.
.

Bài dự thi giải Búa Liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

VINATABA Cát Lợi học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về "thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh

Thứ Sáu, 24/11/2023|13:32

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người là tấm gương mẫu mực về thực hành những chuẩn mực đạo đức đó. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, lời dạy về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Người càng thiết thực và có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lao động và quần chúng nhân dân.

Hiểu về tiết kiệm, chống lãng phí?

Có thể nói, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người nói chung và của người Việt Nam nói riêng. Nói về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực tuyệt vời, một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ở Người không chỉ thấy trong lời nói, mà ngay cả trong hành động và sinh hoạt hằng ngày từ ăn, ở, mặc, đi lại, làm việc,... đều toát lên một lối sống vô cùng giản dị. 

“Kiệm”, trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã nhắc tới, đây là 1 trong 4 đức tính làm nên con người cách mạng, đó là “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Việc thực hành tiết kiệm đã được thể hiện trong lời nói, trong các bài văn, trong cách sinh hoạt, làm việc,… hàng ngày của Người. Khi bàn về tiết kiệm của cải, tiền bạc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là tiết kiệm[1]. Nếu việc đáng tiêu mà không tiêu, luôn “coi tiền to như cái nống” thì đó là bủn xỉn, chứ không phải là tiết kiệm. Tiết kiệm phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không phải một dân tộc nghèo mới tiết kiệm, mà ngay cả các nước giàu cũng cần phải tiết kiệm. Tiết kiệm ngay cả trong thời chiến, cũng như trong thời bình.

Tiết kiệm được Hồ Chí Minh định nghĩa ngắn gọn: “Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi[2]. Theo định nghĩa đó, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn lực để tăng sức mạnh toàn diện của đất nước. Theo Người: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp”, bởi “nếu ta khéo tiết kiệm sức người, sức của và thời giờ, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cùng tăng gấp bội. Đó là một sự thực chắc chắn, chứ không phải lý luận cao xa. Kinh nghiệm của các nước bạn đã tỏ rõ như vậy”.

Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí, xa xỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”. Lãng phí được Người chỉ rõ, là tiêu dùng bữa bãi; lãng phí tập trung vào 3 loại: lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của Nhân dân, đất nước. Người chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”. Người nhiều lần nhấn mạnh: tham ô, lãng phí và quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa. “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta, chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy…”. Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiến của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong Nhân dân, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, có thể rút ra khái niệm chung nhất về tiết kiệm, đó là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định.

Tiết kiệm, chống lãng phí đã được Hiến pháp năm 2013 quy định tại điều 56: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh “những kết quả cụ thể, rõ rệt” khi đề cập đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí.

Làm gì để tiết kiệm, chống lãng phí?

Thấm nhuần lời dạy Bác, trong những năm qua, Chi bộ công ty Cổ phần Cát Lợi luôn nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, trong bối cảnh như hiện nay, khi mà tình hình cuộc chiến giữa Nga và Ukraina vẫn còn diễn biến phức tạp sẽ kéo theo xung đột địa chính trị tại nhiều khu vực, các nền kinh tế lớn trên thế giới có khả năng suy thoái, lạm phát gia tăng, dự báo sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính và tiêu dùng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, một số loại vật tư chính bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng chi phí năng lượng, sự thiếu hụt nguyên liệu đầu vào sẽ gây khó khăn trong việc cung cấp sản phẩm cho các khách hàng của Công ty. Chính vì vậy, Chi bộ công ty Cổ phần Cát Lợi càng chú trọng hơn nữa vào công tác thực hành tiết kiệm, gắn nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của từng đơn vị, từng cán bộ, Đảng viên, công nhân viên.

Để công tác “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đạt được hiệu quả cao, Chi bộ công ty Cổ phần Cát Lợi đã quán triệt và chú trọng đẩy mạnh hoạt động tập trung tiết kiệm chi phí. Chi bộ xác định công tác tuyên truyền rất quan trọng. Làm thế nào để nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí đến từng cán bộ, Đảng viên, công nhân viên. Thông qua các cuộc họp chi bộ, họp sản xuất và qua mạng xã hội zalo, chi bộ thường xuyên đề cập đến việc thực hành tiết kiệm, gắn với những thông điệp “tiết kiệm đồng nghĩa là giữ lại thu nhập” hay “mỗi tờ thành phẩm lỗi, bỏ đi là mất đi một phần thu nhập” để mỗi cán bộ, Đảng viên hiểu rằng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là mang lại sự ổn định về thu nhập. Thông qua công tác tuyên truyền, mỗi cán bộ, Đảng viên, công nhân viên đã có những nhận thức rõ hơn về vị trí, công việc của mình trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhân viên vận hành máy kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất
Nhân viên vận hành máy kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất

Trong khâu sản xuất, thời gian qua, mỗi nhân viên vận hành vừa thực hiện công việc vận hành máy, đồng thời cũng là một nhân viên kiểm soát chất lượng, thực hiện tuân thủ đúng quy trình, từ khâu kiểm tra máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đến kiểm soát chất lượng sản phẩm, từ đó hạn chế sai sót trong quá trình sản xuất, đồng thời giảm chi phí cho sản phẩm lỗi, không phù hợp.  

Bên cạnh đó, để công tác “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đạt hiệu quả tối ưu nhất, Chi bộ Công ty cổ phần Cát Lợi đã thực hiện giao cho các phòng ban, đơn vị trực thuộc điều chỉnh một số công tác chuyên môn. Trong đó, đối với công tác điều độ sản xuất: Chi bộ chỉ rõ bộ phận điều độ sản xuất cần phối hợp chặt chẽ với phòng tiêu thụ thị trường xác định nhu cầu khách hàng đối với từng sản phẩm, đưa ra dự báo tiêu thụ hàng hóa, từ đó xác định rõ mục tiêu sản xuất và tiến hành lập kế hoạch sản xuất, phối hợp linh hoạt với phòng ban liên quan, đảm bảo rằng các tài nguyên như lao động, máy móc, nguyên vật liệu và thời gian được sử dụng một cách tối ưu để tạo ra hiệu suất và năng suất cao. Trong thời gian qua, tỷ lệ dừng máy, đổi sản phẩm liên tục giảm qua các năm, cho thấy rằng, công tác điều độ sản xuất đã có những hiệu quả tích cực, từ đó giảm thiểu được chi phí đổi sản phẩm, giảm được thời gian lao động, giúp cán bộ Đảng viên, công nhân viên, có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động mà vẫn đảm bảo được thu nhập.

Đối với lĩnh vực “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, thời gian qua, Chi bộ đã và đang triển khai phòng tổ chức hành chính tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động đổi mới, áp dụng thành thạo công nghệ, đồng thời chủ động cải tiến quy trình nội bộ để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả, cũng như năng suất công việc. Ngoài ra, Chi bộ định hướng phòng tổ chức hành chính thực hiện công tác định biên lao động, xúc tiến xây dựng quy trình định biên lao động từ việc xác định nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong tương lai đến việc đánh giá thực trạng nguồn nhân lực tại công ty, từ đó đưa ra quyết định tăng, giảm nhân sự để có kế hoạch định biên hợp lý. Chi bộ nhận thấy, việc định biên nhân sự góp phần quan trọng trong việc tối ưu hiệu suất làm việc của cán bộ, Đảng viên, công nhân viên và phân chia vai trò của từng nhân viên rõ ràng, chi tiết hơn. Nhờ đó, công ty có thể giảm những nhân sự không mang lại hiệu quả, tránh lãng phí chi phí và công năng trong quá trình làm việc.

Đồng thời, Chi bộ Công ty Cổ phần Cát Lợi còn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số như: Số hóa dữ liệu, số hóa quy trình nghiệp vụ; Đẩy mạnh tương tác trên không gian số; Áp dụng công nghệ mới và tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giám sát... Trong thời đại CMCN 4.0, công nghệ số chính là xu hướng tất yếu. Vì vậy, chi bộ đánh giá công ty cần có sự đổi mới, cập nhật liên tục và ứng dụng công nghệ cao vào quy trình vận hành để nâng cao hiệu suất nhằm mang đến lợi nhuận tốt nhất. Trong những năm gần đây, Chi bộ Công ty Cổ phần Cát Lợi luôn chú trọng lựa chọn, áp dụng các giải pháp công nghệ số thích hợp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điểm nhấn trong các giải pháp này là việc triển khai áp dụng phần mềm FASF (Factory Smart Forms & Checklist) vào quy trình sản xuất sản phẩm cây đầu lọc. Đây là phần mềm giúp số hóa các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, xây dựng hệ thống tự động hóa, tối ưu trong việc phân tích và quản trị dữ liệu. Kiểm soát tổng thể tiến độ của các quy trình sản xuất trên nền tảng website và mobile. Tự động tổng hợp báo cáo hàng ngày, hàng tuần, hàng quí. Với việc áp dụng phần mềm FASF, dữ liệu được hệ thống tự động thu thập, hạn chế đến mức thấp nhất sự sai sót từ quá trình nhập liệu thủ công. Từ những số liệu thu thập được trên hệ thống, trực quan hóa thành dạng Dashboard, phân tích ưu, nhược điểm, điểm làm được, chưa làm được trong quá trình sản xuất. Từ đó đưa ra các kế hoạch nhằm cải thiện quy trình sản xuất hướng đến đạt hiệu quả tối ưu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, từ các thông số máy móc sản xuất, ứng dụng phân tích dữ liệu, FASF đưa ra các phân tích và cảnh báo thời gian bảo hành, bảo dưỡng máy móc đúng lúc, giảm thiểu tình trạng ngừng máy xảy ra.

Nhân viên kiểm soát chất lượng sản phẩm cây đầu lọc thông qua phần mềm FASF
Nhân viên kiểm soát chất lượng sản phẩm cây đầu lọc thông qua phần mềm FASF

Sau thời gian áp dụng, FASF giúp loại bỏ một lượng lớn khối lượng công việc không cần thiết và tiết kiệm thời gian cho nhân viên vận hành, người phê duyệt, các cấp quản lý, song song đó, tiết kiệm một phần không nhỏ chi phí văn phòng phẩm như giấy, bút, mực in…phục vụ quá trình ghi chép, nhập liệu và khoản chi dành cho đội ngũ nhân viên nhập liệu. Trong thời gian tới, công ty đang định hướng sẽ tiếp tục áp dụng phần mềm FASF vào quy trình sản xuất sản phẩm in bao bì, giấy sáp.

Việc áp dụng phần mềm FASF vào quy trình sản xuất cùng với việc triển khai hệ thống kiểm soát vào ra, tích hợp hệ thống chấm công, giữ xe, số hóa việc chấm công tự động, quản lý dữ liệu khách hàng, nhân viên vào ra công ty cùng những phần mềm ứng dụng khác đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây còn là tiền đề quan trọng để Chi bộ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số toàn diện, đáp ứng các mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Áp dụng công nghệ hóa cũng tối ưu hóa năng suất nhân viên, giúp công ty giảm tải những công việc thủ công, nhân viên có thể giảm tải khối lượng công việc, dành thời gian tập trung vào chuyên môn và những công việc nâng cao, có giá trị cao hơn, từ đó tăng cường lực lượng lao động với chi phí thấp, hiệu quả cao.

Ngoài ra, Chi bộ Công ty Cổ phần Cát Lợi còn thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, đảm bảo trọng tâm, hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm pháp luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như tăng cường công tác kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xuất phát phần nhiều từ nhận thức chứ không phải trong hành động. Đặc thù của công ty, mỗi tờ thành phẩm hay mỗi điếu đầu lọc giá trị không lớn nên vẫn còn ý nghĩ “bỏ vài tờ cũng chẳng sao”, mặc dù sản phẩm không bị lỗi, hoặc có những tư tưởng “tiết kiệm vài tờ giấy, cây bút có thấm vào đâu”… Đây chính là tư tưởng cần phải loại bỏ, vì chính việc dễ dãi với những thứ nhỏ sẽ dần hình thành nên thói quen xấu trong tính cách, hành xử của mỗi người đối với tập thể, với công việc. Khi loại bỏ được những hạn chế trong nhận thức thì tiết kiệm, chống lãng phí không khó!

Bằng những việc làm trong thời gian qua cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập và làm theo lời dạy của Bác, Chi bộ Công ty Cổ phần Cát Lợi đã và đang triển khai có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với truyền thống đoàn kết vượt khó, chắc chắn rằng tập thể chi bộ Công ty Cổ phần Cát Lợi cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên sẽ tạo ra những kết quả tốt đẹp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần đóng góp vào thành tích chung của Tổng công ty.

Phạm Chí Linh

Chi bộ công ty Cổ phần Cát Lợi

 

.
.
.
.