Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:
Vấn đề đạo đức cán bộ trong công tác xây dựng Đảng ngành Ngân hàng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một mệnh đề nổi tiếng và có ý nghĩa to lớn về Đảng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Mệnh đề đó ngày càng trở thành mệnh lệnh và yêu cầu sống còn trong công tác xây dựng Đảng để giữ vững vị trí, vai trò, bản chất và năng lực của một Đảng cầm quyền. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên; xác định đạo đức là gốc của người cách mạng. Tuy vậy, vấn đề đạo đức trong xây dựng Đảng lại chưa được đặt xứng tầm với các nội dung khác. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhiều tầng lớp trong xã hội, nhất là lớp trẻ đang là vấn đề nhức nhối trong đời sống hiện nay. Vấn nạn này được coi là một trong bốn nguy cơ đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi hỏi Đảng phải đối diện và có trách nhiệm lớn đối với vấn đề văn hóa, đạo đức để xây dựng và phát triển nguồn lực con người nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện, Đảng ta đưa thành tố “đạo đức” vào nội dung xây dựng Đảng, ngang hàng cùng với thành tố: chính trị, tư tưởng và tổ chức, coi đó là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Xây dựng Đảng về đạo đức thực chất là xây dựng văn hóa Đảng, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Đó vừa là phương diện hợp thành của nội dung xây dựng Đảng, vừa là nhân tố đảm bảo thành công cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên có đạo đức trong sáng thì chính trị, tư tưởng sẽ trong sáng, tổ chức sẽ đoàn kết, vững mạnh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được khẳng định trong thực tiễn.
II. Đạo đức cán bộ trong ngành Ngân hàng
Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm, gắn chặt với tiền, và luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong các vấn đề rủi ro, dường như rủi ro đạo đức đang là nguy cơ ngày càng lớn đối với ngân hàng
Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo nhà kinh tế học Paul Krugman, rủi ro đạo đức được hiểu là “trường hợp khi một bên đưa ra các quyết định liên quan tới mức độ chấp nhận rủi ro, trong khi bên kia phải chịu tổn thất nếu các quyết định đó thất bại” (Paul, 2009).
Rủi ro đạo đức nảy sinh khi bên có ưu thế thông tin hiểu được tình thế thông tin phi đối xứng giữa các bên giao dịch và tự nhiên hình thành động cơ hành động theo hướng làm lợi cho bản thân bất kể hành động đó có thể làm hại cho bên kém ưu thế thông tin. Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, rủi ro đạo đức nảy sinh từ chính hoạt động kinh doanh của ngân hàng và khách hàng sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM). Hậu quả của rủi ro đạo đức do hai chủ thể này gây nên lại do người gửi tiền vào ngân hàng và chính ngân hàng đó gánh chịu.
Khi nhắc tới rủi ro đạo đức trong ngành ngân hàng, tín dụng là bộ phận hay được nhắc tới nhất. Đây là những cán bộ trực tiếp làm việc với khách hàng, thẩm định hồ sơ, ra phán quyết tín dụng. Điều này có thể chứng minh khi những thông tin khởi tố các cán bộ quản lý, cán bộ tín dụng các ngân hàng liên tục trên các mặt báo vì những hành vi sai phạm của mình. Các hành vi phổ biến như thiếu trách nhiệm trong thẩm định, cấu kết với khách hàng, ăn chia hoa hồng trên số tiền vay được, liên kết với nhau để vay mượn lòng vòng, thậm chí là vay ké của khách hàng…
Theo báo Vnexpress.net, năm 2017 có tới 52/63 tỉnh, thành đã xảy ra các vụ án liên quan đến tín dụng, bao gồm cả tín dụng đen và hoạt động ngân hàng với sai phạm lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Sang năm 2018, nhiều vụ vi phạm liên quan đến rủi ro đạo đức trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục bị phát hiện. Trên lý thuyết, rủi ro đạo đức gồm rủi ro đạo đức của nhân viên và cả rủi ro đạo đức của khách hàng. Không loại trừ có những khách hàng xấu cố tình lừa đảo, làm giả giấy tờ để lừa đảo ngân hàng. Những vụ lừa đảo rất nghiêm trọng như Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng gây thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ. Rõ ràng, trong nhiều vụ lừa đảo, đồng thời khởi tố bị can đối với kẻ lừa đảo là khởi tố đối với các nhân viên ngân hàng.
Đây chính là dấu hiệu cấu kết, liên minh là có, rủi ro đạo đức của khách hàng và của nhân viên là đi liền với nhau.
Tuy nhiên, các rủi ro đạo đức không chỉ xảy ra với cán bộ tín dụng mà có thể ở các bộ phận nghiệp vụ khác của ngân hàng, thậm chí là giao dịch viên, thủ quỹ. Các hình thức quen thuộc vẫn là lập khống, tất toán khống sổ tích kiệm của khách, cạo sửa sổ tiết kiệm, cầm cố khống các giấy tờ giả.
Chính vì thế, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh: “Ngân hàng là ngành nghề kinh doanh gắn chặt với tiền, rất nhiều tiền nên bị các vấn đề đạo đức bủa vây là hiển nhiên. Mấu chốt của vấn đề là kiểm soát, kiềm chế thế nào các vấn đề này thôi. Tuy nhiên, đây là chuyện không dễ nhất là khi các ngân hàng Việt Nam còn yếu kém về kiểm soát, chủ quan và dễ dãi trong quản lý”.
Mấu chốt là vấn đề con người
Ngân hàng là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao, do đó, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ ngân hàng là điều hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực yếu kém không chỉ tạo ra những hạn chế trong quản trị ngân hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, mà còn tiềm ẩn rủi ro đạo đức rất lớn. Hơn bao giờ hết, ngành Ngân hàng phải giáo dục đạo đức nghề nghiệp và coi đó như một nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu. Đạo đức phải được coi như một tiêu chí tiên quyết trong công tác tuyển chọn. Các ngân hàng phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thiết lập một hệ thống kiểm soát đặc biệt về những hành vi trong công tác huy động vốn và cho vay.
Rủi ro đạo đức là điều không thể tránh khỏi. Nhưng, vấn đề là phải làm sao để quản trị tốt, giảm thiểu những rủi ro này. Đây cũng là một câu hỏi lớn dành cho các ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc sắp tới, cũng nhưng quá trình vận hành ngân hàng sau tái cấu trúc sau này.
III. Đảng viên trong ngành ngân hàng cần rèn luyện đạo đức như thế nào?
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị (khóa XII), gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chính đốn Đảng. Đây là giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức, được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai với nhiều cách làm mới, hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, “góp phần củng cố, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tình trạng suy thoái” của cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định ngày càng đi vào nền nếp; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy vậy, để việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả cao, trở thành việc làm thường xuyên của các tổ chức đảng cũng như cán bộ, đảng viên, cần tiếp tục đẩy mạnh với tinh thần kiên quyết, kiên trì, “xây” đi liền với “chống”, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Cùng với đó, cần “đẩy mạnh công tác tuyên truyền quá trình tổ chức thực hiện, biểu dương những nơi làm tốt, phản ánh, nhân rộng những việc tốt, người tốt; đồng thời, tích cực nhắc nhở, phê phán những nơi làm chưa tốt”, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Hai là, đề cao tính tự giác, nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Để xây dựng Đảng về đạo đức, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo tiêu chí, chuẩn mực được xác định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Yêu cầu về đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay là: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tin tưởng vào thắng lợi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; có lòng nhân ái và gương mẫu về đạo đức, lối sống; thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; có tinh thần tự giác học tập, rèn luyện; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tích cực, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; chăm lo xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Có như vậy, Đảng ta mới khẳng định được uy tín, tạo ra sức hút để tập hợp, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh của quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sự gương mẫu, tính tiên phong của cán bộ, đảng viên, coi đó là một phương pháp cơ bản trong giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức cần quán triệt, tổ chức cho cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, làm cho việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trở thành lẽ sống hằng ngày, tạo sức lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội, làm cho cái tốt, cái đẹp được nhân lên, cái xấu và cái tiêu cực bị đẩy lùi.
Ba là, phát huy vai trò của tập thể trong giám sát cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào tập thể để xây dựng Đảng là chủ trương nhất quán của Đảng ta, đồng thời là nguyên tắc trong hoạt động của Đảng. Để phát huy vai trò của tập thể trong xây dựng Đảng, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, được cụ thể hóa thành luật, làm cơ sở pháp lý thực hiện. Để thực hiện tốt, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quần chúng nhân dân về quyền được tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phát huy dân chủ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, có nhiều hình thức để nhân dân thực hiện quyền giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; làm tốt công tác khen thưởng, động viên đối với những người dân kịp thời phát hiện, tố cáo các vụ, việc sai phạm của cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, trù dập người phát hiện, tố cáo.
Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện;… sa vào cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống là: “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”; “tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn… Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”.
Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là việc xử lý những vụ tham nhũng lớn bằng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã mang lại hiệu quả quan trọng, góp phần cảnh tỉnh, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về mọi mặt, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Phát huy kết quả đó, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm cao, sự kiên trì, kiên quyết, bằng những giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc đấu tranh xử lý những vụ tham nhũng lớn, cần hoàn thiện chính sách pháp luật để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí và đẩy mạnh giáo dục, xây dựng đạo đức, phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhằm triệt tiêu hành vi “tham nhũng vặt” gây bức xúc đối với nhân dân.
Xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới.
Chi bộ Chi nhánh Tràng An
Đảng ủy Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam