.
.

Xây dựng thương hiệu gạo từ cánh đồng mẫu lớn

Thứ Bảy, 25/02/2012|23:01
Vốn đầu tư nhà nước cho phát triển lúa gạo hiện chưa cao. Vậy để phát triển cánh đồng mẫu lớn, theo ông, Nhà nước nên gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hay trực tiếp hỗ trợ nông dân?
GS - TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam
GS - TS. Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam

Đầu tư cho khoa học nông nghiệp hiện nay khoảng 600 tỷ đồng/năm (khoảng 30 triệu USD), trong đó bao gồm cả thủy lợi, thủy sản, lúa gạo… Con số này là thấp còn khá thấp so với thế giới và khu vực, bởi mỗi năm, một viện nghiên cứu lúa của Philippines được đầu tư gần 80 triệu USD, ở Thái Lan là 11 triệu USD, một chương trình về lúa ở Trung Quốc được đầu tư tới 55 triệu USD/năm… 

Tính ra đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% vốn đầu tư ngân sách. Tuy nhiên, đây cũng là nỗ lực lớn của Chính phủ, bởi trước đó, ngân sách dành cho nông nghiệp chỉ chiếm 4%. Trong số 10% này, ngân sách dành cho thủy lợi chiếm tới 80%, cho nên việc phát triển cánh đồng mẫu lớn là cần kêu gọi sự hỗ trợ từ doanh nghiệp. Ở đây Nhà nước chỉ làm đòn bẩy trong việc xây dựng chính sách.

Thế nhưng, hiện mới chỉ có 3 - 4 doanh nghiệp tham gia sản xuất cánh đồng mẫu lớn đến sản phẩm cuối cùng. Một số doanh nghiệp chỉ tham gia làm một công đoạn. Thí dụ, cách làm của tỉnh Tây Ninh hiện nay rất bất cập khi một mô hình cánh đồng mẫu lớn có 3- 4 doanh nghiệp, mỗi “ông” làm một khúc. Chỉ một số tỉnh  ở ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp... là làm khá đầy đủ, song mô hình mới chỉ có 8.000 ha/vụ (mỗi vụ khoảng trên 1 triệu ha). Đây là tín hiệu đáng mừng vì doanh nghiệp cần đầu tư số vốn không nhỏ, vốn ngân sách nhà nước không thể cáng đáng nổi việc này. Cánh đồng mẫu lớn là tín hiệu đáng mừng cho phát triển thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong tương lai.

Theo ông, điều quan trọng nhất cần làm ngay khi xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam là gì?

Đó chính là chữ tín với thị trường. Muốn làm được điều này, chúng ta phải quan tâm tới công nghệ sau thu hoạch. Đây là khâu quan trọng nhất hiện nay.

Muốn xuất khẩu bền vững, chúng ta phải tạo được uy tín, tạo được thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Nếu sản phẩm gạo của Việt Nam có uy tín như gạo Thái Lan hiện nay thì không lo ngại nhiều, vì giá gạo có lên xuống thất thường cũng vẫn xoay quanh một trục giá rất an toàn cho nông dân.

Chúng ta cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh hạt gạo, sao cho bài bản hơn. Ví dụ như cần đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn, theo đó, doanh nghiệp đứng sau lưng nông dân để bao tiêu sản phẩm, bảo đảm giá cho họ, khi đó hạt gạo Việt Nam sẽ hội nhập thế giới với thương hiệu rõ ràng hơn.

Để xuất khẩu gạo đem lại giá trị cao hơn trong thời gian tới, chúng ta cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?

Hiện nay, 60% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thuộc loại trung bình trở lên, có giá xuất khẩu khá tốt, trong khi tỷ lệ gạo cấp thấp ngày càng giảm (còn khoảng 40%). Lợi thế của gạo Việt Nam hiện nay là gạo trắng hạt dài. Loại gạo này có mức phổ giá rất rộng (dao động từ 300 đến 700 USD/tấn, mức phổ biến là 450 USD/tấn). Nếu tập trung khai thác loại gạo trắng hạt dài thì sẽ góp phần ổn định xuất khẩu gạo, bởi nhóm gạo này có mức tiêu thụ chiếm tới 60% thị phần gạo thế giới.

Trong xuất khẩu, chúng ta cũng nên tiếp tục giảm tỷ lệ gạo cấp thấp, bởi sản phẩm này chỉ phục vụ những nước phát triển khi họ mua để viện trợ nhân đạo. Song nhiều nước phát triển cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng nợ công châu Âu, nên nhu cầu mua gạo cấp thấp này sẽ thay đổi. Trong khi đó, bản thân nhiều nước đang thiếu gạo cũng không đủ khả năng nhập khẩu nhiều sản phẩm này.

Báo Đầu tư

.
.
.
.