.
.

Xây dựng chỉnh đốn đảng viên trong tình hình toàn cầu hóa

Thứ Hai, 21/10/2019|11:03

Toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu trên thế giới, các quốc gia muốn triển kinh tế xã hội tuân thủ các yếu tố tích cực, lựa chọn con đường phát triển đề phù hợp với xu thế mới. Bởi vậy Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cùng các chỉ thị nêu rõ việc tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành hành động cụ thể, thiết thực, thường xuyên, tự giác trong mỗi cán bộ Đảng viên, nhân dân và người lao động là nhu cầu cấp thiết của Đảng ta hiện nay.

Từ khi Đảng lãnh đạo và khởi xướng công cuộc đổi mới, đất nước ta có những bước phát triển to lớn, đáng mừng nhất là chúng ta gia nhập WTO và các tổ chức thương mại. Tuy nhiên các mặt trái của cơ chế thị trường tác động trực tiếp đến văn hóa, xã hội và những bức xúc trong cuộc sống đã được đại hội Đảng các kỳ trước chỉ ra.

Tình trạng suy thoái xuống cấp về đạo đức và lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên có chức có quyền, nhất là lớp trẻ, coi thường giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Bởi vậy những yêu cầu đặt ra đối với một số cán bộ, đảng viên phải dựa vào 3 tiêu chí xây dựng và chỉnh đốn, để mỗi một đảng viên phải xứng đáng đi đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đó là: Chủ nghĩa yêu nước; đại đoàn kết dân tộc; lòng thương yêu, quý trọng con người.

1. Chủ nghĩa yêu nước: Như Bác Hồ đã nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước", nhiệm vụ đặt ra của người Đảng viên lúc này là xây dựng Tổ quốc Việt Nam với mục tiêu nhất quán là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên quyết đấu tranh đập tan mọi âm mưu chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch bảo vệ bằng được thành quả cách mạng mà cha ông ta đã phải hy sinh xương máu để dành được.

Để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang ấy, chủ nghĩa yêu nước chân chính có các điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, chủ nghĩa yêu nước phải được thể hiện cụ thể qua lao động sáng tạo của mỗi người công dân Việt Nam, vì mục đích làm giàu cho bản thân và làm giàu cho xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, chủ nghĩa yêu nước phải được thể hiện rõ qua việc bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, quyết không để bất cứ kẻ thù nào xâm phạm, chống lại mọi thứ chủ nghĩa thực dân trá hình, mọi thủ đoạn phá hoại sự nghiệp cách mạng mà nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện.

Thứ ba, trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta càng phải nêu cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào ý chí, sức mạnh của nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tuân thủ pháp luật. Không tin và làm theo những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo sai trái thù địch của kẻ thù.

Thứ tư, trong lúc này chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của dân tộc ta phải được thể hiện qua đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, khôn khéo, với chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp, thể hiện sự thống nhất chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng để tạo được sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, tạo sức mạnh to lớn đập tan mọi âm mưu xâm chiếm, phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, góp phần vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển.

Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế luôn được coi là tài sản tinh thần quý báu nhất và luôn luôn cháy bỏng trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Vậy Đảng viên phải yêu nước.

2. Đại đoàn kết Dân tộc: Là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, đồng thời cũng là nhiệm vụ hàng đầu của  dân tộc trong mọi giai đoạn cách mạng hiện nay. Nhấn mạnh vấn đề này là nhấn mạnh tới vai trò của lực lượng cách mạng. Tin dân, dựa vào dân là nguyên tắc cốt lõi trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Theo Người, dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng, là nguồn sức mạnh vô tận và vô địch của khối đại đoàn kết, quyết định thắng lợi của cách mạng, là nền gốc của cách mạng, mà “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì quần chúng, sự nghiệp đó chỉ có thể thành công khi quần chúng được tập hợp lại trong một tổ chức thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổ chức ấy là Mặt trận dân tộc thống nhất - tổ chức chính trị xã hội rộng lớn mà ở đó quy tụ mọi tổ chức và cá nhân yêu nước không phân biệt tôn giáo, giai cấp, đảng phái cả trong và ngoài nước. Đảng và mặt trận có mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau. Từ đó, Hồ Chí Minh luôn luôn xác định trách nhiệm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và các cán bộ đảng viên là phải chăm lo đời sống, đảm bảo lợi ích tối cao của nhân dân; phải thấm nhuần lợi ích chung, lợi ích tối cao của dân tộc; phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Những lợi ích riêng chính đáng phù hợp với lợi ích chung của đất nước và của dân tộc cần được tôn trọng. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng làm, việc gì có hại cho dân thì nhỏ mấy cũng tránh, bởi “Được lòng dân thì việc gì cũng làm được, trái ý dân thì chạy ngược chạy xuôi”.

Củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ lịch sử mới cần phải tập hợp, động viên mọi lực lượng, san bằng những hố sâu ngăn cách, rào cản. Trong nhiều bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở về nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước là: “...Đoàn kết cần xóa bỏ mọi thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ để cùng phục vụ nhân dân”. Đảng phải thu phục được đại đa số các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa. Đối với những người yêu nước, dù ở tầng lớp nào và trước đây đã cộng tác với đối phương, “nếu ngày nay họ thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, nếu họ muốn thật thà phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì chúng ta cần cộng tác với họ”.  Và cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc xóa bỏ thành kiến giữa các dân tộc, khai thác các yếu tố tương đồng, tôn trọng những yếu tố khác biệt, nhân lên mẫu số chung về lợi ích dân tộc để phát huy sức đoàn kết trong thời kỳ cách mạng xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa hiện nay. Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Việc củng cố, tăng cường sự đoàn kết dân tộc là sự nghiệp vững chắc để Đảng và Nhà nước ta mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời cũng cần chú ý giải quyết hiệu quả các vấn đề: phát triển kinh tế gắn với xây dựng văn hóa, đạo đức.

Đề cao lợi ích dân tộc, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đi đôi với củng cố an ninh quốc phòng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng, trong dân, lấy đó làm sức mạnh ngăn chặn và đánh bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp sức của quốc tế để mở cửa - hội nhập theo phương châm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác, phát triển nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiến bộ trên thế giới.

Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước phải kế thừa, phát huy, xây đựng chỉnh đốn Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Vậy Đảng viên phải đoàn kết.

3. Lòng thương yêu, quý trọng con người: “Tình thương là ngọn lửa hồng trong mùa đông giá lạnh”, quan điểm trên thấm nhuần đạo lý sống “Lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời xưa của ông cha ta. Truyền thống cao cả và tốt đẹp ấy luôn được thế hệ con lạc cháu hồng kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Thế nhưng trong hội nhập quốc tế xã hội ngày càng xô bồ và nhộn nhịp ngày hôm nay, đôi lúc con người ta mải chạy theo những tiện nghi vật chất, phù phiếm xa hoa mà đánh mất đi tình “Người” của mình. Tình yêu thương giữa người với người đã trở thành một lẽ sống đẹp nhưng hiện nay nó đang biến tấu một cách khôn lường có một bộ phận vô cảm trong xã hội chúng ta.

Tình yêu thương là thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý mà con người ta dành cho nhau, nó xuất phát từ chính sự chân thành trong mỗi trái tim. Đó có thể là tình cảm yêu quý, gắn bó, vị tha, nhân ái, tương trợ… được vun đắp trong một thời gian dài; cũng có thể là niềm thương cảm chợt trào dâng trong một hoàn cảnh nào đó. Tình yêu thương được biểu hiện cụ thể bằng sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, không vô cảm, thờ ơ, dửng dưng trước nỗi đau đồng loại.

Từ xưa, ông bà ta luôn sống ấm áp trong mối nghĩa tình keo sơn mỗi khi “tối lửa tắt đèn”. Có yêu thương nhau, họ mới cảm thấy xót xa khi nhìn thấy đồng bào mình đang đau đớn trong xiềng xích, gông cùm; có yêu thương nhau, dân tộc ta mới phát huy cao độ tình đoàn kết, tương thân tương ái để băng qua cánh rừng Trường Sơn với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu” trong những ngày mưa bom bão đạn. Và có yêu thương nhau, những món quà chứa đựng bao tấm lòng cao cả mới được chuyển đến tận tay người dân đang ngày đêm đối mặt với thảm họa của thiên tai. Vậy Đảng viên phải yêu thương và quý trọng con người.

Hiện nay quá trình toàn cầu hóa rất nhanh, với chủ trương “Hội nhập chứ không hòa nhập”, nhiệm vụ của chúng ta phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi một đảng viên là một cầu nối đến với nhân dân, người lao động, thực hiện đầy đủ chủ trương xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng ngay tại cơ quan, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm hợp quy trình, quy chuẩn, nhằm góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Văn Hải - Chi bộ Phân Xưởng Cơ Điện

Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam

.
.
.
.