Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương
Nhân kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9, chiều 27/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Khối và lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đại diện cho gần 79 nghìn đảng viên và 1,3 triệu lao động trong toàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. |
Tại buổi gặp mặt, thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối đã báo cáo tóm tắt với Chủ tịch nước về một số kết quả chủ yếu trong hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ I, nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Theo báo cáo, thời gian qua, Đảng ủy Khối đã có nhiều đổi mới trong phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị để các cấp ủy trong doanh nghiệp trong Khối tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị tại các đơn vị. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp, không ổn định của kinh tế thế giới cũng như khó khăn của nền kinh tế trong nước, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng duy trì và đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn có hiệu quả.
Chủ tịch nước nói chuyện thân mật với các đại biểu. |
Kết quả, so với năm 2011 tổng doanh thu các đơn vị trong Khối năm 2013 tăng 8,3% lên hơn 1.800.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng 34% lên 1.034.588 tỷ đồng; tổng lợi nhuận tăng 25,7% lên hơn 90.000 tỷ đồng. Đặc biệt, việc đóng góp cho ngân sách nhà nước liên tục tăng, năm 2013 đạt trên 297 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,6% tổng thu ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách Nhà nước. Hằng năm Khối doanh nghiệp Trung ương đóng góp hơn 30% tăng trưởng GDP của cả nước, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho 1,3 triệu người lao động; đồng thời thực hiện nhiều công trình trọng điểm quốc gia...
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối đã khẳng định được vị trí trách nhiệm là những doanh nghiệp Nhà nước có vai trò nòng cốt, đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và thực hiện nghị quyết 30a-NQ/CP của Chính phủ. Kết quả trong hơn 5 năm qua, Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương đã tham gia hỗ trợ an sinh xã hội 10.500 tỷ đồng; đảm bảo việc làm, thu nhập cho 1,3 triệu người lao động, với mức thu nhập bình quân của đơn vị thấp nhất là 1,3 triệu đồng/tháng và đơn vị cao nhất là hơn 11 triệu đồng/người/tháng....
Đại biểu dự buổi gặp mặt. |
Bên cạnh những kết quả trên, hoạt động của các đơn vị trong Đảng bộ Khối trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế như chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư của nhà nước; năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa có thương hiệu mang tầm khu vực; có đơn vị còn tỷ lệ nợ trên vốn cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Tại buổi gặp mặt, đại diện đảng ủy các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện, dầu khí, cao su, than - khoáng sản, ngân hàng đã báo cáo với Chủ tịch nước về những kết quả, những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Đồng thời đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét và có ý kiến với Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành Đề án mô hình tổ chức của đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại Nhà nước; quy định về phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước; quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng ủy cấp trên cơ sở trong đảng bộ Khối; chỉ đạo đẩy nhanh việc nghiên cứu thành lập cơ quan thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với các doanh nghiệp Nhà nước, qua đó tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong doanh nghiệp; chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là về cổ phần hóa, thoái vốn, giải quyết lao động dôi dư...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, từ khi đất nước đổi mới, doanh nghiệp Khối Nhà nước đã phát triển nhanh, đóng góp GDP cho đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, dù vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, nhưng chỉ số chất lượng tăng trưởng của doanh nghiệp Nhà nước lại giảm. Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt, còn nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không hiệu quả.
Chủ tịch nước tặng quà lưu niệm Đảng ủy Cơ quan Đảng ủy Khối. |
Chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ, trước các dấu mốc thời gian mở cửa hội nhập theo các hiệp định mà Việt Nam cam kết đang đến gần, sức ép cạnh tranh và thách thức ngày càng lớn. Do đó, doanh nghiệp Nhà nước cần phải tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường mới ở ngoài nước, đồng thời giữ được thị trường trong nước, phấn đấu khẳng định thương hiệu Việt trong khu vực và trên trường quốc tế. Cùng với nâng cao sức cạnh tranh bằng ứng dụng khoa học công nghệ, các doanh nghiệp Nhà nước cần chủ động nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp phụ trợ...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cần khẩn trương rà soát, tính toán, cơ cấu lại khối tài sản để tổ chức sản xuất kinh doanh thực sự hiệu quả. Chủ tịch nước cho rằng trong tương lai gần, doanh nghiệp Nhà nước phải có lộ trình giảm tỷ lệ tài sản sở hữu nhưng phải duy trì đóng góp tăng, làm cho cả nền kinh tế có bước chuyển biến mạnh.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong quá trình hoạt động, nếu phát sinh vướng mắc, lãnh đạo các doanh nghiệp cần chủ động tháo gỡ. Đồng thời, cần thường xuyên, tích cực tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng đường lối phát triển phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, doanh nghiệp cần chú ý thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong quản lý để phát huy quyền làm chủ của người lao động, đồng thời giúp các cơ quan chức năng giám sát nắm vững tình hình, kịp thời có giải pháp hỗ trợ, đảm bảo để doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững./.
Nhật An