.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Rèn luyện phong cách lãnh đạo của cán bộ quản lý, đảng viên tại cơ sở trong giai đoạn hiện nay

Thứ Năm, 04/11/2021|10:23

Phong cách - theo cách hiểu chung hiện nay là sự thể hiện tư tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống ra bên ngoài qua các hoạt động xã hội của cá nhân. Theo nghĩa đó, xây dựng phong cách chuẩn mực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở là việc làm quan trọng, cần thiết, mang tính căn bản lâu dài, nhất là trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tập thể Cấp ủy, Ban Giám đốc và đảng viên BIDV Gia Định
Tập thể cấp ủy, Ban Giám đốc và đảng viên BIDV Gia Định.

Nhiều năm qua, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, thực hiện chuẩn mực về phong cách, đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đối với cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, “Hồng và Chuyên” vẫn là tiêu chí quan trọng, xuyên suốt các hoạt động xã hội của mỗi người, có tác động, quyết định trực tiếp tới sự thành bại đối với mỗi cơ sở, mỗi đơn vị trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Thực tế đã chứng minh, qua phong cách, vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, nếu làm tốt không chỉ xây dựng đơn vị, cơ quan vững mạnh còn góp phần tích cực trong việc củng cố, phát triển mối quan hệ đoàn kết toàn dân, làm tăng uy tín của Đảng, chính quyền, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ trước nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ở lãnh đạo cấp phường, xã, tổ dân phố; ở đội ngũ y bác sỹ không quản ngại gian khổ và cả hy sinh thân mình vì dân chống dịch và được nhân dân tin yêu, mến phục. Ngược lại, vai trò cá nhân, phong cách lãnh đạo, quản lý yếu kém của người đứng đầu sẽ làm tổn hại đến uy tín cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, bên cạnh những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, mặt trái của nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế… cũng đã bộc lộ nhiều tiêu cực, yếu kém, trong đó có công tác xây dựng, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Do buông lỏng công tác quản lý, tạo nguồn, chạy theo bằng cấp, chức quyền, thiếu kiểm tra, giám sát, thực hiện chuẩn mực đạo đức thiếu đồng bộ, chưa tiến hành thường xuyên, liên tục cùng sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng… một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, người có chức, có quyền ở cấp Trung ương và địa phương, trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và ở các ban ngành khác đã bị khởi tố, truy tố, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng, vi phạm đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin, gây hoang mang, bức xúc với quần chúng đã và đang bị xử lý là những ví dụ, chưa kể nhiều tiêu cực bè phái, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cá nhân”, “tham nhũng vặt” nơi này, nơi kia vẫn đang còn tồn tại, cần làm rõ, đem lại niềm tin cho cán bộ đảng viên và quần chúng.

Tất cả các vụ án thời gian vừa qua đã trở thành bài học kinh nghiệm xương máu về công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng, đó là: Xây dựng đội ngũ cán bộ đặc biệt là cán bộ lãnh đạo có đủ đức, đủ tài; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, giám sát, đánh giá và quản lý cán bộ.

Qua thực trạng một số mặt tích cực và cả những tiêu cực, yếu kém liên quan đến phong cách lãnh đạo, quản lý ở cơ sở đã và đang diễn ra hiện nay, bản thân tôi nhận thức cần có một số giải pháp như sau:

Một là, cần thường xuyên học tập, tìm hiểu, nghiên cứu đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để vận dụng vào đổi mới phong cách lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh tình hình hiện nay. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung Ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hai là, Tăng cường giáo dục, học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Các tri thức về khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý hiện đại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

Ba là, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Bồi dưỡng ý chí, nghị lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý tránh những cám dỗ, tiêu cực. Thực hiện giám sát, kiểm tra, ngăn chặn tiêu cực; Đồng thời có khen thưởng động viên kịp thời người có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị.

Là đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý tại một đơn vị BIDV trên địa bàn TPHCM, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cũng như trong thời đại khoa học công nghệ 4.0 và tình hình hoạt động kinh doanh của chi nhánh, Tôi nhận thấy giải pháp xuyên suốt đó là xác định vai trò của người đứng đầu, thể hiện tính nêu gương, bản lĩnh của người lãnh đạo quản lý khi đứng trước những quyết định, thời khắc quan trọng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường mối quan hệ đoàn kết nội bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín, thương hiệu đối với khách hàng; không ngừng học tập, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, góp phần xây dựng chi nhánh, Đảng bộ cơ sở và BIDV nói chung vững mạnh toàn diện.

ĐỒNG ANH ĐỨC (Đảng bộ BIDV)

.
.
.
.