Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021
NGHỊ QUYẾT 01 CỦA ĐẢNG UỶ AGRIBANK - BẮT NHỊP TƯ DUY 4.0
Với mục tiêu tận dụng có hiệu quả cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, xây dựng Agribank thành ngân hàng hiện đại, hàng đầu về bán lẻ tại Việt Nam, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 15/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Agribank đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại". Những kết quả đạt được trên cơ sở kế thừa quá trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ số những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 với những tác động mạnh mẽ tới yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thời gian qua đã khẳng định sự bắt nhịp kịp thời của Agribank với dòng chảy “thời đại 4.0” theo đúng định hướng Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bắt nhịp tư duy 4.0
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, kinh tế số phát triển với tốc độ hết sức nhanh chóng, công nghệ số đang trở thành xu hướng giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, tài chính và tín dụng. Làn sóng Fintech đang tạo ra sự thay đổi lớn đối với hành vi người tiêu dùng, đồng thời chuyển đổi phương pháp tiếp cận người dùng từ môi trường truyền thống sang môi trường điện tử. Trong tương lai gần, các ứng dụng công nghệ không dừng lại ở tự động hoá các dịch vụ thanh toán, mà sẽ sớm tự động hoá các dịch vụ tín dụng, đặc biệt là dịch vụ tín dụng tiêu dùng cá nhân và dịch vụ bảo hiểm, tạo sức ép cạnh tranh gay gắt đối với dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Nắm bắt xu hướng đó, thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, ban hành theo Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về triển khai thực hiện Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X, nhiệm kỳ 2020- 2025, với mục tiêu tiếp tục xây dựng Agribank hiện đại và hội nhập, hướng tới ngân hàng số và căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Agribank đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại".
Trong những năm qua, Agribank đã tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án chiến lược về công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2016-2020, ưu tiên đầu tư các Dự án công nghệ nhằm tăng cường hệ thống máy chủ và cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng, tăng cường an ninh bảo mật, đảm bảo cho các hệ thống CNTT luôn hoạt động ổn định, an toàn; phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ yêu cầu quản trị điều hành và phát triển dịch vụ sản phẩm mới, kênh phân phối mới, như hệ thống thanh toán hoá đơn, hệ thống Internet Banking, hệ thống thu ngân sách nhà nước, hệ thống kiều hối tập trung, hệ thống thanh toán biên mậu...
Tuy nhiên, tiến độ triển khai các giải pháp phục vụ yêu cầu quản trị ngân hàng theo mô hình hiện đại chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các Modul quản trị rủi ro toàn diện, quản lý tài sản Nợ - Có và chức năng Điều chuyển vốn nội bộ, Quản lý quan hệ khách hàng, Kho dữ liệu và công cụ phân tích thông minh... Hệ thống Corebanking quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, gây tác động tiêu cực đến uy tín, thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Cơ cấu nhân sự và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống công nghệ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong bối cảnh tình hình tội phạm công nghệ diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có biện pháp đối phó kịp thời, chủ động…
Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là do nhận thức chưa đồng đều ở mọi cấp, mọi vị trí lãnh đạo và mọi đơn vị nghiệp vụ tại Trụ sở chính về nguy cơ tụt hậu của Agribank trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Do đó, Nghị quyết về “Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại" được xác định là Nghị quyết của đổi mới tư duy. Nghị quyết mang số 01-NQ/ĐU-NHNo cũng được kỳ vọng sẽ là nhiệm vụ số 1, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn bộ hệ thống, hướng tới mục tiêu xây dựng Agribank thành ngân hàng hiện đại, hàng đầu về bán lẻ tại Việt Nam.
Trên cơ sở Nghị quyết, Hội đồng thành viên Agribank cũng đã ban hành Kế hoạch hành động (Quyết định số 30/QĐ-HĐTV-TTT ngày 19/01/2021) với mục tiêu cụ thể hóa các giải pháp nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của Agribank; xây dựng cơ chế chính sách, quản lý thúc đẩy chuyển đổi số Agribank, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng số, công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp đến khách hàng, đối tác; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn hệ thống Agribank đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.
Khi con người là nhân tố quyết định
Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, Đảng ủy Agribank lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai trong toàn hệ thống các nghị quyết, kết luận, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về thực hiện chuyển đổi số, trong đó tăng cường truyền thông nội bộ trên cơ sở bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số; động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Agribank và ngành Ngân hàng.
Là một trong những đơn vị then chốt thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, đưa Agribank trở thành ngân hàng hiện đại và hội nhập, Trung tâm Công nghệ Thông tin Agribank đã nhanh chóng xác định thực hiện Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại" là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.
Để quản trị vận hành hệ thống CNTT lớn như của Agribank, Trung tâm CNTT đã chủ động tổ chức thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp để quản trị và vận hành an toàn các hệ thống, trong đó chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tại Trụ sở chính và các chi nhánh trong toàn hệ thống tổ chức quản trị và vận hành an toàn các hệ thống ứng dụng, hệ thống máy chủ, backup, các hệ thống an ninh, hệ thống cơ sở hạ tầng, trung tâm dữ liệu, mạng… đảm bảo các hệ thống luôn luôn hoạt động ổn định, thông suốt, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Xác định con người là yếu tố quan trọng, đồng thời quán triệt một trong những giải pháp đặt ra trong Nghị quyết về “Tăng cường đổi mới khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu ngân hàng số, đáp ứng yêu cầu quản trị ngân hàng hiện đại" của Ban Chấp hành Đảng bộ Agribank là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm chủ công nghệ; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ gắn với hoạt động ngân hàng số, kinh tế số, công tác tổ chức cán bộ và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được Trung tâm Công nghệ Thông tin đặc biệt coi trọng.
Riêng trong năm 2020, Trung tâm Công nghệ Thông tin đã tổ chức nhiều lớp đào tạo về kỹ thuật cho cán bộ để nâng cao trình độ nguồn nhân lực: mạng truyền thông, an ninh hệ thống, cơ sở dữ liệu, trung tâm dữ liệu…; đào tạo về quản lý và triển khai dự án, đào tạo trong phạm vi các dự án triển khai; cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo chuyên đề của Agribank; thực hiện cho 1.219 lượt cán bộ tham gia đào tạo về công nghệ, đào tạo về nghiệp vụ các loại với tổng số lớp học là 36 lớp, tổng số ngày đào tạo là 3.243 ngày. Trung tâm cũng thường xuyên cử cán bộ tham dự nhiều hội thảo về công nghệ mới có tiềm năng ứng dụng đem lại hiệu quả cho Agribank.
Trung tâm đã triển khai đánh giá, quản lý chất lượng lao động, quản lý công việc gắn với chi trả lương theo kết quả công việc, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, chính sách cho người lao động... Nhờ đó, tác phong, thái độ làm việc chuyên nghiệp hơn, người lao động được đánh giá, trả lương theo hiệu quả công việc, trình độ ngoại ngữ được nâng lên, người lao động yên tâm công tác, gắn bó với Agribank.
Bên cạnh đó, Trung tâm Công nghệ Thông tin đã tổ chức thực hiện nhiều công việc nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Cụ thể thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; quan tâm, chăm lo đến đời sống, điều kiện làm việc của đoàn viên, người lao động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động về điều kiện làm việc, tính chất công việc để từ đó có các đề xuất, kiến nghị với chuyên môn nhằm tạo điều kiện tốt nhất có thể cho đoàn viên, người lao động.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết 01, Agribank ưu tiên chiến lược về phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thích ứng với bối cảnh công nghệ 4.0 tại Agribank; tiếp tục tuyển dụng bổ sung nhân sự công nghệ thông tin trình độ cao, tuổi đời trẻ, đồng thời xây dựng lực lượng cán bộ kế cận, bổ sung nguồn nhân lực để tập trung triển khai các dự án công nghệ.
Cùng với đó, Agribank cũng có cơ chế đặc thù về thu nhập, tiền lương trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm thu hút và giữ chân cán bộ giỏi, tạo điều kiện để cán bộ yên tâm công tác, duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ lâu dài cho Agribank; Khen thưởng, động viên kịp thời các sáng kiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của Agribank, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; Tạo điều kiện để cán bộ công nghệ thông tin được nghiên cứu, đào tạo về các công nghệ mới; cho phép đầu tư nghiên cứu, triển khai thí điểm các công nghệ mới, sản phẩm mới.
Hòa nhập dòng chảy công nghệ
Trên cơ sở phát huy nền tảng từ thực hiện Đề án chiến lược về CNTT giai đoạn 2016-2020, Agribank luôn chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các công nghệ mới để tăng trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Agribank đã tập trung toàn bộ các cơ sở dữ liệu của ngân hàng (hệ thống Core Banking, hệ thống MIS, hệ thống phát hành và thanh toán thẻ chip theo chuẩn EMV, hệ thống E-Banking, các hệ thống ngoài Core Banking), chủ động nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu tập trung để đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng phân tích dữ liệu lớn theo các chuyên đề khác nhau, phục vụ cho công tác quản trị điều hành, dự đoán, dự báo, đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt nhất với tính cá nhân hóa cao.
Agribank đồng thời triển khai nhiều giải pháp tăng cường an toàn thông tin như: Hệ thống PKI (Public key infrastructure), hệ thống điều hành an toàn thông tin (SOC – Security Operation Center), giải pháp mật khẩu một lần (OTP – One Time Password) bảo mật cho các ứng dụng, hệ thống AD/Antivirus, hệ thống bảo mật cho các thiết bị điểm cuối, phối hợp với các cơ quan cảnh báo an ninh mạng đảm bảo an ninh an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin.
Năm 2021, Agribank phát triển thành công hệ thống Realtime Payments được sử dụng thiết bị bảo mật tiên tiến, ổn định, có khả năng xử lý lượng giao dịch lớn, chịu tải hàng đầu, ổn định, tính sẵn sàng cao, đảm bảo thời gian xử lý giao dịch thanh toán đến nhanh nhất trong hệ thống ngân hàng. Sản phẩm Realtime Payments đã đạt giải thưởng Sao Khuê 2021 cho Hệ thống CNTT xuất sắc trong lĩnh vực ngân hàng.
Đến nay, 6 năm liên tiếp Agribank có phần mềm/hệ thống xuất sắc đạt giải thưởng Sao Khuê trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này đã khẳng định vai trò tiên phong của Agribank trong việc triển khai các giải pháp số, chung sức thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, đưa công nghệ số là động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Mới đây, Agribank đã triển khai thành công dịch vụ thanh toán biên giới Việt Nam - Trung Quốc qua hệ thống Internet Banking (hệ thống CBPS), sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc tự động hóa giao dịch chuyển tiền biên giới, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng thêm tiện ích cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ đồng thời đánh dấu nỗ lực của Agribank trong quá trình chuyển mình hội nhập với xu thế kinh tế số và đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng.
Ứng dụng CNTT vào dịch vụ ngân hàng, Agribank triển khai thử nghiệm dịch vụ ngân hàng lưu động từ cuối năm 2017 và chính thức từ năm 2018 đến nay. Đây là mô hình hiệu quả trong việc đưa dịch vụ ngân hàng tài chính hiện đại đến người dân, đặc biệt người dân vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn và chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng.
Tính đến 31/08/2021, Agribank đã triển khai được 68 điểm giao dịch lưu động tại 66 chi nhánh, 454 xã với trên 1,6 triệu khách hàng, thực hiện được 17.747 phiên giao dịch, trong đó giải ngân đạt 6.460 tỷ đồng, thu nợ đạt 7.132 tỷ đồng, huy động tiết kiệm đạt 3.967 tỷ đồng. Dịch vụ ngân hàng lưu động của Agribank đã và đang đến với nhiều người dân khắp mọi vùng miền, vùng sâu vùng xa, đó là một trong những nỗ lực của Agribank trong việc hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và bắt nhịp sự phát triển của nền kinh tế số.
Để tăng cường mức độ cạnh tranh trong xu thế số hóa, Agribank tăng cường hoạt động liên kết hợp tác, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác, công ty FinTech như VNPay, Momo, BankPlus, Payoo, SamsungPay… nhằm tận dụng mô hình kinh doanh tinh gọn, hướng tới trải nghiệm khách hàng và sự đổi mới, sáng tạo của FinTech. Để đáp ứng nhu cầu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế, Agribank đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác để phát triển dịch vụ E-banking, thu hộ, chi hộ như dịch vụ chi trả tiền vào tài khoản cho tài xế của Công ty VATO.EC, dịch vụ thanh toán hóa đơn truyền hình MobiTV trên E- Mobile Banking; liên kết ví điện tử ZaloPay, SenPay; dịch vụ thu hộ với công ty TNHH thương mại ACS Việt Nam và Tổng công ty truyền thông VNPT-Media…; đồng thời triển khai thí điểm mở rộng lắp đặt máy bán hàng tự động thanh toán bằng mã QR, hợp tác thu hộ, chi hộ ví điện tử TrueMoney… Đến nay, Agribank đã liên kết, hợp tác công nghệ để cùng khai thác dịch vụ với 12 tổ chức trung gian thanh toán, 1300 nhà cung cấp để cung cấp các dịch vụ về Mobile Banking, ví điện tử, thu/chi hộ.
Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ thẻ, Agribank đã triển khai thêm nhiều sản phẩm, chức năng tiện ích mới phù hợp với CMCN 4.0, như: thanh toán bằng QR Code, Samsung Pay, thanh toán thẻ không tiếp xúc - công nghệ mới nhằm tối ưu hóa tiện ích, gia tăng tính bảo mật và rút ngắn thời gian giao dịch cho chủ thẻ. Trong lĩnh vực thẻ, từ 20/5/2020, Agribank đã chính thức phát hành rộng rãi trong toàn hệ thống thẻ chip nội địa không tiếp xúc chuẩn VCCS. Tại các cây ATM/CDM/POS của Agribank đã hoàn thành cập nhật tính năng chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa, quốc tế, không tiếp xúc.
Bên cạnh đó, Agribank đã triển khai nhiều sản phẩm tiện ích mới trong lĩnh vực thẻ, gồm: Triển khai mở rộng chức năng rút tiền bằng mã; mở rộng dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ không tiếp xúc thương hiệu Visa tại POS Agribank trong toàn hệ thống; triển khai thí điểm thành công nghiệp vụ phát hành thẻ trả trước vô danh; hoàn thành triển khai thí điểm dịch vụ tiền gửi trực tuyến tại CDM; cung cấp dịch vụ bảo hiểm dành cho chủ thẻ quốc tế với nhiều cải tiến trong thông báo chủ thẻ; chứng nhận bảo hiểm; thực hiện triển khai thí điểm sản phẩm thẻ liên kết bệnh viện; triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn… Đồng thời, Agribank trang bị POS miễn phí cho các tổ chức, cá nhân cung ứng hàng hóa, dịch vụ hợp pháp đáp ứng đủ các điều kiện. Tính đến 30/09/2021, Agribank có gần 15,3 triệu thẻ đang hoạt động, chiếm 13% về số lượng thẻ đang lưu hành. Số lượng ATM đạt 3324 máy, chiếm 17% thị phần ATM và 25.856 máy POS chiếm 14% thị phần POS.
Trước xu hướng toàn cầu hóa, phổ cập tài chính toàn diện và đặc biệt là sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, Agribank sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối, hướng tới mô hình ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời đại kinh tế số.
Trong thời gian tới, Agribank tập trung vào hoàn thành xây dựng và triển khai Đề án chiến lược phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, để chủ động nắm bắt cơ hội, ứng dụng nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động kinh doanh, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện kết hợp với các đơn vị tư vấn, các đối tác tập trung nghiên cứu, cập nhật, đánh giá khả năng ứng dụng, tổ chức đào tạo, triển khai ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: Xây dựng lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số (digital transformation); cập nhật mô hình hoạt động công nghệ thông tin (quản trị công nghệ thông tin, tổ chức công nghệ thông tin, quy trình công nghệ thông tin, kiến trúc công nghệ thông tin); ứng dụng rộng rãi mô hình điện toán đám mây, kiến trúc hướng dịch vụ, trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh; quan tâm đầu tư đặc biệt cho an ninh mạng; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, kỹ năng phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của các xu hướng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0./.
Sản phẩm Realtime Payments của Agribank đã đạt giải thưởng Sao Khuê 2021 cho Hệ thống CNTT xuất sắc trong lĩnh vực ngân hàng. Đến nay, 6 năm liên tiếp, Agribank có phần mềm/hệ thống xuất sắc đạt giải thưởng Sao Khuê trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này đã khẳng định vai trò tiên phong của Agribank trong việc triển khai các giải pháp số, chung sức thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, đưa công nghệ số là động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. |
Cù Anh Tuấn