Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:
BIDV- Chuyển đổi số và những nỗ lực không ngừng nghỉ
Chuyển đổi số là một thuật ngữ đã xuất hiện rất lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam, khái niệm này mới chỉ xuất hiện trong một vài năm trở lại đây với nhiều cách hiểu khác nhau. Theo trang Tech Republic- Tạp chí trực tuyến, cộng đồng xã hội dành cho chuyên gia công nghệ thông tin, khái niệm chuyển đổi số 4.0 là “cách sử dụng công nghệ để thực hiện lại quy trình sao cho hiệu quả hơn”. Mặt khác Microsoft lại cho rằng: “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra các giá trị mới”. Còn trong lĩnh vực ngân hàng, theo Lugovsky (2021): “chuyển đổi số trong ngân hàng là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và hoạt động kinh doanh thông qua công nghệ.
Theo nghĩa cơ bản nhất, chuyển đổi số là sự chuyển đổi sang các dịch vụ khách hàng số thông qua môi trường Internet. Theo nghĩa rộng hơn, chuyển đổi số là sự cải tiến trong nhiều lĩnh vực liên quan đến dịch vụ cung cấp, tự động hóa quy trình, trải nghiệm khách hàng, tích hợp dữ liệu, tính linh hoạt của tổ chức và hoạt động bán hàng. Thông qua việc chuyển đổi này, ngân hàng bắt đầu cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số đến khách hàng một cách toàn diện, giảm thiểu tương tác trực tiếp với khách hàng và giới thiệu các sản phẩm công nghệ thông tin ngân hàng đến khách hàng. Khi đó, các ngân hàng đang trở thành các công ty công nghệ theo cách riêng của họ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận tiếp thị và công nghệ thông tin trong ngân hàng sẽ tạo ra cơ hội cho việc cung cấp các sản phẩm kỹ thuật số của ngân hàng”.
Số hóa trong hoạt động ngân hàng sẽ đem đến cho khách hàng rất nhiều giá trị: tăng cường chất lượng vận hành, năng lực tự phục vụ, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, tăng cường an toàn bảo mật thông tin và giảm thiểu chi phí dịch vụ, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Với các ngân hàng thương mại, xác định chuyển đối số là xu hướng tất yếu, nhiều ngân hàng thương mại đã xem việc phát triển mô hình ngân hàng số là mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp.
Cùng hướng ứng theo xu hướng tất yếu của chuyển đổi số quốc gia, ngày 28/05/2021 Đảng ủy Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ban hành Nghị Quyết số 04-NQ/TV về lãnh đạo triển khai chiến lược chuyển đổi số của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. BIDV cũng đã tổ chức thành công Lễ phát động Chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi để dẫn đầu”. Đây là một bước đi dài và mạnh mẽ của BIDV trong quá trình nỗ lực chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
Đồng chí Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV, nhấn mạnh: “Chuyển đổi số tại BIDV không chỉ giới hạn ở việc số hóa dữ liệu giao dịch mà thông qua đó phải tập trung nâng cao trải nghiệm của khách hàng. BIDV phải đặt mình vào vị trí của khách hàng để nắm bắt nhu cầu của khách hàng và cung cấp các trải nghiệm số ưu việt trong hành trình trải nghiệm. Khách hàng phải là trung tâm của mọi quyết định chuyển đổi số của BIDV”.
Với nền khách hàng tốt trong đó có hơn 50% khách hàng cá nhân có độ tuổi từ 35 trở xuống là những khách hàng tiềm năng dễ tiếp cận và làm quen với công nghệ mới. Tháng 3/2021, BIDV đã cho ra mắt dịch vụ Ngân hàng số hoàn toàn mới SmartBanking trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây tạo sự trải nghiệm đồng nhất và liền mạch cho khách hàng (omni-channel). Tính năng định danh điện tử khách hàng (eKyc) trên Smartbanking góp phần mở ra xu hướng giao dịch ngân hàng số khép kín 100%, giúp khách hàng có thể đăng ký mở mới tài khoản trực tuyến và giao dịch ngay trên Smartbanking thế hệ mới mọi nơi, mọi lúc mà không mất thời gian tới quầy giao dịch của ngân hàng. Với trên 2.400 loại hình dịch vụ thanh toán của 1.200 nhà cung cấp dịch vụ kết nối với BIDV đã tạo ra một hệ sinh thái đa dạng đáp ứng gần như toàn bộ các nhu cầu đời sống hàng ngày của khách hàng. BIDV cũng đã triển khai mô hình Marketplace kết nối khách hàng BIDV với thị trường địa ốc thông qua ứng dụng BIDV Home, khách hàng tìm kiếm dự án bất động sản và vay mua nhà dễ dàng thông qua thiết bị di động. BIDV Home tiến tới đáp ứng cả nhu cầu tài chính và phi tài chính cho khách hàng.
Mặt khác đối với khách hàng doanh nghiệp, BIDV đã triển khai nhiều sản phẩm và tiện ích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số hóa của doanh nghiệp như: Quản lý dòng tiền; tài khoản định danh (virtual account); kết nối với các nền tảng ERP trên nền tảng Openbank cho phép các doanh nghiệp có thể thực hiện được các dịch vụ ngân hàng ngay trên các nền tảng quản trị doanh nghiệp của mình; triển khai chương trình tư vấn tự động sản phẩm kinh doanh vốn và tiền tệ, tài trợ thương mại, mua bán ngoại hối và chuyển tiền quốc tế…
Với tầm nhìn đến năm 2030 trở thành ngân hàng số có nền tảng tốt nhất Việt Nam, BIDV đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã có được những kết quả đáng khích lệ trên hành trình chuyển đổi số. Tính đến quý III/2021, các kênh số và tự phục vụ đã chiếm tới 91% tổng giao dịch toàn hàng, đưa tỷ trọng các giao dịch xử lý tại quầy giảm xuống còn 9% (năm 2020 tỷ lệ này là 13%). Số lượng người dùng cá nhân qua kênh mobile (Smartbanking) tăng trưởng 38,69% so với năm 2020, đạt 6,1 triệu khách hàng; số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng kênh số (iBank) tăng 30,53% so với năm 2020, đạt 71.500 khách hàng.
Với những nỗ lực hết mình và những kết quả ấn tượng trong hoạt động chuyển đổi số, BIDV đã được trao giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”; nhiều năm liền nhận giải thưởng “Ngân hàng điện tử tiêu biểu”. Bên cạnh đó, BIDV đã được trao 6 danh hiệu Sao Khuê cho 6 sản phẩm công nghệ xuất sắc, đưa lượng danh hiệu Sao Khuê mà BIDV nhận được từ năm 2011 đến nay lên con số 18. Các giải thưởng này đã khẳng định thương hiệu của BIDV - một ngân hàng thương mại có chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) hàng đầu tại Việt Nam. Đây là những giải thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của BIDV trong thời gian qua và là động lực to lớn để BIDV tiếp tục duy trì, phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 trở thành ngân hàng số có nền tảng tốt nhất Việt Nam.
Đào Thị Tuyết Anh - Trung tâm Tác nghiệp Tài trợ thương mại
Đảng bộ BIDV
Tài liệu tham khảo:
2. https://www.bidv.com.vn/bidv/tin-tuc/tin-ve-bidv/bidv-ngan-hang-chuyen-doi-so-xuat-sac-2021
3. Ts. Nguyễn Thế Bính (2022), Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ. (https://thitruongtaichinhtiente.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-ngan-hang-tai-viet-nam-40329.html)