.
.

Dung Quất vào xuân

Chủ Nhật, 17/02/2013|10:02
Tôi đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất một ngày cuối đông. Gọi là cuối đông, nhưng ở dải đất miền Trung đầy nắng gió này, mùa đông chỉ là một ý niệm không rõ ràng. May thay, hình như mấy năm nay, thời tiết Nam Bắc có vẻ xích lại gần nhau. Khí trời Quảng Ngãi những ngày này hơi se lạnh, cái lạnh ngọt ngào của thời tiết đông tàn, xuân tới. Người bạn đồng hành với tôi, cười: “Dễ chịu thật. Hơi giống tiết trời miền Bắc anh nhỉ?”.
 

Tôi nhìn anh gật đầu. Nhưng quả thật tôi không chú ý lắm đến khung cảnh của đất trời mà tập trung quan sát toàn cảnh nhà máy lọc dầu đang hiện ra trước mắt từ trên đỉnh ngọn đồi vọng cảnh cao hơn 70m so với mực nước biển. Vẫn biết đây là dự án lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, là một trong những dự án lớn trọng điểm của quốc gia giai đoạn đầu thế kỷ 21, nhưng lần đầu tiên chạm mặt nó, tôi vẫn thấy lạ lẫm đến ngỡ ngàng. Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Hoài Giang khoát tay nói với tôi: “Cách đây 15 năm, khu vực này chỉ là một bãi bồi ven biển đầy sú vẹt. Cũng có thể coi đây là một công trình của ý chí dời non lấp bể của con người”.

 

Anh ví cũng không ngoa. Không nghi ngờ gì nữa, đây đích thực là công trình thế kỷ của Việt Nam. Không hẳn ở diện tích 810ha, trong đó có 345ha mặt đất và 471ha mặt biển. Với số vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, tương đương với 43.000 tỷ đồng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất tối đa là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương với 148.000 thùng/ngày, dự kiến đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Việt Nam. Giai đoạn 1 nhà máy chế biến dầu thô từ mỏ Bạch Hổ. Giai đoạn 2 sẽ chế biến cả dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu thô giá rẻ hơn từ các thị trường Trung Quốc, Trung Đông, Venezuela.

 

Quy mô Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được tổng thầu Technip mô tả bằng một phép so sánh độc đáo: “Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy 100 xe tải. Diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600ha, tương đương hơn 1.200 sân bóng đá. Hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị tương đương với trên 1.000.000 xe máy. Trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần chiếu dài đường bộ từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh. Gần 17.000 tấn thép các loại, đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel - Paris. Một nhà máy điện trên 100 Megawatt đủ dùng cho toàn bộ cư dân thành phố Quảng Ngãi…”.

 

Trớ trêu là con đường của dự án không rải đầy hoa hồng như số phận của dải đất khắc nghiệt miền Trung. Nguyễn Hoài Giang không nói nhưng tôi biết rất rõ những trắc trở, tưởng như không thể vượt qua của dự án đặc biệt này. Khởi động từ những năm 90 của thế kỷ trước, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hứng chịu nhiều chỉ trích cả trong nước và quốc tế về địa điểm và hiệu quả kinh tế. Những người phản đối cho rằng những người có chức trách đã lấy mục tiêu chính trị thay thế mục tiêu kinh tế.

 

Năm 1995 tập đoàn Total SA của Cộng hòa Pháp chấm dứt quá trình thương lượng đầu tư với lý do Chính phủ đòi đặt nhà máy tại miền Trung, cách quá xa những cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Năm 1997, Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định dự án này sẽ “không làm gì cho nền kinh tế” Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cũng cho rằng giá trị của dự án này là “đáng ngờ”. Chưa hết, năm 1998, mặc dù đã ký hợp đồng tham gia, nhưng Tập đoàn Zarubeznetft cho rằng đây là địa điểm rất xấu và sau đó, năm 2002 đã rút khỏi dự án…

 

Vượt qua mọi thách thức từ nhiều phía, những dư luận trái chiều, Chính phủ vẫn quyết tâm tiến hành dự án lọc dầu Dung Quất. Quyết tâm ấy được hiện thực hóa bằng hành động và đã cho kết quả cuối cùng. Tháng 2-2009 nhà máy đón dòng sản phẩm đầu tiên được đánh giá đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tháng 8-2009 nhà máy vận hành đạt 100% công suất với nhiều sản phẩm phong phú: các sản phẩm khí hóa lỏng, xăng A90, xăng A92 và A95, dầu diesel, LPG và các sản phẩm khác như propylene, xăng máy bay Jet-Al và nhiên liệu cho động cơ phản lực và dầu đốt lò FO. Không ai nghi ngờ về ý nghĩa của nhà máy lọc dầu đầu tiên và vai trò những sản phẩm lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đối với nhu cầu thị trường trong nước. Nhưng còn hiệu quả kinh tế

 

Trao đổi về vấn đề này, Tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc không ngần ngại chia sẻ với chúng tôi: “Người ta vẫn phân vân về bài toán kinh tế của Dung Quất. Năm 2011 về trước, nhà máy lỗ thật anh ạ. Lý do: ngoài khoản chênh lệch về tỷ giá (mua dầu bằng ngoại tệ, bán thu giá tiền đồng), hiện nhà máy lọc dầu từ 92% dầu thô Bạch Hổ trong khi chi phí mua dầu thô từ mỏ Bạch Hổ bằng giá dầu thô mua của nước ngoài. Bán thì bán theo giá tiền đồng. Lỗ, còn do chúng ta chỉ mới có sản phẩm là lọc dầu, chưa có sản phẩm hóa dầu”…

 

Nhưng trước khi có các sản phẩm hóa dầu, Dung Quất đã khẳng định hiệu quả hoạt động của nhà máy. Niềm tin, tinh thần lao động sáng tạo và những nỗ lực vượt lên trên hoàn cảnh, vượt lên trên chính mình của một tập thể đã cho Dung Quất sức mạnh. Năm 2012 có thể coi là năm Dung Quất bước đầu “phản biện lại” những “phản biện” của những chuyên gia kinh tế thận trọng. Vượt qua bao khó khăn thách thức của suy thoái kinh tế quốc tế và trong nước, Dung Quất đã có cuộc vượt cạn ngoạn mục. Trong điều kiện phải ngưng 2 tháng để khắc phục sự cố kỹ thuật, doanh thu của nhà máy vẫn đạt 126.000 tỷ đồng, bằng 126% kế hoạch năm, tăng 12% so với 2011 và chiếm 16,3% tổng doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sản lượng 5,6 triệu tấn, đạt 95% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 17,5 ngàn tỷ đồng, tăng 17% so với 2011. Những con số khá ấn tượng.

 

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, một kế hoạch được vạch ra cho năm 2013. Sản lượng 5,6 triệu tấn sản phẩm các loại. Doanh thu trên 111.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách 13,3 ngàn tỷ đồng. Một kế hoạch không lãng mạn và hoàn toàn khả thi. Trong đó con số làm nhiều người bất ngờ là chỉ tiêu lợi nhuận. Nhưng mức lợi nhuận sau thuế đạt 2.121 tỷ đồng cho năm 2013 là con số nằm trong tầm tay và hoàn toàn không hoang tưởng -Tổng Giám đốc Đinh Văn Ngọc đã khẳng định như đinh đóng cột với tôi như vậy,

 

Tất nhiên, Dung Quất không thể dừng lại ở đó. Giải pháp trước mắt là mở rộng nhà máy, cải tiến công nghệ để có thể lọc được các nguồn dầu giá rẻ từ Trung Đông, Nam Mỹ, Nga giá có khi chỉ rẻ bằng 2/3 so với giá dầu thô của mỏ Bạch Hổ. Nhưng lâu dài hơn, cần quyết tâm đầu tư sớm giai đoạn 2 để sản xuất ra các sản phẩm hóa dầu như các sản phẩm nhựa polymer, xơ sợi nhân tạo… Tất nhiên để triển khai dự án này cần ít nhất khoảng 3 tỷ USD. Đó cũng là lý do Chính phủ cho phép nhà máy chào bán 49% cổ phần để có thêm nguồn vốn phát triển.

 

Tôi đứng lặng im lắng nghe những lời tâm tình của những người đang lèo lái con thuyền Dung Quất. Gió từ hướng biển vẫn lồng lộng thổi về. Tôi lắng nghe các anh tâm sự mà lòng suy nghĩ mông lung. Vẫn chưa thể hết những băn khoăn về giá trị kinh tế của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng không thể không công nhận ý nghĩa chính trị xã hội sâu đậm của công trình này. Những con số không hẳn lớn nhưng thật sự có ý nghĩa với một vùng đất nghèo chó ăn đá gà ăn sỏi như mảnh đất Khu 5. Không chỉ ở chỗ mỗi năm Dung Quất đóng góp hàng chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách quốc gia. 1.400 lao động của nhà máy đều là lao động trẻ, tuổi cao nhất là 45, trong đó 70% cán bộ nhân viên là người địa phương.

 

Hàng trăm kỹ sư trẻ của nhà máy ngày đêm tận tụy làm việc, hàng tháng đẻ ra hàng chục sáng kiến tiết kiệm cho nhà máy hàng triệu USD. Nhưng có điều còn cao hơn cả những con số: hàng vạn số phận con người ở huyện Bình Sơn nghèo đói và cơ cực được đổi đời. Mảnh đất Bình Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung đang đứng trước cơ hội xóa bỏ ám ảnh trăm năm về một cuộc sống chân lấm tay bùn. Quan trọng hơn, Dung Quất đang trở thành cú huých thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào Quảng Ngãi, vào miền trung, là đường băng cho mảnh đất gian khó này cất cánh.

 

Tôi nắm bàn tay thô ráp của Nguyễn Hoài Giang. Xung quanh tôi rạo rực hơi thở nồng nàn của biển. Tự nhiên tôi thấy khắp người bất chợt nóng ran. Có cảm giác như ngọn lửa nhiệt huyết của con người trẻ tuổi này đang truyền sang tôi. 45 tuổi, mười mấy năm lăn lộn với công trình, anh xứng đáng là người khai sơn phá thạch và là một trong những Ngu công dời núi thời hiện đại. Tôi bỗng nhớ tới những lời phản biện của nhiều chuyên gia nước ngoài đối với công trình. Không phải họ không có lý khi nói về hiệu quả kinh tế của dự án.

 

Nhưng ngay lúc này đây, và cũng phải đứng ngay trên mảnh đất Dung Quất này, tôi mới thật sự thấu hiểu nhưng trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được coi là tổng công trình sư của công trình thế kỷ này. Ông đã có một quyết định quyết đoán đầy dũng cảm. Không phải ông không hiểu những vấn đề đặt ra cho một bài toán kinh tế cụ thể. Nhưng ông là một nhà chính trị, một lãnh đạo cộng sản. Vượt lên trên những toan tính kinh tế đơn thuần, quyết định của ông thể hiện cái khát vọng cháy bỏng tạo động lực phát triển cho một vùng đất, kéo gần lại, xóa dần đi khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền. Đó là quyết định thấm đẫm chất nhân văn của một tấm lòng cộng sản cao cả: mọi sự phát triển kinh tế phải phục vụ mục tiêu vì con người và cho con người.

 

Tôi đứng trên đỉnh đồi vọng cảnh say sưa ngắm nhìn công trình nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Phía xa kia là cảng nước sâu Dung Quất. Tôi lắng nghe tiếng rì rầm của rặng phi lao, đón ngọn gió Đông Bắc tràn về từ phương Bắc và có cảm giác mùa xuân đang ùa đến xung quanh mình. Dung Quất đã vào xuân.

 

Sài Gòn giải phóng

 

.
.
.
.