Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2022:
Chuyển đổi giá trị Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số thời kì hậu Covid
Sau đại dịch Covid, các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ. Cùng với quá trình tái cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự, quy trình vận hành… các giá trị văn hóa doanh nghiệp cốt lõi được các doanh nghiệp định vị lại và chuyển đổi mạnh mẽ cho phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số của đất nước cũng như quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) - nguồn năng lượng nội sinh thực sự trở thành điểm tựa, nền tảng vững chắc và là động lực mới cho quá trình cạnh tranh và phát triển của các doanh nghiệp thời kì “bình thường mới”. Với vai trò chủ đạo, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, kiến tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa doanh nghiệp số, khẳng định được vị thế và sự yêu mến của khách hàng.
Văn hóa doanh nghiêp - động lực mới cho sự phát triển
Văn hóa là khái niệm xuất hiện sớm trong lịch sử, mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau. Ở các nước phương Tây, dù khái niệm VHDN (corporate culture) đã được quan tâm nghiên cứu từ sớm nhưng chỉ mới đi vào lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm ở Mỹ bắt đầu vào những năm 70 của thế kỉ XX. Cùng với sự trỗi dậy thần kì của các nước Đông Á như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… nhu cầu nghiên cứu về VHDN trở thành một nhu cầu tự thân, xem VHDN là chìa khóa vàng, là “lời giải” cho sự trỗi dậy thần kì của nền kinh tế các nước Đông Á cũng như các nền kinh tế mới nổi trên thế giới.
Dưới góc độ văn hóa, VHDN có thể hiểu là bộ gel, là hệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, bao gồm toàn bộ hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần của doanh nghiệp trong quá trình hình thành và phát triển; tạo nên dấu ấn, bản sắc riêng của doanh nghiệp trên thương trường. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, VHDN là “vũ khí”, lợi thế cạnh tranh giúp doanh nghiệp đương đầu và vươn lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hóa. “Một nền văn hóa doanh nghiệp tiến bộ, mang lại lợi ích lâu dài là nền tảng cho sự gia tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh” (Kotter và Heskett, 1992).
Sau 2 năm đại dịch Covid hoành hành làm đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Dịch bệnh Covid và những hệ lụy tàn khốc của nó đã định nghĩa lại nhiều nguyên tắc, giá trị mang tính chất nền tảng của doanh nghiệp và thay đổi các “luật chơi”, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại. Nhiều lực cản, các quan niệm, giá trị truyền thống đã đựơc gỡ bỏ, kèm theo nhiều cơ hội mới được mở ra, các giá trị mới được kiến tạo và lan tỏa. Covid trở thành chất xúc tác đặc biệt, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp và xóa bỏ ranh giới cạnh tranh. Ranh giới cạnh tranh mềm giữa các ngành công nghiệp được thiết lập. Quan trọng hơn, công nghệ kỹ thuật số đang tăng cường sức mạnh cho các mô hình kinh doanh nền tảng (platform), làm thay đổi các mối quan hệ hợp tác và chuỗi cung ứng - đối tác kinh doanh lâu năm có thể trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất nếu họ bắt đầu phục vụ trực tiếp khách hàng của nhau. Nền tảng văn hóa, quản trị, các giá trị… đều được nhìn nhận, định vị lại và chuyển đổi để thích ứng nhanh với sự thay đổi. VHDN từ nền tảng là hệ thống giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tạo ra dấu ấn, bản sắc riêng đã tạo ra lực hướng tâm chung, góp phần xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, hiệu quả; khích lệ quá trình đổi mới sáng tạo của nhân viên, tạo ra nguồn năng lượng nội sinh mạnh mẽ để vượt qua thử thách. Khi đó, VHDN trở thành điểm tựa, nền tảng, động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Định vị giá trị cốt lõi văn hóa doanh nghiệp VNPT thời hậu Covid
Sau 35 năm đổi mới, ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong số các doanh nghiệp ICT Việt Nam, VNPT được đánh giá là nhà cung cấp dịch vụ đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Thông tin - Truyền thông Việt Nam, vừa là Tập đoàn có vai trò chủ đạo trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong mười quốc gia có tốc độ phát triển Viễn thông - CNTT nhanh nhất toàn cầu. Lịch sử hình thành và phát triển của VNPT gắn liền với tên tuổi ngành Bưu Điện và lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, “sinh ra trong cách mạng, lớn lên cùng đất nước”. Đó là một truyền thống hào hùng, vẻ vang được xây đắp bởi mồ hôi và xương máu của hơn 1 vạn anh hùng liệt sỹ ngành Bưu điện đã ngã xuống và được đúc kết thành 10 chữ Vàng truyền thống: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”. Đây là những giá trị ngầm định, sâu sắc, đặc thù trong chiều sâu văn hóa doanh nghiệp VNPT.
Nhìn từ góc độ quốc gia, Việt Nam có một vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á - là đầu mối trung chuyển giữa Ấn Độ dương và Thái Bình Dương. Chính vì thế, kiến tạo một nền tảng mới cho sự phát triển Việt Nam, gắn với mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch, kết nối và trung chuyển của khu vực và thế giới sẽ cho phép Việt Nam có một vị thế phát triển mới. Trong đó, sự chuyển dịch chiến lược phát triển từ các ngành thâm dụng tài nguyên sang thâm dụng lao động và hướng tới là thâm dụng vốn trên nền tảng phát triển của công nghệ, chuyển đổi số là một tiến trình tất yếu. Trong xu thế vận động đó, Tập đoàn VNPT cũng đã xác định cho mình định hướng chiến lược, trở thành Trung tâm giao dịch số (Digital Hub) của khu vực và Châu Á vào năm 2030, đồng nghĩa với việc, cần phải tìm ra mô thức phát triển mới; định hướng lại vùng lợi ích phát triển và xác định được giá trị văn hóa cốt lõi, bản sắc trong xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, khi thị trường viễn thông trở nên bão hòa, tăng trưởng thuê bao, doanh thu trở nên khó khăn thì không còn con đường nào khác, đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông phải chuyển hướng chiến lược.
Từ một doanh nghiệp Viễn thông truyền thống, VNPT đã nhanh chóng chuyển hướng, bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số và bối cảnh hổi phục mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu thời kì hậu Covid. Bản chất của VNPT4.0 là chuyển đổi VNPT thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số dựa trên nền tảng hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực, vận hành bằng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, thành phố thông minh (Smart city)… Trong đó, công nghệ thông tin được xem là “miền đất hứa” để VNPT khai thác, phát triển.
Để định vị và xác lập vị thế của 1 doanh nghiệp ICT chủ lực, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số của quốc gia - là một trong những “cú đấm thép” của nền kinh tế đất nước, VNPT xác định không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đạt đến tầm văn hóa, để mọi dịch vụ của VNPT lan tỏa, hữu ích và thân thiết đối với mỗi người dân. Sản phẩm, dịch vụ (SPDV) của VNPT phải hiện hữu, mặc nhiên tồn tại mọi lúc, mọi nơi và trong mọi nhu cầu; không chỉ trong lĩnh vực thông tin - liên lạc trước đây mà trong vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia hiện nay, phục vụ tất cả nhu cầu thiết yếu của con người và cuộc sống như về: giáo dục, y tế, giải trí, tài chính, truyền thông, quản trị kinh doanh, thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…
Để hiện thực hóa chiến lược chuyển đổi đó, VNPT đang đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ AI, Bigdata, IoT, phát triển các X-Tech như: Fintech (lĩnh vực tài chính), Agritech (Nông nghiệp thông minh), Edutech (giáo dục thông minh) Smart City (thành phố thông minh)… với việc thành lập các trung tâm giải pháp chuyên ngành như Trung tâm giải pháp Chính Phủ điện tử (eGov), Trung tâm giáo dục điện tử (eEdu), Trung tâm Y tế điện tử (eHealth); Trung tâm giải pháp quản trị doanh nghiệp (ERP)… Tính đến tháng 5/2022, VNPT đã triển khai các giải pháp Chính phủ điện tử tới 61 tỉnh, thành phố trên cả nước; cung cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT - iOffice) cho hơn 26.285 đơn vị; phần mềm Một cửa điện tử (VNPT - iGate) cho hơn 40 đơn vị; Cổng thông tin điện tử (vnPotal) cho nên 4.768 đơn vị; Phần mềm khám chữa bệnh (VNPT - HIS) cho 7.300 cơ sở y tế; phần mềm giáo dục (VnEdu) với 31.000 trường học sử dụng, cung cấp 4,8 triệu sổ liên lạc điện tử, hơn 9 triệu hồ sơ học sinh, cùng hơn 850.000 giáo viên sử dụng tại tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước. Trong đó, triển khai nhiều hệ thống dữ liệu quốc gia lớn như Hệ thống báo cáo quốc gia cho Văn phòng chính phủ; hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho Bộ Công an; về đất đai và tài nguyên cho Bộ TNMT; về công chức, viên chức cho Bộ Nội vụ… góp phần giúp Chính phủ, Bộ/Ngành/địa phương chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính một cách hiệu quả, khoa học, tiết kiệm và tiện ích.
Đối với việc định vị và chuyển đổi giá trị VHDN thời kì hậu Covid, VNPT xác định, VHDN cần phải được thay đổi, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và chất lượng chăm sóc khách hàng. VHDN định vị vào khách hàng phải được đặt lên hàng đầu và ưu tiên cao nhất trong phát triển. Cùng với xu thế chuyển hướng chiến lược, các dịch vụ viễn thông truyền thống đang dần chuyển dịch sang cạnh tranh dựa trên trải nghiệm khách hàng để giữ chân khách hàng hiện hữu và thu hút thuê bao mới (chi phí bỏ ra để kiếm thêm 1 khách hàng mới đắt gấp 6-7 lần giữ chân 1 khách hàng cũ). Ở đây, trải nghiệm khách hàng được hiểu là kết quả tổng hợp của những cảm giác (sense), cảm nhận (feel), suy nghĩ (think), hành động (act) và liên hệ (relate) từ tất cả các tương tác của khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ ở mọi điểm tiếp xúc trong hành trình số của khách hàng. Từ đó, VNPT từng bước xây dựng văn hóa quản trị trải nghiệm khách hàng để giám sát, quản lý và tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng tại mọi điểm tiếp xúc, cải thiện mức độ trung thành của khách hàng và nâng cao lợi nhuận lâu dài cho doanh nghiệp.
Với quan điểm: “khách hàng là những người thân yêu nhất”, VNPT đang mạnh mẽ triển khai các giải pháp, ứng dụng để đo lường được mức độ hài lòng của khách hàng và đánh giá mức độ quan trọng giữa các điểm chạm/kênh/tiêu chí trong hành trình trải nghiệm khách hàng; phát triển, mở rộng các điểm giao dịch, kênh Online, call Center, thanh toán cước… tạo sự thuận tiện, tiện ích nhất cho khách hàng. Rõ ràng, việc duy trì và xây dựng niềm tin cũng như sự hài lòng của khách hàng đang trở thành một vấn đề sống còn của VHDN trong thời kỳ hậu Covid khi toàn bộ quy trình bán hàng, CSKH trực tiếp đang dần được dịch chuyển, thay thế bằng các điểm chạm từ xa, trực tuyến đâu đó trên môi trường Inetrnet.
Ngoài ra, chiến lược phát triển của VNPT đang dịch chuyển từ mô hình “hệ mặt trời” sang “mô hình nhà máy - Factorry” đòi hỏi văn hóa quản trị, văn hóa kinh doanh, văn hóa phục vụ khách hàng cũng phải dịch chuyển theo. Đặc biệt cần có cơ chế phối hợp hết sức đồng bộ, nhịp nhàng giữa các đơn vị, phòng/ban trong Tập đoàn theo mô hình chuỗi, mỗi đơn vị là một mắt xích, dây chuyền trong hệ thống để tạo ra sản phẩm, dịch vụ tốt nhất. Chiến lược thay đổi đòi hỏi các giá trị văn hóa doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo để thích ứng với yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và khách hàng thời kì hậu Covid.
Kiến nghị chuyển đổi văn hóa VNPT trong nền kinh tế số
Dữ liệu đang làm thay đổi thế giới của chúng ta cũng như cách chúng ta sống và làm việc với tốc độ chưa từng có. Với sự phát triển thông minh đến thần kì của máy tính cũng như những tiến bộ vượt bậc trong việc thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu lớn, nhiều chuyên gia nhận định, thế giới đang bước sang một giai đoạn - hình thái kinh tế mới: hình thái kinh tế dữ liệu. Đã đến thời kì, dữ liệu lớn biết mọi thứ về bạn và có thể can thiệp vào mọi “ngóc ngách” của cuộc sống. Nó vượt xa việc Google biết những gì bạn đã tìm kiếm trực tuyến và việc Fackebook biết ai là bạn bè của bạn với đầy đủ hồ sơ nhân thân, sở trường, món ăn, màu sắc, “gu” thẩm mĩ riêng của mỗi người. Cảnh sát biết bạn đã từng lái xe đi những đâu, thẻ ngân hàng biết bạn từng chi tiêu những gì? Dữ liệu lớn dần có “quyền năng”, sức mạnh đến ngỡ ngàng. Đúng như nhận định của Peter Sondergaad, Phó Chủ tịch của Gartner Reaseach (tổ chức nghiên cứu, tư vấn CNTT uy tín hàng đầu thế giới) chia sẻ: “Thông tin sẽ là dầu mỏ của thế kỉ 21, và hoạt động phân tích thông tin sẽ quan trọng hệt như động cơ đốt trong”. Hay như lo ngại, dự đoán về một hình thái chủ nghĩa tư bản mới - chủ nghĩa tư bản giám sát của giáo sư trường kinh doanh Harvard, Shoshana Zuboff đưa ra trong cuốn sách “Thời của chủ nghĩa tư bản giám sát: cuộc chiến cho tương lai con người tại ranh giới quyền lực mới” xuất bản năm 2019. Theo đó, chủ nghĩa tư bản giám sát sẽ vượt qua phạm vi vận hành liên quan đến các công ty công nghệ để trở thành hệ sinh thái dựa vào giám sát (Suveillance-based ecosystems) trong nhiều khu vực kinh tế, từ thị trường bảo hiểm, giao thông vận tải, sức khỏe, giáo dục, tài chính…
Bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4 và những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ truyền thông hiện nay như sự ra đời của công nghệ 5G đòi hỏi các doanh nghiệp ICT Việt Nam, trong đó có VNPT thực sự phải “lột xác”. Nếu như trước đây, với các công nghệ cũ: Công nghệ 2G là công nghệ điện thoại thuần túy; công nghệ 3G là nửa điển thoại, nửa Data; công nghệ 4G là thuần túy Data nhưng là cho người với người, thì hiện nay đang/sẽ là 5G - là công nghệ hoàn toàn Data, công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật. Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Sơ bộ tính toán, nếu công nghệ 2G/3G/4G kết nối 7 tỷ người thì dự đoán công nghệ 5G sẽ kết nối hàng tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lí vào thế giới ảo, thay đổi cơ bản cuộc sống của con người.
Sứ mạng 5G đang đặt lên vai ngành ICT Việt Nam, là cơ hội để VNPT và ngành ICT Việt Nam thay đổi thứ hạng và vươn lên trong thị trường thế giới. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự vào cuộc từ rất sớm, đầu tư hạ tầng trang thiết bị - công nghệ “đón đầu” và sự sáng tạo không biên giới của con người trong thế giới vạn vật kết nối. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị kết nối, đặc biệt là thiết bị đầu cuối (hàng trăm tỉ thiết bị kết nối), vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật; vấn đề kết nối, vận hành trong thế giới ảo… đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức cho sự đổi mới, sáng tạo của con người với quan điểm: con người không được lệ thuộc vào thiết bị - công nghệ, con người phải thực sự làm chủ được thế giới và xây dựng được một nền tảng giá trị văn hóa số tiên tiến, khoa học, đại chúng, giàu giá trị bản sắc truyền thống cũng như tiếp thu được tinh hoa văn hóa số nhân loại.
Ở vào giai đoạn khởi đầu của sự chuyển đổi, VNPT cần định vị lại các vùng lợi ích phát triển, xác định các giá trị cốt lõi về phát triển, về VHDN làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển, giúp VNPT vươn lên là đơn vị tiên phong, dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số (Digital Transformation), đang được nhận thức là quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra giá trị mới. Ở đây, cần phải nhìn nhận quá trình chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về nền tảng tư duy, hướng tới một hình thái tổ chức xã hội mới, trong đó công nghệ là động lực, xã hội số là nền tảng dẫn động và được dẫn đạo bởi sự chuyển đổi của nền tảng tài chính từ vốn (capital) sang vốn dữ liệu (data- capital).
Cùng với quá trình chuyển đổi số trên nền tảng sự phát triển công nghệ, sự tham gia xâm nhập sâu vào các mảng, lĩnh vực của đời sống như chính phủ số, giáo dục số, y tế số, đô thị thông minh, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia… để thiết lập, dẫn dắt nguồn vốn dữ liệu quốc gia (data- Capital) thì các giá trị văn hóa cốt lõi của VNPT cần được định hình, lan tỏa và khẳng định được dấu ấn, thương hiệu, đặc biệt giữ gìn được giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với 10 chữ vàng truyền thống “Trung thành- dũng cảm- tận tụy- sáng tạo- nghĩa tình” hết sức vẻ vang của Ngành. Với vị thế doanh nghiệp dẫn dắt, tiên phong, VNPT cần phải sớm nghiên cứu, xây dựng, kiến tạo và lan tỏa nền tảng văn hóa số để dẵn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia. Văn hóa số là hình thái văn hóa lấy số (Digital) làm nền tảng cho mặc định văn hóa (culture default) hình thành nên giá trị xã hội; kết hợp hài hòa giữa con người - tự nhiên và công nghệ, trong đó lấy công nghệ số làm trung tâm; lấy việc chia sẻ (sharing), kết nối (connecting) và tạo giá trị (value) dựa trên nền kinh tế thành viên để hình thành hệ sinh thái xã hội làm cơ sở phát triển bền vững. Các mối quan hệ xã hội (social relations) được hình thành thông qua xã hội mạng lưới (network society) trên nền tảng các mạng như Internet. Cùng với các khái niệm dẫn dắt của chuyển đổi số khác như: xã hội số, kinh tế số, chính phủ số… thì văn hóa số cũng cần phải được quan tâm và sớm định vị, lan tỏa trong cộng đồng. Hành trình chuyển đổi số nền tảng Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn VNPT cần phải được định vị và gắn kết với quá trình chuyển hướng chiến lược, gắn với CMCN 4.0, gắn với xu thế chuyển đổi số toàn cầu và khu vực nhưng trong đó, giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa, “Tinh thần VNPT”, “truyền thống VNPT”, “Sức mạnh VNPT” luôn được khẳng định, gìn giữ và phát triển để đương đầu và vươn lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hóa.
Như vậy là, trong bối cảnh chuyển đổi số và phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch, VHDN trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, động lực mới cho các doanh nghiệp phát triển, vươn lên cạnh tranh thắng lợi trong môi trường toàn cầu hóa. Đất nước đang trong tiến trình tiến vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số với nhiều cơ hội và thách thức, hành trình xây dựng, kiến tạo và lan tỏa các giá trị VHDN số, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dẫn dắt được hành trình chuyển đổi số quốc gia còn rất nhiều việc phải làm. Các nước phương tây phải mất hàng trăm năm; các “con rồng Châu á” cũng phải mất vài chục đến 100 năm. Nhưng đó là công việc chúng ta nhất thiết phải tiến hành, bởi chỉ khi song hành nhiệm vụ xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xây dựng thành công văn hóa số, văn hóa doanh nghiệp - doanh nhân thì doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển bền vững, nền kinh tế Việt Nam mới chuyển mình và cất cánh vươn xa trên con đường hội nhập quốc tế.
Dương Thành Long - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty VNPT IT
Công ty Công nghệ thông tin VNPT
Tài liệu tham khảo:
- 1. Trần Ngọc Thêm (2008), Doanh nghiệp, doanh nhân và văn hoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- 2. Dương Thị Liễu (2011), Giáo trình văn hóa kinh doanh, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
- 3. Kotter, J.P. & Heskett, J.L. (1992), Corporate Culture and Performance, New York: Free Press; Reprint edition, ISBN 0-02-918467-3.
- 4. Hofstede, G., Hofstede, G.J & Minkov, M. (2010), Cultures and Organizations: Software of the Mind, Third Edition, McGraw Hill.
- 5. Phạm Khánh Nam (2020), Hình thái kinh tế mới: Chủ nghĩa tư bản giám sát, tại trang https://tiasang.com.vn/-dien-dan/Hinh-thai-kinh-te-moi-Chu-nghia-tu-ban-giam-sat-26683, [truy cập ngày 28/11/2020].