.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Một vài suy nghĩ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống giai đoạn hiện nay

Chủ Nhật, 13/10/2019|16:29

1. Công tác xây dựng Đảng:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng, nhằm củng cố và tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong mọi giai đoạn. Để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh và thực hiện thắng lợi sứ mệnh người lãnh đạo chân chính của cách mạng Việt Nam, trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta cần làm tốt một số nội dung như sau:

Một là: Muốn xây dựng Đảng trước hết xây dựng con người, trồng người trước, xây dựng một con người chuẩn mực về mọi mặt có đủ đức đủ tài để gánh vác, con người đó phải có đủ phẩm chất như lời của Hồ Chí Minh nói đó là “Cần kiệm liêm chính chí công vô tư” đảm bảo sự công bằng trong tập thể mọi sự lãnh đạo không mệnh lệnh không áp đặt cửa quyền được tập thể tôn trọng để cùng bàn cùng gánh vác trọng trách của Đảng, con người đó phải dám nghĩ ,dám làm và giám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Xây dựng Đảng dựa trên xây dựng con người hay trồng người đó là hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ đảng viên, tạo sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng và thực hành đạo đức cách mạng, đấu tranh chống nhận thức và hành động phi đạo đức và các quan điểm sai trái, thù địch về đạo đức, lối sống, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 

Hai là: Phương pháp tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho toàn thể cán bộ Đảng viên tạo sự thống nhất trong Đảng. Giáo dục, rèn luyện đạo đức không chỉ trên trường lớp cơ quan, đơn vị,... mà còn trong cả môi trường lao động, chiến đấu và sinh hoạt đời thường, học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời. Tuyên truyền, giáo dục phải kiên trì, thường xuyên và liên tục tạo sự thay đổi tư duy, quan niệm và phải xác định đây là một quá trình khó khăn, lâu dài. Không phải ai cũng dễ dàng đồng thuận với những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức mới, thay đổi mới vì những ảnh hưởng về văn hóa truyền thống, tập quán của địa phương, dòng họ và gia đình hay những vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí là lợi ích cá nhân chi phối. Trong tuyên truyền cần công khai, vận động thực hiện, cổ vũ, khích lệ những tấm gương mẫu mực về đạo đức, chuẩn mực đạo đức đó phải luôn được kiểm điểm, nhắc nhở nhau qua sinh hoạt của tổ chức Đảng, của tập thể người lao động. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần xây dựng kế hoạch rèn luyện đạo đức cách mạng hằng ngày và tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, hình thành phương thức làm chủ bản thân, kiểm soát các ham muốn vật chất và tham vọng quyền lực, nâng cao ý thức cảnh giác, không một phút lơ là trước cám dỗ, cạm bẫy, phòng ngừa nguy cơ rệu rã tâm lý, sống buông thả trước tiền tài, quyền lực, dục vọng.

Ba là: Đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nội bộ về giữ gìn chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, Đảng viên. Tự phê bình và phê bình là tất yếu khách quan, trở thành quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình và phê bình trong Đảng chủ yếu diễn ra ở chi bộ mà Đảng viên sinh hoạt và các cấp ủy mà Đảng viên tham gia. Vì vậy, phải liên tục đổi mới nội dung, hình thức lồng ghép những sự vụ những tấm gương tiêu biểu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Người đứng đầu trong chi bộ phải dẫn dắt và xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh cho lẽ phải. Ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hoặc những nơi có vấn đề về đoàn kết, nhất là khi cán bộ chủ chốt có khuyết điểm, cấp trên cần chủ động gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo.

Bốn là: Phát huy tính tự giác tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hành lối sống và thái độ ứng xử, yêu cầu về đạo đức đó là phải trung thực, khiêm tốn, giản dị, trách nhiệm, có lòng chân thành, có đức bao dung, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, phải nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, đã nói thì phải làm, không được làm gì tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, tới lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Ở mỗi cuộc họp chi bộ cần đưa ra tiêu chí cho mỗi cán bộ Đảng viên về ý thức trách nhiệm trong phát biểu xây dựng phải coi đây là nghĩa vụ đồng thời là trách nhiệm của mình phải chủ động nói ra những suy nghĩ ,trăn trở của mình cho những đồng chí đồng đội cùng nhau tìm giải pháp tốt nhất hiệu quả nhất trong công tác xây dựng Đảng.

Năm là: Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức cách mạng. Mỗi đảng viên phải luôn luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong tổ chức Đảng, phải luôn nghĩ rằng mỗi chúng ta phải là công bộc của dân, lo cho dân và vì dân, nghĩa là chúng ta phải gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân, việc gì có hại cho dân chúng ta phải tránh việc gì có lợi cho dân chúng ta phải làm và phải làm bằng tất cả những gì có thể. Trong công việc chúng ta phải luôn siết chặt nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất và bình đẳng trong thực thi Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với mọi cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị, không có “vùng cấm”, “hạ cánh an toàn”, không có “đặc quyền” hay ngoại lệ, phát huy dân chủ một cách đúng hướng và thật sự rộng rãi. Thiết lập, hoàn thiện định chế xử lý kịp thời cho tất cả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, của bộ máy Đảng, của nhân dân đối với mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với việc đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức, các cấp ủy, các tổ chức Đảng hết sức chú trọng tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, sự phát hiện của công luận về cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên thuộc quyền quản lý của mình một cách toàn diện, theo hướng chặt chẽ, minh bạch. 

Sáu là: Đấu tranh chống nhận thức và hành động phi đạo đức, các quan điểm sai trái, thù địch về đạo đức, lối sống. Chúng ta luôn đấu tranh và sẵn sàng đấu tranh với các quan niệm sai trái, phản động đi ngược lại các giá trị đạo đức cách mạng, như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa tự do. Trong điều kiện thông tin nhiều chiều, cần phải hết sức cảnh giác chống lại những luận điệu xuyên tạc của lực lượng phản động thù địch. Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập quốc tế, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho nhiều chuẩn mực đạo đức thay đổi theo chiều hướng tiêu cực,chạy chức chạy quyền bè phái tham ô tham nhũng hạch sách nhũng nhiễu dân,...

Bảy là: Phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, luôn phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, Đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng là một trong những cách thức hữu hiệu hướng đến củng cố và phát triển mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng chúng ta phải cũng cố và tạo niềm tin để người dân không còn e ngại và né tránh việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên; không dám tố giác những vụ việc cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật vì sợ bị trù dập, bị gây khó dễ khi phải đến các cơ quan công quyền giải quyết công việc cá nhân, gia đình. Luôn tạo cơ hội đối thoại với nhân dân, để nhân dân góp ý với cán bộ, đảng viên theo quy định, từ đó thực hiện công khai theo quy định để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên. 

2. Công tác xây dựng chính quyền:

Để thực hiện tốt công tác xây dựng chính quyền, chúng ta phải  triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp đó là chỉ đạo cơ quan, đơn vị và các xã, phường thị trấn cơ quan Nhà nước thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện tốt việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trong đó không chỉ chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, các kỹ năng theo từng chức danh, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng lập hồ sơ công việc, văn hóa công sở, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính, kỹ năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo,... thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, thực hiện tốt quy chế văn hóa công sở, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Trong công tác xây dựng chính quyền, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức, triển khai thực hiện tốt việc phối hợp giữa các cấp, các ngành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền.

3. Phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ, cũng cố tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, để mọi Đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, luôn  giữ gìn phẩm chất đạo đức, vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, động viên, khích lệ nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, thực trạng hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã và đang diễn ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân, trái với chuẩn mực đạo đức của người cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, làm cho nhân dân bất bình, lo lắng.

Chính vì vậy, Đảng ta cần phải xác định, phải kiên quyết đấu tranh “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ coi đây là công việc cấp bách và phải được tiến hành thường xuyên trong từng tổ chức Đảng, ở mỗi cán bộ, Đảng viên. Trong điều kiện hiện nay, để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là : Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng và lối sống xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên.

Việc này phải tiến hành thường xuyên, quản lý chặt chẽ, giáo dục phải toàn diện. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hàng năm, từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch giáo dục, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc đối với cán bộ, Đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Thực hiện nghiêm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong tiến hành, cấp ủy các cấp cần coi trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục, vận dụng sáng tạo lý luận phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, bảo đảm đa dạng, phong phú, gợi mở để cán bộ, Đảng viên tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự kiểm điểm là quan trọng nhất. Mỗi cán bộ, Đảng viên cần tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh học tập, làm theo tác phong và phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện cụ thể trong công việc hằng ngày, trong quan hệ với nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, thực hiện nghiêm các tiêu chí về đạo đức, lối sống, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữa sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt với duy trì nghiêm nguyên tắc, chế độ quy định, thi hành kỷ luật Đảng.

Hai làThực hiện nghiêm chế độ tự phê bình, phê bình, phát huy vai trò nêu gương, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt.

Nâng cao tự phê bình và phê bình là biện pháp tốt nhất để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa trị các căn bệnh do suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gây ra. Do vậy, trong sinh hoạt, cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp cần phát huy dân chủ, nâng cao tính chiến đấu, tinh thần thẳng thắn, dũng cảm trong tự phê bình và phê bình, nhất là đối với những hành vi trái với chuẩn mực đạo đức cách mạng và lối sống xã hội chủ nghĩa. Cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người trung thực, dám đấu tranh, cấp trên gợi ý kiểm điểm (nếu cần thiết) và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp, quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất.

Thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, theo đó, mọi cán bộ, Đảng viên phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, nói và làm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thực sự là tấm gương cho quần chúng noi theo. Trước hết, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở phải nêu gương trong rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, trong sáng, hết lòng vì Đảng, vì dân, trở thành tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho mọi người học tập, noi theo. Ở mỗi tổ chức Đảng các cấp phải đặc biệt coi trọng lãnh đạo thực hiện nghiêm việc kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Ba làKiên quyết, đôn đốc sát xao trong chỉ đạo và tổ chức để thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng ở từng cơ quan, đơn vị.

Đảng ta chỉ rõ: “Tham nhũng và suy thoái về chính trị cũng như đạo đức đang trở thành vật cản lớn cho thành công của sự nghiệp đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Và trong thực tiễn cho thấy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí, nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống  và nguồn gốc của nó chính là bệnh quan liêu. Do vậy, cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chủ động có các giải pháp đồng bộ để đẩy lùi tệ quan liêu, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, trong đó, cần phải dựa vào quần chúng nhân dân và phát huy vai trò của truyền thông thì mới đạt hiệu quả cao.

Cùng với việc chống tham nhũng, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp phải kiên quyết phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bởi nó đã và đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Cho nên, cấp ủy các cấp phải thường xuyên rà soát, nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là biện pháp rất cơ bản để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và là vấn đề sống còn của Đảng. Cần phải xây dựng quyết tâm chính trị cao ở từng tổ chức Đảng đến toàn xã hội để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên. Lựa chọn để bố trí đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu, có đức, có tài, có bản lĩnh, có tâm huyết chống chạy chức, chạy quyền. Trong công tác cán bộ cần có chương trình hành động cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian, phù hợp với từng ngành, từng địa phương, đơn vị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện bảo đảm tính kế thừa và phát triển, chống cục bộ, bè phái.

Bốn là : Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát Đảng viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp Nhà nước, thực hiện Điều lệ Đảng, thực hiện 19 điều Đảng viên không được làm, Trong tổ chức thực hiện, cần có biện pháp phù hợp để kiểm tra, giám sát về phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đảng viên, nhất là những Đảng viên có chức, có quyền ở những lĩnh vực, ngành nghề dễ xảy ra tiêu cực, kiểm tra, xử lý phải kiên quyết Đảng viên vi phạm kỷ luật. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về việc kiểm tra, giám sát Đảng viên và tổ chức Đảng trong thực thi nhiệm vụ. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, góp phần làm chuyển biến nhận thức trong toàn Đảng, trước hết trong cấp ủy, lãnh đạo các cấp về tính chất nghiêm trọng và nguy cơ của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Từ đó, có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt nhằm ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí trước sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường hiện nay đối với đội ngũ cán bộ, Đảng viên.

Thực hiện tốt những giải pháp cơ bản trên, sẽ giúp cho mỗi cán bộ, Đảng viên giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trương Trung Chinh, Chi bộ Phân xưởng Cuốn Điếu - Đóng Bao

 Đảng bộ Công ty Thuốc lá Thanh Hóa

.
.
.
.