dụng, kiểm soát tốt dư nợ cho vay phi sản xuất;

* Triển khai nghiêm túc việc thực hiện các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh theo Thông tư 13 và Thông tư 19.

* Chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng yêu cầu thanh toán đa dạng của khách hàng, tích cực đi đầu trong việc thực hiện chủ trương xã hội hoá thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN.

3. Lựa chọn thành công đối tác chiến lược nước ngoài

Sau một quá trình nỗ lực tiếp xúc tìm kiếm và đàm phán, ngày 30/9/2011, Vietcombank đã ký kết thành công thoả thuận hợp tác chiến lược với Ngân hàng TNHH Mizuho (MHCB) - thành viên của Tập đoàn Tài chính Mizuho (Nhật Bản) thông qua việc bán cho đối tác 15% vốn cổ phần trên cơ sở pha loãng đầy đủ.

Ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank (hàng đầu, bên phải) ký thỏa thuận cổ đông chiến lược với Ngân hàng TNHH Mizuho (Nhật Bản)

Như vậy, Vietcombank sẽ phát hành thêm 347.612.562 cổ phần phổ thông cho Mizuho, với tổng trị giá hợp đồng là 11.818,8 tỷ VND. Thặng dư vốn thu được sau khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược là 8.343 tỷ VND. Bên cạnh lợi ích Vietcombank thu được, việc Mizuho đầu tư một lượng tiền lớn vào Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay là rất cần thiết cho cán cân thanh toán của Việt Nam, đồng thời tạo sự quan tâm và tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài khác đối với thị trường tài chính - tiền tệ và tương lai phát triển của Việt Nam nói chung.

4. Thành công trong việc xin cấp giấy phép hoạt động cho Công ty chuyển tiền TN Monex

Trải qua nhiều năm cố gắng hoàn tất các thủ tục, yêu cầu theo quy định của luật pháp nước sở tại, cuối năm 2011, Công ty TN Monex- một công ty trực thuộc của Vietcombank tại Mỹ đã được cấp giấy phép hoạt động.

Theo đó, Công ty đã hoàn tất việc xây dựng phòng giao dịch đầu tiên và chính thức cung cấp một số dịch vụ đại lý và lữ hành trên lãnh thổ Mỹ.

Đây là một điều kiện rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Vietcombank có thể đẩy mạnh hoạt động thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển tiền từ Mỹ - một thị trường truyền thống chiếm thị phần cao nhất đối với hoạt động kiều hối về Việt Nam hiện nay, qua đó góp phần thúc đẩy doanh số kiều hối qua Vietcombank tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

5. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực hoạt động

Ông Phạm Quang Dũng - Phó tổng giám đốc (hàng đầu, bên phải), đại diện Vietcombank ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với Ngân hàng China Development Bank - CDB (Trung Quốc)

Trong năm 2011, Vietcombank đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều ngân hàng quốc tế thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ và hợp tác: thỏa thuận vay 200 triệu USD và ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với China Development Bank - CDB (Trung Quốc) trước sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao và DN 2 nước Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Ngân hàng Intesa Sanpaolo (Italia) nhằm hỗ trợ các khách hàng DN trong kế hoạch phát triển kinh doanh ra thị trường quốc tế; ký biên bản ghi nhớ với Shinhan Bank (Hàn Quốc) nhằm đẩy mạnh quá trình hợp tác kinh doanh; tăng cường quan hệ hợp tác kinh doanh với các tổ chức thẻ quốc tế trên toàn cầu như Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diner Club và CUP.

6. Đổi mới công tác khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ  

Năm 2011, Vietcombank đặc biệt quan tâm đổi mới và tăng cường công tác chăm sóc khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo về kỹ năng chăm sóc khách hàng, phát động các phong trào thi đua nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, trong năm, đối với khách hàng bán lẻ, Vietcombank đã nâng cao chất lượng của Trung tâm chăm sóc khách hàng (VCC); củng cố Bộ phận quản lý bán, hình thành một bộ phận chuyên chăm sóc khách hàng và tổ chức các cuộc thi “Nụ cười Vietcombank”, “Phòng giao dịch văn minh hiệu quả”, “Giao dịch viên xuất sắc”, nhằm chuẩn hoá các kỹ năng giao tiếp, phong cách phục vụ khách hàng, đồng thời vinh danh các giao dịch viên suất sắc, các phòng giao dịch có chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả của hoạt động bán lẻ.

Tổng kết và trao giải cho các giao dịch viên “Thân thiện, tài năng”; “Phòng giao dịch văn minh hiệu quả” và “Ảnh đẹp Nụ cười Vietcombank”

Đối với khách hàng thẻ, Vietcombank tập trung giữ và mở rộng các khách hàng lớn tiềm năng. Đối với khách hàng tổ chức kinh tế, Ngân hàng đã có sự quan tâm sát sao, tổ chức các hội nghị khách hàng, theo dõi, có kế hoạch kinh doanh và tính lợi nhuận đối với từng khách hàng. Kết quả là khách hàng tổ chức được duy trì ở mức hơn 74.000 khách hàng, khách hàng cá nhân là hơn 6 triệu khách hàng.

Song song với đổi mới công tác khách hàng, trong năm 2011, Vietcombank cũng lấy chủ trương nâng cao chất lượng dịch vụ làm trọng tâm, nhờ đó chất lượng dịch vụ của Ngân hàng liên tục được cải thiện, đáp ứng được yêu cầu đa dạng của đông đảo các tầng lớp khách hàng, góp phần duy trì và nâng cao uy tín, thương hiệu của Vietcombank trên thị trường.

7. Xác lập và triển khai đồng bộ những quy chuẩn giá trị văn hóa trên toàn hệ thống

Sau hơn 1 năm thực hiện, Vietcombank đã xác lập và triển khai những quy chuẩn giá trị văn hóa trên toàn hệ thống.

Hội thi thực hiện văn hóa Vietcombank của Chi nhánh Vietcombank TP. HCM

Thông qua việc quán triệt nội dung văn hóa mới Vietcombank và bằng nhiều hình thức thể hiện đa dạng, phong phú phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn của Vietcombank, những giá trị văn hóa Vietcombank đã lan tỏa sâu rộng đến toàn thể CBNV toàn hệ thống, những giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa Vietcombank (Tin cậy, Chuẩn mực, Sẵn sàng đổi mới, Bền vững và Nhân văn) đang dần tạo ra những sự khác biệt căn bản và làm nên bản sắc văn hóa DN nổi bật của Ngân hàng.

Thực hiện theo đúng tinh thần phát động của Ban lãnh đạo, nhiệm vụ của mỗi thành viên đại gia đình Vietcombank hôm nay phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy và truyền tiếp những giá trị này cho các thế hệ mai sau.

8. Là ngân hàng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 

Liên tục trong 2 năm 2010 - 2011, Vietcombank vinh dự được bình chọn là 1 trong 10 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam và là ngân hàng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Kết quả này một lần nữa ghi nhận sự đóng góp to lớn của Vietcombank đối với ngân sách nhà nước, đồng thời khẳng định tính hiệu quả vượt trội trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank, cũng như thể hiện cam kết phát triển của một “Ngân hàng hàng đầu vì Việt Nam thịnh vượng”.

9. Tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng vì sự phát triển chung của toàn xã hội

Nhiều năm liền, Vietcombank là đơn vị bảo trợ chính thức cho chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm xã hội của một DN lớn, Vietcombank thường xuyên quan tâm đến công tác an sinh xã hội và tham gia tích cực các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn với những chương trình ý nghĩa, có quy mô và tầm ảnh hưởng sâu rộng như “Nghĩa tình Trường Sơn”, “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam”, “Nối vòng tay lớn”,  “Ngày vì người nghèo”, trang bị xuồng Hải quân CQ - 01 tặng cán bộ, chiến sỹ Quần đảo Trường Sa, ủng hộ các nạn nhân động đất và sóng thần tại Nhật Bản… Trong năm, Vietcombank đã dành hơn 100 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội.

10. Tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng, bình chọn quan trọng trong nước và quốc tế 

Ghi nhận và đánh giá những thành tích nổi bật trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong các năm qua và các đóng góp tích cực của Vietcombank đối với sự phát triển của ngành ngân hàng nói riêng, nền kinh tế quốc dân nói chung, trong năm 2011, nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đã bình chọn và trao giải cho Vietcombank. Có thể kể đến các giải thưởng và danh hiệu uy tín như “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam 5 năm liên tiếp 2006 - 2011” do Tạp chí Asia Money trao tặng; “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ thương mại” do các Tạp chí Trade Finance, The Asian Banker, Global Trade Review - UK trao tặng; Giải thưởng “Thương hiệu mạnh Việt Nam 2011”; và hàng loạt các giải thưởng chứng nhận cho chất lượng sản phẩm dịch vụ như “Giải pháp CNTT hay nhất cho sản phẩm Ngân hàng trực tuyến/di động”; Giải nhất “Phần mềm sáng tạo VCB Ib @nking”…

Ông Phạm Quang Dũng - Phó tổng giám đốc Vietcombank phát biểu tại Lễ trao các giải thưởng của Tạp chí The Asian Banker năm 2011

Năm 2011, Vietcombank cũng vinh dự là ngân hàng dẫn đầu về chỉ số sức mạnh thương hiệu toàn quốc theo kết quả của báo cáo nghiên cứu, khảo sát tài chính cá nhân của Công ty Nielsen thực hiện tháng 10/2011.

ĐTCK

.
.
.
.