Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021:
Mỗi cán bộ, đảng viên VNPT Net phải là hạt nhân tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số
Thứ Hai, 27/09/2021|15:23
Gần 2 năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tới mọi mặt của đất nước và cuộc sống của người dân. Bên cạnh công tác phòng chống dịch, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Làn sóng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm gia tăng áp lực phải chuyển đổi nhanh sang các dịch vụ số ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Đây cũng là bài toán đặt ra cho Đảng bộ Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT Net) trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển hạ tầng số và triển khai các dịch vụ số.
Đài vệ tinh Bình Dương. |
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Chuyển đổi số (CĐS) đã và đang là trào lưu mạnh mẽ của thời đại, mang đến nhiều thành công cho các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển. CĐS góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, cũng như đời sống văn hóa – xã hội. Do đó, CĐS đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, cũng là những thách thức, yêu cầu mới. Ở nước ta, CĐS là một nội dung quan trọng được Đại hội XIII của Đảng đề ra trong phương hướng, nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng...
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2025 (kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao); đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước - trở thành nước phát triển có thu nhập cao). Để thực hiện được mục tiêu đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiều nhóm giải pháp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, trong lĩnh vực CĐS, Nghị quyết Đại hội xác định: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Đại hội cũng khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, CĐS là một trong ba trụ cột thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.
Để cụ thể hoá các nội dung của CĐS theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 07/6/2021, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” - đây cũng là một trong Đảng bộ trực thuộc Trung ương đầu tiên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các tổ chức đảng trực thuộc quán triệt và thực hiện.
Về quan điểm chỉ đạo, một lần nữa Đảng bộ Khối xác định cơ hội và xu thế tất yếu của CĐS, là cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội; đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương, là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. CĐS trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là người đứng đầu ở các cấp đóng vai trò quan trọng đảm bảo thành công của quá trình chuyển đổi số. Mỗi doanh nghiệp, đơn vị cần xác định sớm lộ trình, bước đi phù hợp và tận dụng tối đa cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Nghị quyết 02 đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Về CĐS đối với nhóm ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (trong đó có VNPT), Nghị quyết xác định: Phát triển Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thành doanh nghiệp công nghệ số có năng lực vươn tầm khu vực và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. VNPT chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án thực hiện chia sẻ thông tin dữ liệu các đơn vị trong Khối nhằm khai thác dữ liệu dùng chung để phục vụ khách hàng tốt hơn, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp. Phát triển ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu với các hệ thống thông tin quốc gia, kết nối giữa các doanh nghiệp trong Khối theo nhu cầu.
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, ngày 14/7/2021, Đảng bộ Tập đoàn VNPT đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐUTĐ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng thực hiện vai trò dẫn dắt của Tập đoàn trong chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Với vai trò là Tập đoàn kinh tế - kỹ thuật chủ lực, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn xác định: VNPT sớm trở thành doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu, dẫn dắt quá trình thực hiện Chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi Tập đoàn phát triển thành doanh nghiệp công nghệ số đảm nhiệm sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động sản xuất đồng thời đổi mới, sáng tạo các dịch vụ nền tảng số, sản phẩm dịch vụ và mô hình kinh doanh mới trong đó lấy công nghệ 4.0 làm nòng cốt nhằm đóng góp tích cực cho tăng trưởng giá trị Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Đảng bộ Tập đoàn đặt mục tiêu hướng tới: VNPT trong top 10 doanh nghiệp viễn thông dẫn đầu chuyển đổi số tại ASEAN và top 5 tại thị trường Việt Nam, có năng lực vươn tầm châu lục và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. Ứng dụng các công nghệ mới (SDN/NFV, ảo hóa hạ tầng, sử dụng công nghệ điện toán đám mây…) để chuyển đổi mô hình mạng hướng tới việc cung cấp hạ tầng số phục vụ việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia cũng như cung cấp dịch vụ số tới hộ gia đình. Trong đó, cung cấp internet băng thông rộng đến 100% các xã: Mở rộng mạng băng rộng cố định FTTx tới 10 triệu thuê bao. Mở rộng vùng phủ 4G đến 98% dân cư, phủ sóng 5G 85% dân cư đến năm 2025; cung cấp hệ sinh thái Cloud hàng đầu, chiếm 20% - 25% thị phần. Đến năm 2025, triển khai tối thiểu 10 nền tảng công nghệ thông tin quy mô cấp quốc gia, 05 cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Thỏa thuận hợp tác (về chuyển đổi số, viễn thông và CNTT) với 63 tỉnh, thành phố; triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh toàn diện tối thiểu 35 tỉnh, thành phố. Cung cấp sản phẩm dịch vụ, nền tảng đóng góp hình thành 50.000 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số, ứng dụng thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt với khả năng cung cấp dịch vụ cho 50 triệu khách hàng, 60 triệu kết nối IoT và 10 triệu tài khoản thanh toán VNPT Pay…
VNPT Net phát huy vai trò chủ lực xây dựng cơ sở hạ tầng số
VNPT đã thực hiện thành công số hoá toàn mạng lưới trong những năm đầu đổi mới và tạo nên những kỳ tích của Viễn thông Việt Nam. Sau hơn 30 năm, một lần nữa, VNPT đặt mục tiêu thực hiện “chuyển đổi số”, “số hoá” toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp và cao hơn nữa là trở thành doanh nghiệp chủ lực của chuyển đổi số quốc gia.
Hầu hết cơ sở hạ tầng mạng lưới của VNPT hiện do VNPT Net phát triển, quản trị và khai thác. Trước những yêu cầu của chuyển đổi số, từ đầu năm 2019, VNPT Net đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc làm Trưởng ban, đã tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình chuyển đổi số, trước mắt tập trung cho các bài toán quản trị, vận hành, khai thác mạng lưới, tối ưu hoá chi phí, các nhiệm vụ được Tập đoàn giao cho. Các vấn đề trọng tâm trong chiến lược Chuyển đổi số đều đã được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy VNPT Net xem xét thấu đáo để lựa chọn bước đi nhanh và phù hợp trong điều kiện thực tế của Tổng công ty.
Ngày 29/10/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ VNPT Net đã ban hành Nghị quyết số 126-NQ/ĐUVNPT Net về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Chiến lược Chuyển đổi số. VNPT Net tập trung triển khai trọng tâm vào 4 lĩnh vực: Doanh nghiệp số (Digital Enterprise), Vận hành số (Digital Oprerations), Khách hàng số (Digital Customer) và Công nghệ (Technology). Làm chủ và số hóa toàn bộ tài nguyên, thiết bị hạ tầng mạng. Số hóa các quy trình công việc chi tiết tới từng người lao động, từng đối tượng hạ tầng mạng; vận hành mạng lưới theo dẫn dắt bởi chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tự động hoá các quy trình khai thác; phát triển nâng cao năng lực mạng lưới gắn chặt chẽ với hoạt động kinh doanh theo địa bàn đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Qua gần 01 năm triển khai Nghị quyết 126-NQ/ĐUVNPT Net, các chương trình chuyển đổi số của VNPT Net đã đạt được những kết quả bước đầu, một số dự án đã được áp dụng trong quản trị, điều hành mạng lưới. Cùng với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 126-NQ/ĐUVNPT Net, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 01-NQ/ĐUTĐ, ngày 14/7/2021 của Đảng bộ Tập đoàn, Đảng bộ VNPT Net đã và đang cập nhật, hoàn thiện chương trình hành động, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện thời gian tới.
Đảng bộ VNPT Net hiện có 1.338 đảng viên, chiếm 46,5% tổng số cán bộ công nhân viên và đang thực hiện các khâu công việc ở tất cả các đầu mối công tác của Tổng công ty trên toàn quốc. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng và thuận lợi để Đảng bộ VNPT Net tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các vấn đề mới và phức tạp như chuyển đổi số. Bên cạnh đó, những khó khăn mà VNPT Net đối diện cũng không nhỏ, đó là số lượng nhân sự công nghệ thông tin còn ít, kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi phải cân đối cho nhiều dự án phát triển. Đứng trước các vấn đề thực tiễn đó, đòi hỏi Đảng bộ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo để sớm đạt được mục tiêu đã đề ra: Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết, cập nhật chương trình hành động về chuyển đổi số; chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách điều hành, hỗ trợ phát triển; giao trách nhiệm cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ và tới từng đảng viên thuộc các chi bộ trong việc thực hiện các chương trình chuyển đổi số; đưa các chương trình, dự án chuyển đổi số vào các chương trình kiểm tra giám sát định kỳ, đột xuất; xây dựng các tiêu chí đánh giá thực hiện chuyển đổi số trong việc đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên cuối năm…
Ngay trong tháng 9/2021, VNPT Net sẽ thành lập Trung tâm Chuyển đổi số. Đây là đơn vị tập trung các chuyên gia, các nhân sự có năng lực, kinh nghiệm về công nghệ, kỹ thuật và nghiệp vụ, thực hiện các chương trình chuyển đổi số. Đảng bộ sẽ có sự phân công và theo sát mọi hoạt động để Trung tâm sớm kiện toàn tổ chức, nhân sự và tiếp nhận, thực hiện các chương trình, dự án chuyển đổi số từ các đầu mối, đồng thời hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 và các năm tiếp theo.
Thực tế gần 2 năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, cơ sở hạ tầng mạng lưới của VNPT/VNPT Net đáp ứng với chất lượng tốt trước sự gia tăng mạnh mẽ của các dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử, các phương thức thông tin mới… càng khẳng định vai trò, sự cần thiết của hạ tầng số và cần phải đi nhanh, đi trước một bước trước nhu cầu phát triển của toàn xã hội.
Chuyển đổi số không cho phép chần chừ, do dự, mà phải quyết liệt nắm bắt những yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra, có sự tiếp nhận, xử lý công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Có như vậy, mới đem lại sự đổi thay, một diện dạo mới trong công việc và cho VNPT Net. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên VNPT Net phải là hạt nhân tiên phong trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần mỗi người phải luôn đổi mới sáng tạo đi đôi với chủ động, quyết liệt trước nhiệm vụ được giao. Chuyển đổi số đang hàng ngày, hàng giờ làm thay đổi năng suất lao động và sức cạnh tranh, nếu mỗi hạt nhân không có những tố chất trên, không vượt lên chính mình thì khó có thể thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt.
Bên cạnh đó, Đảng bộ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác tuyên giáo, truyền thông để mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về chuyển đổi số, thời cơ và những thách thức, kinh nghiệm và những bài học từ các quá trình triển khai. Trong đó, cần làm mới nội hàm những bài học kinh nghiệm của lịch sử 76 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Bưu Điện (3 lần đổi mới công nghệ; 2 giai đoạn tăng tốc độ phát triển; thành công, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới…) vẫn còn nguyên giá trị để VNPT/VNPT Net thêm vững bước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt của Tập đoàn trong Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025./.
Đặng Anh Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hạ tầng mạng
.