.
.

Nhà máy Thủy điện Sơn La:

Niềm tự hào của ngành Xây dựng Việt Nam

Thứ Năm, 17/01/2013|17:53

Những ngày cuối năm 2012, thời tiết ở phố núi Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La se se lạnh. Ai đến công trường Thủy điện Sơn La vào thời gian này chắc chắn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự kỳ vĩ của một công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Con đập cao tới 138,1m với cao trình đỉnh đập 228,1m trầm mặc nằm vắt qua dòng sông Đà trông thật nhàn hạ, thư thái.

Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ảnh P.V
Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ảnh P.V

Tại công trường thuỷ điện, âm vang tiếng nhạc với những ca khúc về ngành điện Việt Nam phát ra từ những chiếc loa thùng “lọt” qua lớp sương mù đặc quánh từ phía khúc sông dội về 2 bên vách núi vào buổi sớm. Một ngày mới bắt đầu, nhộn nhịp người và xe qua lại đông như trảy hội để cùng đón chào sự kiện trọng đại - khánh thành Nhà máy thủy điện Sơn La, niềm vui ấy không chỉ riêng của người dân phố núi này mà còn là một tượng đài về ý chí của cán bộ, công nhân ngành Điện, vì dòng điện của Tổ quốc.

Làm chủ công nghệ

Mường La, mảnh đất gần chục năm trước gần như bị “cô lập” bởi dòng sông Đà. Muốn về Mường La phải mất 1 ngày đường, phải vượt đò, vượt phà, phải ngay ngáy lo có gặp mưa hay không, nếu trời mưa, nước dâng cao thì chỉ biết… đứng bên này mà nhìn Mường La qua màn nước trắng. Nay, một Mường La với diện mạo mới, cùng với đó là hàng loạt những địa danh khác như Mường Lay, Quỳnh Nhai… cũng chộn rộn sang trang.

Chưa từng tận mắt chứng kiến Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình trọng điểm Quốc gia, nên chuyến đi này cảm giác hồi hộp, phấn khích theo tôi suốt chặng đường gần 40km từ thành phố Sơn La vào Mường La, nơi có đại công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trên dòng sông Đà. Công trình thủy điện Sơn La tưng bừng trong ngày hội lớn, cờ đỏ sao vàng, băng rôn khẩu hiệu rực rỡ trên khắp tuyến đường dẫn về Nhà máy; bức phù điêu cao chừng hơn hai mét, dài hàng chục mét trước cửa nhà máy vừa được những bàn tay tài hoa kiến tạo xong; cây xanh, thảm cỏ được trồng hai bên đường công vụ để tạo cảnh quan. Trên đỉnh đồi gần với thân đập của nhà máy, Đài tưởng niệm được xây dựng như một sự tri ân công sức, mồ hôi, nước mắt của những người tham gia lao động trên công trường thủy điện Sơn La hàng chục năm trời...

Trước mắt tôi, đập thủy điện khổng lồ dài 996m, cao 135m (ở vị trí mặt cắt cao nhất), bề rộng chân đập là 125m sừng sững và vững chãi như một bức trường thành đang án ngữ “ngăn đôi” sông Đà, tạo nên hai bức tranh “khác biệt”: hạ du ngầu đỏ và thượng du yên bình, êm ả. Dòng nước trong xanh ôm những triền núi xanh rì, bảng lảng trong sương chiều Tây Bắc, được ánh nắng phản quang hắt lên màu chanh cốm… Trên khuôn mặt mỗi người đều rạng ngời niềm vui, tự hào trước một công trình vĩ đại với sức mạnh phi thường thể hiện trí tuệ, năng lực kỹ thuật chuyên môn cao của công nhân Việt Nam đã làm chủ công nghệ, thiết bị, hoàn thành công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á trước 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen cho ông Thái Phụng Nê
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen cho ông Thái Phụng Nê

Nhà máy Thủy điện Sơn La do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và Tổng Công ty Sông Đà làm tổng thầu, qua 2 kỳ quốc hội, cuối cùng dự án thủy điện Sơn La đã được kỳ họp thứ 2, quốc hội khóa 11 thông qua. Ngày 2/12/2005, tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nhân dân vùng Tây Bắc đã chứng kiến lễ khởi công mang nhiều ý nghĩa về khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội và văn hóa cho Sơn La nói riêng và góc trời Tây Bắc nói chung, dự kiến năm 2012, phát điện tổ máy số 1, năm 2015 hoàn thành toàn bộ công trình, nơi đây sẽ chìm sâu mãi mãi dưới hàng trăm mét nước, nhà máy sẽ mọc lên, dòng điện sẽ tỏa sáng mọi nẻo đường đất nước. Theo nguyên tắc, sau khi khởi công các công trình thủy điện thường mất khoảng 2 năm chuẩn bị cơ sở hạ tầng với những bước đi trước thời gian, với quyết tâm dám làm dám chịu, 125km đường giao thông, 2 cây cầu bê tông bắc qua sông Đà, gần 200km hệ thống lưới điện, 110 và 220KV, chưa kể đường dây 35 KV Sơn La - Mường La, gần 60.000 m2 nhà ở cho khoảng 6.000 công nhân cùng hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu và hạ lưu đã được triển khai trước ngày khởi công. Ban QLDA thủy điện Sơn La đã trình chính phủ cho phép tiến hành đồng thời khởi công kết hợp với lấp dòng, đây là việc chưa có trong tiền lệ xây dựng nhà máy thủy điện ở Việt Nam.

Điều tự hào nhất là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á này hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chuyên gia nước ngoài chỉ làm nhiệm vụ giám sát. Tham gia xây dựng thủy điện Sơn La, gồm 13 nhà thầu thành viên do Tổng Công ty Sông Đà làm tổng thầu.

Trên công trường thường xuyên có 8.000 - 10.000 người làm việc, có lúc cao điểm có thể lên tới 15.000 người. Để có công trình thế kỷ này, những người thợ ở đây đã phải đào hơn 16,6 triệu m3 đá, xúc vận chuyển trên 20 triệu m3 đất đá, đổ gần 6 triệu m3 bê tông, lắp đặt gần 115 nghìn tấn thiết bị, trong đó Tổng Công ty Sông Đà thi công toàn bộ đập bê tông đầm lăn và khu vực nhà máy thủy điện.
Cũng không ít thách thức mà công trình phải đối mặt, đó là cơn lũ trước ngày khởi công, tưởng như sẽ cuốn phăng đi tất cả, nhưng với lòng dũng cảm, sự đoàn kết của những người thợ, một ban chỉ huy kiên quyết đã chặn đứng dòng lũ, ngày khởi công vẫn đúng hẹn.

Bồi hồi nhớ lại những ngày đầu triển khai dự án, bao khó khăn thử thách rất lớn mà Ban QLDA cũng như các đơn vị thiết kế, thi công trên công trường phải vượt qua, để hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Đà, nguyên Trưởng Ban QLDA Thủy điện Sơn La cho biết: Vào thời điểm cơn lũ lịch sử cuối năm 2005, nước sông dâng cao đột ngột, đê quây lâm vào tình trạng đặc biệt nguy kịch, nếu vỡ đê quây thì việc khởi công, ngăn sông vào thời điểm tháng 12/2005 sẽ khó đảm bảo. Chính thời khắc đó, nếu như không có sự đồng lòng, cùng chịu trách nhiệm đến cùng của tất cả các đơn vị quản lý, thi công dự án thì chắc chắn mốc tiến độ của dự án sẽ không thể đảm bảo. Hay như giai đoạn chuẩn bị cho công tác thi công bê tông đầm lăn, giữa bộn bề khó khăn như dự toán thiết bị băng tải, trạm trộn đội lên rất cao so với dự toán ban đầu, nguồn tro bay gặp khó khăn, công tác thí nghiệm còn nhiều bỡ ngỡ do nhà thầu mới làm lần đầu… nhiều cuộc họp, nhiều đề xuất được đưa ra từ các bên liên quan. Cuối cùng, cũng với tinh thần hợp tác tích cực, chia sẻ khó khăn, công việc đã được vận hành trơn tru và đem lại hiệu quả tốt.

Một khó khăn và thử thách không thể không nhắc đến là tiến độ của công trình Thuỷ điện Sơn La. Những mốc tiến độ được đề ra rất ngặt nghèo, hầu như không còn thời gian để dự phòng. Cho nên, tất cả các công việc dù khối lượng lớn, dù có nhiều trở ngại trong công tác thực hiện thì Ban QLDA hay các nhà thầu đều phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ không kể ngày đêm. Đó là những khó khăn trong việc vận chuyển thiết bị cho công trường, trong số 67.000 tấn thiết bị cần phải vận chuyển đến công trường, có đến 8 kiện hàng thuộc loại siêu trường, siêu trọng đặc biệt, trong khi điều kiện thời tiết khô hạn gây cản trở rất lớn cho công tác vận chuyển bằng đường sông. Do đó, để vận chuyển các thiết bị này an toàn và kịp tiến độ là một thử thách lớn đối với việc thực hiện dự án.

Công trường thủy điện Sơn La thời điểm thi công thân đập (Ảnh: K.Trung)
Công trường thủy điện Sơn La thời điểm thi công thân đập (Ảnh: K.Trung)

Có thể nói, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình triển khai dự án Thủy điện Sơn La được coi là mẫu mực trong việc tạo nên một sự gắn bó mật thiết, không phân biệt giữa chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu khi tất cả đều hướng tới lợi ích chung, nhằm đạt tiến độ, chất lượng của dự án. Thuỷ điện Sơn La cũng là dự án đầu tiên thực hiện đập bê tông đầm lăn RCC với công nghệ dầu, vữa, không có tường bê tông thượng, hạ lưu; khối lượng bê tông RCC lớn nhất lên tới 2,7 triệu m3. Bê tông đầm lăn RCC là loại sản phẩm được chế tạo từ một hỗn hợp các loại nguyên liệu xi măng, 4 loại đá với các kích cỡ khác nhau trộn với cát nhân tạo được nghiền từ đá cộng với tro bay loại bồ hóng muội than thải ra từ các nhà máy nhiệt điện và một số phụ gia khác. Việc đưa RCC vào thi công ở công trình thủy điện Sơn La cũng rất nan giải, nhiều người lo lắng, Việt Nam chưa làm bao giờ nên không thể thử nghiệm với một công trình quan trọng, các chuyên gia Việt Nam phải đi tham khảo, học hỏi kỹ thuật sản xuất RCC ở nhiều nước, đồng thời mời chuyên gia Thụy Sĩ vào nghiên cứu và giám sát kỹ thuật.

Rất nhiều cuộc tranh luận bàn cãi, cuối cùng phương án bê tông đầm lăn mới được thông qua với kế hoạch điều chế tro bay từ bã than chưa cháy hết của nhà máy nhiệt điện Phả Lại, ngay sau đó, trạm trộn bê tông 720 m3/h đã được nhập về. Công nghệ này giúp cho thi công nhanh hơn, rẻ hơn so với công nghệ đổ bê tông truyền thống, tuy nhiên yêu cầu kỹ thuật và thời gian cũng khắt khe hơn. Việc đổ bê tông phải liên tục nên dù trời mưa hay nắng, kể cả khi gió bão cũng phải chia ca kíp để làm việc 24/24h. Do đó, việc kiểm soát ở tất cả các khâu đều được tuân thủ theo đúng quy trình rất nghiêm ngặt và khắt khe, đòi hỏi các bước thực hiện phải tiến hành liên tục trong điều kiện rất khó khăn về thời tiết trên công trường.

Là người đã gắn bó với công trình thủy điện từ những ngày đầu tiên, khi được hỏi về những nhân tố để có được thành quả như ngày hôm nay, về đích sớm 3 năm so với kế hoạch đặt ra, ông Thái Phụng Nê - Phó Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình Thủy điện Sơn La, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Dự án lớn như thủy điện Sơn La, có 7 nhân tố làm nên sự kiện quan trọng này: Sự chỉ đạo sát sao có hiệu quả của Chính phủ mà trực tiếp là Ban chỉ đạo nhà nước. Sự quyết tâm bám sát công việc, làm việc quên mình của tập thể những người lao động trên công trường. Sự đóng góp hết sức tích cực của chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Cơ quan tư vấn là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đóng vai trò tư vấn chính của dự án. Sự tự nguyện của trên 20.000 hộ dân trong vùng lòng hồ dời khỏi quê hương của mình. Sự cố gắng, sáng tạo trong công tác di dân của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Sự đóng góp của Bộ Giao thông Vận tải trong chỉ đạo các công trình giao thông tránh ngập kịp thời.

Ông Nguyễn Kim Tới - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Đà, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Thủy điện Sơn La chia sẻ cảm xúc khi Nhà máy Thủy điện Sơn La được khánh thành
Ông Nguyễn Kim Tới - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Đà, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Thủy điện Sơn La chia sẻ cảm xúc khi Nhà máy Thủy điện Sơn La được khánh thành

Là một trong những người phải “cắm chốt” trên công trình thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Kim Tới - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Đà, nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Thủy điện Sơn La đã tham mưu cho các lãnh đạo, sử dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, rất cứng rắn và nguyên tắc trong công việc nhưng ông cũng là người sống rất tình cảm và luôn đồng cam cộng khổ với anh em công nhân. Ông tâm sự: Một niềm tự hào của ngành cơ khí Việt Nam là chúng ta đã tự thiết kế và chế tạo được nhiều thiết bị quan trọng của công trình, đó là công trình 6 đường ống áp lực, 2 giàn cẩu trục nâng máy, các cửa van hạ lưu, thiết bị cửa nhận nước… đã chế tạo hơn 27 nghìn thiết bị, quan trọng và ý nghĩa hơn là công trình thủy điện Sơn La đã góp một phần quan trọng vào chương trình phát triển cơ khí của đất nước do chính phủ đề ra năm 2003. Công trình thủy điện Sơn La đã khẳng định sự thành công của ý chí quyết tâm, sự đoàn kết và trí tuệ của người Việt Nam, trong đó phải kể đến công nghệ thi công đập bê tông đầm lăn (RCC) do Tổng thầu - Tổng Công ty Sông Đà và chủ đầu tư đã chủ động, quyết tâm, mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm giảm chi phí đầu tư và rút ngắn thời gian thi công đập thủy điện Sơn La.

Thắp sáng niềm tin

Với những người xây dựng thủy điện Sơn La thì việc di dời gần 20.000 hộ với gần trăm nghìn người chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông, Kháng, Dao, Xing Mun, La Hủ… thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và tái định cư cho họ theo nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ” là dự án lớn của trái tim, dự án thử thách tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, một công việc mang tính nhân văn lớn lao nhưng cũng vô cùng gian khổ và phức tạp. Nó thể hiện sự tôn trọng quyền sống của con người, bất kỳ họ thuộc dân tộc nào, bất kỳ họ sống ở đâu trên đất nước Việt Nam, họ đều có quyền được nhà nước chăm sóc cả về vật chất và tinh thần. Có thể nói, đây là một trong những cuộc “thiên di” lớn trong lịch sử chuyển cư ở Tây Bắc. Từ bỏ mảnh đất gắn bó với mình qua bao thế hệ, chắc chắn những người rời bỏ nó sẽ có những nỗi niềm, thế nhưng, trên hết, đấy là phục vụ cho mục đích chung của đất nước…

Đồng chí Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La
Đồng chí Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La

Trong ngày khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La, đồng chí Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Những năm qua, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành di chuyển gần 20 nghìn hộ dân giải phóng vùng hồ thủy điện Sơn La vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của đồng bào các dân tộc trong vùng Dự án, công tác di dân, tái định cư được 3 tỉnh thực hiện nhanh, gọn và chu đáo. Các địa phương đã thực hiện tốt nguyên tắc tạo điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền phối hợp đồng bộ cùng chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời của Nhà nước.

Bên cạnh những người ra đi nhường đất cho dự án, Mường La lại có thêm nhiều công dân mới. Đó là những cán bộ, kỹ sư, công nhân… thi công dự án, “bắt rễ”, bén duyên nơi đất này, trở thành công dân mới của Mường La.

Giám đốc Nhà máy Thủy điện Sơn La, nguyên Phó Trưởng ban QLDA Hoàng Trọng Nam thân tình: Nếu hỏi tôi cũng chẳng nhớ hết đã có bao nhiêu đám cưới được tổ chức tại công trường, vì một năm có tới hàng chục đám. Anh em lên Mường La thi công, rồi họ bén duyên với đất mới, sinh cơ lập nghiệp, gắn bó hẳn với đất Mường La. Những cặp đôi hạnh phúc ấy, bây giờ đã sinh con đẻ cái, và những đứa trẻ được sinh ra trên đất Mương La là kết quả của những cuộc “bén duyên” trên công trường, sẽ trở thành những chủ nhân tương lai của nhà máy do chính bố mẹ mình xây dựng.

Tổ máy tại Nhà máy Thủy điện Sơn La đang vận hành
Tổ máy tại Nhà máy Thủy điện Sơn La đang vận hành

Cho đến thời điểm này, Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á, sản xuất ra nguồn điện năng lớn vào mạng lưới điện quốc gia. Không chỉ mang lại nguồn lợi to lớn về phát điện giá thành rẻ, hiệu quả của thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang cộng hưởng lại còn là chống hạn vùng hạ du, chống lũ cho thủ đô Hà Nội lên tới hơn 500 năm. Trên Sông Đà sẽ tạo thành một hệ thống giao thông các tỉnh Tây Bắc thông qua hồ chứa thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La, tạo điều kiện nuôi trồng thủy sản, cải tạo khí hậu tiểu vùng dọc hồ chứa và phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Bắc. Thêm một thời cơ, thêm một thách thức, chúng ta dám xây dựng công trình mang tầm vóc thế kỷ bằng sức lực của chính mình và biết đầu tư cho ngày mai.

Báo cáo về quá trình xây dựng công trình thủy điện Sơn La, ông Dương Khánh Toàn, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Sông Đà cho biết: Công trình có tổng công suất 2.400 MW. Vượt qua rất nhiều trở ngại từ lựa chọn vị trí xây dựng, phương án quy mô công trình, điều kiện thi công khắc nghiệt… đến di dân tái định cư, dự án xây dựng Thủy điện Sơn La đã phát điện tổ máy số 1 vào ngày 25/12/2010, sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của Quốc hội và hoàn thành công trình vào năm 2012, sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tính đến cuối năm 2012, tổng sản lượng điện sản xuất của Nhà máy đạt khoảng 13,3 tỷ kWh. Từ năm 2013, mỗi năm, Nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện cho đất nước bao gồm cả phần tăng thêm cho Thủy điện Hoà Bình là 10,2 tỷ kWh. Việc đưa nhà máy vào vận hành sớm 3 năm đồng nghĩa với việc cung cấp cho nền kinh tế quốc dân ngoài kế hoạch 30 tỷ kWh, tương đương giá trị 1,5 tỷ USD.

Chúng tôi nhớ tới gia đình anh Cà Văn Hặc, ở bản Nà Nhụng, xã Mường Chùm, huyện Mường La, gia đình anh được chuyển từ Ít Ong lên định cư tại đây vì dòng điện tương lai, những người dân bản anh sẵn sàng di dời tất cả, sẵn sàng chịu cảnh thiệt thòi. Cuộc sống đã dần ổn định, gia đình anh đã quen với hơi đất mới nhưng thật lạ nỗi nhớ sông thì chưa bao giờ nguôi. Như bao người khác, anh cũng háo hức mong ngày nhà máy phát điện.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình tại bản mới Nà Nong, xã Chiềng Lao, huyện Mường La, ông Lò Văn Hương một trong 1.300 hộ gia đình nằm trong chiến dịch 55 ngày đêm di chuyển nước rút, để hoàn thành công tác di dân tái định cư ra khỏi vùng ngập thủy điện Sơn La. Tuy chưa quên được nỗi nhớ quê cũ, nhưng cũng đã yên tâm với cuộc sống tại nơi ở mới. Cùng nhiều hộ khác trong bản, gia đình ông nhận được sự quan tâm giúp đỡ hết lòng của các cấp chính quyền và người dân sở tại.
Khi tất cả các nhà máy này cùng vận hành, Mường La sẽ là “thủ phủ thủy điện” của Tây Bắc. Điều đó sẽ nâng vị thế Mường La trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa quan trọng và quy mô của tỉnh Sơn La, là “cú hích” quan trọng để Mường La phát triển.

Chưa kịp đón cái vui của ngày chạy tổ máy phát điện, những người công nhân Sông Đà này lại đã ra đi, họ lại đến một vùng đất mới hoang sơ, thiếu thốn mọi tiện nghi để lại bắt đầu một công trình mới, một chặng đời mới. Có lẽ chính họ, những người công nhân này là những người lãng mạn nhất, bởi trong tình yêu của họ sông Đà luôn là dòng sông của ngày mai.

Lan Hương

Theo Tin Nhanh

.
.
.
.