.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Đừng bị động trên không gian mạng

Thứ Năm, 16/11/2023|22:14

Không gian mạng đã trở thành một phần không thể tách rời khỏi chúng ta. Nó hiện diện ở hầu hết các nhu cầu của con người từ học tập, làm việc, sinh hoạt cho đến giải trí, du lịch và kết nối… Không ai có thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà không gian mạng mang lại, và cũng có không ít người đang bị “sa lầy” trên chính môi trường ấy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không gian mạng - nơi định hướng suy nghĩ của cộng đồng

Không gian mạng bao gồm tất cả các hình thức truyền thông trên môi trường Internet, là mạng xã hội, báo trực tuyến, trò chơi trực tuyến, ứng dụng OTT,… là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Tại Việt Nam, các trang mạng xã hội được sử dụng phổ biến như: Facebook, Youtube, Instagram, Tiktok, Zalo,…. Theo báo cáo của We Are Social năm 2023, nước ta có hơn 70 triệu người sử dụng mạng xã hội và họ đang dành hơn 6 giờ mỗi ngày để lướt Internet. Đây là những con số biết nói, đủ sức chứng minh sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam trong thời đại số.

Với tốc độ phát triển của mạng xã hội như hiện nay, con người sẽ không thể đứng ngoài độ bao phủ của không gian mạng. Và cũng từ đó, dư luận của xã hội sẽ được biểu hiện rõ nét nhất chính là trên không gian mạng. Trước đây, dư luận chỉ đơn giản là hiện tượng tâm lý của cộng đồng, là quan điểm, thái độ và sự đánh giá của họ trước các vấn đề của xã hội. Nhưng giờ đây, khi mạng xã hội đã “thống trị” đến từng nhà, dư luận đã dần trở thành công cụ để định hướng xã hội. Do đó, dù dư luận không xuất hiện từ không gian mạng nhưng nó đã không thể nằm ngoài vùng bao phủ của không gian mạng. Nó xuất hiện trên không gian mạng mặc dù không phải lúc nào không gian mạng cũng thể hiện đúng ý chí và tâm tư của xã hội.

Đặc điểm chung của các ứng dụng mạng xã hội hiện nay là cho phép người dùng đăng ký và sử dụng miễn phí. Và do đó, trên cùng một lãnh thổ, cùng một ứng dụng mạng xã hội, sẽ truyền tải cùng một chuỗi thông tin giống nhau đến người xem. Đó là hình thức kinh doanh dựa trên định hướng dư luận, dẫn dắt người dùng và truyền tải thông tin theo ý đồ đã đặt ra từ trước. Hằng ngày, người dân với thói quen “lướt web” của mình sẽ vô tình dung nạp rất nhiều thông tin mà phần lớn trong số đó là những tin không được kiểm soát. Cuốn theo xu hướng ấy, có không ít “nhà sáng tạo nội dung” ra đời với mục đích là mong muốn được nhiều người chú ý, theo dõi, hay còn được gọi là “lên xu hướng” theo ngôn ngữ của cộng đồng mạng. Và tất nhiên, họ sáng tạo thì ít mà “giật tít” thì nhiều. Để có được sự chú ý của nhiều người, họ có thể bỏ qua các chuẩn mực đạo đức hay thậm chí là làm trái quy định của pháp luật. 

Điển hình hiện nay là xuất hiện các tin bài đăng tải hình ảnh của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước có kèm theo một câu phát biểu của người đó trong ảnh, và những câu phát biểu đó đã được chỉnh sửa cắt xén một cách chủ quan từ người đăng tin; bên cạnh đó cũng có rất nhiều tài khoản đăng tải các thước phim ngắn với nội dung về các vấn đề đang nổi cộm của xã hội với những câu từ kích động gây chia rẽ, gây mâu thuẫn cho người đọc để tạo ra những cuộc tranh cãi ngay trong bài viết đó.

Đa số người dân khi tham gia mạng xã hội lại thiếu đi sự cảnh giác trong việc lựa chọn thông tin, dẫn đến mỗi ngày đều tiếp thu quá nhiều tin tức tiêu cực, những nội dung lành mạnh bổ ích thì ít khi được quan tâm, những tin tiêu cực gây hoang mang nhầm lẫn thì lại được lên xu hướng tìm kiếm cho thỏa tính tò mò, lâu dần hình thành nên nếp nghĩ bi quan về cộng đồng xã hội, suy giảm lòng tin với quốc gia dân tộc.    

Không gian mạng - Mặt trận đấu tranh trong thời kỳ mới

Chính vì không còn bị giới hạn về không gian và thời gian mà các đối tượng xấu, các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng để truyền tải bằng mọi hình thức các nội dung xuyên tạc để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng lợi dụng tính hiếu kỳ của người dân để lồng ghép một cách úp mở các vấn đề về chính trị, xã hội Việt Nam nhằm làm hoang mang dư luận, tạo ra những nghi ngờ cho người dân về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, không gian mạng cũng đã trở thành một “trận địa” vô cùng quan trọng trong quá trình tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

Trong thời gian gần đây, các đối tượng phản động, thù địch thường dùng các tài khoản mạng xã hội có tương tác lớn hoặc tổ chức các chiến dịch truyền thông phát tán thông tin. Liên tiếp các bài đăng công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; thêu dệt nên các câu chuyện đằng sau các đại án kinh tế, sai phạm thời kỳ dịch Covid-19, hay các sự kiện chính trị, quân sự trên thế giới như xung đột quân sự Nga -Ukraine, chiến tranh Israel - Hamas; và cả những bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, những chuyến công du cấp nhà nước cũng đều trở thành mục tiêu mà các đối tượng chống phá hướng đến.

Ý thức được tầm quan trọng của không gian mạng đối với đời sống tư tưởng, văn hóa, đạo đức của nhân dân, nhất là của thế hệ trẻ nên Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, Internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”. Ngày 5/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 311/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thanh niên, thiếu niên trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030. Theo đó, không gian mạng đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, việc bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng cũng quan trọng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Vì ở môi trường ấy có sự hiện diện của nhân dân, nơi mà quần chúng nhân dân mà đặc biệt là lớp thanh thiếu niên dành phần lớn thời gian của mình để giải trí, học tập, làm việc cũng như cập nhật tin tức. Chính vì vậy, mỗi đơn vị cần phải mạnh dạn sử dụng mạng xã hội như là một mặt trận để triển khai tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch một cách kịp thời, hiệu quả nhất. Đồng thời các đơn vị cần truyền tải các thông tin tích cực, tạo nên môi trường thông tin lành mạnh, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng.

Một số giải pháp cho đơn vị để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh

Thứ nhất, thường xuyên tuyên truyền hệ tư tưởng chủ đạo của Đảng và Nhà nước nhằm củng cố quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng, củng cố nền tảng tư tưởng chung cho sự đoàn kết, xây dựng và phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn dân.  

Thứ hai, định kỳ tổ chức chia sẻ các chuyên đề cho tập thể đơn vị về quy định của pháp luật cũng như văn hóa ứng xử khi tham gia mạng xã hội, cách thức phản ứng phù hợp với những thông tin sai lệch. Đảm bảo từng thành viên trong tổ chức nhận thức được tầm quan trọng của ứng xử trên không gian mạng để trở nên có trách nhiệm hơn khi tham gia mạng xã hội và tránh được các sai lầm có thể ảnh hưởng đến bản thân, tổ chức và xã hội.

Thứ ba, tăng cường truyền tải những thông tin tích cực lên không gian mạng để lan tỏa cho cộng đồng những cách làm hay, những việc làm tốt nhằm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực. Điển hình là gắn chặt hình ảnh của tổ chức đảng, đoàn tại các bài viết, hình ảnh về công tác an sinh xã hội, chung tay vì cộng đồng, tấm gương tiêu biểu, văn hóa dân tộc, khuyến học, khuyến tài,… mà đơn vị thực hiện.

Thứ tư, thường xuyên thay đổi hình thức tuyên truyền mới lạ, sáng tạo để người xem không bị nhàm chán, nếu chỉ tuyên truyền bằng những câu từ khô khan, những hình ảnh lập đi lập lại, không gợi cho người đọc tính hiếu kỳ thì những thông tin đó rất dễ bị phớt lờ, ít được quan tâm. Điều này cần sự quan tâm, đầu tư đúng mực vào công tác truyền thông tại các đơn vị.

Thứ năm, biết tận dụng không gian mạng như một công cụ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ kinh doanh tại cơ sở. Vấn đề này đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp phải nhận thức sâu sắc rằng, không gian mạng là xu hướng phát triển mang tính tất yếu, phải nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm, gương mẫu trong việc khai thác, sử dụng Internet và mạng xã hội.

Nguyễn Trung Tín - VCB Chi nhánh Tân Định

.
Các bài viết khác:
.
.
.