.
.

Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tại Việt Nam

Thứ Hai, 09/01/2012|22:29

Đây là nội dung bản tham luận do ông Nguyễn Minh Dân - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT trình bày tại Hội thảo quốc gia về CNTT và truyền thông Việt Nam 2011 “Một năm nhìn lại Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nhằm đưa ra “Giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tại Việt Nam”, với vai trò là một doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực VT, CNTT, trong những năm qua, VNPT đã hoạch định những chiến lược phát triển dài hạn, và hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhiều dịch vụ trọng điểm. Theo ông Nguyễn Minh Dân, đây là nền tảng để góp phần thúc đẩy tiến trình đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT trong thời gian sớm nhất. 

Hiện tại, mạng VNPT đang cung cấp dịch vụ cho 10 triệu thuê bao cố định, trên 50 triệu thuê bao di động, 8 triệu thuê bao 3G, 3 triệu thuê bao băng rộng (ADSL và FTTH). VNPT hiện là đơn vị chủ lực cung cấp hạ tầng mạng băng rộng phục vụ cho công tác điều hành của Chính phủ tới các cấp địa phương, đồng thời tích cực hợp tác với nhiều ngành như Tài chính, Giáo dục, Y tế, TW Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân Việt Nam… nhằm phổ cập ứng dụng Internet băng rộng phục vụ cho các mục tiê phát triển của các ngành và chương trình cộng đồng.
 
Tập đoàn VNPT xác định, mô hình kinh doanh truyền thống đang dần chuyển sang mô hình băng rộng di động. Xu thế kinh doanh băng rộng di động sẽ là phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, góp phần có nhiều cơ hội hơn để tăng doanh thu. Với định hướng vì khách hàng được đặt lên hàng đầu, VNPT luôn xác định, sẽ triển khai thêm nhiều dịch vụ, gói cước khác nhau đi đôi với chính sách chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ.
 
Để phát triển các dịch vụ băng rộng thời gian tới, các dịch vụ được VNPT định hướng tập trung cung cấp đó là: các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động/cố định; các dịch vụ trên nền IPTV truyền hình, dịch vụ tương tác; các dịch vụ thương mại điện tử, mạng xã hội, Game o­nline, các dịch vụ về định vị, giám sát, bảo mật…
 
Cũng tại Hội thảo “Một năm nhìn lại Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, các đại biểu, đại diện cho các cơ quan Bộ, ngành, và doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều bài tham luận với nhiều kiến nghị, đề xuất đóng góp cho việc triển khai Đề án. Theo Vụ CNTT – Bộ TT-TT, ước tính năm 2011, tổng doanh thu ngành công nghiệp CNTT đạt hơn 8,5 tỷ USD, trong đó, doanh thu công nghiệp phần cứng – điện tử đạt khoảng 6,3 tỷ USD, với mức tăng gần 12%; doanh thu công nghiệp Phần mềm đạt hơn 1,1 tỷ USD, với mức tăng chỉ khoảng 6% , chưa bằng ¼ mức tăng 2010 và doanh thu công nghiệp nội dung số đạt gần 1,1 tỷ USD, với mức tăng khoảng 17%, chưa bằng một nửa mức tăng năm 2010.
 
Tuy nhiên, là năm đầu tiên triển khai Đề án nhưng rõ ràng hiệu quả của Đề án chưa đạt được như mong muốn. Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT-TT Nguyễn Trọng Đường cho biết, công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử tiến độ triển khai còn chậm; Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng chưa được xây dựng và trong bối cảnh cắt giảm các chi tiêu công thì CNTT cũng như nhiều ngành khác đều gặp phải khó khăn. Theo TS. Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bộ TT – TT, một trong những hạn chế của Đề án cần phải được nói đến đó là cần có sự chuyển biến về nhận thức. Để triển khai thành công Đề án cần nhận thức ứng dụng CNTT viễn thông cho toàn bộ các ngành kinh tế xã hội để tối ưu hóa toàn bộ các nguồn lực trong xã hội…
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh CNTT- TT là động lực phát triển các ngành kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp, các địa phương và đặc biệt là thế hệ trẻ cần tích cực hơn nữa để chung tay xây dựng đề án. Phó Thủ tướng mong muốn, sau Hội thảo, Bộ TT-TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Đoàn Thanh niên sẽ có chương trình phối hợp để triển khai Đề án với tinh thần thanh niên là lực lượng nòng cốt đi đầu về công nghệ và phát huy các ý tưởng sáng tạo để khẳng định vị thế của Việt Nam về CNTT và Truyền thông trong khu vực và trên thế giới.
 
                                                                                                                                                                       H.H
.
.
.
.