.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023:

Xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Năm, 19/10/2023|15:57

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Đảng viên là thành tố cơ bản cấu thành các tổ chức đảng và toàn Đảng. Chất lượng đội ngũ đảng viên quy định chất lượng các tổ chức đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng. Vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng đối với xã hội do phẩm chất, năng lực và trình độ của mỗi đảng viên tạo thành. Đồng thời Người đã chỉ rõ: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 235-236). Chính vì vậy, công tác xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên luôn phải cần được tập trung chú trọng. Xây dựng đảng đã khó nhưng phát triển, nâng cao chất lượng về tư duy chính trị, về năng lực quản lý và chuyên môn lại càng khó hơn đặc biệt trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động đến thế giới đương đại

Xét trên khía cạnh lịch sử, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp là một chặng đường phát triển của lịch sử loài người khi những đột phá lớn về khoa học và công nghệ tạo ra thay đổi về phương thức sản xuất và dẫn đến thay đổi sâu sắc mọi mặt của xã hội. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một chặng đường như vậy nhưng có những đột phá của công nghệ số dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội. Đồng thời nó làm thay đổi căn bản cách thức con người sống, làm việc và quan hệ hợp tác cùng nhau. Quy mô, phạm vi ảnh hưởng, độ phức tạp và sự chuyển dịch của xã hội từ cuộc cách mạng này rất to lớn, tạo ra cho mỗi quốc gia cơ hội và thách thức mang tính tích hợp, toàn diện, khác hẳn so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Điều này mang lại những thời cơ nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức đối với nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Vậy những tác động của cuộc CMCN 4.0 thể hiện ở những điểm nào? Có thể nêu ra 4 tác động lớn nhất ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cụ thể như sau:

Thứ nhất, tác động đến sản xuất: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ kỹ thuật số sẽ tác động mạnh mẽ đến các ngành sản xuất. Sản xuất trong tương lai sẽ mang thế giới ảo (mạng) và thực (máy móc) xích lại gần nhau bởi các thiết bị thông minh giao tiếp và chia sẻ thông tin về quy trình sản xuất bằng hệ thống mạng, máy tính cảm biến sẽ thay thế các công cụ lao động truyền thống. Từ đó, làm cho quá trình sản xuất được phối hợp nhịp nhàng, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Các nhà máy sản xuất dựa vào nguyên, nhiên, vật liệu từ tự nhiên sẽ dần được thay thế bởi sự kết nối thông minh trong chuỗi sản xuất giá trị hàng hóa có tính liên kết rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới. Sự áp dụng tự động hóa, kỹ thuật số, công nghệ mới vào sản xuất sẽ nâng cao vị thế, quyền lực các nước phát triển, tận dụng tối ưu những thành quả của cuộc cách mạng công nghệ và ngược lại, sẽ làm giảm vị thế của các nước chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tư liệu sản xuất thay đổi sẽ tác động đến cách thức tổ chức sản xuất. Giữa các lĩnh vực sản xuất, ngành sản xuất được kết nối tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng, trao đổi, quản lý… trong cơ cấu ngành, tính chất giữa các ngành: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ngày càng được thu hẹp về khoảng cách. Đồng thời, Cách mạng công nghiệp 4.0 làm xuất hiện những mô hình sản xuất kinh doanh mới; với sự số hóa sẽ rút ngắn quy trình, thời gian sản xuất, hàng hóa ra thị trường nhanh hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải cải thiện chất lượng, tăng cường sự minh bạch, sự tham gia của người tiêu dùng trên các mạng di động và mạng dữ liệu, khiến các công ty phải định hướng lại quá trình thiết kế thị trường và quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Đây là cơ hội và cũng là thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy cũ, chủ động đưa công nghệ mới vào sản xuất nhằm rút ngắn thời gian, quy trình đưa sản phẩm ra thị trường đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Thứ hai, tác động đến tiêu dùng và thương mại: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, đa dạng với chi phí sản xuất thấp, giảm chi phí giao dịch, chi phí nhân công và các chi phí khác, kết quả mang lại là giảm giá thành sản phẩm. Chính điều này giúp cho người tiêu dùng được hưởng lợi với mức giá thấp và chất lượng cao hơn. Thông qua internet kết nối thông minh, người tiêu dùng có được những thông tin khá đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ (công năng, kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, giá cả…), từ đó giúp cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình. Sự kết nối giữa cung và cầu với chi phí thấp như: mua hàng hóa, thực hiện thanh toán, đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, tàu, tìm kiếm việc làm… đều có thể thực hiện từ xa qua điện thoại thông minh, internet giúp cho chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao. Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt internet kết nối sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử với việc hình thành các hình thức kinh doanh tiện ích, cải thiện hiệu quả và sản sinh các loại hình kinh doanh mới. Khi internet kết nối tăng lên, người mua và người bán trên thị trường có thể sử dụng các dữ liệu để phân tích nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra những quyết định nhanh, hiệu quả hơn. Việc áp dụng công nghệ cao dẫn tới những thay đổi lớn các hoạt động vận tải, bao gói hàng hóa, giao hàng… giúp cho chi phí kinh doanh giảm, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, làm cho việc mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại phát triển. Sự kết nối giữa các quốc gia bằng công nghệ thông tin đã xóa dần khoảng cách về địa lý, không gian, thời gian, từ đó làm cho việc kinh doanh mang lại hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, tác động đến xã hội và văn hóa: Thông qua các công nghệ hiện đại, con người có thể dễ dàng giao lưu, kết nối với nhau một cách thuận tiện. Đặc biệt, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi bản sắc “truyền thống” của con người như: sự riêng tư, ý thức về sở hữu, phương thức tiêu dùng, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người… Những biến đổi trong công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và nhiều lĩnh vực khác đang làm thay đổi sâu sắc bản thân con người từ việc nâng cao tuổi thọ, sức khỏe, nhận thức… đến các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Thứ tư, tác động đến quản lý nhà nước: Với sức mạnh của công nghệ mới, nhờ các phương tiện, thiết bị hiện đại và thông minh xuất hiện trong Cách mạng công nghiệp 4.0, nhà nước có thêm công cụ hữu hiệu để gia tăng kiểm soát xã hội. Vai trò của nhà nước cũng thay đổi một cách căn bản, chuyển từ vai trò cai trị và quản lý xã hội sang hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên theo dự báo, tốc độ thay đổi và tác động rộng khắp của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm cho các nhà lập pháp và các cơ quan quản lý phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Ví dụ, với sự xuất hiện công nghệ mới, internet vạn vật giúp cho Chính phủ triển khai nhiều dịch vụ tự động, trực tuyến như: điều tra dân số, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh… Điều này vừa tăng tính công khai, minh bạch với các dịch vụ công, vừa làm thay đổi cơ bản tổ chức bộ máy nhà nước.

Xây dựng phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ta cần giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, trong đó yếu tố con người vẫn cần phải được đặt lên hàng đầu. Nhiệm vụ xây dựng phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên đủ về số lượng và đảm bảo về tư tưởng, chuyên môn, có “Tâm, Tài, Đức” là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Nhóm giải pháp cần được triển khai một cách mạnh mẽ bao gồm:

Một là, nâng cao nhận thức của đội ngũ đảng viên đặc biệt là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý về vai trò của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cần bám sát tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cần làm cho mỗi đảng viên phải hiểu rõ bản chất, yêu cầu đặt ra trong thực thi nhiệm vụ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó hình thành ý thức công vụ của từng đảng viên gắn với mục tiêu phát triển của đơn vị, địa phương hay quốc gia. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để phát huy tài năng, tâm huyết, khát vọng cống hiến, làm việc của đảng viên vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hai là, đào tạo, bồi dưỡng đảng viên, đội ngũ giảng viên đào tạo theo hướng chú trọng các kiến thức chuyên môn về Cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp với đặc thù công tác của từng đối tượng. Thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chất lượng cao, gắn với việc sẵn sàng tiếp nhận và ứng phó với những tác động sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chú trọng đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế, quản lý xã hội... Việc đào tạo, bồi dưỡng phải đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ truyền thống, tiếp cận công nghệ hiện đại, tiến tới sáng tạo công nghệ. Trong thời gian tới, cần tập trung đầu tư cho đào tạo cán bộ, công chức, đảng viên trong các lĩnh vực về vật liệu mới tiên tiến, công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, lưu trữ năng lượng để tạo ra một lực lượng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, cần tích cực mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên bằng nhiều cách thức và giải pháp khác nhau. Cụ thể, tăng cường hợp tác, giao lưu giữa các quốc gia, hoặc liên kết, hợp đồng với các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trong và ngoài nước với các quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm để thu hút đầu tư và sử dụng có hiệu quả. Mặt khác, cần có cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài trong xây dựng các cơ sở đào tạo và đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn giỏi.

Ba là, xây dựng chiến lược phát triển và thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong khu vực công, tư một cách thiết thực, hiệu quả. Trước hết, mỗi đơn vị, tổ chức phải chủ động phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cùng với thu hút nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là những vị trí liên quan đến kỹ năng lãnh đạo, quản lý, cần chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, tạo môi trường làm việc thuận lợi, có cơ chế đãi ngộ đặc biệt đối với những người có tài năng để họ phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, yên tâm cống hiến cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Mặt khác, việc tinh giản biên chế cần thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, xác định đúng vị trí nào cần tinh giản, người nào cần giữ lại. Tránh việc sử dụng lao động không đúng năng lực khiến cho người tài phải ra đi, tự tinh giản hay cắt giảm biên chế quá mức khiến cho những người còn lại chịu nhiều áp lực trong công việc, mất dần đam mê, động lực lao động và cống hiến. Xây dựng công tác Đảng, xem xét kết nạp những đảng viên mới có sự hiểu biết về công nghệ, có tinh thần tự học hỏi, có khả năng truyền cảm hứng và có tư tưởng lập trường vững chắc để tạo ra các tổ chức Đảng mạnh mẽ trong nội tại.

Bốn là, xây dựng phát triển nâng cao hệ tư tưởng chính thống, bản lĩnh chính trị cho đảng viên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực chất CMCN 4.0 có thể hiểu một cách tổng thể chính là sự số hóa của vạn vật thay đổi các quy luật cũng như một vài định nghĩa về tư tưởng cũng như định luật đã được xem là bất biến. Để số hóa việc đầu tiên cũng là bước quan trọng chính là chuyển đổi số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, thay đổi cách con người sống và hoạt động trong thời đại số. Chuyển đổi được thực hiện trên nền tảng của các công nghệ số, và thường được phân theo ba cấp độ: số hóa thông tin, số hóa tổ chức và chuyển đổi. Tuy nhiên, số hóa thông tin chỉ là điều kiện cần đầu tiên. Điều kiện cần rất quan trọng tiếp theo, thậm chí mang tính quyết định nhiều hơn, là mỗi người, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải định ra được cách sống và cách làm việc hay thực tế là duy trì được một nền tảng tư tưởng nhất quán trong thời đại số, trong guồng chuyển đổi mạnh mẽ của cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Như đã đề cập ở phía trên, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc vào văn hóa và xã hội. Có hay không việc lợi dụng các thành tựu khoa học công nghệ, sự phát triển của internet, truyền thông, mạng xã hội, các thế lực thù địch hoạt động ráo riết chống phá, xuyên tạc, công kích chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước? Câu trả lời là có. Có hay không việc Việt Nam bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đang bị thay đổi dần bản sắc văn hóa (tinh thần và vật chất) cũng như lối sống đã được hình thành từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Câu trả lời là có. Có hay không sự xung đột về văn hóa chủ yếu giữa hai xu hướng: thứ nhất, cho rằng văn hóa truyền thống phải được gìn giữ một cách nguyên trạngthứ hai, cho rằng văn hóa phải luôn có sự tiếp biến, bồi đắp, có sự tiếp nhận những tinh hoa của thời đại. Câu trả lời là có.

Lý giải của việc này là trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khoảng cách về không gian địa lý được thu hẹp tối đa. Điều đó đồng nghĩa với việc mối giao lưu, quan hệ giữa con người với con người được mở rộng. Các cộng đồng, các dân tộc, các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn. Trong mỗi cộng đồng, văn hóa, lối sống của các cá nhân cũng chịu tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Sự đan xen này trực tiếp góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, nhưng cũng làm phát sinh tình trạng văn hóa lai căng khiến việc bảo vệ bản sắc trong đa dạng văn hóa trở thành nhiệm vụ không dễ dàng của mọi quốc gia, dân tộc. Trong mọi lĩnh vực, các cuộc cách mạng đều bao hàm sự thay đổi cơ bản về chất, có tính đột biến, sâu sắc và triệt để, theo hướng tiến bộ. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho tri thức được vốn hóa, thâm nhập sâu vào nền sản xuất vật chất, vào mọi “ngõ ngách” của đời sống con người, làm thay đổi lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Quá trình này diễn ra nhanh chóng trong thời gian ngắn và làm biến đổi nhiều đặc điểm văn hóa, lối sống của con người ở nhiều quốc gia - dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Xây dựng phát triển nâng cao hệ tư tưởng chính thống, bản lĩnh chính trị cho đảng viên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Như vậy vấn đề mấu chốt ở đây chính là hệ tư tưởng và bản lĩnh chính trị của đảng viên và từ đó có thể lan tỏa ra toàn xã hội. Vậy nhiệm vụ và các công việc cần thực hiện để triển khai giải pháp thứ 4 này là gì?

Thứ nhất, xây dựng chiến lược tổng thể phát triển khoa học - công nghệ quốc gia phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ hai, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trước hết phải trên tinh thần vì lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân; phải có tính chủ động cao, tính định hướng sớm, tính khoa học và tính dân tộc; các giá trị văn hóa truyền thống chuẩn mực phải được gìn giữ, các giá trị văn hóa hiện đại phải được tiếp thu có chọn lọc, được chuyển hóa thành thái độ, động cơ, ý chí, hành động và kết tinh thành niềm tin và khát vọng phát triển trong mỗi con người Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, bởi đây chính là yếu tố nền tảng quan trọng và bền vững để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các tác động tiêu cực đến văn hóa, lối sống người dân.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu và ứng dụng kịp thời các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến vào gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp thu có chọn lựa các tinh hoa văn hóa thế giới; học hỏi kinh nghiệm các nước đã đạt được nhiều thành công trong ứng phó với những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân...

Thứ năm, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, hướng tới làm chủ các nội dung thông tin được truyền tải trên nền tảng khoa học - công nghệ, nhất là trên không gian mạng, dần hình thành một môi trường văn hóa lành mạnh và giàu tính nhân văn trên không gian mạng.

Thứ sáu, xây dựng về đạo đức phải được gắn chặt với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Làm cho thực hành đạo đức cách mạng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành một nhu cầu văn hóa, thành động lực tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức sẽ có tác dụng thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Cùng với xây dựng Đảng về đạo đức phải kết hợp với đấu tranh thường xuyên, kiên quyết với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trên đây là những giải pháp trong công tác xây dựng và phát triển nâng cao chất lượng đảng viên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tuy nhiên đứng trên cương vị là một đảng viên, chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ cụ thể như sau:

Một là: Cán bộ, đảng viên cần nâng cao tính chủ động trong công việc, vận dụng một cách cụ thể, phù hợp vào lĩnh vực công việc chuyên môn được phân công, phụ trách. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong từng công việc cụ thể khi được lãnh đạo phân công để thực hiện.

Hai là: Cán bộ, đảng viên phải hình thành tư duy tự học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao năng suất lao động, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo trong công việc của mình.

Ba là: Nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiêm túc học tập theo tư tưởng và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh để “hòa nhập” chứ không “hòa tan” trong bối cảnh thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bốn là: Đoàn kết, phát huy tính kỷ luật và tôn nghiêm của Đảng để hỗ trợ, giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp khi có sự sai lệch trong tư tưởng và nhận thức chính trị.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng những thành tựu tri thức, khoa học kỹ thuật của nhân loại, thực hiện việc “đi tắt, đón đầu” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, yếu tố quyết định là xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; có tính chuyên nghiệp cao trong thực thi nhiệm vụ trước những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng đến xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Bùi Quang Anh - BIDV

.
.
.
.