Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phê bình và tự phê bình trong Đảng tại Chi bộ 31
Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thiêng liêng: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng phải thường xuyên thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình để thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, qua đó vận dụng vào thực tiễn, thực hiện phê bình và tự phê bình là nguyên tắc cốt yếu cho việc phát triển Đảng. Góp phần làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh.
Nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm 1951, trong bài tự phê bình Bác Hồ viết “Dao có mài, mới sắc; Vàng có thui, mới trong; Nước có lọc, mới sạch; Người có tự phê bình, mới tiến bộ…”. Người luôn biết cách thúc đẩy tinh thần phê bình mỗi ngày, Bác đặt câu hỏi tự phê bình là như nào? Và nêu rõ ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình để tránh sai lầm. Bác còn nhấn mạnh, thật thà phê bình không những giúp cho mình tự sửa chữa, tự tiến bộ mà còn giúp cho người khác biết để mà tránh. Bác luôn coi phê bình và tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất. Phê bình phải đi kèm với kỷ luật nghiêm minh.
Không những vậy, trong quá trình tiến hành phê bình và tự phê bình, cần đòi hỏi phải khách quan, công tâm và công khai, vấn đề cần phê bình đến đâu làm đến đó, không đặt điều hay thêm bớt. Theo Bác, mục đích phê bình là để giúp ta sửa chữa, giúp ta tiến bộ cốt là để sửa đổi cách làm việc tốt hơn, đúng hơn, để đoàn kết nội bộ, không phải phê bình là có thái độ công kích người bị phê bình, khi góp ý phải thẳng thắn, hợp lý hợp tình làm cho người được góp ý tâm phục, khẩu phục.
Người làm nhiệm vụ phê bình phải thật khéo léo, tế nhị trong lời nói, là người hết sức công tâm, không vì bất kỳ thành kiến cá nhân mà phê bình, đả kích và làm giảm uy tín lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, không được lợi dụng tự phê bình và phê bình để làm phương hại đến người bị phê bình, ý nghĩa của phê bình lại có tác dụng ngược gây khó chịu, khó tiếp thu, hiểu nhầm cho người bị phê bình, dẫn đến tình trạng đảo lộn người hợp với mình thì xấu thành tốt, việc dở cùng thành việc tốt, che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Hay ở chiều hướng ngược lại thì tìm cách dìm người đó xuống, hoặc “nếu muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lý do”. Bên cạnh đó, người được phê bình cần phải biết lắng nghe, có tinh thần cầu thị, sẵn sàng tiếp thu và sửa đổi với tinh thần không vì thế mà oán ghét hay im lặng trước những góp ý phê bình đối với bản thân. Nếu các góp ý, phê bình với mình chưa đúng, thì cần bình tĩnh, khiêm tốn để trình bày, để giải thích và làm rõ hơn để người phê bình cùng thông tỏ.
Vận dụng nguyên tắc phê bình và tự phê bình của Bác
Tại Chi bộ 31, Đảng ủy Trụ sở chính (TSC) Vietcombank công tác phê bình và tự phê bình đã luôn được các đảng viên linh hoạt, uyển chuyển vận dụng và được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc trong sinh hoạt chi bộ cũng như công tác xây dựng Đảng.
Việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; nêu cao tinh thần tự giác, tự kiểm tra, tự phê bình và phê bình trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ chính sách pháp luật của Nhà nước, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức.
Để vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng nhằm góp phần xây dựng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trong thời gian tới, các đảng viên tại Chi bộ 31 cần tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề phê bình và tự phê bình. Để thấy rằng việc cần kíp và luôn cần nêu cao tinh thần rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, tạo động lực xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú về vai trò, ý nghĩa của công tác phê bình và tự phê bình, qua đó có tinh thần tự giác, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện. Mỗi đảng viên phải gương mẫu, đi đầu để quần chúng, đặc biệt là quần chúng ưu tú lớp kế cận noi theo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc thực hiện phê bình và tự phê bình. Coi việc kiểm tra, giám sát là một nguyên tắc không thể thiếu trong công tác sinh hoạt, xây dựng Đảng. Việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện tốt nguyên tắc phê bình và tự phê bình sẽ góp phần củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cách đây vừa tròn 60 năm, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1963, trên báo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết: Đoàn kết tiến lên, giành thắng lợi mới. Trong bài viết, Bác chỉ rõ: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí”, “mỗi Chi bộ của Đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng…”. Cũng năm này, vào ngày 01/4/1963, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được thành lập. Tự hào với truyền thống lịch sử 60 năm lớn mạnh cùng đất nước, Vietcombank ngày nay có đội ngũ lãnh đạo bản lĩnh, xuất sắc và với gần 23 nghìn cán bộ, đảng viên và nhân viên ngày càng được trẻ hóa, có năng lực hoạt động đa năng trong môi trường kinh doanh hiện đại, luôn khát khao cống hiến để đóng góp giá trị thiết thực cho cộng đồng, xã hội, luôn khát khao đưa ngân hàng lớn mạnh, vươn xa và không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới.
Không chỉ tạo dựng nên một thương hiệu ngân hàng lớn mạnh, uy tín và hiện đại, mà còn hình thành tính cách, bản sắc văn hóa riêng có của Vietcombank với 5 giá trị cốt lõi: Tin cậy - Chuẩn mực - Sẵn sàng đổi mới - Bền vững - Nhân văn. Với kết quả được thừa hưởng từ các thế hệ cán bộ đi trước, với tinh thần đoàn kết, mang đậm bản sắc văn hóa riêng có của Vietcombank, với dấu mốc lịch sử 60 năm xây dựng, phát triển của Vietcombank đã khắc ghi những giai đoạn phát triển rực rỡ, thăng hoa, qua đó khẳng định vị trí dẫn đầu đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận.
Qua đây, chúng ta có thể thấy những tinh hoa và những giá trị lớn lao mà Bác Hồ để lại cho các thế hệ con cháu, chính là kho tàng trí thức vô tận. Vì vậy, mỗi chúng ta, vô cùng biết ơn và không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức để vận dụng vào cuộc sống, vào công việc hàng ngày góp phần chung tay xây dựng Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank ngày càng phát triển, trường tồn và tỏa sáng.
Chi bộ 31, Đảng ủy Trụ sở chính Vietcombank